Giáo dục trẻ khuyết tật như thế nào?
05/05/2011Chăm sóc – giáo dục trẻ rối nhiễu tâm lý
07/05/2011Chúng ta đã biết trò chơi sẽ giúp trẻ phát triển nhiều kỹ năng. Tuy nhiên bên cạnh đó những công việc lặt vặt trong gia đình cũng góp phần giúp trẻ phát triển các kỹ năng ….
GIÚP TRE BIẾT TẬP TRUNG QUA CÁC HOẠT ĐỘNG TẠI GIA ĐÌNH
Các em thực sự được phát triển khi chúng ta cho phép chúng tham gia vào thế giới của những công việc xung quanh chúng. Sống trong bầu không khí gia đình hoặc sống giữa những người lớn, trẻ luôn ham thích được làm việc. Chúng muốn được “giúp đỡ” người lớn; và hoạt động này có thể trở thành một phần khá quan trọng trong quá trình học hỏi ban đầu của trẻ.
Nếu bạn ngăn cản con trẻ tham gia vào những hoạt động, đơn giản chỉ vì đó là những “công việc” chứ không phải là “trò chơi” thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc bạn đang hạn chế những cơ hội phát triển của trẻ. Trái lại khi bạn mời gọi con trẻ tham gia vào công việc và cả trò chơi nữa, thì tức là bạn đã tạo cho con trẻ nhiều con đường để chúng học hỏi và trưởng thành hơn lên. Khi đó, trẻ sẽ cảm nhận được một cuộc sống nhiều ý nghĩa hơn, và trẻ sẽ cảm thấy mình thực sự là một thành viên trong gia đình.
Với sự quan tâm thích hợp của người lớn, có rất nhiều việc hàng ngày mà gia đình có thể giao cho trẻ, để giúp chúng có thể bắt đầu học về tinh thần trách nhiệm, sự tập trung và khả năng tự chăm sóc bản thân. Dưới đây là một số ví dụ:
Chuẩn bị bữa cơm và nấu ăn:
Tùy theo độ tuổi và mức độ tập trung, nhưng trẻ có thể phụ giúp bạn sửa soạn bữa trưa hoặc bữa tối bằng những chuyện lặt vặt như lấy chén , đũa hay phụ giúp bạn bằng cách rửa rau hay chuẩn bị đồ tráng miệng chẳng hạn.
Khi bạn đưa trẻ đi chợ, bạn sẽ giúp trẻ hiểu biết nhiều hơn về nguồn cung cấp thực phẩm, và bằng cách nào để mua thực phẩm. Khi mua hàng, thay vì đưa thẳg tiền cho người bán hàng, hãy trao cho trẻ để trẻ trả cho người bán và nhận lại tiền thối, qua đó trẻ sẽ nhận ra được giá trị và cách sử dụng tiền.
Các việc vặt:
Để cho trẻ làm những việc nhỏ nhặt, bạn sẽ góp phần củng cố lòng tự tin của trẻ. Khi bạn cần một điều gì đó như gọi một người trong nhà, hoặc muốn lấy khăn lau, hãy nhờ con của bạn làm điều đó.
Dọn dẹp nhà cửa:Trẻ có thể tự dọn bàn và tự phục vụ thức ăn cho mình. Nếu bạn đang lau nhà bạn cũng có thể khuyến khích trẻ đẩy vài lần cây lau nhà.
Chăm sóc vật nuôi trong nhà:Vật nuôi trong nhà cần nước, thức ăn và nơi ở sạch sẽ. Trẻ có thể học được nhiều bài học quý giá từ công việc chăm sóc các con vật nuôi trong nhà.
Làm vườn:Việc chăm sóc cây cối giúp trẻ nhận ra thiên nhiên kỳ diệu. Nếu gia đình không có một khoảng vườn quanh nhà, bạn cũng nên có những chậu cây bên cửa sổ chẳng hạn, để tạo nên nhiều cơ hội hơn cho trẻ khám phá.
Khi tiến hành những hoạt động trên, bạn nên chú ý một vài điểm quan trọng sau:
Ghi nhớ những công việc mà con cái bạn làm được; và bạn cũng cần đảm bảo sao cho những công việc đó là an toàn đối với trẻ. Ban đầu chỉ là những chuyện nhỏ, sau đó mới là những hoạt động khó hơn.
Hãy khuyến khích trẻ làm chứ không bắt buộc, và sau khi trẻ làm xong một điều gì, bạn đều khen tuỳ theo mức độ công việc và hãy cám ơn trẻ. Điều này sẽ làm trẻ hãnh diện.
Ngay cả đối với trẻ nhỏ cũng phân biệt được đâu là công việc “thật”, đâu là công việc “giả”.
Hãy nhớ rằng: thật ra nhiều việc vặt có sự trợ giúp của trẻ có thể làm bạn mất nhiều thời gian. Thế nhưng bạn cần kiên nhẫn và phải tốn thời gian một chút để giúp trẻ hiểu được những lợi ích thiết thực từ việc phụ giúp công việc trong gia đình.
Bằng cách kết hợp những mong đợi của bạn với những khả năng của trẻ, có sự khuyến khích và ủng hộ những cố gắng của trẻ, và dành nhiều thời gian hướng dẫn trẻ cách thực hiện công việc, bạn có thể tạo cho con trẻ thật nhiều cơ hội để chúng không ngừng học hỏi và trưởng thành hơn qua công việc.
LÊ KHOA