Lớp Can thiệp Đặc biệt
10/12/2012
Chân dung nhà tâm lý SIGMUND FREUD
24/12/2012
Lớp Can thiệp Đặc biệt
10/12/2012
Chân dung nhà tâm lý SIGMUND FREUD
24/12/2012

Chơi là một hoạt động thiết yếu trong sự phát triển của mọi trẻ. Thông qua chơi các trò chơi và chơi với đồ chơi, trẻ phát triển các kỹ năng cần thiết và quan trọng như khả năng giao tiếp, tư duy trừu tượng, tương tác xã hội, phát triển sự tự trọng và cá tính, khả năng sáng tạo .

Chơi là gì?

Chơi là thời gian mà trẻ được tự do khám phá mọi thứ theo cách riêng và theo những bước riêng của mình với sự vui thích và thoải mái. Các hoạt động do trẻ chủ động chọn lựa để chơi gì và chơi như thế nào. Trẻ có thể không cần người khác tham gia vào trò chơi của trẻ.

Tại sao chơi lại quan trọng?

Chơi quan trọng vì nó đặt nền móng cho việc học của trẻ trong tương lai trong mọi lĩnh vực. Trẻ có thể thực hành những kỹ năng cũ và phát triển những kỹ năng mới. Các hoạt động này giúp trẻ tạo dựng sự hiểu biết về con người và mọi thứ xung quanh trẻ. Đó là nền tảng của sự giao tiếp. Chơi cho phép trẻ thử nghiệm học mà không có nguy cơ bị thất bại.

Chơi phát triển như thế nào?

Hoạt động chơi bắt đầu từ sự tương tác giữa mẹ/bố với con ngay từ khi trẻ còn nằm trong nôi, thông qua ánh mắt nhìn, trẻ nhận ra khuôn mặt của mẹ, tập phân biệt với khuôn mắt của bố, và có thể đùa nghịch với các ngón tay khi bú mẹ. Sau đó trẻ sẽ mở rộng mối tương tác với những người khác và những đồ vật xung quanh trẻ.

Có các kiểu chơi khác nhau:

Khám phá – Chuyển động – Điều khiển – Xã hội – Giả vờ – Giải quyết vấn đề – Mỗi kiểu chơi sẽ có những tiến bộ qua những giai đoạn nhất định khi trẻ phát triển.

Trẻ có cần giúp đỡ để chơi không?

Chơi là một khả năng bẩm sinh, hầu hết các bé đều có thể tự chơi, chỉ có các trẻ Tự Kỷ là không biết chơi. Tuy nhiên để phát triển kỹ năng và nhận thức qua chơi, trẻ cần sự kích thích của cha mẹ, anh chị em và những người khác. Trẻ khuyết tật cũng cần sự kích thích nhưng có thể cần một sự giúp đỡ và chú ý đặc biệt. Các bậc cha mẹ của trẻ khuyết tật cần khuyến khích trẻ tích cực, chủ động trong các tình huống chơi và họ cần giúp trẻ học.

Chơi khám phá là thế nào?

Chơi khám phá là thử nghiệm và tìm ra những điều mới. Khám phá là nền tảng cho sự phát triển của trẻ. Nó giúp cho trẻ tạo nên những kiến thức mới và biết nhiều hơn về thế giới mà trẻ đang sống , kích thích tính tò mò và học hỏi cũng như giúp trẻ phát triển và học những kỹ năng mới.

Khuyến khích trẻ khám phá như thế nào?

Hãy chỉ cho trẻ thấy thế giới của trẻ thật thú vị bằng cách giới thiệu cho chúng những đồ vật và sự kiện khác nhau để trẻ khám phá. Khi chơi với trẻ, hãy làm theo sự chỉ dẫn của trẻ: nhận ra những gì trẻ thực sự thích thú và cho trẻ thấy là bạn cũng rất thích nó. Bạn có thể chỉ cho trẻ thấy cách khám phá như thế nào bằng sự quan tâm của bạn đến mọi thứ và hành động của bạn

Thế nào là trò chơi vận động?

Chơi vận động là sử dụng mọi bộ phận của cơ thể trong các hoạt động thể chất và thú vị. Vì chúng ta biết rằng vận động là nền tảng cho sự phát triển, giúp trẻ tích cực và chủ động để khám phá thế giới. Đó cũng là cơ hội học về cơ thể của mình và đạt được sự điều khiển nó. Một trẻ có thể được kích thích vận động bằng cách tạo ra các tình huống. Như đặt các đồ vật hơi xa tầm với của trẻ. Để trẻ nhảy và chạy, bò, lăn tròn, đu đưa với các công cụ….Chơi các trò chơi thể chất và nhiều năng lượng với trẻ sẽ giúp trẻ nhận thấy rằng vận động thật vui vẻ.

Thế nào là chơi điều khiển?

Chơi điều khiển là khả năng kết hợp tay và mắt một cách có chủ ý. Đây là một kỹ năng quan trọng cho sự phát triển của trẻ. Nó giúp trẻ điều khiển được trò chơi và đồ vật, để trẻ có thể chơi độc lập như một người lớn. Khi trẻ lớn hơn, trẻ sẽ có thể làm được nhiều điều hơn cho chính mình, như cài khuy, sử dụng dao, kéo, viết hoặc vẽ. Việc này giúp trẻ có sự tự trọng và độc lập. Bằng cách điều khiển các đồ vật, trẻ sẽ nhận biết kích thước, trọng lượng, hình dáng, v.v

Khi một trẻ thích thú với một đồ vật nào, hãy chỉ cho trẻ cách điều khiển đồ vật đó như thế nào. Bằng cách cầm tay trẻ bạn có thể giúp trẻ về mặt thể chất điều khiển đồ vật đó. Hãy đưa cho trẻ đồ chơi và các đồ vật kích thích trẻ và hoạt động với chúng.

Thế nào là chơi xã hội?

Xã hội hoá là sự tương tác giữa hai hoặc nhiều người. Nó liên quan tới việc cho và nhận, và là một quá trình hai chiều. Điều này rất quan trọng đối với sự phát triển giao tiếp. Nó khuyến khích trẻ học từ người khác thông quan việc quan sát và bắt chước hành động của họ, cũng như tạo ra những cơ hội tự nhiên cho trẻ thực hành và phát triển các kỹ năng giao tiếp. Sự trải nghiệm việc luân phiên và tương tác với người khác rất quan trọng đối với sự phát triển các mối quan hệ trong cuộc sống sau này.

Chúng ta hãy theo dõi một cách cẩn thận mọi nỗ lực mà trẻ thực hiện để tương tác với bạn, và hãy đảm bảo chắc chắn là bạn đã đáp ứng những nỗ lực đó. Cũng như giúp trẻ học cách chơi với những trẻ khác và tự tin trong khi chơi với chúng. Tạo ra những cơ hội cho trẻ để gặp và chơi với những người khác, cả người lớn và trẻ khác.

Thế nào là chơi giả vờ?

Chơi giả vờ là khi trẻ dùng trí tưởng tượng của mình để tưởng tượng các đồ vật là những thứ mà trẻ muốn thể hiện, ví dụ, một hộp thẻ trở thành một chiếc ô tô; một mảnh gỗ và một chiếc gậy trở hành một cái chảo và một cái thìa.Trò chơi giả vờ là một trong các kiểu chơi quan trọng nhất cho sự phát triển các kỹ năng giao tiếp, nó giúp cho sự phát triển tư duy và ngôn ngữ, vì từ được sử dụng như là các biểu tượng của các đồ vật mà chúng thể hiện. Chúng ta biết rằng sự phát triển trí tưởng tượng làm mở rộng trải nghiệm của trẻ bên ngoài trẻ và khuyến khích trẻ sáng tạo. Chơi giả vờ giúp trẻ hiểu rằng tình huống mà trẻ nhìn thấy xung quanh trẻ mang một ý nghĩa và chuẩn bị cho trẻ trong các tình huống trong cuộc sống sau này.

Chúng ta nên khuyến khích trẻ quan sát các công việc nhà, như trong khi mẹ nấu bếp, quét nhà, rửa cốc chén, v.v. Sau đó nói cho trẻ về những gì đang diễn ra. Bố mẹ hãy ngồi với trẻ và chỉ cho trẻ thấy cách chơi giả vờ như thế nào, để trẻ có động cơ để tự thử làm những việc đó, và nói cho trẻ về những gì trẻ đang làm. Hỗ trợ trẻ trong những nỗ lực chơi giả vờ và chỉ cho trẻ thấy cách phát triển nó hơn nữa như thế nào.

Thế nào là chơi giải quyết vấn đề?

Chơi giải quyết vấn đề là khi trẻ phải nghĩ một cách cẩn thận để xử lý một việc gì đó như thế nào, qua đó phát triển các kỹ năng tư duy giúp trẻ tự giải quyết mọi vấn đề. Thách thức của việc phải tự giải quyết một vấn đề gì đó cho bản thân giúp trẻ phát triển sự tự tin và tò mò.

Các kỹ năng cần thiết cho việc giải quyết ván đề sẽ vô cùng cần thiết cho cuộc sống sau này khi người lớn phải đối mặt với những tình huống mà phải đưa ra những quyết định một cách cẩn thận cho bản thân mình. Hãy tạo sự chú ý của trẻ vào các đồ vật và các sự kiện xung quanh trẻ để trẻ trở nên tò mò và muốn khám phá nhiều hơn về chúng. Phụ huynh dựa theo sự chỉ dẫn của trẻ; nhận biết những gì trẻ quan tâm và chỉ cho trẻ cách khám phá nhiều hơn về nó như thế nào.

Chúng ta nên tạo các hoạt động không quá khó giúp trẻ thành công khi thực hiện, qua đó sẽ khuyến khích trẻ tiếp tục. Hãy cho trẻ thời gian để tự thử mọi thứ và giải quyết những vấn đề của riêng chúng mà không có sự can thiệp của người lớn.

Khi chuẩn bị chơi với trẻ, hãy nghĩ về những câu hỏi sau:

Bạn sắp sửa làm những hoạt động nào và tại sao?

Bạn đã có mọi thứ đồ chơi/thiết bị mà bạn cần chưa?

Nơi bạn sẽ chơi cùng trẻ có phải là một nơi yên tĩnh, thư giãn và không có sự sao lãng không?

Bạn có thể tránh bị làm phiền trong một khoảng thời gian mà bạn chơi với con bạn không?

Những việc nên làm khi chơi với trẻ.

Nên chọn lựa các hoạt động phù hợp với mức độ phát triển của trẻ và linh hoạt trong cách tiếp cận của bạn. Khi một cái gì đó hấp dẫn trẻ, hãy theo sự dẫn đường của trẻ. Bạn không thể bắt trẻ thích thú với những gì mà bạn chọn.

Hãy ngợi khen và khuyến khích trẻ khi trẻ cố gắng. Chơi không phải là một bài kiểm tra để trẻ phải vượt qua hay thất bại. Điều quan trọng là phải ngợi khen những cố gắng mà trẻ đã làm.

Cần giữ bình tĩnh và không xao lãng trong suốt thời gian bạn ở bên trẻ. Cũng như khuyến khích trẻ tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau. Đừng nên chỉ tập trung vào một loại chơi nào đó.

Trước khi chơi với trẻ, hãy chắc chắn là trẻ tỉnh táo và ngồi ở một vị trí thoải mái trong đó trẻ được tự do dùng tay của mình. Cho trẻ thấy là bạn đang thích thú chơi với trẻ thể hiện qua khuôn mặt và giọng nói của mình. Hãy đáp ứng một cách tích cực đối với bất kỳ một cố gắng nào mà trẻ đã thực hiện để chơi.

Chỉ nên chơi trong một thời gian ngắn. Khi trẻ bắt đầu mất hứng thú, hãy chuyển sang một hoạt động khác. Kỹ năng chơi của trẻ sẽ được tăng cường nếu bạn thực hiện từng bước nhỏ một và luôn lặp lại một hoạt động với trẻ.

Khi giới thiệu một hoạt động chơi mới, hãy làm mẫu hoạt động đó cho trẻ trước. Khi bạn nghĩ trẻ đã hiểu phải làm gì, hãy để cho trẻ tự thử làm.Việc chơi một mình cũng quan trọng đối với trẻ. Hãy cho trẻ cơ hội tự thử nghiệm và khám phá mọi thứ.

Những điểm quan trọng cần nhớ về chơi

Chơi là một phần thiết yếu trong sự phát triển của mọi trẻ. Thông qua chơi, trẻ phát triển các kỹ năng cần thiết và quan trọng trong mọi lĩnh vực phát triển. Mọi kiểu chơi đều quan trọng như nhau, cũng như có liên quan chặt chẽ và phụ thuộc vào nhau.

Chúng ta cần đảm bảo là trẻ được trải nghiệm mọi kiểu chơi. Bởi vì các hoạt động chơi có nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau.

Bằng cách biết rõ những giai đoạn phát triển của chơi, chúng ta có thể nhận biết mức độ thực hiện chức năng của trẻ và giúp trẻ phát triển kỹ năng của trẻ từ đó. Để phát triển kỹ năng chơi, cần phải có thời gian và không được thúc trẻ tới một giai đoạn phát triển sau nếu giai đoạn phát triển trước chưa được thiết lập một cách hoàn hảo. Nên biết rằng, sự phát triển chơi ở trẻ phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng chơi, tham gia vào trò chơi của người lớn như thế nào.


Tài liệu tham khảo:

Tổ chức Y tế thế giới. World Health Organisation (1997). Hãy giao tiếp: một cuốn sách cẩm nang cho người đang làm việc với trẻ có khó khăn về giao tiếp. Let’s communicate: a handbook for people working with children with communication difficulties. World Health Organisation.

 Thảo Uyên (sưu tầm)

Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý