Nghệ thuật ẩm thực Dưỡng sinh
09/01/2012
Những Kỹ năng thiết yếu
12/01/2012
Nghệ thuật ẩm thực Dưỡng sinh
09/01/2012
Những Kỹ năng thiết yếu
12/01/2012

Khi công bố chuẩn đầu ra, các trường đều đưa ra yêu cầu về kỹ năng mềm cho sinh viên (SV), trong khi thực tế chưa trường nào chú trọng đến việc dạy các kỹ năng này.


Chỉ là hoạt động ngoại khóa

Tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai – Trưởng ban Công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM – chia sẻ: “Hầu hết các trường, khoa thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM hiện chỉ mới dành 1-2 buổi để dạy kỹ năng mềm trong buổi sinh hoạt đầu khóa và đầu năm”. Tiến sĩ Phan Ngọc Minh – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM – cũng cho biết: “Hiện nay trong chương trình chính khóa của trường chưa triển khai dạy bài bản các kỹ năng mềm cho SV. Thay vào đó, chỉ mới dạy kỹ năng giao tiếp với khoảng 2-3 tín chỉ. Trong khi thực tế, yêu cầu sau khi tốt nghiệp với SV, ngoài kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, còn rất cần các kỹ năng mềm”. Tiến sĩ Minh thừa nhận: “Tôi nhận thấy không chỉ SV mà cả học viên sau ĐH đều rất yếu về kỹ năng mềm, trong đó có kỹ năng viết lách. Tôi chưa nói đến mức độ viết hay, nhưng ít nhất SV cần phải học để rèn luyện một cách viết đúng”.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – nói: “Trước đến nay, trường chưa chú trọng đến việc dạy kỹ năng mềm cho SV, mà chỉ thông qua việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa để SV tham gia và tự tích lũy. Tuy nhiên, tôi nghĩ đưa vào giảng dạy kỹ năng này là rất cần thiết”.

Tại một số trường khác, lớp học kỹ năng mềm được mở ra nhưng SV muốn đăng ký theo học phải đóng tiền.


Xây dựng lại chương trình

Theo tiến sĩ Mai, ĐH Quốc gia TP.HCM đang xây dựng đề án giảng dạy kỹ năng mềm trong các trường học dự kiến được triển khai thực tế trong năm học 2012-2013. Trong số rất nhiều kỹ năng, trường sẽ chọn ra 5-10 kỹ năng cơ bản cần thiết với từng nhóm ngành nghề. Ví dụ: kỹ năng thuyết trình và bán hàng thì phù hợp với SV kinh tế, kỹ năng viết và đọc, xử lý tình huống thì cần hơn với SV khoa học xã hội… Tiến sĩ Mai cho biết: “Chúng tôi đang cân nhắc khi xây dựng các môn học này. Khả năng sẽ xếp các môn học về kỹ năng mềm vào các môn tự chọn để SV có thể đăng ký theo học trong suốt các năm học. Dự kiến, nội dung kỹ năng mềm chỉ đưa vào giảng dạy trong chương trình chính khóa khoảng một tín chỉ (tương đương 45 tiết học), làm cơ sở nền tảng để SV biết cách thực hành và rèn luyện các kỹ năng này qua hoạt động học tập và tham gia ngoại khóa”.

Tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, ông Minh thông tin: “Trong tương lai, chúng tôi sẽ nghiên cứu để xây dựng chương trình mới, đưa kỹ năng mềm vào nhóm các môn học tự chọn”. Tương tự, theo ông Dũng, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật chuẩn bị xây dựng lại chương trình theo chuẩn đầu ra mới cụ thể hơn. Trong đó, yêu cầu SV tăng cường tính tự học thông qua việc rút ngắn chương trình từ 180 tín chỉ như hiện nay xuống còn 150 tín chỉ trong toàn bộ khóa học.

Đặc biệt, trường sẽ đưa vào nội dung cứng các môn học về kỹ năng mềm làm định hướng lý thuyết cơ bản cho SV. Ông Dũng cho biết: “Bắt đầu từ năm học 2012-2013, trường sẽ áp dụng chương trình mới, trong đó có học phần giới thiệu ngành với thời lượng 3 tín chỉ giúp SV định hướng ngành nghề mình theo học, các kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng mềm. Học phần này sẽ được giảng dạy ngay trong học kỳ đầu tiên của khóa học”.

Hà Ánh ( thanhnienOnline )

—————————————————————————-

Kỹ năng “mềm” (soft skills) là thuật ngữ dùng để chỉ các kỹ năng quan trọng trong cuộc sống con người như: kỹ năng  giao tiếp, lãnh đạo bản thân, làm việc theo nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, thư giãn, vượt qua khủng hoảng, sáng tạo và đổi mới… là những thứ thường không được học trong nhà trường, không liên quan đến kiến thức chuyên môn, không thể sờ nắm, không phải là kỹ năng cá tính đặc biệt mà phụ thuộc chủ yếu vào cá tính của từng người. Chúng quyết định bạn là ai, làm việc thế nào, là thước đo hiệu quả cao trong công việc.

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý