Cải thiện tình trạng kém tập trung trong việc học
13/09/2014
9 Nguyên tắc nuôi dạy con
04/10/2014
Cải thiện tình trạng kém tập trung trong việc học
13/09/2014
9 Nguyên tắc nuôi dạy con
04/10/2014

Giáo dục kỹ năng sống hiện nay là một nhu cầu cần thiết, đài Truyên hình Bà Rịa Vũng Tàu trong chương trình Búp Măng Non đã có một cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý Lê Khanh – PGĐ Trung tâm Rồng Việt Vũng Tàu về vấn đê này

  1. 1.Thưa thầy, em và các bạn rất muốn biết khái niệm cũa Kỹ năng sống ạ?

Hiện nay, chúng ta nghe nói rất nhiều về những điều gọi là kỹ năng sống, hay về việc các bạn trẻ, các em hs thiếu kỹ năng sống …Vậy kỹ năng sống là gì ? Kỹ năng sống là kỹ năng để sống ?

Nếu hiểu theo nghĩa đó thì kỹ năng sống là những kỹ năng giúp chúng ta sống một cách an toàn, lành mạnh và sống có ích cho bản thân cũng như cho xã hội.

Ví dụ : Một cậu bé được học cách băng bó vết thương và cách thoát hiểm trong một lớp dạy kỹ năng sống, khi gặp một đám cháy đã biết cách thoát ra ngoài và giúp một người bị thương băng bó vết thương. Các kiến thức về cứu thương và kỹ năng thoát hiểm mà cậu bé được học, ta gọi đó là kỹ năng mềm, còn cách mà cậu bé vận dụng để thoát hiểm và cứu người, ta gọi đó là kỹ năng sống.

Một ví dụ khác : Một cậu bé học được các điều về phép lịch sự, khi gặp một người giúp cậu, cậu biết nói lời cám ơn, khi làm điều sai, cậu biết nói lời xin lỗi và khi muốn làm một điều gì, cậu biết xin phép trước khi làm. Các từ Cám ơn, xin lỗi, xin phép được gọi là kỹ năng về giao tiếp mà cậu được dạy, nhưng nếu cậu không nói ra đúng lúc, đúng chỗ với đúng người thì cậu vẫn chưa thể hiện cái kỹ năng sống đó. Như vậy, các biện pháp ứng xử phù hợp và chủ động cần được thực hiện một cách thường xuyên để trở thành một thói quen hay một phản xạ thì ta mới gọi đó là kỹ năng sống.

Theo tổ chức Y tế Thế giới WHO (World Health Organization) thì , kỹ năng sống là những kỹ năng tâm lý xã hội và giao tiếp mà mỗi cá nhân có thể học hỏi được để tương tác với những người khác một cách hiệu quả và có được các giải pháp tích cực hoặc biết cách ứng phó với những vấn đề hay những thách thức của cuộc sống hàng ngày.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF (United Nations Children’s Fund), kỹ năng sống là tập hợp rất nhiều kỹ năng về tâm lý xã hội và giao tiếp cá nhân giúp cho con người đưa ra những quyết định có cơ sở, giao tiếp một cách có hiệu quả, phát triển các kỹ năng tự xử lý và quản lý bản thân nhằm giúp họ có một cuộc sống lành mạnh và tích cực . Từ các kỹ năng đó sẽ thể hiện thành những hành động cá nhân và những hành động đó sẽ tác động đến hành động của những người khác cũng như dẫn đến những hành động nhằm thay đổi môi trường xung quanh, giúp nó trở nên lành mạnh.

Như vậy, chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản, kỹ năng sống là những hành động xuất phát từ những điều mà con người đã được học hỏi nhằm ứng phó một cách hiệu quả với những tình huống hay tương tác một cách thích hợp với những người xung quanh.

2 Vậy, kỹ năng sống được thể hiện ở những khía cạnh nào trong cuộc sống?

Có thể nói là kỹ năng sống được thế hiện ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng chủ yếu là trong hai lĩnh vực chính, Đó là lĩnh vực các hoạt động bảo vệ bản thân, phát triển nhân cách cá nhân và lãnh vực giao tiếp . tổ chức các hoạt động trong môi trường xã hội với những người xung quanh.

Nói cách khác, kỹ năng sống là các hoạt động được thể hiện trong phạm vi cá nhân và trong môi trường xã hội.

3. Thưa thầy, tầm quan trọng của việc rèn luyện kỹ năng sống như thế nào, nhất là đối với lứa tuổi chúng em?

Trước đây, người ta thường hiểu kỹ năng sống như những kỹ năng dành cho các bạn đã trưởng thành, để có thể phát triển năng lực trong các môi trường ngoài xã hội và có thể học hỏi trong một thời gian ngắn, thậm chí là cấp tốc trong một vài buổi. Nhưng nếu không được hướng dẫn và thực hành thường xuyên ngay từ nhỏ, thì khi lớn lên chúng ta sẽ không thể vận dụng các kỹ năng để bảo vệ bản thân hay ứng xử một cách phù hợp như một thói quen.

Chúng ta thường khen người nước ngoài có những hành vi rất lịch sự và tự tin, bởi vì họ đã được giáo dục ngay từ nhỏ những điều đó và thực hành thường xuyên để trở thành một thói quen rất tự nhiên trong cuộc sống.

Vì vậy việc rèn luyện các hành động nhằm ứng dụng các kỹ năng sống cần phải được tác động một cách thường xuyên từng bước một ngay từ khi còn nhỏ nhằm giúp cho các em có những hành động hợp lý là một điều hết sức cần thiết và quan trọng.

 4. Thầy có nhận xét gì về kỹ năng sống của các bạn thiếu niên, nhi đồng hiện nay? Những biểu hiện cụ thể của vấn đề này là gì ạ?

Có thể nói là do chưa ý thức được việc rèn luyện và vận dụng kỹ năng sống một cách thường xuyên cho nên những năng lực cá nhân và kỹ năng ứng xử của các bạn trẻ hiện nay còn nhiều hạn chế hay không phù hợp.

Ví dụ trong hai lĩnh vực đó là kỹ năng kiểm soát cảm xúc và kỹ năng giao tiếp. Do các bạn trẻ không nhận ra giá trị của bản thân và kiểm soát được các cảm xúc của mình nên dễ nổi nóng, mất kiểm soát các hành vi, cũng như dễ bị cuốn theo tâm lý đám đông để từ đó dẫn đến các hành vi bạo lực chỉ vì một lời trêu chọc, một thái độ “nhìn thấy ghét” hay các hành vi hùa theo phê phán chê bai một ai đó trên các diễn đàn xã hội.

Hay đơn giản hơn, việc cám ơn, chào hỏi, xin lỗi ở các em HS bây giờ không nhiều, thậm chí là ngược lại với các hành vi khiếm nhã ở những nơi công cộng, từ chuyện không biết nhường chỗ cho người già cho đến việc chen lấn nhau khi đi mua sắm .v.v

Đó chỉ là hai trong nhiều biểu hiện cho thấy, ý thức và việc thực hành về kỹ năng sống của nhiều bạn trẻ còn rất hạn chế. Nhưng đáng tiếc nhất là nhiều bậc phụ huynh lại cho rằng việc học tập rèn luyện kỹ năng sống không quan trọng bằng việc học thêm Anh văn hay vi tính để từ đó không chỉ đưa đến việc chính các em HS đó học anh văn vi tính cũng không đến đâu, mà lại thiếu hụt các kỹ năng sống là những điều có thể đem lại những thành công sau này cho các em khi trưởng thành.

 5 Thưa thầy, những biểu hiện ấy sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc hình thành nhân cách của chúng em sau này, đúng không ạ?

Như đã nói, kỹ năng sống không phải là một bộ môn học, và cũng không thể học theo phong trào, học kiểu cỡi ngựa xem hoa qua loa trong vài buổi và nếu không giúp các em hình thành như một thói quen thì chắc chắn khi lớn lên sẽ có những ảnh hưởng nhất định trong quá trình hình thành nhân cách của các em.

Hiện nay chúng ta đã thấy một bộ phận không nhỏ những người lớn có các hành vi thiếu trách nhiệm trong công việc, thiếu sự đồng cảm với người khác, điều đó chứng tỏ họ không có được thói quen cư xử bằng những kỹ năng sống phù hợp. Như vậy, lẽ nào chúng ta lại tiếp tục để cho con em mình khi lớn lên cũng sẽ có những hành động như vậy nữa ? nếu chúng ta không quan tâm giúp các em trang bị các kỹ năng ngay từ khi còn nhỏ.

6. Hiện nay có một bộ phận các bạn thiếu nhi có xu hướng sống thu mình lại, trong khi đó lại có bộ phận khác sống rất cởi mở, sẵn sang làm quen, kết bạn chỉ sau một lần gặp mặt hoặc chat qua intenet. Thầy nhận xét thực trạng này như thế nào ạ? Có phải do các bạn thiếu kỹ năng sống không ạ?

Một bạn trẻ thiếu tự tin thường biểu lộ ra bằng sự nhút nhát, không thích giao tiếp, sống thu mình trong gia đình…Tuy nhiên, không phải việc có một cuộc sống khép kín mà chúng ta có thể xem đó là một bạn trẻ thiếu kỹ năng sống bởi vì đôi khi đó là sự thể hiện tính hướng nội, sống bằng những niềm vui và hoạt động cá nhân như đọc sách, viết văn… Ngược lại một bộ phận bạn trẻ khác thì lại quá dễ dãi, sống cởi mở , kết bạn làm quen một cách nhanh chóng và hời hợt, sống với thế giới bên ngoài nhiều hơn là sống với nội tâm, những bạn trẻ ấy cũng được xem là một dạng thiếu tự tin giống như một kẻ nhút nhát vậy. Nhưng cũng như một người hướng nội, thì hành vi thích kết bạn, thích các hoạt động giao tiếp vui chơi bên ngoài cũng cho thấy đó là một người có tính hướng ngoại chứ cũng không thể kết luận đó là người thiếu kỹ năng sống.

Thế nhưng tình trạng thiếu tự tin, không biết quý trọng giá trị bản thân để trở nên nhút nhát, tự ti mặc cảm về những sự yếu đuối của mình hay giống như một cái thùng rỗng, kết bạn giao tiếp một cách nhanh chóng chỉ sau một vài lần trao đổi trên mạng xã hội thì rõ ràng cho thấy đó là tình trạng thiếu hụt về kỹ năng sống của các bạn trẻ này.

 7. Gia đình có ảnh hưởng như thế nào đến kỹ năng sống của các con, thưa thầy?

Chúng ta thấy rõ, con cái thường xem cha mẹ là những mẫu mực, những thần tượng để học hỏi, bắt chước từ lời ăn tiếng nói đến cách ứng xử . Mà đó chính là những kỹ năng sống được thể hiện trong gia đình, vì thế cho dù cha mẹ có cho con đi học hết lớp này đến lớp khác về kỹ năng sống mà chính bản thân mình không có những hành vi tích cực, những lời nói tốt đẹp và cách giao tiếp lịch sự thì rất khó tập cho con có những thái độ ứng xử phù hợp.

Ngoài ra, nếu có cho con tham gia các hoạt động giáo dục về KNS thì bản thân cha mẹ cũng cần quan tâm, có sự nhắc nhở và cộng tác với nhà trường để cùng chung tay giáo dục các em. Chính điều đó mới giúp cho các em có những hành vi tốt đẹp được.

 8. Thầy ơi, rèn luyện kỹ năng sống có khó không ạ? Theo thầy, phương pháp nào giúp chúng em rèn luyện kỹ năng sống toàn diện ạ?

Kỹ năng sống là những thái độ biểu hiện ra hằng ngày trong cuộc sống, nó sẽ là rất khó nếu chúng ta không chịu áp dụng một cách thường xuyên để trở thành những thói quen tốt. Nhưng ngược lại, nếu chúng ta quan tâm và biết thể hiện ra trong mọi tình huống, từ những câu chào hỏi, thưa gửi…đến việc biết sắp xếp tổ chức việc học, việc chơi và mỗi ngày làm một điều tốt thì mọi việc sẽ trở nên đơn giản, tự nhiên.

Dĩ nhiên là không phải đó là những kỹ năng từ trên trời rơi xuống, hay những điều có được khi đi nghe các diễn giả thuyết trình, những buổi “trình diễn” về kỹ năng sống. Mà đó phải là những kiến thức kỹ năng được hướng dẫn một cách tiệm tiến, từng bước một từ ngày này sang ngày kia và phù hợp với tâm lý của từng lứa tuổi. Vì thế việc đi học KNS là điều cần thiết, nhưng phương pháp tốt nhất chính là phải vận dụng những điều được học trong cuộc sống hằng ngày.

 9. Những lời khuyên của thầy cho các bạn thiếu niên trong việc trang bị những kỹ năng sống?

Trong cuộc sống hiện nay, thì những điều xấu nhiều hơn cái tốt, hay nói đúng hơn là những cái xấu lại dễ lan truyền , dễ bắt chước và dễ bị tiêm nhiễm hơn là những hành vi ứng xử tốt đẹp. Vì vậy, bản thân các bạn thiếu niên hãy biết thận trọng trước tất cả những hành vi hay tác động đến từ bên ngoài. Chúng ta hãy tiếp nhận một cách chừng mực, tập phân biệt được đâu là cái đúng, đâu là cái sai.

Điều trước tiên, các bạn hãy biết quý trọng bản thân mình, biết trang bị cho mình những kỹ năng bảo vệ bản thân . Sau đó biết tôn trọng những quy định trong xã hội và biết quan tâm đến những người khác. Chỉ cần mỗi ngày các bạn thực hiện một điều tốt, làm một việc thiện, dù đơn giản và nhỏ bé là các bạn đã dần dần trang bị cho mình những kỹ năng trong một cuộc sống an toàn và hạnh phúc rồi !

 CVTL Lê Khanh

Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý