THIỀN VÀ THỞ
25/10/2020
TÌNH TRẠNG SA SÚT TRÍ NHỚ
28/10/2020
THIỀN VÀ THỞ
25/10/2020
TÌNH TRẠNG SA SÚT TRÍ NHỚ
28/10/2020

Trong giòng chảy bộn bề của xã hội, với những xáo trộn khủng khiếp của dịch bệnh, khó khăn kinh tế và thiên tai nhân tai cuồn cuộn kéo đến, đã xua đi phần nào những lo lắng, hoang mang và bất lực khi mà những áp lực về cuộc sống hòa nhập vẫn đè nặng lên đôi vai của những bậc phụ huynh trẻ Đặc Biệt.

Đã không ít người sau giai đoạn phát hiện những khó khăn về ngôn ngữ và giao tiếp, để đưa con đi can thiệp sớm, những tưởng sự bình yên sẽ dần dần đi vào nề nếp. Thế nhưng sau khi con đã khá hơn với những tiến bộ về nhận thức, hành vi để có thể bước vào cánh cửa của giáo dục hòa nhập , thì giờ đây dưới ảnh hưởng của dịch bệnh, của áp lực học tập theo chương trình mới, các em không còn được hỗ trợ cho việc học một buổi, buổi chiều có thể tiếp tục các hoạt động can thiệp những gì còn yếu, chưa thật đáp ứng các yêu cầu của ngôi trường bình thường.  Các em phải nỗ lực hơn để có thể “chịu đựng” một áp lực học tập như một trẻ bình thường trong chương trình bán trú . Nếu muốn hưởng được những sự ưu đãi thì phải có giấy xác nhận tình trạng khuyết tật học tập của địa phương.

Vấn đề là tùy vào nhà trường và tùy vào địa phương mà các em sẽ có được những cảm thông hay những hạn chế , thập chí có thể bị loai trừ mặc dù theo một kế hoạch của bộ GDĐT vào năm 2013 thì đến năm 2010 sẽ có khoảng 70% trẻ khuyết tật được đi học . Tuy nhiên, ai cũng biết sự khác biệt lớn lao giữa một trẻ khuyết tật về thể chất do các khiếm khuyết của giác quan, và một trẻ khuyết tật về trí tuệ với những hạn chế về nhận thức, ngôn ngữ, giao tiếp và hành vi.  Ngay trong  các dạng trẻ khuyết tật trí tuệ cũng có sự khác biệt giữa một trẻ chậm phát triển và một trẻ tự kỷ hay rối loạn phát triển. Trong khi đó để có thể tham gia trong hệ thống giáo dục chính thống với sự hỗ trợ về giáo dục, thì gia đình các em phải có được tờ giấy xác định khuyết tật căn cứ theo thông tư số 37/2012/TTLT ban hành ngày 28/12/2012 . Tuy nhiên, để có thể thành lập một Hội đồng thẩm định mức độ khuyết tật thì phải quy tụ đủ các thành phần quan chức, cơ quan , ban ngành, đoàn thể tại địa phương từ chủ tịch UBND Huyện/xã – Trưởng trạm Y tế cho đến cả chủ tịch hội PN hội cựu chiến binh, đoàn Thanh niên . Mà ai cũng biết hầu như rất khó có thể sắp xếp thời gian phù hợp để 8 thành viên có thể ngồi lại để đánh giá, xét duyệt .. trong khi lẽ ra chỉ cần một ông Y / bác sĩ trưởng trạm y tế và lẽ ra phải có được hai nhân vật cần thiết là một chuyên viên tâm lý lâm sàng và một chuyên viên giáo dục đặc biệt. Chính 2 nhân vật này mới có đủ trình độ chuyên môn để chẩn đoán xác định tình trạng khuyết tật hay rối loạn phát triển cho trẻ .

Do đó, Phụ huynh lại phải chạy đến các bệnh viện, các trung tâm để chẩn đoán, đánh giá rồi sau đó mang các giấy tờ về địa phương để chờ đến ngày thành lập được hội đồng đánh giá và dĩ nhiên là tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa.  Thế nhưng, vấn đề không chỉ nằm ở đó, mà đặc biệt với các bạn có mức độ khuyết tật nhẹ, hay chính xác hơn là tình trạng nhận thức về học vấn kém hay có tình trạng khuyết tật học tập ( chỉ yếu kém một số môn hay khả năng đọc, viết, tính toán ) thì thực sự khó thuyết phục nổi “cảm nhận” của hội đồng thẩm định, trong khi đó với các bạn có mức độ nặng, khả năng thẩm định dễ hơn, thì có khi phụ huynh đã chấp nhận tình trạng con của mình, và yên tâm gửi các trung tâm giáo dục chuyên biệt,  đâu cần đến giấy chứng nhận khuyết tật làm gì ?

Có nhiều em ở mức độ “chấp nhận” được, sau thời gian can thiệp có thể đi học hòa nhập ở lớp Một, nhưng khi đến lớp Hai hay lớp Bốn, Năm thì đuối sức, không thể theo được chương trình bình thường. Nếu muốn được nhà trường thông cảm, cho phép được học theo chế độ giảm nhẹ hay có giáo viên hỗ trợ, thì phải có giấy chứng nhận mức độ khuyết tật. Và đến đây..bi kịch xuất hiện, để cuối cùng có một cái kết thúc không ai mong muốn : Trẻ không theo học được ở trường bình thường, cũng không thể quay về trường chuyên biệt để can thiệp vì đã lớn tuổi cũng như với mức độ “nửa chừng xuân” ngoài một số kỹ thuật “can thiệp” trị liệu – còn cần đến các kiến thức về các bộ môn như Tiếng Việt , Toán và các môn Khoa học tự nhiên, nhưng lại phải được hướng dẫn riêng theo một số kỹ thuật đặc biệt. Điều này không phải trường chuyên biệt nào cũng có tổ chức các lớp như vậy, và cũng không có một đội ngũ có khả năng chuyển tải các kiến thức học đường bình thường nhưng một cách chuyên biệt cho các bạn “nửa hồn thương đau” này !

Bởi vì, cho đến nay thì nhu cầu can thiệp sớm cho các trẻ có chẩn đoán tự kỷ hay chậm phát triển, tăng động kém chú ý vẫn còn rất nhiều, mà đại dịch Covid đợt I đã quét đi một số cơ sở tư nhân không đủ sức bám trụ , và nếu có thể tồn tại cũng phải chuyển đổi nhiều hình thức can thiệp. Do đó, các cơ sở chấp nhận các trẻ lớn, có mức độ rối loạn nhận thức, hành vi nhẹ và cần được hỗ trợ bằng các phương pháp Giáo dục tương đương với các lớp Ba, Bốn, Năm … chắc chắn là sẽ là thiểu số, thậm chí sẽ có nhiều địa phương không thể tổ chức được. Trong khi đó thì các cơ sở Giáo dục Đặc Biệt lại hết sức đa dạng và có những chênh lệch, khác biệt về năng lực, trình độ chuyên môn khá lớn.

Chính sự đa dạng trong hoạt động giáo dục đặc biệt, vừa đáp ứng được nhu cầu xã hội, nhưng cũng vừa tạo là những khoảng trống, hay tình trạng “có đầu vào mà không có đầu ra” hoặc giải quyết các vấn nạn cho trẻ đặc biệt theo từng khúc – từng giai đoạn mà không có tính hệ thống, liên tục để có thể giúp cho một bạn có thể sau một quy trình can thiệp, dù ở mức độ nào cũng có thể có được một định hướng.

Nói về định hướng, thì có thể thấy rõ có hai khuynh hướng ! Một là cố gắng tối đa để can thiệp tích cực trong giai đoạn can thiệp sớm ở lứa tuổi mẫu giáo, để có thể đưa trẻ vào hệ thống giáo dục hòa nhập. Khuynh hướng thứ hai là với các trẻ không thể hòa nhập thì cố gắng đưa các bạn ấy vào con đường hướng nghiệp bằng các nghề nghiệp lao động đơn giản. Đây là hai khuynh hướng chủ yếu được tiến hành trong hàng chục năm nay . Thế nhưng, dù hòa nhập hay hướng nghiệp, thì cũng đều bộc lộ những khó khăn chưa vượt qua được.

Đối với khuynh hướng hòa nhập, như đã trình bầy ở trên, các em chỉ có thể đáp ứng được một hình thức giáo dục có chọn lọc, và giảm nhẹ các bộ môn không thiết yếu, đồng thời phải tăng cường thời gian hỗ trợ các kỹ năng sống để có thể thích nghi và tương tác được với môi trường xung quanh. Thế nhưng, với các chương trình giáo dục càng đổi mới, lại càng phức tạp và khó khăn mà ngay cả trẻ bình thường cũng đuối sức, học ngày học đêm, cả nhà học phụ mà cũng còn nhiều bất cập. Huống hồ gì một trẻ đặc biệt, có khi can thiệp chưa đi đến đâu, đã vội vàng “ném” vào môi trường hòa nhập và cuối cùng sau vài năm “vất vưởng” thì phải nói lời chia tay, không thể đáp ứng các tiêu chí ngày càng khó khăn của một nền giáo dục không có sự khoan dung và tôn trọng.

Đối với giao dục hướng nghiệp, thì hầu như chỉ sau khi thất bại ở môi trường hòa nhập, thậm chí là bỏ cuộc một vài năm, rồi mới tìm đến một cơ sở giáo dục can thiệp đặc biệt nào đó với đề nghị, hướng nghiệp cho cháu đi ! Trong khi đó, nếu đánh giá  mức độ nhận thức và phát triển của các bạn này, thậm chí đã trên 10 tuổi sinh lý, thì tuổi tâm lý hay tuổi khôn của các bạn có khi chỉ ở mức 5, 6 tuổi …. Và như vậy thì hướng cái gì, có cái nghề gì có thể dạy cho trẻ 5, 6 tuổi với tâm lý thích thì làm, buồn hay bực thì nghỉ … Giáo viên hướng nghiệp cũng phải khóc thét với các thanh niên chưa qua tuổi nhi đồng này !

Đó là chưa kể đến một nỗi niềm là có bao nhiêu cơ sở giáo dục hướng nghiệp cho trẻ đặc biệt có đủ các cơ sở vật chất, không gian và công cụ phù hợp cũng như có các giáo viên dạy nghề đáp ứng được hai tiêu chuẩn : Biết khả năng “can thiệp” và có năng lực nghề nghiệp tốt, có thể hướng dẫn các bạn này thực hành và tuân thủ các yêu cầu của từng loại nghề nghiệp khác nhau. Hầu như vẫn chỉ là những “hình thức’ mang tính cỡi ngựa xem hoa – hoặc chỉ loay hoay trong các nghề thủ công, mỹ nghệ mà khách hàng đa phần là mua để ủng hộ, để “làm phúc” với các “bé khuyết tật tội nghiệp” chứ ít có cơ sở nào dám ngẩn cao đầu với các mặt hàng “chất lượng cao” do các bạn VIP của mình thực hiện .  Vấn đề ở đây, không phải là không thể có, nhưng phải có những định hướng,tổ chức  rõ ràng và các biện pháp phối hợp với các nhân sự “chuyên nghiệp” trong lĩnh vực nghề nghiệp.

Cuối cùng, vấn đề tìm một “con đường tình ta đi” lại không thuộc về đứa trẻ, mà lại là cách nhìn nhận của phụ huynh và của xã hội. Ngay cả với các trẻ có mức độ rối loạn phát triển nhẹ, thì khả năng hội nhập xã hội qua con đường học vấn cũng không phải là một con đường bằng phẳng. Những kiến thức học đường, nếu không có sự chọn lọc và kỹ thuật hướng dẫn hiệu quả, sẽ không có ích gì cho các em dù ta có tìm đủ mọi cách để nhồi nhét.  Hãy nhìn vào đội ngũ hùng hậu của các em sinh viên “cử nhân” đại học đang thất nghiệp hàng loạt, thậm chí phải dấu luôn cái bằng đại học để đi làm một công nhân, nếu không muốn gia nhập đội ngũ “làm cho hãng nước ngoài, được đi đây đi đó” Rõ ràng, con em của chúng ta dù có đẩy, có kéo, có hỗ trợ tối đa thì cũng lên tới lớp 6 hay lớp 9 là ‘hết cốt” mà vẫn chưa có được một kỹ năng nghề nghiệp ra hồn thì chắc chắn sẽ bước vào cái nghề “nhà báo” để báo cả nhà !

Vì thế, với sức người có hạn của từng gia đình, cần có một sự tính toán bằng cái đầu lạnh chứ không phải chỉ với “trái tim nồng cháy yêu thương” để bất chấp những khó khăn “ không thể khắc phục” của các em, mà cứ mê mải đi tìm một “phương thuốc nhiệm màu” hay cứ đưa các em vào những cơ sở giáo dục chỉ làm được một việc là “giữ trẻ” với giá cao và quên mất hay lẫn tránh trách nhiệm hỗ trợ ở gia đình của bố mẹ!  Ngay cả các trường quốc tế, không phải trường nào cũng là một lối thoát an toàn cho các bạn, các bạn vào học năm thứ Nhất có thể thấy thoải mái, nhưng lần hồi càng lên cao thì áp lực càng cao, đặc biệt là áp lực về giao tiếp xã hội và thích nghi với môi trường đa văn hóa mà ngay cả trẻ bình thường nếu quá nhiều cảm xúc hay có tính hướng nội, cũng khó thích nghi kịp, để rồi lại bị cô lập trong một môi trường năng động, mà bố mẹ đã phải chấp nhận với một chi phí đầu tư không hề rẻ !  Đến một thời điểm nào đó, khi tình trạng đi đến mức độ “báo động” và nhà trường cũng không thể “nuốt được” để phải trả lại gia đình, thì lại phải đi tìm một cơ sở đếm trên đầu ngón tay để có thể giúp được cho con mình.

Chấp nhận –chấp nhận và chỉ có chấp nhận ! Gia đình chấp nhận tình trạng của con em mình, nhà trường chấp nhận các kế hoạch giáo dục hòa nhập hiệu quả và xã hội chấp nhận những tồn tại, khiếm khuyết không thể vượt qua được để từ đó có được những biện pháp ứng xử phù hợp với năng lực của các em trong chính gia đình mình. Các cơ sở giáo dục cũng đừng đặt ra cái ước mơ hòa nhập bằng con đường học vấn như một cái bánh vẽ, để rồi đánh trống bỏ dùi, khiến cho các em nửa đường gãy gánh . Xã hội cũng phải có một cái nhìn khoan dung, chấp nhận các em như một thành phần hiện hữu để không có sự kỳ thị trong đối xử kiểu thương hại hay làm phúc . Nhất là cần có những tổ chức phù hợp hơn , thực tế hơn thay vì những khẩu hiệu, những tiêu chí và những kế hoạch chỉ có giá trị …truyền thông trên TV vào những ngày lễ hội. dành cho trẻ tự kỷ hay người khuyết tật, mỗi năm cờ đèn, kèn trống vài lần rồi …qua năm sau lại làm !

Các em cần lắm sự định hướng trên một con đường, không phải là con đường hoa gấm hay chông gai, mà là con đường với những trải nghiệm đời thường một cách thực tế, với những kế hoạch cụ thể và đơn giản để được sự yêu thương thấu hiểu và tôn trọng,  như bất cứ một  đứa trẻ bình thường nào trong xã hội !. .

Lê Khanh .- TT Diệp Quang

 

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý