Giáo dục trẻ em phát triển trí tuệ cảm xúc
08/10/2012Trò chơi trong giáo dục gia đình
15/10/2012Hiện nay, phần lớn các em học sinh, sinh viên đều thiếu hụt hay có những biểu hiện suy kém về kỹ năng sống. Từ đó đã tạo ra những hậu quả tiêu cực trong nhận thức, hành vi của trẻ, và giáo dục KNS trở nên một nhu cầu cấp bách.
Để đáp ứng cho nhu cầu này đã có rất nhiều các hoạt động được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhưng một điều đáng buồn là không phải hoạt động giáo dục KNS nào cũng đáp ứng được nhu cầu, mà sự phát triển đa dạng lại càng làm cho tình trạng này thêm rối rắm vì không phải đơn vị tổ chức nào cũng có quan điểm đúng về giá trị tinh thần của KNS, cũng như các biện pháp được đưa ra, không phải biện pháp nào cũng thành công.
Nhu cầu về giáo dục Kỹ năng sống
Không phải đến nay, Kỹ năng sống mới trở thành một nhu cầu trong giáo dục thanh thiếu niên mà nó đã, đang và sẽ là một nhu cầu không thể thiếu trong quá trình hình thành và phát triển về nhân cách của một con người. Sở dĩ, nó trở thành nhu cầu bức thiết vì hiện nay trong cả ba lĩnh vực giáo dục về KNS cho trẻ đều có những vấn đề :
Lĩnh vực Gia đình: Những biện pháp nuôi dạy của cha mẹ là nền tảng vững chắc cho trẻ em phát triển về KNS, từ những việc nhà đơn giản mà từ đó hình thành sự tự tin và tính kỷ luật cho đến những quan hệ ứng xử để làm gương cho trẻ. Nhưng không phải gia đình nào, kể cả những người tri thức, có điều kiện về tài chính cũng có được sự hiểu biết hợp lý trong việc dạy con. Điều nguy hại hơn, không phải là sự thiếu hụt thông tin mà lại là khi đứng trước một rừng thông tin được cung cấp qua nhiều hình thức, các ông bố bà mẹ lại không biết làm sao để có thể chọn ra một phương pháp giáo dục phù hợp cho gia đình mình.
Lĩnh vực nhà trường: Đây là lĩnh vực quan trong nhất để giáo dục KNS cho HS/SV thì lại có những nhận thức không đúng về KNS, bởi vì những giá trị sống và nhận thức, hành vi của HS/SV là nền tảng của KNS không thể hiểu là những kiến thức được chuyển giao như các môn học, mà nó được hình thành từ cách ứng xử của các giáo viên, quan điểm, cách ứng xử và nhận thức của giáo viên, đó là những mẫu mực để các em học hỏi và phát triển KNS. Thế nhưng, đã từ hàng chục năm nay, giáo viên không còn là một mẫu người lý tưởng, không còn là một ông thầy để chuyển tải cho học sinh cái đạo làm người, mà chỉ là một người nhận lương để làm việc chuyển giao những gì đã được quy định một cách áp đặt trong sách vở.
Từ đó đã tạo ra một hệ quả, là các em HS/SV không còn cảm nhận được các KNS từ người thày của mình. Tệ hại hơn KNS lại trở thành một môn học tách biệt khỏi các môn học khác, mà lẽ ra đó là giá trị phải có của chính các môn học này.
Lĩnh vực tổ chức xã hội: Từ rất lâu đã có những tổ chức giáo dục thanh thiếu niên hoạt động trong xã hội. Chính các tổ chức này là nguồn hỗ trợ quan trọng cho việc giáo dục KNS cho trẻ em, nhưng từ vài chục năm nay, các tổ chức giáo dục ngoại khóa dành cho trẻ đã có những sự phát triển lệch lạc, trở thành một vùng đất mầu mỡ cho việc khai thác lợi nhuận và những mục tiêu khác chứ không còn là những mục tiêu giáo dục cao cả. Tệ hại hơn, với những quan điểm đa dạng và sự can thiệp của nhiều thế lực từ nhiều phía, các tổ chức đã bị định hình, biến dạng để không còn đi theo đúng những giá trị cần giáo dục cho thanh thiếu niên, mà lại tạo ra những phản tác dụng, khi huấn luyện cho các em chạy theo những giá trị sống ảo, học KNS để biểu diễn chứ không phải là để trở thành nhận thức của bản thân.
Như thế, cho dù đã có rất nhiều thông tin, kiến thức về KNS được giới thiệu, và không thiếu những khóa học về KNS được tổ chức, thừa mứa các tổ chức xã hội giáo dục về KNS thì thanh thiếu niên vẫn thiếu kỹ năng sống và không còn khả năng nhận thức đúng đắn về kỹ năng sống.
Các tổ chức giáo dục kỹ năng sống
Có rất nhiều các tổ chức giáo dục cho thanh thiếu niên về các giá trị và kỹ năng sống, mà trong đó Hướng Đạo là một phong trào đi đầu trong lĩnh vực này và cho đến nay, trải qua hơn 100 năm hình thành và phát triển trên toàn thế giới, mặc dù có rất nhiều hình thức tổ chức xã hội “ăn theo” mô phỏng cách sinh hoạt, huấn luyện của Hướng đạo, cũng như chính trong phong trào HĐ cũng có những phân hóa về quan điểm, thì HĐ vẫn là một phong trào dành cho giới trẻ với mục đích huấn luyện và giáo dục toàn diện theo phương pháp hàng đội, đào tạo tinh thần lãnh đạo, phục vụ, sắp sẳn và giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Hiện nay trong xã hội chúng ta, tuy đa dạng về hình thức, nhưng các tổ chức giáo dục KNS cho thanh thiếu niên có thể được chia thành 3 nhóm:
– Nhóm gắn liền sinh hoạt với các hoạt động về chính trị và tôn giáo: Đây là các tổ chức Đoàn, Đội do nhà nước quản lý và điều hành, với hình thức tổ chức nặng về phong trào, về các hoạt động nhằm vào các mục tiêu chính trị chứ không phải là giáo dục thuần túy. Bên cạnh đó là các tổ chức thanh thiếu niên hoạt động trong các cơ sở tôn giáo, mà tiêu biểu là Gia đình phật tử của Phật giáo và Thiếu nhi thánh thể của Thiên Chúa Giáo. ngoài việc giáo dục các giá trị và KNS cho trẻ, thì các tổ chức này cũng gắn liền với mục tiêu phát triển tôn giáo, tạo cho trẻ em sự hiểu biết về giáo lý, củng cố về đức tin.
– Nhóm gắn liền với các tổ chức hội đoàn: Đây là các đội nhóm kỹ năng quy tụ dưới sự tổ chức của hội Liên hiệp thanh niên hay hội Chữ Thập Đỏ với nhiều hình thức sinh hoạt đa đạng. Tuy không gắn liền với các giá trị về lý tưởng chính trị hay tôn giáo, chú trọng nhiều hơn về sở thích, năng khiếu với các hoạt động cụ thể cho thanh thiếu niên, qua đó cũng có những góp phần đáng kể vào hoạt động giáo dục KNS cho trẻ. Tuy nhiên, do vẫn phải dựa vào nguyên tắc lãnh đạo từ trên xuống, với nhiều hoạt động phong trào, các tổ chức này không xây dựng được cho các em những giá trị nền tảng về KNS mà yếu tố quan trọng nhất là ý thức về giá trị bản thân và sự tự tin.
– Nhóm gắn liền với các cơ sở kinh doanh giáo dục: Dưới nhiều hình thức khác nhau, với những danh xưng khác nhau, các cơ sở giáo dục KNS cho trẻ đã hình thành các hoạt động phong phú về giáo dục KNS. Đã có những trường quốc tế, ngoài việc dạy văn hóa, xem KNS như một nét đặc thù đem lại giá trị cho hệ thống giáo dục của mình. Với các trung tâm Giáo dục KNS, tùy theo quan điểm và nhận thức của ban giám đốc, với những hoạt động khác nhau, từ các lớp dạy cấp tốc trong vài ba buổi, các hoạt động dã ngoại một vài ngày hay các lớp học hàng tuần. Đặc biệt nhất là hình thức Học kỳ Quân Đội, được quảng bá như là một biện pháp giáo dục KNS thần kỳ, chỉ trong 5, 7 ngày với hình thức sinh hoạt kiểu bộ đội, qua đó các trẻ em từ bé đến thanh thiếu niên được rèn luyện vài “kỹ thuật” nhằm thay đổi nhận thức, hành vi theo kiểu “mì ăn liền”và xem đó là một thành quả tốt đẹp. Nhìn chung, thì các nhóm lớp giáo dục KNS này đã đi sát với ý nghĩa và tác dụng của KNS, nhưng do yếu tố lợi nhuận và nhân sự, việc giáo dục không thể kéo dài, các em không đủ thời gian để ngấm, để thực hành và cảm nhận được giá trị. Vì thế, hiệu quả cũng rất thấp mà chi phí gia đình bỏ ra lại không phải là nhỏ.
Nếu xét qua 3 hình thức đội nhóm, thì ta sẽ thấy phong trào Hướng Đạo ( HĐ) không nằm trong nhóm nào, không nhắm vào mục đích nâng cao hiểu biết về chính trị và tôn giáo, mặc dù vẫn xây dựng cho các em về lòng yêu nước, và đức tin về tôn giáo một cách tự nguyện, không nhắm vào các kỹ năng hay sở thích và năng khiếu, mặc dù vẫn giúp cho trẻ phát triển được sở thích và năng khiếu một cách tích cực, không đi sát với việc giảng dạy KNS như các trung tâm nhưng các em vẫn hiểu và tiếp nhận được những giá trị về KNS một cách tiệm tiến, từng bước phát triển với thời gian.
Tại sao Hướng Đạo làm được điều đó ? Đó là nhờ những giá trị cốt lõi của phong trào : Trước hết là phương pháp với 3 đặc điểm: giáo dục qua trò chơi (nhất là vui chơi trong thiên nhiên), giáo dục qua nhóm tự quản (phương pháp hàng đội tự trị), giáo dục qua việc hướng dẫn cho cá nhân tự rèn luyện. Tất cả xây dựng trên tinh thần Tự nguyện.
Giá trị tinh thần là những lời hứa : Các em thiếu niên khi chấp nhận để trở thành một hướng đạo sinh sẽ đọc lời hứa Danh dự trước cờ nước, cờ hội, cờ đoàn và bạn bè trong đoàn với 3 điều:
– Làm bổn phận với tổ quốc, tâm linh
– Giúp đỡ mọi người bất cứ lúc nào
– Tuân theo luật Hướng Đạo.
Chỉ với ba điều hứa, đã giúp các em thực hiện đầy đủ những giá trị sống và kỹ năng sống suốt cuộc đời mình ( Hướng đạo một ngày – Hướng đạo mãi mãi ) .
10 điều luật Hướng Đạo
1.Trọng danh dự
2.Trung thành với tổ quốc, cha mẹ và người cộng sự;
3.Giúp ích mọi người bất cứ lúc nào;
4.Là bạn tốt, coi HĐS khác như anh em;
5.Lễ độ và liêm khiết;
6.Thương yêu sinh vật;
7.Vâng lời cha mẹ và huynh trưởng;
8.Gặp khó khăn vẫn vui tươi;
9.Tiết kiệm của người và của mình;
10.Giữ trong sạch trong ý nghĩ, lời nói, việc làm.
Đây là một phong trào xuất phát từ nước Anh, do Huân tước thiếu tướng Baden Powell sáng lập năm 1907, sau thời gian quân ngũ ở Nam Phi, ông nhận thấy thanh thiếu niên tại thủ đô Luân Đôn sống rất bạc nhược, thiếu KNS và ông đã tổ chức một kỳ trại với 7 thiếu niên. Từ đội thiếu niên này, đã nhanh chóng phát triển thành một phong trào với hàng triệu hội viên khắp thế giới.
Khác với các tổ chức thanh thiếu niên khác chỉ có hai thành phần là các trẻ em, thanh thiếu niên trong một nhóm tuổi nào đó và các lãnh đạo, những người mà các em phải tuân lệnh không được phản kháng, thì trong Hướng Đạo có 4 ngành, được thiết kế với những hoạt động phù hợp với lứa tuổi là ngành Ấu cho trẻ từ 6 – 11 tuổi, ngành Thiếu cho trẻ từ 12 – 15 tuổi, ngành Kha cho trẻ từ 16 – 18 tuổi, ngành Tráng cho thanh niên trên 18 tuổi.
Người lãnh đạo không phải là các huynh trưởng mà chính là các Sói đầu đàn (ngành Ấu) Đội trưởng (ngành thiếu) Tuần trưởng (ngành Kha) toán trưởng (ngành Tráng). Các Huynh trưởng chỉ đóng vai trò hướng dẫn, điều hành qua việc lắng nghe những ý kiến của trẻ. Nguyên lý chủ đạo là lấy trẻ làm trọng tâm. Các em sẽ hiểu rằng những kỹ năng và giá trị do chính các hoạt động của mình đem lại cho mình, chứ không phải là sự dạy dỗ của người lớn và phải làm theo những mục đích của người lớn.
Chính nhờ sự tổ chức chặt chẽ, không lệ thuộc vào quan điểm chính trị độc đoán, tinh thần tín ngưỡng quá khích, hay dựa vào mục đích lợi nhuận mà phong trào HĐ đã được tôn vinh :
Năm 1981, Tổ chức UNESCO trao tặng giải thưởng “Giáo dục vì hoà bình” đầu tiên trên thế giới cho phong trào Hướng Đạo thế giới
Năm 1982, Tổ chức Schmidein tặng giải thưởng về thành tích “Đóng góp vào việc phát triển nhân cách”;
Năm 1983, Tổ chức International Kiwanis trao giải thưởng về “Giáo dục thanh thiếu nhi”.
Tại Việt Nam, từ việc không chấp nhận sự tồn tại của hội Hướng Đạo Việt Nam sau năm 1954 tại miền Bắc và 1975 tại miền Nam, với những biến chuyển của xã hội sau giai đoạn mở cửa vào thập niên 1990, nhà nước đã phải thừa nhận một thực tế là các tập thể HĐ ngày càng phát triển một cách không chính thức. Nhưng đáng tiếc là hiện nay, với những tác động từ bên ngoài, với sự đứt gãy các hoạt động trong một thời gian dài đã đem lại những lỗ hổng khó bù đắp về nhân sự và sự phân hóa về quan điểm, thì phong trào HĐ ngày nay không còn giữ được nguyên vẹn các yếu tố tích cực từ hình thức đến nội dung đã đem lại những giá trị lớn cho thành quả giáo dục thanh thiếu niên như trước đây.
Giải pháp nào cho việc giáo dục Kỹ Năng Sống ?
Như vậy, nếu xét qua các hình thức quy tụ thanh thiếu niên để giáo dục KNS, thì đến nay kể cả phong trào Hướng Đạo với những tổ chức rải rác tại vài thành phố cũng khó có thể đáp ứng được việc giáo dục nhận thức về KNS cho thanh thiếu niên một cách hiệu quả.
Vì thế, việc hình thành một số tập thể nhỏ, với hình thức đơn giản nhưng đặt trọng tâm vào việc huấn luyện trẻ theo phương pháp hàng đội, dựa trên những giá trị và lời hứa Hướng Đạo sinh cùng với sự cộng tác của phụ huynh các em, với những hoạt động trong nhà và ngoài trời một cách linh hoạt, nhấn mạnh đến những kỹ năng thiết thực cho việc bảo vệ bản thân, giúp ích cho người khác, xây dựng tinh thần yêu nước và có những tư duy tích cực về cuộc sống, đó phải chăng là một đáp án cho hoạt động giáo dục KNS ?
Các tập thể này hoạt động như một khóa học KNS tại các trung tâm, nhưng kéo dài ít nhất là 9 tháng với 3 cấp, mỗi cấp 3 tháng và sinh hoạt định kỳ hàng tuần vào sáng chủ nhật với những buổi sinh hoạt trong nhà và ngoài trời. Cứ mỗi tháng các em sẽ có một buổi cắm trại từ sáng đến chiều, sau 3 tháng sẽ có một cuộc cắm trại 2 ngày, qua đó các em sẽ thực hành những gì mình đã được hướng dẫn trong suốt 3 tháng qua và khi đạt được những kết quả phù hợp, các em sẽ được lên cấp để tiếp tục học hỏi những kỹ năng cao hơn trong 3 tháng cho đến cuối khóa. Đến đây, các em sẽ có hai lựa chọn: Quay trở lại để hướng dẫn các bạn nhỏ ở cấp Một hoặc trở thành một thân hữu của nhóm và có thể tham dự các hoạt động của nhóm trên tinh thần tự nguyện.
Với hình thức này, sẽ không có những hoạt động hoành tráng với các buổi hội trại lớn lao đầy mầu sắc và âm thanh, không có những tổ chức chặt chẽ chỉ đạo từ trên xuống, mà chủ yếu là sự cộng tác trên tinh thần tự quản của các thành viên.
Dù có thể chưa phải là một tổ chức hoàn hảo và nếu so với các phong trào, tổ chức đoàn đội đang hoạt động, thì việc hình thành các nhóm sinh hoạt tự chủ cho trẻ nói trên chỉ là một góp phần rất nhỏ cho bức tranh đa dạng và phong phú về giáo dục KNS trong xã hội, nhưng với những giá trị cam kết sẽ đem lại cho các em. Đó phải chăng sẽ là một hoạt động lý thú, ít nhất là trong thời điểm hiện nay?
Cv.Tl Lê Khanh