Nhận biết về Tư vấn tâm lý ( Consulting ) và Tham vấn Tâm lý ( Couselling )
25/03/2020
ĐỊNH MỆNH LÀ SỰ CHỌN LỰA !
30/03/2020
Nhận biết về Tư vấn tâm lý ( Consulting ) và Tham vấn Tâm lý ( Couselling )
25/03/2020
ĐỊNH MỆNH LÀ SỰ CHỌN LỰA !
30/03/2020

“ Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt – Khói cam tuyền mờ mịt thức mây” Hai câu thơ nói lên sự báo động về một cuộc chiến hủy diệt ngày xưa – tưởng như chỉ còn trong quá khứ với những cuộc chiến tranh đã qua đi . Nhưng giờ đây tuy không có tiếng trống báo động, không có khói báo nguy, và  tiếng súng cũng chưa ngớt, thế mà lại có một cuộc chiến khốc liệt hơn – không chỉ ở phạm vi quốc gia hay khu vực mà đã lan rộng khắp nơi, đã khiến nhiều thành phố hoang vắng, bầu trời mịt mù thuốc “khử trùng” và làm chao đảo gần như mọi quốc gia, mọi thể chế chính trị trên toàn thế giới.

Điều mà các cuộc chiến mức độ thế giới  không làm được, điều mà những thảm họa như cháy rừng, bão lũ hay hạn hán trên diện rộng không làm được, thì chỉ trong một thời gian ngắn chưa đầy 6 tháng, con virus nhỏ bé đã làm được! Nó không chỉ gây ra sự lo sợ do cái chết đem lại như bao thảm họa khác –nếu so với con số người chết vì chiến tranh, hay vì giao thông, vì ung thư… thì virus Vũ Hán này chưa là cái gì ! ( năm 2019 mỗi ngày có 21 người chết vì tai nạn giao thông và 300 người chết vì ung thư tại VN! ) Ấy thế mà nó đã làm cho cả thế giới lên cơn …khủng hoảng ! Các quốc gia đã lao đao suy kiệt kinh tế, Thủ tướng Italy khóc trên truyền hình và thủ tướng Anh phải cách ly tại nhà!

Nhưng điều quan trọng mà chưa có sự khủng hoảng nào làm được , đó  là sự nhìn nhận lại những giá trị trong cuộc sống hàng ngày . Người bi quan thì tưởng như tận thế, còn những người lạc quan thì lại thấy như một sự cải thiện môi trường sống, giảm thiểu sự ô nhiễm do khí thải, do rác thải , giảm sự ùn tắc giao thông, sự quay cuồng trong những đám đông để làm việc – vui chơi rồi sinh ra muôn ngàn tệ nạn !

Trong một bình diện nhỏ hơn, thì con virus này đã tạo cơ hội cho những thành viên trong gia đình có cơ hội nhìn lại nhịp sống của mình, nhìn lại những gắn kết đã lỏng lẻo trong thời gian qua, những sự quan tâm đã trống vắng trong mỗi một thành viên gia đình để có thể bắt đầu đi tìm niềm vui trong chính gia đình mình.

Tại Đan Mạch , có một cách sống gọi là “Hygge” là từ dùng để chỉ cảm giác ấm áp, an toàn và thư giãn, tận hưởng từng khoảnh khắc nhỏ trong cuộc sống gia đình. “Hygge” tồn tại trong mọi nét văn hoá của người Ðan Mạch, từ trang trí nhà cửa, ẩm thực đến tặng quà tri ân.  Cùng những bạn bè thân quý hưởng bầu không khí ấm áp với nhau là Hygge. Những cây nến cháy sáng trên bàn ăn có hoa là Hygge. Hygge còn là cùng đi xem một cuốn phim hay. Cùng nhau vui vẻ dự bữa ăn ngoài trời là hygge. Chính văn hóa hygge làm cho người Ðan Mạch nổi tiếng là những người hạnh phúc trên thế giới.

Trong văn hóa người Việt, với lối sống đại gia đình xưa kia, cũng không thiếu gia đình coi trọng những buổi họp mặt ( Cúng giỗ, Lễ Tết, sinh nhật ) hay những buổi ăn chung, chơi chung để tạo ra một bầu khí ấm cúng… Tuy nhiên, với cuộc sống trước đây thì những hoạt động đó ngày càng hiếm hoi, nó không còn là hoạt động bình thường mà là những cơ hội ít ỏi để duy trì sự an yên. Trong nhiều trường hợp, chính tình trạng thiếu nối kết trong gia đình, thiếu những bữa ăn chung, thiếu những quan tâm hay các món quà dành cho nhau , đã khiến cho từng thành viên gia đình trở nên khép kín, thu mình lại trong cái vỏ bọc tự kỷ, đến nỗi tưởng như là trầm cảm hay suy nhược thần kinh ! Đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên, mà lối sống cơm hộp và smartphone đã khiến cho các em không còn được hưởng cái bầu khí cùng nhau sinh hoạt trong gia đình. Để từ đó nãy sinh ra bao nhiêu chứng rối nhiễu tâm lý !

Buổi sáng thức dậy đã vội vã đến trường, buổi trưa với bữa cơm ở căn tin, đến chiều mệt nhoài quay về nhà, thì lại dính vào cái điện thoại, cái máy tính hay lại ở trong lớp học thêm ! Vội vã, căng thẳng và mệt mỏi ! Cả ngày thứ Bảy Chủ Nhật cũng vẫn phài đi học, vẫn phải làm thêm, vẫn phải sống ngoài xã hội, và gia đình chỉ còn là một nhà trọ để về ngủ qua đêm !

Giờ đây, với khẩu hiệu : Ai đang ở đâu – ở yên tại đó… thì gia đình “bỗng nhiên” trở thành một pháo đài “tử thủ” ! Có người lên kế hoạch “du lịch” Từ Phòng khách sang phòng ăn, từ phòng ăn quay về nhà tắm và kết thúc ở phòng ngủ ! Có người lên kế hoạch học và dạy học online, có người thì chiến đấu với nồi niêu xoong chảo, làm ra đủ loại món ăn độc đáo để lấp đầy sự rảnh rỗi mà không nông nổi ! Nhưng vẫn chưa có nhiều người biết đến câu : Cùng nhau chúng ta sẽ chiến thắng !

Chúng ta không phải chiến thắng con virus, vì đến nay vẫn chưa có vaccin chủng ngừa hay kháng sinh điều trị hữu hiệu, còn sự thành công là tùy vào các biện pháp y tế khác nhau cùng với chính sức đề kháng của cơ thể mỗi người. Chúng ta cũng không phải chiến thắng để lại được tiếp tục đi làm, đi học, đi kiếm tiền và đi giải trí như xưa dù đó là điều mong muốn lớn nhất! Vì chắc chắn điều đó sẽ đến không sớm thì muộn, nhưng bây giờ thì chưa ! Điều  mà chúng ta cần chiến thắng ngay lúc này là chiến thắng được nỗi cô đơn và cách biệt tại chính gia đình của mình. Nỗi cô đơn đã và đang hiện hữu trong  mỗi người chúng ta từ cái..thời phải chạy theo guồng máy của xã hội, vắt kiệt sức cho những mục tiêu khác nhau và ước ao một ngày có 48 tiếng để ..kiếm tiền!

Có thể có nhiều người làm được công việc ưa thích, may mắn kiếm được nhiều lợi nhuận và công danh trong cuộc sống, nhưng cũng không thiếu kẻ vất vả lao đao, làm sấp mặt để cho kẻ khác hưởng,  chịu sự bóc lột và lợi dụng mà không thể phản ứng vì chén cơm, manh áo hay cái bả vinh hoa. Có người chịu cúi đầu trước những kẻ có quyền, có sức mạnh hơn mình chỉ vì hèn nhát, hay ngây thơ !  Con Virus tuy không thể biến chúng ta thành những kẻ hạnh phúc vì ..thất nghiệp, hay có năng lực nhiều hơn để bóp mũi những kẻ đáng ghét, mà nó chi cho chúng ta có một thứ rất thiếu thốn từ trước đến nay : Đó là thời gian để suy nghĩ ! Trước đây, chúng ta cũng suy nghĩ đó chứ, nhưng là suy nghĩ đến bạc đầu để làm sao làm tốt hơn công việc của mình để kiếm tiền nhiều hơn hoặc làm sao lừa được người cộng sự để leo lên vị trí cao hơn! Nhưng chúng ta ít khi suy nghĩ đến cách sống chậm lại, đơn giản đi và làm sao có thể quan tâm, yêu thương và tôn trọng những người trong gia đình hay trong các mối quan hệ thân thiết của mình.

Nhưng  giờ đây vì việc “cách ly” nên phải hàng ngày gặp nhau “ngày 7 đêm 3 vào ra không kể” ! Các bữa cơm gia đình không còn là điều quý hiếm, việc cùng nhau tập thể dục hay xem thời sự VTV để đếm xem có bao nhiêu người bị nhiễm mỗi ngày cũng rất tự nhiên.  Dĩ nhiên, vẫn còn những đứa trẻ cắm đầu vào games từ sáng tới tối, có những ông bố, bà mẹ chìm đắm trong các trang mạng xã hội – chém gió giông dài trên FB hay tìm cách mua bán online cả ngày ! Nhưng rõ ràng, chúng ta vẫn phải sống chậm lại, dù một ngày vẫn 24 giờ , vẫn phải có một lúc nào đó ngó đến nhau, làm chung với nhau một công việc nào đó, phải dọn dẹp nhà cửa sạch đẹp hơn, chế biến thức ăn tiết kiệm hơn, chấp nhận ăn uống đạm bạc hơn. Cũng có thể có thêm thời gian quan tâm đến chuyện vẽ vời, xếp đá, trồng cây cảnh v,v,v..!

Tất cả chỉ là để có thể “sống chậm cùng nhau” vì vậy hãy quan tâm đến nhau hơn một chút, nói chuyện nhiều với nhau hơn, săn sóc nhau, nhượng bộ nhau hơn hay bầy ra những trò để cùng nhau làm cho vui hơn…. Đó chính là những điều mà không một cuộc chiến hay một tai họa nào đang đe dọa con người có thể làm được. Và vì thế khả năng sống chậm để tốt hơn hay biến họa thành phúc phải chăng chính là “mật mã Da Vincy”  mà con virus đã bí mật gửi đến chúng ta ?

Lê Khanh .

Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý