Cô có đánh con không ?
02/01/2012
Phát triển khả năng tư duy cho bé
09/01/2012
Cô có đánh con không ?
02/01/2012
Phát triển khả năng tư duy cho bé
09/01/2012

Đây là điều mà các bậc cha mẹ cần quan tâm, đặc biệt là đối với các bà mẹ thì việc xây dựng cho con một khẩu phần ăn vừa đạt yêu cầu về bổ dưỡng, vừa không quá tốn kém là một điều không phải là đơn giản.

Vì thế cần phải có sự hiểu biết để tránh những quan điểm sai lầm và lãng phí thời giờ trong việc chế biến thức ăn cho con, thì các bà mẹ vẫn có thể giúp con có những bữa ăn ngon lành bổ dưỡng, đôi khi lại khá rẻ tiền.


1.Giá trị của một số thực phẩm

Đây là điều đầu tiên mà các bà mẹ cần lưu ý là đối với thực phẩm, không nên có quan điểm cái gì đắt tiền là tốt, là bổ vì có nhiều loại thực phẩm “ngoại nhập” đắt tiền do thương hiệu, do nó là hàng ngoại, chứ nếu xét về phương diện bổ dưỡng thì có khi thua cả những loại cùng thứ do trong nước sản xuất, đặc biệt là với các loại trái cây, thực phẩm tươi sống hay thịt, cá …

Điều thứ hai là một chế độ dinh dưỡng tốt là một chế độ quân bình, không thể nào với một chế độ toàn rau củ quả hay toàn thịt, cá, bơ, sữa , bột lại có thể được xem là một chế độ dinh dưỡng tốt, nhất là với trẻ em.

Với người lớn, cơ thể đã hoàn thiện thì có thể duy trì một chế độ ăn kiêng hay ăn chay dài ngày, hoặc có thế áp dụng chế độ thực dưỡng theo phương pháp Oshawa, ăn toàn ngũ cốc và rau củ phơi, sấy khô … Điều này có thể giúp cho cơ thể “giải độc” hay tránh được một số bệnh tật. Nhưng đó không nên xem là một chế độ tối ưu cho trẻ em, khi cơ thể các em còn cần đến rất nhiều “tài nguyên” và năng lượng đến từ thịt, cá, sữa, trứng, bơ, mỡ … Thỉnh thoảng, chúng ta có thể cho các em ăn Chay, mang ý nghĩa về tôn giáo, hay ăn kiêng để làm cho cơ thể “nhẹ nhàng” hơn trong một vài hôm thì sẽ tốt hơn nhiều so với một chế độ ăn quá nhiều chất béo, đường, sữa nhưng cũng không thể kéo dài một chế độ ăn kiêng trên một tháng.

Hiện nay do điều kiện kinh tế được cải thiện nhiều, nhất là với các gia đình ở các thành phố lớn, thì việc bồi dưỡng cho trẻ một chế độ ăn uống đầy đủ chất bổ đã là điều khá bình thường, thế nhưng sự bất hợp lý trong cách ăn uống thì vẫn không được cải thiện, mà đôi khi còn trầm trọng hơn, khi trẻ con ăn uống dư thừa lại ít có cơ hội vận động, thường xuyên uống các loại nước ngọt có gaz, nước trái cây, sữa tươi và xem TV, chơi vi tính. Kết quả là tình trạng thừa cân, béo phì ngày càng nhiều, ngày càng được “trẻ hóa”. Điều đó, nếu đứng về phương diện dinh dưỡng thì cũng được xem là một tình trạng suy dinh dưỡng, nhưng lại là suy dinh dưỡng thừa (Thừa mà vẫn thiếu), và điều này đôi khi lại khó khắc phục hơn là tình trạng suy dinh dưỡng do ăn uống cam khổ, thiếu chất.

Điều cần thiết là các loại thức ăn cần đa dạng và phải có sự quân bình giữa các chất. Chúng ta không nên nghĩ rằng thịt, cá, trứng, sữa là những món ăn có giá trị dinh dưỡng cao, và trẻ cũng thích, nên cứ để cho trẻ ăn thoải mái, còn những loại như rau, củ, quả, cơm, bột mì .. trẻ không thích lắm nên cũng không cần phải buộc trẻ ăn. Thông thường, trẻ có thể thích ăn trong một bầu không khí vui vẻ, và với sự quan tâm của bố mẹ thì trẻ có thể sẽ ăn được nhiều loại thực phẩm khác nhau.


2.Tầm quan trọng của bữa ăn sáng

Bữa ăn sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày.  Điều này không chỉ là kinh nghiệm của những bà mẹ hiền biết cách chăm sóc bữa ăn cho con cái mà còn là một nguyên tắc quan trọng trong việc bảo vệ sức khoẻ mà những nghiên cứu khoa học gần đây đã chứng minh. Ăn sáng tốt sẽ giúp giảm cân, giảm nguy cơ những loại bệnh tiểu đường, tim mạch và cả ung thư ruột.  Những nhà khoa học cho rằng chế độ ăn sáng đầy đủ với nhiều carbohydrate phức hợp, nhiều chất xơ là chế độ ăn sáng tối ưu. Những sinh tố nhóm B và nhiều vi chất khác trong thực phẩm thô giúp tăng cường khả năng chuyển hoá của cơ thể.  Những hạt thô bao gồm nhiều sinh tố nhóm B và một số chất khoáng như magnesium, selenium cần thiết cho hoạt động thần kinh.  Ngoài ra, lượng chất xơ cao trong thức ăn thô còn giúp giải phóng từ từ lượng glucose –nguyên liệu chánh cho hoạt động của tế bào não- còn có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động trí tuệ.  Những nghiên cứu của bác sĩ Sarah Brewer, MA. cho biết những trẻ em ăn điểm tâm với ngũ cốc thô học tập tốt hơn so với những em không ăn loại thức ăn nầy.  Chúng biểu hiện nhiều khả năng sáng tạo hơn, sử dụng từ phong phú hơn và khả năng giải các bài tập cũng tốt hơn các trẻ khác.

Một bữa ăn sáng tốt không nhất thiết phải là bữa ăn với toàn ngũ cốc hoặc phải ăn chay.  Các chuyên gia dinh dưỡng phương Tây phân loại 2 chế độ ăn cơ bản.  Chế độ ăn khôn ngoan, có chọn lọc (prudent pattern) gồm nhiều hạt toàn phần, rau quả, củ, cá, một ít thịt trắng như gà, vịt.  Chế độ ăn phương Tây (Western pattern), là chế độ ăn điển hình của người Mỹ hiện nay, gồm các sản phẩm từ sữa có nhiều chất béo, ngũ cốc tinh lọc, đồ ngọt, thịt chế biến, thịt đỏ như thịt bò, heo và khoai tây chiên.  Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh nên bao gồm khoảng từ 50 đến 60% carbohydrate phức hợp.  Ngoài ra, bạn vẫn có thể ăn một ít cá, thịt, giảm bớt các loại thịt đỏ và chất béo động vật, điều quan trọng là nên thay thế chất bột đường hàng ngày trong bữa điểm tâm bằng các loại hạt toàn phần như gạo lức, bắp, đậu, mè và tráng miệng bằng 1 quả chuối hay táo là đủ cho một bữa ăn sáng có chất lượng.  Vấn đề còn lại là sự khéo léo của những người nội trợ trong việc chế biến ra các món ăn từ các loại  hạt hay bột thô hợp với khẩu vị của các thành viên trong gia đình.

3.Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Bữa ăn hợp lý phải bảo đảm đủ các thành phần dinh dưỡng. Đạm, béo, đường, vitamin và muối khoáng phải ở tỷ lệ cân đối. Không nên để sẵn bánh kẹo, nước ngọt trong tủ lạnh, tạo điều kiện cho trẻ sử dụng thoải mái khi thích vì khi dùng các loại thức ăn có lượng đường cao, trẻ sẽ có cảm giác “no giả tạo” nên không muốn ăn các thứ giàu dinh dưỡng khác. Đó là chưa kể đồ ngọt sẽ gây sâu răng. Nên cho trẻ ăn theo bữa và không nuông chiều quá mức.


Thực đơn gợi ý cho trẻ 5 tuổi trong tuần gồm:

Giờ

Thứ 2, 4

Thứ 3, 5

Thứ 6, CN

Thứ 7


6h

Sữa (bò, đậu nành): 200-250 ml, bánh mì: nửa cái

Cháo thịt heo: 300ml (1 bát con) Chuối tiêu: 1 quả

Phở bò: 1 bát to
Đu đủ: 1 miếng (300g)

Cháo thịt gà: 1 bát to
Quýt ngọt: 1 quả

11h

Cơm
Đậu + thịt + trứng viên rán hoặc hấp
Canh cua rau đay
trái cây tráng miệng

Cơm
Thịt viên sốt cà chua
Canh rau ngót nấu thịt nạc
trái cây tráng miệng

Cơm
Trứng trộn thịt rán
Canh cá nấu chua
Rau muống xào
trái cây tráng miệng

Cơm
Cá sốt cà chua
Canh cải nấu tôm
trái cây tráng miệng

14h

Súp thịt bò khoai tây

Súp đậu xanh bí đỏ

Cháo tôm

Cháo lạc + bí đỏ


18h

Cơm

Thịt bò xào giá
Canh rau muống nấu thịt
trái cây tráng miệng

Cơm
Thịt kho
Canh cải nấu cá
trái cây tráng miệng

Cơm
Trứng sốt cà chua
Canh cua rau ngót
trái cây tráng miệng

Cơm
Cà bung
Thịt nạc xào su su
trái cây tráng miệng

20h

Cháo trứng

Cháo gan (gà, heo)

Sữa (bò, đậu nành) 200ml

Cháo thịt heo

 

 Chất đạm: Đây là chất rất cần cho sự phát triển cơ thể trẻ, đặc biệt là các tế bào não. Với trẻ nhỏ cần ưu tiên các loại đạm động vật như: thịt, sữa, trứng, cá , tôm. . . vì chúng có giá trị cao, có đủ các axit min cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ, ngoài ra đạm động vật còn giàu các yếu tố vi lượng như sắt, kẽm, vitamin A giúp cho cơ thể trẻ khoẻ mạnh, tăng sức đề kháng với bệnh tật. Lượng đạm động vật trong khẩu phần ăn của trẻ nên đạt từ 50 – 60 %. Tuy nhiên nếu phối hợp tốt đạm động vật với đạm thực vật (đậu đỗ, vừng, lạc…) sẽ tạo nên sự cân đối giúp hấp thu và sử dụng đạm tốt hơn. Chất đạm rất cần thiết vì thiếu đạm sẽ làm cho trẻ chậm lớn, kém thông minh, nhưng nếu cho trẻ ăn quá nhiều đạm cũng không tốt vì gây gánh nặng cho gan, thận. Mặt khác, trong quá trình tiêu hóa chất đạm tạo ra nhiều sản phẩm gây thối rữa, độc hại. Trong bữa ăn của trẻ chất đạm chỉ phát huy tác dụng cao khi có đủ năng lượng.

Chất béo: Dầu mỡ vừa cung cấp năng lượng cao, làm tăng cảm giác ngon miệng lại giúp trẻ hấp thu và sử dụng tốt các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, vitamin D, vitamin E, vitamin K. . . rất cần cho trẻ . Mỡ lợn, mỡ gà rất tốt cho trẻ vì trong thành phần các loại mỡ đó có các axit béo không no cần thiết như: axit lioleic, axit liolemc, axit arachidonic rất cần thiết cho quá trình phát triển của các em.

Chất khoáng: Các chất khoáng rất cần cho sự tạo xương, tạo răng, tạo máu và các hoạt động chức năng sinh lý của cơ thể. Ở lứa tuổi này thì Calci và phostpho rất quan trọng, hàng ngày trẻ cần 400 – 500mg can xi. Can xi có nhiều trong sữa và các loại nhuyễn thể (tôm, cua, ốc, trai…), photpho có nhiều trong các loại lương thực, ngũ cốc. Cần có một tỷ lệ thích hợp giữa can xi và photpho mới giúp trẻ hấp thu và sử dụng được hai loại khoáng chất này. Tỷ lệ tốt nhất giữa can xi/ photpho = 1/1,5. Chuyển hóa can xi và photpho trong cơ thể được điều hòa bởi vitamin D, vitamin D thường có trong lòng đỏ trứng, thịt , gan và dưới tác dụng của ánh nắng mặt trời tiền vitamin D sẽ chuyển hóa thành Vitamin D. Vì vậy ngoài ăn uống đủ, thỉnh thoảng cần cho trẻ ra ngoài tắm nắng.

Chất sắt rất cần cho sự tạo máu, sắt còn tham gia vào thành phần nhiều men quan trọng trong cơ thể. Mỗi ngày trẻ cần được cung cấp 6 – 7 mg sắt qua thức ăn. Nguồn sắt tốt có trong thức ăn động vật là các nội tạng: tim, gan, cật. Còn ở thức ăn thực vật là đậu đỗ và các loại rau có màu xanh sẫm. Sắt có trong thức ăn động vật hấp thu tốt hơn trong thức ăn thực vật, nhưng trong rau quả lại có nhiều Vitamin C giúp cơ thể hấp thu và sử dụng sắt có hiệu quả hơn. Vì thế chúng ta cần ưu tiên cho nguồn thức ăn động vật, nhưng vẫn cần phối hợp với các đậu đỗ và rau quả nhằm đảm bảo đủ sắt cho cơ thể.

Vitamin: Mọi vitamin đều cần cho trẻ nhưng ở lứa tuổi này thì Vitamin A va C là quan trọng hơn. vitamin này rất cần cho sự phát triển bình thường của trẻ, cần cho sự tạo máu, tăng cường đề kháng chống đỡ với các yếu tố không thuận lợi. Các loại vita min A và C thường có trong các thực phẩm vật như trứng, gan. . . Rau quả có màu vàng, đỏ, da cam vừa là nguồn cung cấp caroten (tiền vitamin A) vừa là nguồn cung cấp vitamin C. Ðể đảm bảo nhu cầu vitamin cần cho trẻ ăn rau, quả thường xuyên. Trẻ chỉ cần ăn uống các loại rau, củ quả, nước ép trái cây, sữa, yaour cùng với thịt,cá, tôm… là đã có đủ các Vitamin cần thiết mà không cần phải uống thêm các loại thuốc bổ, đôi khi gây ra tình trạng thừa Vitamin, cũng tệ hại không kém gì chuyện thiếu!

 

Nên giúp trẻ sớm tập ăn nhai

            Hiện nay, một số bà mẹ cứ cho thức ăn của trẻ vào cối xay sinh tố để nghiền nhỏ thành một hỗn hợp bột mịn. Việc xay, nghiền nhỏ thức ăn chỉ tốt cho trẻ trong năm đầu, lúc chưa có răng hay răng còn ít. Nhiều bà mẹ đã sử dụng cối xay sinh tố để xay, nghiền thức ăn cho trẻ kéo dài đến 2-3 tuổi là không tốt, không tạo được cho trẻ cảm giác ngon miệng cũng như ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa và hấp thu. Khi trẻ lớn và đã có đủ răng, cần tập dần cho trẻ ăn nhai. Khi nhai, răng cửa và răng hàm đều hoạt động để cắt và nghiền thức ăn. Các cơ hàm cũng cùng làm việc, giúp hai hàm răng khít lại để cắt và nghiền thức ăn có hiệu quả.

 

Vai trò quan trọng của việc nhai đối với quá trình tiêu hóa thức ăn

            Vấn đề nhai đóng vai trò rất quan trọng đối với sự tiêu hóa của mọi thức ăn, vì các men tiêu hóa chỉ có tác dụng trên bề mặt của các phần tử thức ăn. Sự nghiền thức ăn thành các phần tử nhỏ rồi trộn lẫn với nước bọt sẽ giúp thức ăn vận chuyển dễ dàng trong đường tiêu hóa và các men tiêu hóa dễ hòa trộn vào thức ăn. Nhai sẽ kích thích sự bài tiết các men tiêu hóa, kích thích sự bài tiết nước bọt ở miệng, mà trong nước bọt có men ptyalin, có tác dụng phân giải tinh bột chín thành đường maltose; Kích thích bài tiết dịch vị ở dạ dày, trong đó có men pepsin, có tác dụng tiêu hóa chất đạm. Dưới tác dụng của men pepsin, phân tử chất đạm được cắt thành những chuỗi ngắn. Ngoài ra, men pepsin còn giúp tiêu hóa các sợi collagen, là một thành phần của mô liên kết nằm giữa các tế bào của thịt. Chỉ khi các sợi collagen đã được tiêu hóa thì các men tiêu hóa mới thấm được vào trong tế bào thịt để tiêu hóa. Ngoài các men tiêu hóa, dịch vị còn có một thành phần rất quan trọng là acid clohydric, có vai trò tạo môi trường acid thuận lợi cho men pepsin (men tiêu đạm) hoạt động, có tác dụng sát khuẩn (tiêu diệt các vi khuẩn có trong thức ăn, thủy phân cenlulose của thực vật (chất xơ trong các hạt, rau, củ, quả). Sau khi tiêu hóa tại dạ dày, thức ăn được chuyển xuống ruột. Tại ruột, nhờ có men tiêu hóa của dịch tụy, dịch ruột và muối mật sẽ giúp tiêu hóa nốt các thành phần của thức ăn đến giai đoạn cuối cùng. Nhờ các men tiêu hóa của dịch vị, dịch tụy, dịch ruột và muối mật mà các thức ăn là chất đạm, chất béo, chất bột được tiêu hóa thành những sản phẩm cuối cùng có thể hấp thu được, đó là các acid amin, acid béo, đường đơn.

Như vậy, khi trẻ đã có răng, các bà mẹ cần chế biến thức ăn có độ lớn, độ mềm thích hợp để giúp trẻ tập ăn nhai. Tập dần cho trẻ từ ăn, uống dạng nước lỏng (nước trái cây; nước rau, quả nghiền, nước thịt…) sang tự cắn một số thức ăn mềm như chuối, đu đủ, khoai lang, trứng luộc… Có thể băm nhỏ, nghiền nhỏ các loại thịt, tôm, cá… Mức độ băm, nghiền từ rất nhỏ đến nhỏ vừa, rồi thái lát nhỏ khi trẻ đã lớn và có nhiều răng hơn. Khi trẻ ngoài 6 tháng tuổi, các loại rau xanh nên được thái nhỏ.

Nếu mọi thứ đều cho vào cối xay sinh tố, xay nhừ thành một hỗn hợp mềm, mịn (trẻ không cần nhai mà chỉ nuốt) sẽ không tạo được cho trẻ cảm giác ngon miệng, các cơ nhai và hàm không được tập luyện nên sẽ yếu, đồng thời quá trình tiêu hóa hấp thu cũng sẽ không triệt để vì men tiêu hóa không được kích thích bài tiết đủ. Đó cũng là lý do tại sao nhiều cháu nhỏ lại chán ăn, hay ngậm, không muốn nuốt thức ăn dưới dạng hỗn hợp xay mềm.  

Nhai cũng là một yếu tố giúp trẻ có khả năng nói tốt hơn, vì thế việc dinh dưỡng và cách cho ăn hợp lý sẽ góp phần quan trọng vào việc giúp trẻ phát triển tốt về ngôn ngữ.

Cv.TL Lê Khanh

Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý