CHỈ CÓ THỂ LÀ TỰ KỶ !
13/04/2020
CHƠI VỚI TRẺ TỰ KỶ
22/04/2020
CHỈ CÓ THỂ LÀ TỰ KỶ !
13/04/2020
CHƠI VỚI TRẺ TỰ KỶ
22/04/2020

Sáng nay, ngồi tư vấn qua điện thoại cho một bà mẹ ở xa, bà muốn đưa đứa con học lớp 10 của mình đến gặp chuyên gia tâm lý – vì nó quậy quá , không chịu nghe lời bố mẹ, dù bà đã “năn nỉ” lẩn trách mắng! Bà nghĩ rằng, có lẽ mang đến cho chuyên gia – “tư vấn – dạy dỗ” “vài buổi” nói cho nó nghe …thì chắc nó sẽ ngoan trở lại ! Bà không hiểu rằng, nếu chỉ nói thôi mà có thể thay đổi một thói quen, một thái độ thì thế gian đã là một Thiên Đường !

Đây không phải là lần đầu , mà đã có khá nhiều trường hợp mang con đến tư vấn, thậm chí ngay khi chính đứa con yêu cầu – cũng không thể chỉ trong vòng vài câu nói, một hai buổi tư vấn mà con có thể trở nên “ngoan”. Trước hết, hãy thử nghĩ mà xem – con đã “trở nên hư” từ khi nào ? Đâu phải một sớm một chiều mà con đã “hết nói nổi, hết dạy nổi” ! Mà đó là một “tiến trình” ! Nếu đã có một tiến trình trở thành con hư – thì cũng cần phải có một tiến trình để trở lại thành con ngoan ! ( mà thế nào là ngoan thì lại là 1 vấn đề khác )

Có một thực tế mà ai cũng biết – con hư đâu phải tại con ? nhưng khi đối diện với những lỗi lầm, lúc nào bố mẹ cũng chỉ thấy cả một trời sai lầm và hư hỏng nơi đứa con. Con lười học ? lười giúp bố mẹ, lười tắm rửa… con ham chơi games, con kết bạn với lũ hư hỏng, con không chịu nói chuyện với bố mẹ… trăm tội đổ đầu con ! Thế rồi, nó hư thì chửi, đánh, răn đe, dọa nạt nó, cho nó hết hư – chứ tôi rất thương nó mà ? Tôi chỉ yêu cầu nó ngoan ngoãn học hành, lúc nào cũng có điểm 10 mang về như con người ta, đi thưa về trình, gọi dạ bảo vâng như con người ta ! Lúc nào cũng phải như con người ta – chứ không phải là như “chính mình” ! Tôi đâu có bắt nó làm việc nhà ? nó muốn thì nó làm, ai cấm, nhưng nhiệm vụ của nó chỉ là học, học sáng, học chiều học tối …. Nó đòi cái gì là có cái nấy, muốn iphone, ipad gì cũng có , bữa cơm không chịu ngồi vào bàn, sẽ bưng lên tận phòng. Quần áo thay ra, mẹ lui cui gom đi giặt … Ngôi phân tích một hồi thì hầu như chỉ thấy sự chiều chuộng và áp đặt, chứ không phải là sự quan tâm và nghiêm khắc ! Nói thêm một hồi nữa thì mới thấy bố mẹ đã có những lời nói và ứng xử không phù hợp, và điều quan trọng là sự chăm sóc giữa bố và mẹ thường mâu thuẫn nhau! Trẻ sẽ nghe ai và cãi ai ?

Có gia đình coi trọng tiền bạc, ai có thu nhập cao, người đó là sếp ! Có gia đình theo truyền thống “gia trưởng” kiểu nào ông bố cũng là ông quan trong nhà ! Có trường hợp thì bố chỉ biết ra ngoài kiếm tiền , bỏ mặc con cho mẹ dạy, nhưng khi mẹ nghiêm khắc với con, thì bố lại cưng chiều. Cũng có những gia đình, bố mẹ ít học, chỉ biết cặm cụi làm ăn, không biết mở lời với con bằng những lời yêu thương, hay những câu “có cánh” – Khi con học lên cao, lại vừa hãnh diện về những thành tích học tập của con, có khi đem khoe khắp nơi, lại vừa nể nang cái “ vị trí” của con và vô tình cho con lên đầu lúc nào không biết rồi mới than, sao nó hỗn quá !.

Một xã hội ổn định là ai ở đúng vị trí của họ ( còn bây giờ thì cứ ở yên trong nhà ! ) Một gia đình ổn định là bố mẹ và con ở đúng vị trí của nhau ! Bố mẹ phải chấp nhận và biết tôn trọng chính mình cũng như chấp nhận và tôn trọng vị trí của con ! Nghe đến hai chữ tôn trọng sao mà trịch thượng gớm ! Từ trước đến giờ – con cái là phải vâng lời , cha mẹ nói ra chỉ có đúng và rất đúng ! Sao lại phải tôn trọng con ? Cũng như trong nhà trường, học sinh phải tôn trọng thầy cô và trong xã hội, thì trẻ con phải tôn trọng người lớn ! – Điều đó đúng, đó là tôn ti trật tự ! Nhưng nếu bố không ra bố, mẹ không ra mẹ, thầy không ra thầy, người lớn không ra người lớn thì sao ? Ăn nói gian dối, hứa không giữ lời, nói một đằng làm một nẻo mà đòi sự chấp hành và tôn trọng ?

Con hư, không phải một ngày mà hư, gia đình xáo trộn không phải chỉ do một vài biến cố mà xáo trộn, xã hội đảo điên, không phải chỉ vì vài biện pháp áp dụng tầm bậy ! Tất cả là do những cách thức và hành vi ứng xử với nhau, do những biện pháp giáo dục và hướng dẫn không phù hợp mang tính áp đặt, cửa quyền kéo dài trong nhiều tháng, nhiều năm !

Muốn thay đổi một đứa con hư, cũng không phải bằng vài câu nói hay những lời kêu gọi bùi tai, khiến trẻ có thể thay đổi ngay lập tức ! mà phải là những biện pháp cư xử với sự tôn trọng lẫn nhau, từ những chuyện nhỏ nhặt được thực hiện trong gia đình mỗi ngày và mỗi ngày! Không thể nói cho nó nghe mà hãy làm cho nó hiểu và chấp nhận với tấm lòng tôn trọng và yêu thương .

Lê Khanh – Trung Tâm GDĐB Diệp Quang ( An Giang )

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý