Trẻ nói dối – tại sao ?
22/12/2011
Trắc nghiệm Denver
28/12/2011
Trẻ nói dối – tại sao ?
22/12/2011
Trắc nghiệm Denver
28/12/2011

Có nhiều phương thức khác nhau mà nhà trị liệu tâm lý có thể sử dụng khi muốn can thiệp vào những rối nhiễu tâm lý của trẻ. Một trong số đó là trị liệu thông qua trò chơi.

Trò chơi là một loại hình hoạt động quen thuộc và yêu thích của trẻ. Do số vốn ngôn ngữ còn hạn chế nên trẻ sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi lắp ghép, kết hợp thành câu để thể hiện suy nghĩ hay ý tưởng của mình vì thế rất khó diễn tả những vấn đề của mình qua lời nói. Đặc biệt, với những trẻ có vấn đề về tâm lý thì nhà trị liệu sẽ gặp nhiều khó khăn thông qua việc hỏi trẻ để tìm kiếm thông tin. Trong khi đó, thông qua trò chơi, trẻ có thể bộc lộ tình trạng của mình, những khả năng, những mong muốn, niềm khát khao…. và nhà trị liệu có thể thông qua quá trình chơi và kết quả của trò chơi để hiểu nhiều hơn về thế giới nội tâm của trẻ.

Trẻ thường yêu thích và hay chơi những trò chơi đơn giản, dễ hiểu. Tuỳ vào mục đích tìm ra vấn đề tâm lý của trẻ hay nhằm trị liệu mà nhà trị liệu có thể lựa chọn trò chơi phù hợp. Trong suốt quá trình quan sát trẻ chơi, nhà trị liệu có thể dạy trẻ cách chia sẻ, cách liên hệ với người xung quanh, giúp trẻ sống hoà đồng và có những cách thức ứng xử phù hợp. Tuỳ từng lứa tuổi và sở thích của trẻ, nhà trị liệu có thể sử dụng một hoặc kết hợp các trò chơi dưới đây:

TRÒ CHƠI VẼ HÌNH :

Đối với trẻ đã biết sử dụng bút một cách thành thạo, có thể cho trẻ giấy và bút với nhiều màu sắc để trẻ tuỳ ý lựa chọn. Hình vẽ và cách vẽ của trẻ không cần đẹp, chuẩn theo đúng khuôn mẫu nhưng lại bộc lộ những suy nghĩ, cảm nhận của trẻ thông qua các hình vẽ, màu sắc và vị trí của các hình vẽ trong khung hình. Để lấy được thông tin, nhà trị liệu có thể hỏi hoặc bàn về những hình vẽ của trẻ. Cách giải thích của trẻ về hình vẽ giúp nhà trị liệu có thể nhận thấy được cách nhìn và những nhu cầu trong cuộc sống của trẻ. Quan trọng hơn, nhà trị liệu có thể phát hiện được những vấn đề trẻ đang gặp phải.

Chúng ta có thể yêu cầu trẻ vẽ hình một căn nhà, đây là hình vẽ tượng trưng cho chính con người của trẻ. Tùy theo vị trí hình vẽ trên trang giấy, độ lớn của hình và những chi tiết như cửa sổ, cửa ra vào, hàng rào, đường dẫn vào nhà, hoa lá xung quanh … mà chúng ta có thể biết đó là một đứa trẻ hướng nội, nhút nhát, lo lắng hay một trẻ hướng ngoại, vui vẻ, tự tin.

Sau đó có thể yêu cầu trẻ vẽ một hình người, đây là một loại trắc nghiệm có rất nhiều thông tin hữu ích mà nhà tâm lý có thể “nhìn ra” hay cảm nhận” được, hình vẽ người cũng có giá trị đánh giá IQ của trẻ từ 3 – 10 tuổi.

TRÒ CHƠI ĐÓNG VAI:

Ở lứa tuổi mẫu giáo trẻ rất thích chơi trò đóng vai các nhân vật mà trẻ yêu thích hoặc những vai mà trẻ thường thấy trong cuộc sống hàng ngày. Tuỳ từng độ tuổi, trẻ có thể chơi đóng vai như với búp bê, hoặc với một hoặc nhiều người. Từ sự quan sát những sự việc hàng ngày, trẻ có thể bộc lộ những suy nghĩ, tính cách và những cảm nhận của mình thông qua trò chơi, đặc biệt là khả năng ứng phó trước những tình huống mà trong trò chơi đặt ra.

Khi tổ chức trò chơi cho trẻ, nhà trị liệu phải tạo không gian và tâm lý thoải mái cho trẻ được tự do chơi. Nhà trị liệu có thể đưa ra những ý tưởng một cách cụ thể, giải thích cách thức tiến hành trò chơi bằng ngôn ngữ và phải làm mẫu cho trẻ trước khi trẻ chơi.

TRÒ CHƠI VỚI BÚP BÊ – MÔ HÌNH

Trò chơi này được tiến hành trong một căn phòng có những trang bị thích hợp : Một đống cát, trên đó là các mô hình ( mô hình các nhân vật trong gia đình : Ông – bà – bố -mẹ – anh – chị – đứa trẻ và có thể thêm đứa em. Mô hình các con thú : Khủng long và Dã thú, thú nuôi trong nhà . Giấy vẽ, nước và màu sắc. Đứa trẻ hoàn toàn tự do trong việc thể hiện, nhà trị liệu chỉ quan sát, chỉ khi nào trẻ muốn thì mới tham dự nhưng để cho trẻ chủ động dẫn dắt trong các hoạt động với các mô hình.

TRÒ CHƠI TÂM LÝ VẬN ĐỘNG

Nhà trị liệu có thể sử dụng những trò chơi mang tính chất là hoạt động tĩnh hoặc  vận động. Thông qua mỗi trò chơi, trẻ đều có thể bộc lộ những suy nghĩ và những cảm nhận của mình. Nhà tâm lý Bernard Aucouturier (Pháp) đã xây dựng một hệ thống trị liệu tâm lý qua hoạt động có định hướng. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi một không gian với những vật dụng đặc thù ( các hình khối bằng mốp, búp bê, dây thừng, chăn, võng …màu sắc, giấy vẽ, đất nặn ) và nhà trị liệu phải được đào tạo chuyên môn về phương pháp này.

CV.TL LÊ KHANH


Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý