PHÒNG – CHỮA  BỆNH  BẰNG  XOA  BÓP
13/03/2020
Nhận biết về Tư vấn tâm lý ( Consulting ) và Tham vấn Tâm lý ( Couselling )
25/03/2020
PHÒNG – CHỮA  BỆNH  BẰNG  XOA  BÓP
13/03/2020
Nhận biết về Tư vấn tâm lý ( Consulting ) và Tham vấn Tâm lý ( Couselling )
25/03/2020

Hiện nay, khi các trẻ đặc biệt không còn được can thiệp ở các trung tâm GDĐB trong một thời gian khá dài, bố mẹ nên dành nhiều thời gian cho con hơn trong việc tiếp tục hỗ trợ con phát triển các kỹ năng cần thiết bằng việc áp dụng một số biện pháp đơn giản giúp trẻ phát triển khả năng giao tiếp tại gia đình.

Chúng ta cần phân biệt việc phát triển giao tiếp và phát triển ngôn ngữ, hay nói đơn giản là tập nói –đây là hai khái niệm khác nhau – Giao tiếp là  trao đổi các thông điệp dưới nhiều hình thức đưa đến sự chia sẻ, cảm thông và hiểu biết trong cuộc sống hàng ngày. Còn ngôn ngữ là một công cụ giúp cho chúng ta có thể giao tiếp hiệu quả. Ngôn ngữ có thể là lời nói, dấu hiệu, hình ảnh và các cử chỉ có ý nghĩa. Như vậy, biết nói chưa chắc là đã biết giao tiếp, và giao tiếp có thể không cần đến lời nói !

Vì thế, chúng ta nên  tập cho trẻ phát triển giao tiếp, chứ không phải cố gắng tập cho trẻ biết nói. Điều này sẽ  mở ra cách cửa giúp trẻ biết tương tác với môi trường xung quanh, và đó mới là mục tiêu cần thiết với các trẻ chưa có ngôn ngữ.  Để giúp trẻ phát triển được khả năng giao tiếp, không chỉ là những giờ can thiệp cá nhân, mà ngay trong các hoạt động hằng ngày, từ việc ăn uống, chơi đùa, tắm rửa, ngủ nghỉ.. đều có thể áp dụng các kỹ thuật đơn giản tại gia đình.

Có bốn lĩnh vực để phát triển khả năng giao tiếp là xây dựng khả năng tương tác xã hội cho trẻ, giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, biết bắt chước các hoạt động hàng ngày và tham gia hoạt động vui chơi để tạo độnglực cho sự phát triển.

CÁC KỸ THUẬT DẠY TRẺ TƯƠNG TÁC :

Trong việc tác động , một trong những điều sai lầm là người lớn thích nắm vai trò chủ động, yêu cầu và ra lệnh, đặt nhiều câu hỏi để trẻ phải trả lời, họ nghĩ đó là những tác động cần thiết cho trẻ đáp ứng để bật ra lời nói… Thực ra, để giúp trẻ phát triển khả năng giao tiếp thì nguyên tắc đầu tiên là hãy dựa trên sự dẫn dắt của trẻ .  Nói cách khác là hãy để cho trẻ chủ động , mà vai trò của chúng ta chỉ là tạo các cơ hội cho trẻ tham gia, thông qua các hoạt động cùng nhau bằng các đồ chơi và đồ dùng hàng ngày. Điều quan trọng là hãy giúp trẻ nhận ra người đang chơi cùng trẻ và đó là một người bạn vui vẻ, có những hành vi cử chỉ khiến trẻ thích thú chứ không phải là một ông bố nghiêm nghị và một bà mẹ lắm lời hay trách móc !  Người bạn này không những làm cho trẻ vui, mà còn biết đáp ứng các yêu cầu hợp lý của trẻ giúp cho mối gắn kết tốt đẹp hơn.

Tại sao chúng ta lại chú ý đến một nhân vật, hay một hình ảnh nào đó ? Điều đơn giản là nó khác thường ! Chú hề mà không nhảy nhót, không có các cử chỉ hay lời nói ngộ nghĩnh thì chẳng ai quan tâm – vì thế hãy minh họa bằng điệu bộ cùng các lời nói , nên dùng nhiều cử chỉ quá mức cần thiết để giúp trẻ chú ý đến mình. Dĩ nhiên là chúng ta không thể chỉ làm trò hề để tạo sự chú ý, suốt ngày mà còn có thể dùng nhiều biện pháp khác nhau trong nhiều thời điểm và hoàn cách khác nhau. Nhưng rõ ràng là sự vui vẻ, thoải mái cùng các điệu bộ có phần cường điệu sẽ là một biện pháp tốt để thu hút sự chú ý của con trẻ.

Khi chúng ta giao tiếp với trẻ thì nên mô tả các hành động của trẻ vì đó là một cách để trẻ nghe và nhớ các câu nói,  khi dùng lời nói để tập cho trẻ thì phụ huynh hãy luôn nhớ các nguyên tắc sau : Nói một cách đơn giản , chậm rãi – nên nhắc lại vài lần và nhấn mạnh vào các từ ngữ quan trọng trong câu nói của mình .

Trong cách nói chúng ta hãy nói về những gì trẻ đang quan tâm, có hứng thú chứ không nên nói lên cái điều ta muốn dạy trẻ, nhất là khi chưa tạo được sự chú ý của trẻ . Khi có một hoạt động với trẻ , hãy nói song song với hành động như thể đang cắt nghĩa một cách ngắn gọn cho trẻ về hành động đó . Nếu thấy trẻ chưa quan tâm, chúng ta có thể tự mô tả hành động của mình.- mẹ pha nước cam – mẹ nấu cơm …mẹ đẩy cái ô tô nè …

Trong trường hợp trẻ có thể nói ra được vài từ đơn – thì hãy thêm vào các từ đơn đó để cho câu nói của trẻ được phong phú hơn. Trẻ đang chơi ô tô, có thể giơ cái xe lên khoe và nói : Xe ! thì mẹ hãy thêm vào : Xe buýt …. Xe tải  ( Chỉ thêm 1 từ ) – Khi nào trẻ nói được 2 từ thì lúc đó mới thêm vào 2 từ – Trẻ nói : Xe tải – Mẹ : Xe tải chở hàng hay xe tải màu vàng ….

Trong giai đoạn ngôn ngữ của trẻ chưa phát triển nhiều, chúng ta tránh đưa ra các câu hỏi khiến trẻ không biết trả lời như thế nào và làm cho trẻ mất sự tự chủ, mất hứng thú khi ngồi chơi với mình. Chúng ta chỉ nói thêm một số từ có tính khuyến khích trẻ làm một điều gì đó với cái xe mà trẻ đang chơi giúp cho trẻ có từ ngữ để bổ sung vào vốn ngôn ngữ của mình.

Điều các bà mẹ khi dạy con hay mắc phải là thích đặt câu hỏi – gặp mấy bạn thích nhại lời là …thôi xong ! Vì các bạn ấy sẽ lập lại như cái máy nguyên câu hỏi của mình , thậm chí cả khi biết trả lời, thì vẫn có thể lập lại câu hỏi trước khi nói đến câu trả lời.  Như vậy, nếu muốn tập cho trẻ nhận ra sự vật thì thay vì hỏi : đây là cái gì ? – thì chúng ta sẽ cầm cái xe lên hoặc chỉ vào hình cái xe và nói : Đây là cái …. Rồi chờ đợi câu trả lời của trẻ.  Khi trẻ đã có khả năng hiểu lời thì bố mẹ có thể đưa ra các câu hỏi mở, tránh các câu hỏi Có / không ? và có thể nhờ thêm một người hỗ trợ – Khi mẹ hỏi con : Con ăn cơm với gì vậy ? – ông bố ngồi cạnh con, có thể nói nhỏ để nhắc tuồng cho con : Dạ, ăn cơm với trứng ! Trẻ sẽ có thể lập lại câu trả lời của bố, chứ không phải lập lại câu hỏi của mẹ rồi mới trả lời !

Trong việc chơi cùng trẻ để giúp trẻ phát triển – thì việc tác động hay can thiệp vào một hoạt động mà trẻ đang thực hiện là một kỹ thuật khá hiệu quả – Đó là cách làm cho trẻ phải phản ứng lại khi chúng ta lấy món đồ chơi của trẻ và thay vào đó một món tương tự hoặc thêm vào trong các hoạt động của trẻ một hoạt động của chúng ta.  Dĩ nhiên là “nhảy vào chơi”một cách vui vẻ và nhẹ nhàng chứ không phải “cưỡng chế” trẻ phải chơi theo cách của mình, mà chỉ là sự tham gia thêm vào cho vui cùng với trẻ theo cách chơi của chúng.

Chơi luân phiên cũng là một kỹ thuật khá tốt, nếu trẻ đã có thể chấp nhận việc bố mẹ cùng chơi thì việc tập cho trẻ lần lượt làm theo các hoạt động của trò chơi – tới phiên con, tới phiên mẹ …với các biện pháp sau : Báo trước cho trẻ biết là đến lượt ai , nếu trẻ chưa tập trung lắm thì lượt của trẻ sẽ ngắn hơn lượt của mẹ – khi chơi phải lưu ý các phản ứng của trẻ và trao trả đồ chơi cho trẻ ngay khi tới lượt của trẻ, đồng thời lưu ý làm mẫu cho trẻ xem.

Trong các hoạt động với trẻ, chúng ta luôn để ý khuyến khích trẻ hình thành khả năng giao tiếp với bố mẹ trong việc không đáp ứng ngay và luôn các yêu cầu của trẻ, mà chỉ đáp ứng nửa vời, cho trẻ thấy vật muốn lấy nhưng không đưa ngay cho bé, mà chỉ hỗ trợ khi trẻ phát ra một yêu cầu cụ thể .

Trên đây là một số kỹ thuật tác động dựa trên các hoạt động hàng ngày, để giúp trẻ ngày càng chủ động hơn trong việc phát triển khả năng tương tác. Còn khá nhiều kỹ thuật khác mà trong phạm vi một bài viết, không thể truyền tải hết Nhưng điều cần lưu ý không phải chỉ là các kỹ thuật, các phương pháp. Điều mà trẻ cần là thái độ và cách cư xử của bố mẹ cùng môi trường xung quanh ! Đó mới là yếu tố thành công và cũng là một ưu thế mà các cơ sở tập trung khó tìm thấy , vì nó tạo ra bởi sự quan tâm, tin tưởng, vui vẻ, tôn trọng và chấp nhận mà bố mẹ giành cho các con của mình.

Lê Khanh – TT Diệp Quang –  mùa Covid 19 .

 

 

 

 

 

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý