CĂN BỆNH NGUY HIỂM
21/07/2021
SỨC KHỎE TÂM LÝ HẬU COVID
16/10/2021
CĂN BỆNH NGUY HIỂM
21/07/2021
SỨC KHỎE TÂM LÝ HẬU COVID
16/10/2021

Khi nói đến những hậu quả của việc nghiện games online ở trẻ em và thanh thiếu niên, đã có quá nhiều bài viết, lời khuyên … rước đây, trong cuộc sống bình thường khi trẻ được đi học và bố mẹ bận đi làm… thì việc quản lý con sử dụng máy tính hay điện thoại sẽ khác so với tình trạng hiện nay. Ngoài ra, các em còn có khá nhiều niềm vui và sự bận rộn, để có thể giảm thiểu nguy cơ dính vào games đến mức nghiện ngập và kéo theo những nguy cơ !.

Thế nhưng, trong điều kiện hiện nay, hầu hết các thành phố và cả nông thôn, đều ít nhiều bị con Covid nó nhốt ở nhà, cả người lớn và trẻ em từ sáng tới tối, thì việc con dính vào máy tính, điện thoại là điều không thể tránh khỏi mà những biện pháp ngăn cấm “cứng” hay cực đoan sẽ là vô ích, có khi còn phản tác dụng .

Dư luận báo chí đã từng đưa những câu chuyện đau lòng về hậu quả của việc nghiện game, nhưng làm thế nào để trẻ không rơi vào tình trạng này lại là một “chiến lược” không hề dễ dàng . Có một sự liên quan mật thiết giữa các mối quan hệ trong gia đình và tình trạng lạm dụng các chất gây nghiện, mà game cũng là một trong số đó ! Nếu như bố mẹ cứ coi thường hay không xây dựng nổi  những mối quan hệ – tương tác tốt đẹp với con, lại chỉ thích quản lý con bằng những mệnh lệnh, những bài học đạo đức mà nhiều khi người nói cũng không làm được, thì đừng mong con cái lắng nghe chứ đừng nói đến chuyện chấp hành !

Liên hệ đến thực tế, nếu xem Covid là giặc và phải “chiến thắng” bằng mọi cách – không thắng không về ! thì sự thất bại là …dễ hiểu ! Nghiện games online với trẻ cũng thế, càng dập thí dịch càng nhiều ! và càng xiết lại thì khoảng cách giữa trẻ và bố mẹ lại càng xa !  Cho đến một ngày nào đó thì bùng nổ với những phản ứng dữ dội khác nhau  hay nguy hiểm hơn, trẻ rơi vào tình trạng trầm cảm và khủng hoảng tâm thần. Dĩ nhiêu là sẽ ảnh hưởng nặng đến ..kinh tế hay hạnh phúc gia đình !

Việc “ngăn cấm” kiểu “ ai ở đâu ở yên đó” như cấm không dùng điện thoại, máy tính, cắt net, khóa máy bằng password ? Hay cài vài cái app để giám sát hầu như không có tác dụng! Đó chỉ là những giải pháp đối phó , gãi ngứa , sẽ  tạo ra những “biến thể Delta” là trẻ vẫn nghiện game không hề giảm mà còn tăng . Thậm chí, trước đây người ta đã lập ra những trung tâm cai nghiện games, trẻ bị nhốt vào đó vài tuần “cách ly” với nguồn lây là cái máy tính hay điện thoại ! Cũng có trẻ qua được, nhưng phần lớn là rơi vào tình trạng tái nghiện sớm hay muộn khi quay về các hoạt động đời thường, nếu không có những thay đổi căn cơ trong cuộc sống tại gia đình.

Những thay đổi căn cơ là gì ? Đó chính là những giá trị sống và kỹ năng sống mà trẻ hầu như không có hay thiếu hụt. Điều này cũng không phải lỗi tại trẻ , mà chính do cách sống và cách ứng xử của bố mẹ với trẻ !  Đồng thời, kèm theo đó là những hiểu biết sai lầm về tính chất và tác dụng của kỹ năng sống.

Người ta cũng đã tổ chức nhiều trung tâm giáo dục kỹ năng sống cho trẻ – nhưng cũng như việc cai nghiện games, sau vài ngày tạo động lực hay lấy nước mắt của trẻ, thì khi trở về gia đình, mèo lại hoàn mèo !  Lỗi cũng không phải ở trẻ, mà là ở chỗ người lớn hiểu sai về giá trị và ý nghĩa đích thực của kỹ năng sống, và việc giáo dục KNS hoàn toàn không phải là những khóa học kiểu học kỳ quân đội hay cưỡi ngựa xem hoa , và KNS không hề có những điếu lý thuyết như một môn học !

Kỹ năng sống nói một cách vắn tắt, đó là các kỹ năng giúp con người biết tự phục vụ bản thân và có trách nhiệm và bổn phận phục vụ người khác ! Trong các hoạt động tại gia đình, con cái và nhiều khi cả bố mẹ cũng lẫn lộn giữa trách nhiệm và bổn phận cũng như không hiểu rõ  những giá trị của các phần thưởng tinh thần và vật chất ! Trẻ em từ thủa nhỏ đến lúc trưởng thành, bổn phận là học tập ! Trách nhiệm là các hoạt động trong gia đình ! Nhưng điều đó không có nghĩa là bố mẹ có quyền ép con học theo ý muốn của mình và có quyền làm lơ về những quyền lợi mà trẻ phải được hưởng khi  tham gia công việc trong nhà ! Làm việc nhà mà phải thưởng sao ? đó giống như mua bán ? Thực ra, trẻ có bổn phận làm việc thì người lớn có trách nhiệm khen thưởng. Nhưng khen thưởng sự cố gắng làm việc chứ không phải là thưởng công cho kết quả của việc làm !  Và cũng không có kiểu ra giá, trả giá hay nâng giá ở đây!

Việc khen thưởng cũng không phải là chỉ hiện kim hay hiện vật, mà còn rất nhiều cách như thể hiện sự hài lòng và biết tôn trọng giá trị của con cũng là một sự khen thưởng không hề nhẹ ! Người lớn cũng phải biết tự phục vụ bản thân và có bổn phận phục vụ những người thân chung quanh mình.  Đừng làm kẻ chỉ đạo miệng rồi buộc con phải siêng năng!

Chính việc áp dụng các kỹ năng sống một cách đúng đắn và hiệu quả, sẽ là chất kết dính các mối quan hệ lành mạnh và tốt đẹp trong gia đình –từ đó sẽ tạo ra những “ hệ miễn dịch” để trẻ có sức đề kháng với virus “ Games Online” –  Nói cách khác, vaccine “ niềm vui và sự chia sẻ” sẽ góp phần quan trọng cho trẻ có sức đề kháng và vượt qua được tình trạng nghiện game, chứ không phải những biện pháp nghiêm khắc kiểu giãn cách hay chiều chuộng dung túng một cách quá tự do!

Nhưng, điều quan trọng là đừng bao giờ để cho trẻ đi đến mức nghiện games, chơi ngày chơi đêm rồi mới đi kiếm thuốc điều trị ! Khi “bỏ quên” hay bỏ mặc trẻ, để rồi trẻ không thể rời tay, rời mắt khỏi cái màn hình vi tính, điện thoại hay sống thu mình, ban đêm thì thức trắng, ban ngày thì lờ đờ, nói trước quê sau, bỏ ăn bỏ mặc, không màng tới các hoạt động thiết yếu về vệ sinh cá nhân … thì lúc đó là đã quá nặng – Vì vậy, sự quan tâm là điều vô cùng quan trọng và việc tập luyện cho trẻ những thói quen tốt, biết rõ trách nhiệm, bổn phận, quyền lợi của mình cũng như xem game là một trong những thú vui của con, mà trẻ sẽ học được cách quản lý . Đó sẽ là những yếu tố quan trọng, để trẻ có thể sống chung với games.  Trẻ hoàn toàn có thể chơi games thoải mái mà không bị nghiện ! Bởi vì trẻ có đủ kỹ năng sống để đối diện và vượt qua những thách thức này  .

Để có được những giá trị sống và kỹ năng sống như thế thì chính sự làm gương của người lớn, chính việc vận dụng và hiểu biết về trách nhiệm và bổn phận, chính lòng tự trọng và phong cách sống trung thực, nói được – làm được , biết giữ lời hứa và niềm tin cho con, đó mới là những “vũ khí” mạnh nhất để giúp con “chống giặc” là các chất gây nghiện, nói chung từ thuốc lá, rượu, ma túy cho đến games onlin hay các trang web sex.  Nếu không có những điều này, thì đừng hỏi tại sao con lại nghiện games và cũng đừng mong “điều trị “ hay chiến thắng mà có khi còn mất con lúc nào không hay!

Lê Khanh – TT Giáo dục ĐB Diệp Quang.

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý