Các hình thức tư vấn cá nhân
23/04/2011
Chăm sóc trẻ rối nhiễu tại gia đình
23/04/2011
Các hình thức tư vấn cá nhân
23/04/2011
Chăm sóc trẻ rối nhiễu tại gia đình
23/04/2011

Chúng ta đã biết – Trí thông minh cảm xúc (EQ) là có thể xây dựng và phát triển cho trẻ em. Đó vừa là mục đích vừa là một trách nhiệm của cha mẹ, vậy các bậc phụ huynh cần phải làm gì ?

 

Đối với trẻ em, phát triển EQ là một yêu cầu  quan trọng trong quá trình phát triển. Đứa trẻ nếu thiếu bạn bè, sống thu mình, khó hòa nhập sẽ dẫn đến sự thất bại trong nhà trường. Nhiều khi chỉ vì tính thích gây hấn, hay không thích chia sẻ cái mình có với bạn bè mà trẻ bị bạn trong lớp tẩy chay, từ đó việc học bị sa sút. Khi lớn lên, những trẻ có EQ thấp cũng khó tạo ra các mối quan hệ tốt để phát triển sự nghiệp. Tình trạng thiếu xúc cảm còn có thể dẫn đến những chuyện tồi tệ hơn, chẳng hạn như phạm tội. Các vụ hành hạ người khác hay giết người hàng loạt là dẫn chứng của sự vô cảm.

Bên Anh từng xảy ra một vụ, hai đứa trẻ 8-9 tuổi gây ra cái chết của một em bé. Hai trẻ này gặp em bé gần một siêu thị liền bắt đến một nơi vắng vẻ để hành hạ, sau đó trói vào đường ray cho xe lửa chạy qua. Sau đó, các nhà điều tra phát hiện các hung thủ sống trong trại trẻ mồ côi. Chúng vẫn quen bắt các con vật về “chơi”, vặn chân, bẻ tay và thích thú với những tiếng kêu đau đớn của con vật. Các nhà tâm lý giải thích, do không được sống trong môi trường xúc cảm nên những trẻ này không có khả năng thấu hiểu cảm giác của người khác. Chứng kiến sự đau đớn quằn quại, trong khi trẻ khác thấy kinh sợ thì chúng lại sung sướng thích thú. Vì thế, giáo dục về trí tuệ cảm xúc là một yêu cầu hết sức quan trọng, nhất là trong giai đoạn hình thành nhân cách của trẻ em.

I. CON TRẺ CẦN GÌ Ở CHA MẸ:

Để giúp con phát triển trí tuệ cảm xúc, cha mẹ nên quan tâm đến các yếu tố :

–          Vui vẻ và cởi mở : Trong cuộc sống hàng ngày, nỗi lo cơm áo gạo tiền đôi khi đã cướp đi sự vui vẻ, cởi mở của nhiều ông bố, bà mẹ. Chúng ta nên hiểu rằng, nỗi lo đó là đúng, nhưng nếu vì điều đó mà làm mất đi niềm vui của con mình là điều không nên. Vì thế, trong việc ứng xử với con, cha mẹ nên tạm để những lo toan bề bộn của cuộc sống qua một bên mà cử xử một cách vui vẻ và cởi mở đối với trẻ. Chính điều đó sẽ giúp cho trẻ  mạnh dạn muốn tiếp xúc với cha mẹ để có thể học hỏi được những điều tốt đẹp hơn.

–          Bình tĩnh: Trẻ là người rất giàu cảm xúc, có thể đùa giỡn bất cứ lúc nào, chúng ta phải chấp nhận điều đó để cùng hòa nhịp với trẻ, nhưng phải có sự bình tĩnh để không bị cuốn theo những xúc cảm thái quá, và luôn phải biết cách làm chủ cảm xúc . Điều này cũng giúp cho trẻ sớm được ổn định hơn.

–          Công Bằng: Trẻ rất nhạy cảm trong cách cư xử, nay cả khi chúng ta có những hành vi thiên vị có lợi cho trẻ, mặc dù chúng sẵn sàng tiếp nhận nhưng sẽ không còn tin tưởng ở chúng ta nữa, và dĩ nhiên, nếu thiên về đứa trẻ, thì sẽ làm cho anh chị hay em của nó không hài lòng. Chúng ta đối xử công bằng, không chỉ với trẻ, mà còn phải ngay chính giữa cha mẹ với nhau và trong các mối quan hệ xã hội – Trẻ là người quan sát và chúng hiểu nhiều hơn chúng ta nghĩ về chuyện này.

–          Biết chơi với con: Đối với trẻ em, bất kỳ lứa tuổi nào trò chơi là một phần thiết yếu của cuộc sống, vì vậy một kỹ năng quan trọng để gần gũi trẻ là phải biết cách chơi một số những trò chơi phù hợp với độ tuổi của trẻ, biết dành một số thời gian trong ngày để chơi và cũng có thể đáp ứng một cách nhanh chóng trong một khoảng trống thời gian nào đó, để mua lấy nụ cười của trẻ với một giá rất rẻ qua những trò chơi đơn giản, và đây chắc chắn là một giao dịch chỉ có lãi trong vô số sự giao dịch trong cuộc sống của chúng ta.

Cuối cùng,bạn nên nhớ rằng trẻ chỉ gần gũi những người mà chúng tin tưởng, và dĩ nhiên làm một người đáng tin thì cũng là một điều rất hạnh phúc phải không bạn ?

Ngoài ra, tùy theo độ tuổi mà trẻ có những mong đợi khác nhau ở cha mẹ như:

  1. 1. Nói ít, làm nhiều : Thống kê cho thấy mỗi ngày trẻ em nhận được khoảng 2000 mệnh lệnh hay yêu cầu của người lớn. Do vậy, nếu trẻ em trở nên ‘điếc’ trước cha mẹ thì âu cũng là điều dễ hiểu. Thay vì quát tháo, la hét, rầy la, kêu ca, cằn nhằn, cha mẹ hãy tự hỏi: ‘Ta cần LÀM gì?’ Ví dụ, thay vì cằn nhằn về việc trẻ em không bỏ áo dơ vào thùng để giặt, thì ta chỉ giặt nhưng thứ đã bỏ vào thùng.  Hành động thường hiệu quả hơn lời nói.
  2. 2. Tách biệt hành vi và thủ phạm Đừng bao giờ bảo trẻ em là chúng xấu/hư vì điều này sẽ làm suy giảm lòng tự trọng của trẻ. Hãy giúp trẻ em nhận ra rằng không phải chúng ta không yêu trẻ mà là chúng ta không tán thành hay thấy khó chấp nhận hành vi của trẻ mà thôi.
  3. 3. Tạo cho trẻ cơ hội để thể hiện quyền lực : Nếu không, chúng sẽ tự tìm ra những cách không thích hợp để thể hiện! Những cách có thể làm trẻ em cảm thấy mình có quyền lực và thấy mình là người đáng giá là: hỏi ‎ kiến của chúng, để chúng tự chọn lựa, để chúng giúp những việc chúng có thể làm được, yêu cầu chúng giúp đỡ hay cố vấn Thông thường, cha mẹ thường làm thay, bởi vì chúng ta có thể làm nhanh gọn hơn, nhưng hậu quả lại là làm cho trẻ cảm thấy chúng không quan trọng.
  4. 4. Chỉ can thiệp khi thực sự cần thiết: Trước mỗi tình huống chúng ta hãy tự hỏi: điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không can thiệp? Nếu chúng ta can thiệp một cách không cần thiết thì vô tình chúng ta đã làm mất đi cơ hội để trẻ rút kinh nghiệm từ hành động của chúng. Bằng cách để cho các hậu quả xảy ra, chúng ta còn tránh được việc gây tổn hại đến quan hệ của chúng ta với trẻ khi chúng ta cằn nhằn nhắc nhở chúng quá nhiều
  5. 5. Khuyến khích năng khiếu và sự thành công Con cái chúng ta cần có cơ hội và sự nâng đỡ để nó có thể học hỏi các vấn đề và thử thách khác nhau của đời sống Chúng ta nên sát cánh với con để làm việc và đầu tư thời gian. Chúng ta cũng cần dạy cho con biết sự chăm chỉ làm việc, chấp nhận việc mình có thể phạm lỗi và biết tìm cách sửa chữa lỗi lầm, chứ đừng bỏ cuộc. Những đứa trẻ hay bị thất bại và không được nâng đỡ, hỗ trợ thì thường hay bi quan và không vui sướng; như thế, chúng cũng khó có lòng nghĩ đến người khác.

II. CÓ NHỮNG MONG ĐỢI HỢP LÝ :

Làm cha mẹ, ai mà chẳng mong mỏi con được thành công, mà bước đường đầu tiên chính là sự thành công trong việc học. Nhưng ngay trong lĩnh vực này nếu chúng ta không biết được những năng lực thật sự và tính cách của các em để có những mong đợi hợp lý, thì sẽ khiến cho trẻ không những mất đi những điều kiện và cơ hội để  phát triển trí tuệ cảm xúc mà còn có khi gặp phải những vấn đề về tâm lý nữa.

Nếu chúng ta có được đứa con thông minh, đó là điều thuận lợi để giúp trẻ đạt được những kết quả tốt trong học tập. Nhưng như chúng ta đã biết, thông minh mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ. Nếu nó không kèm theo một năng lực về trí tuệ cảm xúc. Khả năng đó còn phải được nuôi dưỡng và phát triển bằng những điều kiện thuận lợi, nhằm giúp cho trẻ biết tổ chức việc học của mình cho hợp lý, biết những điểm mạnh hay yếu của mình trong các môn học để tìm cách phát huy hay khắc phục.

Chúng ta cũng không nên đòi hỏi hay đưa ra những yêu cầu ngày một cao hơn, điều này tuy có tác dụng kích thích trẻ phấn đấu, nhưng cũng dễ gây ra những hậu quả không tốt, làm cho trẻ mất tự tin vì luôn cảm thấy mình còn phải cố gắng rất nhiều, và có thể sẽ có những tổn thương tâm lý nếu gặp thất bại, không đáp ứng được sự mong đợi của cha mẹ.

Nếu chúng ta có một đứa con bình thường hay có một vài điểm yếu trong việc học thì một mặt nên có những biện pháp hợp lý và sự quan tâm cần thiết để tăng cường khả năng học tập cho trẻ, mặt khác cũng nên chấp nhận những giới hạn mà trẻ dù có cố gắng cũng không thể vượt qua được. Nếu không, những kết quả không tốt về mặt học tập sẽ làm cho trẻ trở nên suy yếu, không còn muốn cố gắng để đạt được những yêu cầu cao hơn năng lực của mình.

Điều này không những có hại cho việc học của trẻ, mà còn có thể ảnh hưởng cả đến những lĩnh vực khác, khiến trẻ không còn khả năng tiếp thu những năng lực về cảm xúc và sẽ gặp khó khăn nhiều trong các mối quan hệ ứng xử khi trưởng thành.

Nếu chúng ta có một đứa con gặp nhiều trở ngại về trí tuệ, thì cũng không nên quá lo âu hay thất vọng về tình trạng của con mình vì chính tâm lý chán nản hay căng thẳng của cha mẹ sẽ gây ra những lo lắng khiến cho trẻ càng thêm khó hợp tác trong các biện pháp can thiệp cần thiết. Tùy theo tình trạng, việc can thiệp bằng những biện pháp tâm lý giáo dục vẫn có thể giúp cho trẻ có được những tiến bộ cần thiết cho cuộc sống sau này.

Để giúp cho trẻ có những động lực trong việc học cũng như cải thiện được năng lực cảm xúc của mình, thì chúng ta không nên hà tiện những lời khen tặng. Có nhiều phụ huynh, rất dễ dàng nhìn ra những điểm yếu, những thói xấu của con. Nhưng, nếu được yêu cầu đưa ra những năng lực hay mặt ưu điểm của trẻ thì lại cảm thấy rất khó khăn. Có khi, tuy vẫn nhìn nhận những điểm tốt của con, nhưng họ lại không muốn khen ngợi con trước mặt mọi người, cho rằng điều đó sẽ khiến cho trẻ trở nên kiêu ngạo! Vì đôi khi đó lại là sự thật, trẻ sẽ trở nên ‘kẻ đi trên mây” vì những lời khen thái quá của bố mẹ.

Nhưng, thực ra, không phải là không nên khen mà vấn đề ở chỗ là chúng ta nên khen như thế nào ! Lời khen sẽ có tác dụng nếu chúng ta khen một cách trực tiếp, chân thành và ngay sau khi trẻ làm được điều tốt bằng cách tiến lại gần trẻ, gọi tên (có thể là tên thân mật ở nhà ) rồi nhìn thẳng vào mắt trẻ , nói rõ ràng chính xác là chúng ta thích cái gì. Ví dụ, ‘Chà, giỏi lắm thế là bé Na của mẹ  biết đánh răng rồi. rất tốt. Hoặc ‘Chip, cảm ơn con đã giúp mẹ thu dọn đồ chơi. Con làm tốt lắm’.

Lời khen của chúng ta sẽ phản tác dụng nếu trẻ nhận ra sự không chân thành, không tương xứng với vẻ mặt và giọng nói của chúng ta hoặc khá lâu sau khi trẻ đã làm được điều tốt. Nên tránh chuyện vừa khen vừa đèo thêm một lời chỉ trích ngay sau đó vì điều này sẽ làm lời khen mất hết tác dụng.

Chẳng hạn:, ‘Minh, con dọn giường giỏi quá – thật đáng xấu hổ nếu con không làm như thế hàng ngày!’Hay ‘Lan, con biết tự ăn rồi đấy , giỏi ghê – Nhưng thật đáng tiếc là hôm qua con lại đánh vào mặt em Na!’ Có hai hình thức khen, là khen đánh giá và khen miêu tả.

Ví dụ: – lời khen Đánh giá: Con mẹ vẽ đẹp quá! Hay Con mẹ khỏe quá!

Lời khen Miêu tả:  Mẹ rất thích những chi tiết con dùng trong bức tranh này. Những màu con chọn cũng rất sống động./  hay Cái túi nặng quá! Cảm ơn con đã giúp mẹ!

Các nhà sư phạm/tâm lý khuyên các bậc cha mẹ nên sử dụng lời khen miêu tả thay cho lời khen đánh giá vì. Lời khen đánh giá làm trẻ trở nên lệ thuộc vào sự đánh giá của người lớn. Điều này sẽ khiến trẻ dần dần chỉ còn biết mong đợi chúng ta đánh giá thẩm định những việc làm hay hành vi của chúng là tốt hay xấu là được hay chưa được, do vậy chúng sẽ không phát triển được khả năng tự đánh giá và tính độc lập. Chúng dần mất đi khả năng tự đánh giá hành vi của bản thân mình và luôn trông chờ sự đánh giá ‘chấm điểm’ của người lớn.

Khen miêu tả là tạo cơ hội để trẻ được tự đánh giá mình – nói cách khác đó  để trẻ có được sự thỏa mãn trong lòng. Nếu bạn muốn con mình tập trung vào việc nó vừa làm với bạn bạn có thể nói, ‘Con nhìn bạn con kìa! Bạn ấy trông thật là vui vì con đã cho bạn ấy mượn đồ chơi.’ Bằng cách này, chúng ta giúp trẻ nhận ra hành vi của chúng có tác động như thế nào lên người khác. Một lời khen miêu tả thường có hai phần. Phần thứ nhất bạn nói những gì bạn nhìn thấy hay nghe thấy. Phần thứ hai nói bạn cảm thấy thế nào.

Ví dụ: Mẹ thấy phòng của con hôm nay rất gọn gàng. Mẹ cảm thấy không mệt nữa.’ hoặc ‘Con làm đúng như mẹ yêu cầu. Cảm ơn con’.

Vì thế, hãy hạn chế khen đánh giá và hãy tập và tăng cường khen miêu tả. Nhưng hãy ghi nhớ: đừng bao giờ dùng lời khen miêu tả khi bạn nóng giận vì khi đó nó sẽ có vẻ như mỉa mai nói móc. Và cũng không khen những gì đã trở thành thói quen tốt.

III. CÓ NHỮNG ĐÁP ỨNG HỢP LÝ :

Môi trường gia đình là một môi trường luôn có những tương tác, giao lưu qua lại giữa cha mẹ và con cái. Đó là mối quan hệ đa chiều : Từ cha qua mẹ và ngược lại, từ cha đến con, từ mẹ đến con và ngược lại, từ các con đến với nhau và nếu có ông bà thì lại thêm các mối quan hệ nữa. Trong lĩnh vực giáo dục con cũng thế, việc giáo dục không đơn thuần là những biện pháp hay lời giáo huấn một chiều từ cha mẹ xuống đến con, mà còn là những đáp ứng của cha mẹ trước những thái độ và phản ứng của trẻ.

Khi đứng trước những thái độ ứng xử của con trẻ chúng ta nên nắm vững các kỹ thuật sau:

–     Rút lui khi có xung đột: Nếu trẻ nắn gân chúng ta bằng cách hờn dỗi, cáu giận, hay nói năng vô lễ, cách tốt nhất là chúng ta rời khỏi chỗ đó hoặc nói với chúng rằng chúng ta ở phòng cạnh nếu chúng muốn làm lại Không nên tỏ thái độ bực tức hay thất bại khi đi khỏi. Nếu cha mẹ cảm thấy không thể bỏ đi hay kiềm chế được thì hãy ngồi yên và đếm từ 1 đến 10 để hạ hỏa!

–      Dành thời gian chơi và nói chuyện với trẻ Người lớn thường không chịu lắng nghe hay chỉ giả vờ nghe những gì trẻ nói. Đó cũng là một trong những lý do trẻ em trở nên hư và có nhiều phản ứng khác. Dành thời gian với trẻ sẽ giúp chúng phát triển lòng tự tin và tự trọng, nhưng nên nhớ điều quan trọng là chất lượng chơi và nói chuyện chứ không phải là thời gian chơi nhiều hay ít. Phải thừa nhận rằng cảm xúc thì không có gì là sai hay đúng cả. Do vậy, nếu bé nói ‘Mẹ ơi, mẹ chả bao giờ chơi với con cả!’ cho dù bạn vừa mới chơi với bé, hãy hiểu rằng chúng chỉ đang bày tỏ cảm xúc của chúng thôi. Trong trường hợp này, cách tốt nhất là xác nhận cảm xúc đó của bé bằng cách nói, ‘Ừ nhỉ, hình như đã lâu lắm rồi mẹ con ta chưa chơi với nhau thì phải.’

–     Thông báo trước cho trẻ: Việc trẻ em hờn dỗi có thể làm nhiều cha mẹ nổi cơn tam bành. Trẻ thường hờn dỗi khi chúng cảm thấy bất lực và không được thông báo trước. Thay vì bảo bé phải ngừng chơi ngay để đi về nhà, chúng ta hãy thông báo cho bé biết là bé còn 5 phút hay 10 phút nữa – thời gian này cho phép bé làm nốt những gì đang làm dở và cũng là để chuẩn bị tâm lý cho bé.

–     Né tránh xung đột khi xảy tranh tranh giành quyền lực: Bước đầu tiên là né tránh. Một bà mẹ yêu cầu con gái 3 tuổi đi ngủ vì đã đến giờ. Bé trả lời, ‘Không!’ Cảm thấy mình bị thách thức, bà mẹ liền nói, ‘Con muốn tự đi lên phòng hay con muốn mẹ bế con lên phòng nào?’Con muốn mẹ bế con trồng cây chuối và cù con khi bế con lên phòng’, bé trả lời.Bà mẹ đã nhận ra tín hiệu ‘thách đấu’ của bé và đã né tránh xung đột (không tham gia tranh giành quyền lực mà cũng không nhượng bộ) và đã kết thúc có hậu. Bằng việc né tránh xung đột, chúng ta muốn chuyển đến bé thông điệp rằng: ‘Mẹ sẽ không ‘chiến đấu’ với con đâu, mẹ cũng không làm con tổn thương đâu, mẹ cũng không tỏ quyền lực với con đâu, nhưng mẹ cũng không nhượng bộ con đâu!’

–      Cho trẻ em lựa chọn chứ không ra lệnh Sau khi đã né tránh tranh giành quyền lưc, bước tiếp theo là đưa ra những sự lựa chọn chứ không phải mệnh lệnh. Khi đưa ra những sự lựa chọn cho trẻ, phải đảm bảo rằng những sự lựa chọn đó là chấp nhận được. Đừng bắt trẻ phải chọn giữa ngồi yên và rời khỏi nhà hàng nếu bạn không có ‎định rời nhà hàng.Cũng phải đảm bảo rằng bạn không đưa ra quá nhiều sự lựa chọn độc đoán. Một lựa chọn độc đoán là một lựa chọn quá hẹp làm trẻ thấy không còn chút tự do nào. Mặc dù lựa chọn hẹp cũng có thể có lợi cho trẻ trong một số tình huống nhất định, tốt hơn là nên cố gắng đưa ra những lựa chọn gọi mở mỗi khi có thể.Những sự lựa chọn cũng không nên có yếu tố trừng phạt trong đó. Chẳng hạn, bảo bé rằng, ‘Hoặc con nhặt đồ chơi lên hoặc con ra toa-lét’ sẽ làm trẻ cảm thấy sợ hãi bị đe dọa hơn là cho trẻ cơ hội thể hiện quyền lực.

–      Cả hai cùng thắng Các cuộc tranh giành quyền lực thường đi đến kết cục một người thắng một người thua – một kết cục không phải lúc nào cũng hay ho như thường tưởng. Một giải pháp ‘cả hai cùng thắng’ là giải pháp trong đó cả hai phía đều cảm thấy mình đạt được cái mình muốn. Để cả hai bên cùng thắng đòi hỏi phải có sự mặc cả thương lượng. Cha mẹ có thể đáp lại yêu cầu của trẻ bằng cách nói, ‘Con thắng như vậy cũng được đấy, và mẹ muốn con thắng. Nhưng mẹ cũng muốn thắng. Con có thể nghĩ ra cách gì để cả hai mẹ con ta cùng thắng không?’

–     Sự bất lực nuôi dưỡng ‎tư tưởng muốn trả thù Những trẻ em bị tước đoạt hết quyền lực, cảm thấy bất lực, thường tìm cách giành lại quyền lực bằng cách trả thù. Chúng sẽ tìm cách gây tổn thương cho người khác khi chúng cảm thấy bị tổn thương, và chúng thường có những hành vi mà cuối cùng lại làm tổn thương bản thân chúng.

BẠN NÊN NHỚ : Khi 2-3 tuổi, sự trả thù có thể có hình thức cãi lại hay cố ‎ đánh đổ đồ ăn. Ở tuổi 16-17, có thể là dùng các chất bị cấm hay uống rượu, trốn đi khỏi nhà, thậm chí tự tử. Hãy cố gắng tạo cơ hội thích hợp cho trẻ được thực hành và thể hiện quyền lực của mình. Đó cũng là cách để chúng tập đưa ra những quyết định đúng đắn và xây dựng lòng tự tin.

Cv.Tl LÊ KHANH

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý