Khắc phục tình trạng nói lắp
30/08/2012
Các chứng rối loạn tâm lý ở trẻ
10/09/2012
Khắc phục tình trạng nói lắp
30/08/2012
Các chứng rối loạn tâm lý ở trẻ
10/09/2012

Rối nhiễu tâm lý là những biểu hiện về nhân cách và hành vi không bình thường nơi trẻ. Nó không phải là bệnh chứng nguy hiểm, nhưng lại là một tình trạng có những tác động rất xấu cho sự phát triển của trẻ em.

Nếu không phòng ngừa kịp thời thì rối nhiễu tâm lý sẽ dẫn đến những khủng hoảng tinh thần, muốn huỷ hoại bản thân hoặc gây thương tích cho người khác và trở thành chứng bệnh rất khó chữa.

Rối nhiễu vì bị… chửi mắng nhiều!

Cháu Nguyễn Đình Nam (10 tuổi) đã đại tiện ra quần rồi bôi phân lên tường khi người lớn không cho xem chương trình truyền hình yêu thích; đập vỡ chai bia làm vũ khí chống lại khi bị người lớn mắng. Các trò chơi yêu thích của Nam là dùng các vật nặng trong nhà để ném vào các chú chó, mèo hoặc lấy các vật sắc nhọn làm vũ khí “chiến đấu” với các con thú nhồi bông. Ở trường học, Nam xé vở, xé quần áo bạn, bôi bẩn lên tường, mặt bàn học. Khi cô giáo hỏi tại sao lại làm vậy, Nam trả lời: “Tại bị mắng nên làm cho đỡ tức”.

Cô bé Nguyễn Mai Phương (10 tuổi) lại ngày càng lầm lì mỗi khi bị mẹ mắng. Cô bé đã từng bị mẹ bắt đứng úp mặt vào tường, cột tay vào chân bàn, thậm chí quẳng vào chuồng lợn để… doạ chỉ vì mẹ gọi tên mà không chịu lên tiếng…”Dạ”. Phương thu mình, hay lầm rầm nói chuyện với cái bóng của mình trên tường hoặc tỉ mẩn làm việc riêng. Hễ có ai bước vào phòng thì em lại vội vàng giấu những vật trên tay xuống dưới gối. Cô bé không những trốn gặp bố mẹ mà còn tách khỏi đám bạn bè trong khu xóm, không tung tăng chạy nhảy mỗi khi đi học về như trước nữa.

 

Những dấu hiệu rối nhiễu tâm lý ở trẻ

 – Trẻ thường hay nói thầm; chậm nói, chậm đi so với tuổi; vận động vụng về; hiếu động quá mức; không có cảm giác về nguy hiểm; có biểu hiện chống đối; hành vi hung hãn; khó hoà nhập; khả năng tập trung giảm sút; chán học; khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều; hay gặp ác mộng; biếng ăn hoặc ăn nhiều quá mức…

– Trẻ có dấu hiệu tự kỷ như: thu mình; ngại tiếp xúc với mọi người; tự nhiên ít nói hoặc nói quá nhiều hoặc chỉ lặp lại lời nói của người khác. Có nỗi ám sợ như: sợ đám đông, sợ bóng tối, nhút nhát; ức chế, trầm cảm với biểu hiện quá hiền lành, nhường nhịn, uể oải hay cáu kỉnh vô cớ, có biểu hiện tự làm tổn thương cơ thể, có mưu toan tự sát, có biểu hiện kiêu ngạo, hoang phí, thủ dâm, khó khăn khi tiếp xúc với người khác giới,…

Bệnh có thể tái phát nhiều lần

Theo TS, BS. Hoàng Cẩm Tú, Trung tâm Tham vấn và Sức khỏe tâm thần trẻ em và vị thành niên: Nguyên nhân gây tổn hại sức khoẻ tâm thần cho trẻ do yếu tố nội sinh (các bệnh rối loạn tâm thần phân liệt, rối loạn khí sắc, tự kỷ, rối loạn phát triển lan tỏa…) chỉ chiếm 10- 20%; còn lại chủ yếu là do môi trường (gia đình, trường học, xã hội).

Trong nhiều gia đình các mâu thuẫn xung đột về quan điểm, chuẩn mực giá trị xã hội, sự ly thân, li hôn, sự thiếu gương mẫu, bạo lực trong gia đình, thô bạo trong việc dạy con, áp đặt, thiếu tin tưởng vào con trẻ… chiếm đến 2/3 nguyên nhân rối loạn hành vi, chống đối, trầm cảm, tự sát, nghiện hút… ở trẻ em. Bên cạnh đó, áp lực bởi chương trình học quá tải, thiếu hứng thú… ở trường học cùng với các vấn đề tâm lý xã hội như bạo lực, nghiện hút,… làm gia tăng các rối nhiễu tâm lý ở trẻ.

Nhiều trẻ sống trong những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cũng dễ rơi vào tình trạng này. Nhà tâm lý lâm sàng Nguyễn Minh Đức cho biết: Khái niệm chữa khỏi đối với rối nhiễu tâm lý chỉ là tương đối, vì chúng thường do nhiều căn nguyên sâu xa, khó có thể giải quyết được triệt để cùng một lúc. Các nhà chuyên môn chỉ dám đặt mục đích là giúp cho trẻ bị bệnh sống hài hoà hơn với triệu chứng của mình. Vì trong thực tế đã có những trường hợp triệu chứng này mất đi, đứa trẻ ấy lại gặp phải những triệu chứng khác trầm trọng hơn.

Ông Đức cũng cho rằng, rất khó để nhận biết và kiểm soát các tác nhân làm cho các chứng bệnh liên quan đến rối nhiễu tâm lý tái phát. Với những trẻ đã được chữa trị rồi nhưng điều kiện sống không thay đổi, những tác nhân gây sang chấn tâm lý vẫn còn tiềm ẩn thì vẫn có khả năng tái phát bệnh.

Với những gia đình có trẻ bị bệnh này, ông Đức khuyên nên đưa trẻ đến các cơ sở thăm khám, trị liệu tâm lý giáo dục gần nhất để được chăm sóc kịp thời. Sau đó cần tiếp tục quan sát, phát hiện thêm những biểu hiện khó khăn của trẻ để cung cấp thêm thông tin và hợp tác với các nhà chuyên môn trong việc chẩn đoán, nhận dạng rối nhiễu tâm lý. Gia đình và thầy cô giáo nên trao đổi với các chuyên gia để được tư vấn về cách thức tiếp xúc, giáo dục, hỗ trợ về tâm lý cho trẻ. Với những trẻ này, cần có cách tiếp cận, giúp đỡ đặc biệt khác với những đứa trẻ bình thường khác.

Để tránh tình trạng trên, ông Đức khuyến nghị: nên có một mạng lưới tư vấn và chữa trị rối nhiễu tâm lý ở trẻ em phủ kín các trường học và cộng đồng dân cư. Cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa cha mẹ và các nhà chuyên môn để có thể phát hiện sớm nhất các biểu hiện rối nhiễu tâm lý, kịp thời giúp các em vượt qua những khó khăn ban đầu. Tránh tình trạng để cho rối nhiễu tâm lý trở thành bệnh lý, gây ra những hậu quả đáng tiếc cho bản thân trẻ và người khác, mới có biện pháp can thiệp. 

Mai Thuý

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý