Cha mẹ là nhà can thiệp tốt nhất
01/04/2015
Kỹ năng sống có phải là một môn học ?
01/04/2015
Cha mẹ là nhà can thiệp tốt nhất
01/04/2015
Kỹ năng sống có phải là một môn học ?
01/04/2015

Trong các chứng rối loạn về tâm lý của con người thì có thể nói, tình trạng tự kỷ là một triệu chứng phức tạp và khó xác định nhất. Kể từ khi một trường hợp Tự kỷ đầu tiên được phát hiện ở Aveyron (Pháp) vào năm 1800 cho đến nay,

hơn 200 năm đã trôi qua mà những nguyên nhân chủ yếu gây ra những rối loạn về hành vi, giao tiếp, ứng xử và ngôn ngữ của người Tự Kỷ vẫn chưa được xác định, và cũng chưa một phương pháp nào hoàn hảo để có thể “điều trị” hoàn toàn được tình trạng này.


Tự kỷ không phải là tự kỷ:

Trước hết, thuật ngữ “ Tự kỷ” đã được dùng tại Việt Nam một cách không chính xác, bởi vì nếu hiểu tự kỷ là tình trạng tự bản thân trẻ không thể thiết lập được mối quan hệ với bên ngoài qua ngôn ngữ và hành vi giao tiếp thì phải gọi đó là tình trạng Tự Bế hay Tự Tỏa, ( bế quan – tỏa cảng ) trong khi tự kỷ chỉ có nghĩa là tự bản thân mình. Điều này đã khiến cho một số người nhầm lẫn tự kỷ với tình trạng tự kỷ ám thị (tự tạo ra những tác động cho chính mình, đây là cụm từ Hán Việt chính xác) và vì thế đến nay lại thêm một số cách dùng từ Tự kỷ ở giới trẻ để chỉ một thái độ co cụm, xa cách người khác, không thích giao du! Hay xem như một dạng trầm cảm !

Danh từ Tự Kỷ được phổ biến khoảng năm 1987 tại Việt Nam, nhưng cho đến nay thì vẫn còn tình trạng không xác định đâu là biểu hiện quan trọng, đâu là những yếu tố phụ trong việc chẩn đoán xác định tình trạng và mức độ đã khiến một số các nhà chuyên môn và phụ huynh đã không biết cần phải làm gì để can thiệp cho con em mình.

Tự kỷ hay rối loạn phổ tự kỷ được dịch từ cụm từ Autism Spectrum Disorder và đây không phải là một rối loạn duy nhất, nó bao gồm các tình trạng sau:

         Rối loạn phổ tự kỷ (Autism Spectrum Disorder – ASD)

         Hội chứng Asperger ( Asperger’s Disorder – AD)

         Rối loạn phát triển lan tỏa không đặc hiệu (Pervasive Development Disorder Not Otherwise Specified – PDD NOS )

         Hội chứng Rett ( Rett’s Disorder )

         Rối loạn nhân cách tuổi bé tí (Childhood Disintegrative Disorder – CDD)

Hiện nay, người ta cho rằng tự kỷ là một rối loạn phát triển thần kinh, theo ông Alessandri, chuyên gia của ABCNews.com’s phụ trách chuyên mục tư vấn qua điện thoại về tự kỷ : “Các nhà khoa học và bác sỹ lâm sàng giờ đã hiểu rằng tự kỷ không chỉ một thực thể đơn lẻ, mà là nhiều hội chứng gây nên rối loạn phổ tự kỷ,” ông Alessandri nói.

Ngoài ra, có không ít người kể cả một số các nhà chuyên môn vẫn chưa phân biệt một cách rõ ràng giữa tình trạng rối loạn phổ tự kỷ (ASD) với tình trạng hiếu động – kém chú ý (Còn gọi là tăng động giảm tập trung : Attention-Deficit-Hyperactivity Disorder- ADHD) và trẻ Chậm khôn (Mental Retardation) do ba tình trạng này có một số biểu hiện khá giống nhau, và có trẻ có cả hai các triệu chứng rối nhiễu này. Thế nhưng nếu xét kỹ về nguồn gốc rối nhiễu, và các biểu hiện quan trọng thì chuyên gia có kinh nghiệm sẽ nhìn ra những yếu tố khác biệt.

Vì tình trạng tự kỷ có rất nhiều dấu hiệu cảnh báo, đi từ những dấu hiệu nguy cơ ở mức độ nhẹ cho đến những biểu hiện lâm sàng rõ rệt, nên việc xác định một trẻ tự kỷ thực sự không phải là điều dễ dàng, từ đó càng làm cho rối nhiễu này thêm rối, dẫn đến những nhận định trái chiều nhau giữa cha và mẹ hay giữa cha mẹ và nhà chuyên môn. Có nhiều bậc cha mẹ khi thấy trẻ có hành vi đi nhón gót, không biết chỉ tay, chỉ nói được vài từ đã nhất quyết là con mình bị tự kỷ. Còn có nhiều người lại không chấp nhận những dấu hiệu đã khá rõ ràng của con, mà chỉ cho là nó chậm phát triển thôi !

Nhiều người gọi đây là bệnh tự kỷ, điều nay tuy không sai nhưng nó lại vô tình dẫn ta đến những suy nghĩ sai lệch, đó là quên yếu tố bẩm sinh mà chỉ cố tìm ra các nguyên nhân mắc phải sau khi sinh, đặc biệt là yếu tố cha mẹ ít chăm sóc con, ít trò chuyện với trẻ, thường xuyên để trẻ ở nhà với những người thiếu quan tâm về mặt giao tiếp, ít trò chuyện với trẻ như người giúp việc, ông bà … hay chính bản thân trẻ là người hướng nội, không thích giao tiếp…Trong khi đây chỉ là những yếu tố có thể làm cho tình trạng này trở nên khó khăn hơn.

Nhưng điều gây ngộ nhận nhất, khi gọi tự kỷ là một chứng bệnh, sẽ khiến nhiều người hiểu rằng, đã là bệnh ắt có thuốc chữa, cách chữa. Và khi đã chữa thì trẻ sẽ bình phục, trở lại cuộc sống bình thường. Vì thế, họ cứ mải miết đi tìm những loại thuốc quý hiếm, những phương pháp mới lạ với suy nghĩ: Tiền nào của đấy! càng đắt tiền lại càng công hiệu. Hơn nữa điều này còn dẫn đến những định hướng sai lầm trong các biện pháp can thiệp, đôi khi họ lại chọn giải pháp đi theo các kinh nghiệm của những bà mẹ đã nỗ lực chiến đấu vì con mình mà không hiểu rằng tình trạng tự kỷ của con mình không giống với con của những bà mẹ đó.

Tuy đã có rất nhiều biện pháp can thiệp được phổ biến, nhiều ngôi trường dạy trẻ Tự kỷ được mở ra nhưng các hiểu biết đúng đắn về tình trạng này cũng như chất lượng của các trường giáo dục chuyên biệt cho nhóm trẻ này vẫn bị thả nổi. Hơn thế nữa, ở nước ta hầu như chưa có một chính sách hỗ trợ nào cho các gia đình có trẻ tự kỷ, vì thế nhiều gia đình vẫn cứ phải “tự bơi” trong một biển mênh mông các thông tin một cách mơ hồ với các ảo tưởng thực hư về tình trạng của con mình.

Tự kỷ là chậm nói và có hành vi kỳ lạ ?

Như đã nói tự kỷ có những dấu hiệu nguy cơ và những biểu hiện lâm sàng từ nhẹ cho đến nặng, nhất là tình trạng chậm nói của trẻ. Khi thấy con chậm nói, thì hầu hết các bậc cha mẹ đều nghĩ đến tự kỷ, mà họ không biết rằng trẻ ADHD hay Chậm khôn cũng có tình trạng chậm nói, mặc dù đây không phải là dấu hiệu chính của 2 tình trạng này.

Ngoài ra, cũng có những trường hợp chậm nói do yếu tố bên ngoài, ta goi là chậm nói đơn thuần do việc trẻ không có điều kiện tiếp xúc bằng ngôn ngữ trong giai đoạn tập nói từ 1 – 3 tuổi. Tuy nhiên điều làm cho các bậc cha mẹ lo ngại hơn cả, là những hành vi kỳ dị của trẻ mà trong các dấu hiệu chỉ Tự kỷ, các hành vi kỳ dị này được xem là những chứng cớ chắc chắn nhất. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong 5 yếu tố cần phải có là:

1/ Sống khép kín, không biết cách chơi với người khác

2/ Dễ nổi nóng( vì sợ, giận, buồn..)

3/ Ngôn ngữ thiếu vắng, chậm

4/ Lặp đi lặp lại trong hành vi và ngôn ngữ

5/ Hành vi lạ kỳ như nhún nhảy, xoay tròn, đưa tay ve vẩy trước mặt


Nếu cần đánh giá một cách kỹ hơn, chúng ta nên xét đến các yếu tố :

1. Không biết nhìn theo hướng chỉ tay của người lớn vào một vật, thường chỉ nhìn vào bàn tay của người chỉ.

2. Không trả lời, không có phản ứng khi có người gọi tên mình.

3. Không biết bắt chước

4. Chậm phát âm: Không biết nói bi bô, líu lo

5. Phát âm những tiếng kỳ lạ, không đúng với tình huống.

6 .Có những sở thích kỳ lạ, thích các món đồ bình thường: Bao giấy, đồng xu, sợi dây…

7. Có một số hành vi lập đi lập lại ( thích sắp xếo các vật dụng theo một thứ tự nhất định)

8. Không có khả năng chơi đùa với các bạn cùng lứa

9. Thường xuyên kích động, lăng xăng khó ở yên một chỗ.

10. Thường thức rất khuya, khó ngủ, ngủ không yên giấc

11. Không bộc lộ những cảm xúc vui, buồn một các rõ ràng

12. Rất ghét sự tiếp xúc, đụng chạm của người khác đến người của mình hoặc ngược lại, quá gắn bó, đeo bám.

13. Hay có những cơn giận dữ, kích động quá mức không kềm chế được

14. Thờ ơ trước mọi tình huống, ít bộc lộ cảm xúc.

15. Thiếu ý thức về thời gian

Đây là những dấu hiệu dành cho trẻ trên 3 tuổi và phải có ít nhất 2/3 các dấu hiệu này kéo dài trong 6 tháng. Còn với trẻ dưới 3 tuổi thì yếu tố quan trọng là không có khả năng giao tiếp bằng mắt, có cái nhìn thờ ơ trước mọi người, không biết chơi đồ chơi và chậm phát âm.

Cần sự quan tâm và phát hiện sớm

Hiện nay, cũng có một nỗi lo trong người dân, khi nhiều bậc cha mẹ không có thì giờ chăm sóc con hay môi trường quá ô nhiễm, đã làm cho tình trạng tự kỷ bùng nổ. Thế nhưng trên thực tế thì “ những tình trạng này không phải là đang lan rộng hơn, mà chỉ là do người ta có sự hiểu biết và phát hiện tình trạng này nhiều hơn mà thôi” . Bs Bod Marion , Giám đốc trung tâm đánh giá và tái hòa nhập cho trẻ em thuộc trường cao đẳng Y khoa Albert Einstein College of Medicine ở New York nói.

Đối với các bậc phụ huynh thì điều quan trọng không phải là sự phân loại các rối nhiễu, mà là đánh giá được mức độ nặng nhẹ của tình trạng này. Vì ở mức độ nhẹ, nếu được can thiệp sớm với những biện pháp hợp lý để thay đổi hành vi và gia tăng khả năng giao tiếp của trẻ thì các em có thể phát triển gần giống trẻ bình thường. Nhưng với các trường hợp nặng hay có kèm theo tình trạng chậm khôn thì chỉ có thể giúp cho trẻ được ổn định và biết cách giao tiếp hơn mà thôi. Tuy nhiên, ở mức độ nhẹ thì lại thường chỉ phát hiện khi các em đi học ở mẫu giáo, thậm chí là tiểu học. Trong khi ở các trường hợp nặng, thì lại được phát hiện sớm hơn, ngay từ khi các em được 12 – 18 tháng tuổi. Vì thế, ngay từ khi sinh ra cho đến khi được 8 tháng tuổi, thì cha mẹ nên chú ý đến các hành vi giao tiếp và khả năng phát âm của trẻ, hầu có thể tìm kiếm các dấu hiệu nguy cơ nơi con em mình, từ đó qua sự chẩn đoán và hướng dẫn của các nhà chuyên môn, thực hiện các biện pháp can thiệp tại gia đình một cách tích cực và thường xuyên, giúp trẻ giảm thiểu đến mức thấp nhất tình trạng tự kỷ nếu có.

Có thể chữa khỏi tình trạng tự kỷ hay không ?

Như đã nói ngay từ đầu là cho đến nay thì khoa học vẫn chưa tìm ra một loại thuốc hay một phương pháp trị liệu nào có thể “điếu trị” hoàn toàn chứng Tự Kỷ Một số phụ huynh tin rằng với chế độ ăn đặc biệt, thuốc và các biện pháp can thiệp hành vi đã chữa khỏi chứng tự kỷ của con họ, nhưng các phụ huynh khác thử cùng chế độ can thiệp đó thì lại không thấy có kết quả. Có nhiều phương pháp điều trị được lập ra để cải thiện khả năng của người tự kỷ, nhưng chưa ai biết đến cách chữa hoàn toàn tình trạng tự kỷ.

“Chúng ta biết là nếu can thiệp sớm cho trẻ và dùng phương pháp ABA thì chúng ta có thể cải thiện chức năng của trẻ,” một chuyên gia tâm lý là ông Marion đã nói. Phân tích hành vi ứng dụng, hay còn gọi là ABA, là một hình thức can thiệp mà trong đó có các hoạt động lặp đi lặp lại để cải thiện chức năng giao lưu và thể chất cho trẻ.

Nhưng theo Marion, không hề có một phương cách chữa trị khỏi hẳn tình trạng tự kỷ, và còn phụ thuộc vào đánh giá của từng chuyên viên xem phương pháp trị liệu đó có đem lại lợi ích lớn nhất cho trẻ tự kỷ hay không. Với một vài ca, Marion nói, hành vi, trong đó có giao tiếp mắt và tương tác với người khác, phát triển kỹ năng ngôn ngữ, sẽ cải thiện đáng kể — nhưng những rối loạn sinh học tiềm ẩn sẽ không thể thay đổi được. “Và đó hoàn toàn không thể gọi là một cách chữa bệnh được,” ông nói.

Thông thường, khi thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường về hành vi và ngôn ngữ, điều lo lắng nhất của phụ huynh là con mình có bị tự kỷ hay không, mà không nghĩ rằng những rối nhiễu tâm lý khác như tình trạng chậm khôn, hay hội chứng rối loạn hiếu động kém chú ý ( ADHD) đây cũng là những vấn đề nan giải không kém gì tự kỷ. Tất cả đều cần có sự can thiệp một cách hợp lý, kiên trì và lâu dài tại gia đình. Điều quan trọng là đánh giá được mức độ nặng – nhẹ để có những biện pháp phù hợp.

Đối với trẻ tự kỷ ở mức độ nhẹ thì ngoài những biện pháp can thiệp cần thiết tại gia đình qua một chương trình can thiệp sớm, thì các em vẫn nên được tham gia các lớp mẫu giáo bình thường. Đây là một yếu tố quan trọng giúp cho các em gia tăng khả năng bắt chước và các mối quan hệ với các trẻ bình thường khác. Đối với trẻ tự kỷ trung bình thì một hệ thống các lớp hội nhập là điều hết sức cần thiết, ở đây ngoài những bài tập phù hợp với tình trạng của các em, do các giáo viên có chuyên môn về giáo dục đặc biệt đảm trách, thì các em vẫn có điều kiện tham gia các hoạt động với các trẻ em bình thường khác. Dĩ nhiên là một chương trình can thiệp tại gia đình do cha me hay có sự phối hợp với một giáo viên, một chuyên viên tâm lý là điều quan trọng. Điều này không chỉ áp dụng cho trẻ tự kỷ mà các rối loạn khác cũng cần như vậy.

Chỉ với các em tự kỷ nặng, chúng ta mới cần có một chương trình can thiệp tại các trường chuyên biệt, điều quan trọng là phải đến chú ý chất lượng và năng lực của các trường này.

Cho đến nay, các trẻ Tự kỷ hay ADHD vẫn được theo học trong hệ thống trường chuyên biệt dành cho mọi chứng rối nhiễu tâm lý. Điều này chỉ có thể chấp nhận nếu trong các trường này có sự phân chia rõ ràng các lớp dành cho trẻ tự kỷ với các lớp dành cho trẻ ADHD hay cho trẻ Chậm khôn, vì 3 dạng trẻ này cần được theo học với những giáo trình khác nhau. Hiện nay, cũng có một vài trường chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ, vấn đề còn lại là nội dung chương trình và chi phí mà gia đình phải bỏ ra vì rõ ràng một ngôi trường tốt thì không thể có học phí rẻ, nhưng vẫn có những trường chưa tốt, mà học phí lại không rẻ chút nào! Đó là vấn đề mà phụ huynh cần phải nhận ra.

Nhưng điều quan trọng nhất là dù ở bất kỳ cấp độ nào, sự tham gia của phụ huynh, hay những biện pháp áp dụng tại gia đình mới là điều quan trọng giúp trẻ tự kỷ có thể ổn định và phát triển. Tuy nhiên, chúng ta cần loại trừ những biện pháp hướng dẫn cho phụ huynh với một chi phí quá cao, vì thực chất giá trị của các biện pháp là sự kiên nhẫn, chừng mực và lâu dài cùng với tấm lòng của phụ huynh là những thứ không thể mua được với bất cứ giá nào. Còn các kỹ thuật, các công cụ, các nguyên tắc, hay giáo án chỉ là những thứ phụ thuộc và có rất nhiều cách khác nhau. Điều quan trọng là các phương pháp đó có phù hợp với tình trạng của con mình hay không, điều này chỉ có được sau những quan sát, chẩn đoán trực tiếp của các chuyên viên với đứa trẻ, để từ đó đưa ra những biện pháp thích hợp với một chi phí vừa phải.

Những ngộ nhận về các vấn đề của người tự kỷ

Rõ ràng là các trẻ tự kỷ đều có những khó khăn về giao tiếp, ứng xử và ngôn ngữ. Điều đó đã hạn chế rất nhiều việc đi học hay hòa nhập xã hội của các em. Thế nhưng, cũng có những người Tự kỷ lại có những khả năng xuất chúng.

Stephen Wiltshire, 34 tuổi, rất nổi tiếng là chiếc camera sống.  Anh ta có thể vẽ lại những thiết kế kiến trúc và cảnh quan chi tiết tới từng ngọn cỏ — dù chỉ mới quan sát khu vực đó một lần. Wiltshire đã từng vẽ lại quan cảnh của Tokyo, Rome và London dựa vào trí nhớ sau khi bay trên bầu trời thành phố bằng trực thăng. Wiltshire là một thiên tài tự kỷ. Anh ta có một khả năng nhận biết bất thường cho phép anh ta nhớ lại từng chi tiết của bản thiết kế, các con số và các số liệu đo đạc thường là quá khó nhớ với người khác. Khái niệm người tự kỷ là một thiên tài đã được phổ biến đi từ nhân vật Dustin Hoffman trong bộ phim “Rain Man.”

Marion công nhận có một bộ phận nhỏ những người tự kỷ có một số khả năng đặc biệt, nhưng không thể gán đặc tính này cho đại bộ phận người tự kỷ. Ông nói số đông người tự kỷ chẳng hề có một tài năng hay kỹ năng gì làm họ xuất chúng cả. Nhưng đó là sự khác biệt ở từng trẻ cũng như trẻ bình thường.

“Mỗi trẻ đều có điểm mạnh và yếu cả,” Marion nói. “Quan trọng là tất cả trẻ tự kỷ đều phải được đánh giá nhiều mặt bởi các chuyên gia y học đã có kinh nghiệm đánh giá kỹ năng và những khiếm khuyết của trẻ, để định ra một kế hoạch dạy trẻ đem lại lợi ích tối đa.”

Người ta thường nghĩ rằng một trong những khó khăn lớn nhất của trẻ Tự kỷ là khi đi học, trẻ không thể tạo được các mối quan hệ xã hội và chính vì thế mà cần phải có các trường chuyên biệt cho các em. Nhưng thực ra, với những trẻ tự kỷ ở mức độ trung bình thì các em vẫn có thể có bạn bè trong số trẻ bình thường trong trường, lớp của mình và việc theo học ở các trường bình thường lại là cơ hội cho các em “thực hành” các bài tập giao tiếp trong chương trình can thiệp tại gia đình của mình.

Do có những hành vi kỳ quặc và đôi khi là những cơn bùng nổ, nên trẻ tự kỷ, nhất là những trẻ lớn hay người tự kỷ đã trưởng thành thường bị xem là mối đe dọa cho xã hội. Đây cũng là một thách thức không nhỏ, nó khiến cho các em HS có thể có thái độ cô lập hay tẩy chay người bạn tự kỷ của mình. Tuy nhiên, nếu nhìn tổng thể bộ phận những người tự kỷ, thì số người dính vào tội phạm là rất nhỏ, Nếu người tự kỷ nào đó có ra tay làm gì thì có thể là họ cảm thấy khó chịu hoặc bị kích động quá mức, chứ không nhất thiết là từ động cơ đen tối.

Cũng xuất phát từ việc cho rằng người tự kỷ không cảm nhận được hay thể hiện bất kỳ một cảm xúc nào, nên họ sẽ không thể hiểu được cảm xúc của người khác. Nhưng thực ra, người tự kỷ vẫn có những cảm xúc và cảm nhận về cảm xúc nhưng theo một cách khác mà thôi. Vì vậy, họ có thể không phát hiện được nỗi buồn của người khác qua việc trò chuyện hay sự mỉa mai trong câu nói theo kiểu “ nói vậy mà không phải vậy” Nhưng nếu cảm xúc được truyền đạt một cách cụ thể và rõ ràng thì người tự kỷ có rất nhiều khả năng để cảm nhận được điều đó.

Cuối cùng, có nhiều bậc phụ huynh khi con mình bị “chẩn đoán” là Tự kỷ thì thường có cảm giác như nhận một bản án chung thân và hoàn toàn mất phương hướng về việc can thiệp cho con mình. Với thì giờ hạn hẹp có thể giành cho con và với những “kiến thức – kỹ năng” hạn chế, họ cho rằng mình không thể làm gì và điều cần làm là phải tìm ra một phương pháp thần kỳ nào đó, với những chuyên gia giầu kinh nghiệm. Đó sẽ là lời giải, vì thế họ không tiếc công, tiếc của để tìm kiếm những phương pháp can thiệp, từ đơn giản đến phức tạp, từ ít tiền đến cực kỳ tốn kém, thậm chí có thể cho con ra “điều trị” ở nước ngoài. Họ không nghĩ rằng, điều mà đứa trẻ cần nhất chính là khả năng giao tiếp, và chính họ là người mà đứa trẻ cần thiết lập được khả năng giao tiếp đầu tiên để từ đó, qua họ như một chiếc cầu nối trẻ với thế giới bên ngoài, đứa trẻ mới dần dần mới có thể “ mở cửa” phá bỏ tình trạng “ bế quan, tỏa cảng” về mặt tâm lý của mình để từng bước một hòa nhập với thế giới bên ngoài, không phải với những phương cách bình thường, mà là những cách thức giao tiếp của một người tự kỷ.

Nói cách khác trẻ tự kỷ được can thiệp tại gia đình, vẫn là trẻ tự kỷ nhưng đó là một đứa trẻ có khả năng giao tiếp và học tập theo cách thức của chính nó, đê có thể phát triển chứ không phải đó là một đứa trẻ đã được “cứu vớt” hay “điểu trị” để “quay về” hay “trở lại thiên đường” của những kẻ bình thường trong vòng tay người mẹ.

Làm thế nào để trẻ tự kỷ hòa nhập:

Như đã nói trên, việc chẩn đoán và phát hiện sớm tình trạng tự kỷ ở trẻ là hết sức quan trọng, nhưng việc phải có một kế hoạch can thiệp lâu dài cho trẻ cũng là điều hết sức cần thiết.

Chương trình can thiệp không nhất thiết là phải tiến hành tại các trung tâm điều trị tâm lý hay các trường chuyên biệt, mà ngay tại nhà của các em và người thầy tốt nhất cho các em không ai khác, chính là bố mẹ của trẻ tự kỷ. Như vậy, nếu đã có chương trình can thiệp tại gia đình, thì việc đưa trẻ đến các trường bình thường có phải là điều không cần thiết ?

Thực ra, khi trẻ tự kỷ đã có được một số kỹ năng nhất định, thì việc cho trẻ đến trường là điều hữu ích, nó giúp cho các em có cơ hội “thực hành” những điều đã được bố mẹ tập luyện tại gia đình. Điều này có vẻ như ngược lại với trẻ bình thường, khi các em đến trường để tiếp thu kiến thức, và khi về nhà thì bố mẹ sẽ đánh giá hay ôn lại cho các em. Còn trẻ tự kỷ thì lại được bố mẹ “dạy” ở nhà để đến trường, khi chơi với các trẻ khác, các em sẽ từ từ vận dụng những gì mình đã được học đi học lại nhiều lần ở nhà.

Tuy nhiên, việc thay đổi hành vi nhận thức của trẻ tự kỷ là điều không thể, vì thế việc cho các em hôi nhập tham gia các hoạt động chỉ là yếu tố để các em được cư xử như một trẻ bình thường , dĩ nhiên là với một cách thức riêng theo kiểu của các em. Chúng ta không buộc trẻ Tự kỷ phải trở thành bình thường, hay có những ứng xử bình thường, mà chúng ta hãy đối xử với các em một cách bình thường và tạo cơ hội cho các em có thể chơi đùa với các trẻ em xung quanh, tham gia các hoạt động trong khả năng cho phép. Đó mới gọi là sự hội nhập một cách có ý nghĩa và giá trị nhất đối với trẻ tự kỷ.

 LÊ KHANH

Chuyên viên tâm lý trẻ em.

Phó Giám đốc Trung tâm Rồng Việt Vũng Tàu

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý