Giấc ngủ không bình yên
14/07/2012
Khóa học chăm sóc bé dành cho cha mẹ
16/07/2012
Giấc ngủ không bình yên
14/07/2012
Khóa học chăm sóc bé dành cho cha mẹ
16/07/2012

Mặc dù hiện nay, vấn đề trẻ béo phì đã bắt đầu là nỗi ám ảnh của nhiều cô giáo mẫu giáo, nhà trẻ nhưng việc mong muốn cho con những món ăn “ ngon nhất, bổ nhất “ vẫn là một trong những mục tiêu của các bà mẹ.

Vì thế một trong những điều làm cho người mẹ khó chịu nhất là việc đứa con dám “ từ chối” những bình sữa, những chén bột xay, cháo hầm đầy bổ dưỡng và “ rất ngon lành” mà bà đã mất công chế biến, bà sẽ tìm mọi cách bắt trẻ chấp nhận, từ việc dụ dỗ, năn nỉ cho đến việc áp dụng “bạo lực”. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng biếng ăn.

Các hình thức biếng ăn :

Biếng ăn là một trong nhiều tình trạng rối loạn về ăn uống bao gồm :

          Chậm thành thục về khẩu vị : Trẻ kéo dài việc bú sữa, chậm biết nhai, thường nuốt theo kiểu trẻ con, thường kèm theo sự kém phát triển vận động.

          Kén ăn : An không ngon miệng, chọn lọc món ăn, hay nôn thức ăn…

          Chán ăn : Từ chối hay hạn chế việc ăn uống thường kéo dài trong một thời gian dài.

          Háu ăn : Ngược lại với chán ăn, trẻ ăn uống vô tội vạ, đôi lúc là do tác động trong gia đình, cũng có nhiều cái “tàu há mồm” hay do trẻ có nhiều ức chế, mặc cảm …nhưng thường nguyên nhân lại giống như trẻ chán ăn, với những nỗi ám sợ trong tâm tư.

          Các trạng thái đặc biệt : Chứng nhai lại, ăn bậy ( Đất sét, thạch cao …) ăn phân : Thường là biểu hiện của tình trạng Chậm khôn ( nặng hay trung bình ).

 

Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này ?

Ngoài những nguyên nhân về sinh học do những ảnh hưởng khi sinh, hay do tình trạng chậm phát triển vận động và trí năng ( Chậm khôn ) thì việc biếng ăn của trẻ thường do hai nguyên nhân :

          Cách thức cho ăn không hợp lý.

          Các vấn đề trong quan hệ mẹ con.

Có thể nói rằng, những món ăn mà trẻ ăn ngấu nghiến hay kiên quyết từ chối, đôi khi là thứ mà trẻ đang tìm kiếm về phương diện tâm lý vì đó chính là một phần hay là biểu tượng cho tình yêu của bà mẹ với đứa con. Đứa trẻ sẽ biểu lộ tình cảm qua hình thức cho và nhận, khi trẻ “nôn trớ “ có thể hiểu đó là một hình thức “trả lại” những gì mà em không muốn nhận, vì vậy nếu bà mẹ cố gắng ép trẻ, thì lại càng làm cho sự phản kháng bị dồn nén, ý muốn trả lại càng nhiều hơn.

Việc chế biến thức ăn cũng là một yếu tố, nếu như người mẹ chỉ muốn cho trẻ ăn những món đã được nghiền nát, xay nhuyễn trong khi trẻ đã có thể nhai được, trẻ sẽ dần dần làm biếng nhai, và từ biếng nhai đến biếng ăn chỉ có một khoảng cách nhỏ. Hay đó là một món ăn ngon theo “khẩu vị của bà mẹ” chứ không phải theo sở thích của bé. Nhiều khi bé thèm được ăn những món giống như cha mẹ như phở, bánh cuốn, bún riêu… mà mẹ thì cứ bắt ăn món súp, cả nhà chẳng ai ăn, chỉ có mình bé là phải ăn, “chẳng giống ai!”

Việc nhìn nhận đứa trẻ như một cá thể có những nhu cầu và nhận thức khác bố mẹ, đó là bước đầu trong việc thay đổi ứng xử và đa dạng hóa các món ăn, cách thức cho ăn … sẽ là những cải thiện tốt nhất cho tình trạng biếng ăn của trẻ.

Đôi khi tình trạng biếng ăn của trẻ lại là một cái gương phản chiếu tình trạng quan hệ “bằng mặt mà không bằng lòng” giữa cha mẹ. Cuộc chiến dành giật hay từ chối đứa con sẽ làm cho trẻ hoang mang, lo sợ và việc khước từ việc ăn uống được xem như là một phản ứng muốn thoát khỏi tình trạng này.

Tuy nhiên, đôi khi chỉ vì một cái mụn nhọt ở lưỡi, trong miệng hay một cái răng bị đau mà đứa trẻ chưa biết cách báo động, có thể khiến cho các bà mẹ nhạy cảm lo lắng.

Đơn giản hơn là vì lúc đó trẻ chưa muốn ăn ! vì chưa đói bụng, nhiều khi mẹ nóng lòng muốn ép con ăn nhiều cho mau lên cân, cho tròn trịa giống con bà hàng xóm, nên cứ ép trẻ ăn hoài, và nhất là hay cho ăn bánh ngọt. Vì vậy muốn trẻ ăn cơm được thì nên tránh cho ăn quà vặt, bánh kẹo trước bữa ăn.

Vì vậy, việc trẻ từ chối ăn, lười ăn… là một dấu hiệu tuy chưa có gì là nghiêm trọng, nhưng cần phải xem xét từ nhiều góc độ khác nhau và từ từ tìm cách giải quyết, đừng nôn nóng hay vội vã thay đổi loại sữa, thay đổi món ăn … hay tỏ ra sốt ruột, tìm các biện pháp ép trẻ ăn, huy động cả nhà “tham gia” và bầy ra đủ thứ trò, hay cho xem TV,xem phim …kể cả việc bỏ đói “một vài giờ” Đôi khi đó là một biện pháp thích hợp!

Như vậy, khi trẻ biếng ăn chúng ta sẽ thử đặt ra các câu hỏi:

     Mối quan hệ giữa vợ – chồng như thế nào ?

     Ai là người thường xuyên và trực tiếp cho trẻ ăn ? bố mẹ hay người nhà, người giúp việc ?

     Khi cho trẻ ăn, chúng ta có tỏ ra vui vẻ thoải mái hay căng thẳng, gấp rút, tỏ ra nôn nóng hay mệt mỏi ?

     Chúng ta ngồi như thế nào khi cho trẻ ăn ? đối diện, cùng phía ? khoảng cách xa hay gần ?

     Trẻ có tỏ ra khó chịu, mệt mỏi, cáu gắt, khóc la không dỗ nổi trước và sau khi cho ăn ?

     Việc cho ăn có đúng giờ quy định , đúng theo chỉ tiêu là phải ăn hết bao nhiêu đó hay linh hoạt, có thể thay đổi ?

Tìm ra được những câu trả lời thích hợp là các bà mẹ và ông bố có thể tìm ra cách giải quyết việc chán ăn của trẻ.


 

Làm sao để cải thiện tình hình ?

Việc biếng ăn đa số là do cách cho ăn không hợp lý, quan hệ ứng xử giữa mẹ – con hay Bố – Mẹ có vấn đề, còn do yếu tố cơ thể trẻ kém khả năng hấp thu thường ít hơn nhiều, vì vậy để cải thiện điều quan tâm là phải xem xét lại các nguyên nhân về tâm lý trước khi xét đến yếu tố sinh học. Trường hợp nếu khả năng hấp thu của trẻ quá kém, có thể bổ xung bằng một số loại thuốc, men tiêu hóa ( như viên Pepsin, Neopeptin, Eurobiol… ) nhưng nên tham khảo với bác sĩ nhi khoa hay chuyên viên dinh dưỡng trước khi sử dụng.

Khởi đầu bữa ăn, nên cho trẻ ăn những món có vị hơi chua, hơi mặn một chút ( nước chanh, hay canh chua …) sẽ có tác dụng kích thích cho nước miếng và cả dịch vị trong bao tử tiết ra, bé sẽ cảm thấy thèm ăn hơn.

Nếu trẻ đã có đủ răng thì nên tập cho trẻ nhai, chứ đừng nghĩ là trẻ nhai không được, sợ khó tiêu để cứ “ trường kỳ kháng chiến” với món súp xay nhuyễn, cha mẹ cứ thử ăn như bé độ ba bữa liền xem có chán không ? Trẻ cũng có thể tập xúc, tập cầm đũa, đôi khi có thể làm rơi vãi thức ăn, nhưng chính điều đó sẽ kích thích cho trẻ thích ăn hơn.

Bạn có thích ăn một món ăn được trình bầy bắt mắt, nhiều mầu sắc hấp dẫn và với vị thơm “ điếc mũi “? Trẻ con cũng vậy, thế thì tại sao bạn cứ bắt bé phải đối diện với cái tô súp màu sắc lợt lạt, đơn điệu và có khi nguội ngắc nữa ?

Có thể bé biếng ăn là do thiếu ngủ, bị đánh thức dậy để ăn cho đúng bữa, đúng giờ. Hoặc trái lại, có khi vì thiếu hoạt động, suốt ngày được ẵm bế, không có dịp tiêu hao năng lượng …

Có nhiều cha mẹ, không những “bắt” con ăn thức ăn riêng (Súp cực bổ ! Cháo cực nhuyễn ! ) mà còn phải ngồi riêng nữa, ăn riêng ở một góc hay ngồi cứng ngắc trên cái ghế có cái bàn kê ngay trước mặt (hết quậy ! ) và cứ thắc mắc là tại sao nó cứ khó chịu, cựa quậy không chịu ăn, trong khi đi nhà trẻ mẫu giáo thì cô cho ăn kiểu gì mà trẻ lại thích ăn?

Trẻ cần được ăn chung với bố mẹ, và nếu quậy phá thì phải chịu khó tập cho trẻ ổn định, bắt chước các hoạt động ăn uống như bố mẹ, cũng giống như ở trường mẫu giáo thôi, trẻ ăn trong bầu khí vui vẻ, ồn ào chung quanh lại có nhiều bạn cũng xì sụp ngon lành, vậy thì mình cũng ăn!

Có thể nói, đa phần tình trạng biếng ăn của trẻ lại là kết quả của một chế độ chăm sóc, dinh dưỡng quá tích cực, nhưng có phần áp đặt, thiếu sự “lắng nghe” từ những thái độ và tình trạng của trẻ. Và điều này lại là một tình trạng không dễ thay đổi.

 Cv.TL LÊ KHANH

 

 

Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý