Trẻ học ngoại ngữ khi nào ?
17/02/2014
Trí nhớ giảm sút phải làm sao
18/02/2014
Trẻ học ngoại ngữ khi nào ?
17/02/2014
Trí nhớ giảm sút phải làm sao
18/02/2014

Trong cuộc sống hiện nay, việc trẻ em bị xâm hại đang là một thực trạng nhức nhối cho gia đình và xã hội. Trong khi xã hội chưa có những biện pháp hiệu quả thì việc bảo vệ con đúng cách là một kỹ năng mà các bậc làm cha mẹ cần quan tâm.

1. Trước thực trạng hiếp dâm và giết trẻ em hiện nay, nhiều gia đình có con nhỏ, nhất là các gia đình có con gái cảm thấy hoang mang lo sợ và tìm cách bảo vệ con kỹ càng trước những tai nạn bất thình lình xảy ra. Theo ông, cách bảo vệ con cái của cha mẹ trẻ như vậy có đúng cách và tác động đến tâm lý của con trẻ sau này thế nào?

 Hiện nay, nếu lướt qua những thông tin trên các phương tiện truyền thông, chúng ta thấy tình trạng xâm hại và bạo hành trẻ em chiếm một tỷ lệ không nhỏ, điều này khiến nhiều bậc cha mẹ hoang mang, lo lắng cho sự an nguy của con. Nhưng họ chỉ có thể đưa ra những giải pháp tình thế mang tính đối phó bằng việc cấm con tham gia các hoạt động đội nhóm, hay bỏ thì giờ đưa đón con khi đi học hay tại các lớp học thêm, gia tăng việc kiểm soát các hoạt động của con nhiều hơn. Điều này tuy cũng có thể làm giảm phần nào nguy cơ, nhưng lại tạo ra những căng thẳng khó chịu nơi trẻ khi các em cảm thấy bị “gò bó” nhiều hơn trong những khuôn phép mà mình lại không thể cãi được. Chính điều đó lại làm cho nguy cơ bị xâm hại ở các em gia tăng, vì bản thân các em sẽ có tư tưởng “đối kháng” luôn tìm cơ hội để vượt ra ngoài những biện pháp mà các em cho là đang bị “quản chế”. Ngoài ra, khi tạo cho trẻ lệ thuộc vào những sự nhắc nhở, che chắn của cha mẹ, thì có những em lại trở nên nhút nhát, không còn khả năng quyết định, chọn lựa hoặc lại dùng chính các yêu cầu đó để làm yêu sách, đòi hỏi sự chiều chuộng để đổi lấy sự chấp nhận “bảo hộ” của cha mẹ.

Bên cạnh đó, nguy cơ bị xâm hại có thể đến một cách bất ngờ, đôi khi ngay chính do những đối tượng mà cha mẹ không ngờ đến như những người quen, bạn bè hay người thân trong gia đình tại những địa điểm và thời điểm rất “bình thường” như tại gia đình, tại nhà người quen vào ban ngày..v.v



2. Là một chuyên gia tâm lý gia đình và trẻ em, ông có lời khuyên thiết thực nào với các phụ huynh trong việc bảo vệ con trước hiện tượng trên?

Để bảo vệ con một cách tương đối an toàn, tuy không thể có một biện pháp nào tối ưu, nhất là trong điều kiện xã hội ngày nay, khi mà tính “vô cảm” và thiếu tinh thần trách nhiệm với chính bản thân và xã hội ngày càng có chiều hướng gia tăng, thì các bậc cha mẹ lại càng phải biết cách rèn luyện cho con khả năng linh hoạt, biết nhận ra những yếu tố nguy cơ để chủ động phòng tránh, đồng thời gia tăng năng lực tự chủ, biết quyết định và phản ứng trong một số tình huống chứ không nên mỗi chút lại phải nhắc nhở hay lúc nào cũng phải đích thân “ra tay” đưa đón con.

Thực ra chính các hoạt động đội nhóm, các buổi sinh hoạt ngoài trời hay các lớp kỹ năng lại là những nhân tố tích cực để giúp các em biết quan tâm đến người khác, tạo thành những tập thể biết bảo vệ lẫn nhau, vì sự nhắc nhở, quan tâm của những bạn trẻ với nhau mới có khả năng tác động đến hành vi ứng xử của các em.

Các bậc cha mẹ cũng nên tìm hiểu về bạn bè của các em, một mặt để kịp thời nhắc nhở, hướng dẫn trẻ phân biệt bạn tốt, bạn xấu, mặt khác chúng ta cũng nên mở rộng mối quan hệ với các bậc cha mẹ là phụ huynh của bạn con mình. Sự hiểu biết cũng như sự liên lạc giữa các gia đình sẽ là những yếu tố để gia tăng sự quan tâm lẫn nhau, một điều cần thiết để bảo vệ cho con trẻ của chúng ta. Có thể nói, thay vì co cụm, xây cho con một “hàng rào” xung quanh gia đình mình, tách mình ra khỏi cộng đồng thì hành động tích cực nhất của cha mẹ để bảo vệ con cái mình lại là việc nên tạo ra những mối liên kết, gắn bó với những tập thể như các câu lạc bộ cha mẹ – các trung tâm kỹ năng, các đội nhóm sinh hoạt ngoài trời, và có những hoạt động cùng nhau tại gia đình… Chính điều này sẽ giúp trẻ mạnh dạn bộc lộ các điểm mạnh, yếu trong khả năng tự bảo vệ để qua đó, cha mẹ biết cách bồi dưỡng cho phù hợp. Trẻ còn có thể học hỏi thêm các kinh nghiệm từ bạn bè và những bậc đàn anh để ngày một trưởng thành hơn về nhân cách và kỹ năng sống. Đó mới là cách giúp con và bảo vệ con hiệu quả trước làn sóng bạo lực trong xã hội ngày nay.

Cv.TL Lê Khanh

Phòng Tư vấn Tâm lý Gia Đình & Trẻ em TP.HCM

 

Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý