Trí tuệ cảm xúc EQ
18/04/2011
Trắc nghiệm cá tính
18/04/2011
Trí tuệ cảm xúc EQ
18/04/2011
Trắc nghiệm cá tính
18/04/2011

Tâm lý là một ngành khoa học, trong đó Tâm lý lâm sàng được xem là một lĩnh vực ứng dụng, vì thế nó cần có những công cụ . Một trong những công cụ cần thiết của chuyên ngành tâm Lý lâm sàng ….

 

KHÁI NIÊM VỀ TEST TÂM LÝ

Tâm lý là một ngành khoa học, trong đó Tâm lý lâm sàng được xem là một lĩnh vực ứng dụng, vì thế nó cần có những công cụ . Một trong những công cụ cần thiết của chuyên ngành tâm Lý lâm sàng là các kỹ thuật chẩn đoán tâm lý mà ta thường gọi là Test tâm lý.

ĐẠI CƯƠNG

Test  tâm lý (Test Psychologique) nguyên nghĩa là phép thử, phép đo nên có thể gọi là nghiệm pháp hay trắc nghiệm (une épreuve). Theo H. Piéron, định nghĩa trong Vocabulaire de Psychologie là : “ đó là một thử nghiệm áp dụng cho mọi đối tượng được kiểm tra, có trách nhiệm thực hiện một công việc giống nhau với một kỹ thuật đã được ấn định để sự nhận xét của họ có thể thành công hay thất bại .Hay để đạt được kết quả với những ký hiệu về số. Trách nhiệm của đối tượng là có thể đạt đến một kết quả cho sự hiểu biết mà họ thu nhận được  test giáo dục) hay cho chức năng vận động hoặc về trí năng ( test tâm lý ) . Chúng ta chuyển ngữ từ Test thành Trắc nghiệm, tuy nhiên vì từ test đã trở thành chữ quốc tế ( Anh – Pháp giống nhau ) và từ trắc nghiệm cũng chưa diễn đạt hết ý nghĩa của chữ Test, nhất là trong lãnh vực tâm lý, vì thế ta vẫn nên giữ nguyên chữ test trong tiếng Việt.

Ta có thể định nghĩa về Test như sau :

Test  là một hệ thống biện pháp đã được chuẩn hóa về kỹ thuật, được qui định về nội dung và cách làm nhằm đánh giá khả năng ứng xử và kết quả hoạt động của một người hay một nhóm người, cung cấp một chỉ báo về tâm ly (trí lực, cảm xúc, năng lực, nét nhân cách …) trên cơ sở đối chiếu với một thang đo đã được tiêu chuẩn hóa hoặc với một hệ thống phân loại trên những nhóm người  khác nhau về phương diện xã hội.

Một test chính qui cần có những tiêu chuẩn sau :

– Tính khách quan, không tùy thuộc vào cảm tính chủ quan của người làm test. (trắc nghiệm viên : TNV).

– Tính sai biệt , tách rõ những đặc tính khác nhau.

– Tính ứng nghiệm, thực sự đánh giá được đặc điểm cần khảo sát

-Tính thuận tiện, dễ áp dụng .

Test chỉ nên xem là một chỉ báo, có giá trị trong một thời điểm, không nên tuyệt đối hóa giá trị của nó mà phải đối chiếu vói nhiều dữ kiện khác nhau trước khi kết luận về đặc tính của đối tượng .

Test được xem là một phương pháp đơn giản và tiện lợi trong việc mô tả đặc điểm tâm lý, nhưng điều đó bó buộc người xử dụng phải chấp nhận các định nghĩa và đánh giá bao hàm trong đó. Đây là ưu và cũng là khuyết điểm của test, vì Test không thể nào phát hiện được những dấu hiệu và triệu chứng mà trực quan của nhà tâm lý hay người chẩn đoán ( trắc nghiệm viên)  có thể phát hiện. Vì thế để bổ xung, các nhà tâm lý thường phối hợp hai phương pháp :

1- Phương pháp thực nghiệm mà test là phương tiện

2- Phương pháp  Lâm Sàng để am hiểu đối tượng, thông qua tiền sử và các nguồn thông tin về đối tượng .

Tuy nhiên, dù có những hạn chế nhất định thì Test vẫn được xem là một công cụ cần thiết trong lãnh vực Tâm lý vì chính nó đã góp phần  vào việc đánh giá các khái niệm tâm lý, khiến cho các nhà tâm lý học phải duyệt xét lại những lý luận của mình.

ỨNG DỤNG

Test là một công cụ, và nó chỉ tỏ ra có giá trị nếu được sử dụng đúng đối tuợng và đánh giá một cách thận trọng. Tự nó không có ý nghĩa hay giá trị tuyệt đối, mà kết quả của test phải được đối chiếu, phối hợp với các dữ kiện và thông tin khác về đối tượng mà ta đang nhận xét.

Việc sử dụng Test cần phải theo một số các nguyên tắc sau :

– Đối tượng có thể có nhiều kết quả chênh lệch nhau khi xử dụng test này hay test khác vì thế trong cùng một loại test ( về trí tuệ hay nhân cách ) cũng cần phải áp dụng nhiều trắc nghiệm khác nhau để chọn ra những kết quả cao nhất hay tương đồng.

– Thái độ của TNV thường có những ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả, sự nóng vội hay thanh thản dù ý thức hay không ý thức đều gây ảnh hưởng. Nếu TNV nghĩ tốt về đối tượng thường sẽ cho điểm rộng rãi hơn, do đó khi làm cũng như khi chấm TNV cần thiết phải có một sự ổn định tâm lý và đánh giá một cách vô tư.

– Những sự mong muốn hay lo sợ của đối tượng cũng có những ảnh hưởng lên kết quả, vì thế trước khi tiến hành, đối tượng phải được sự chuẩn bị và cắt nghĩa một cách đầy đủ về ý nghĩa của hoạt động này.

– Chẩn đoán nhanh chóng rồi lấy ngay quyết định là một việc làm nguy hiểm, bởi vì mỗi loại test thường chỉ cho phép tiếp cận  đối tượng ở một khía cạnh khác nhau, không có một test nào có thể tiếp cận để đánh giá toàn bộ con người. Vì thế cần đầu tư thời gian và suy nghĩ để tiến hành một hồ sơ tâm lý chung về đối tượng,  bao gồm nhiều nhận xét về nhiều khía cạnh, trong nhiều tình thế khác nhau ( về tiền sử, về bệnh sử về gia đình, về môi trường xung quanh.. )

Ngoài ra khi xử dụng test ta cần phải xác định:

1- Mục tiêu của sự quan sát đó, nghĩa là xác định đặc tính tâm lý nào mà ta chọn để đánh giá.

2- Tại sao ta lại chọn đặc tính đó

3- Test mà ta chọn sẽ được tiến hành trong điều kiện nào

4- Ta sẽ dựa vào tiêu chuẩn nào để đánh giá kết quả.

CÁCH TIẾN HÀNH

Khi chuẩn bị tiến hành làm test, cần phải có những yêu cầu và điều kiện sau :

1- Trắc nghiệm viên phải nắm vững về test sẽ được sử dụng

2- Quy trình tiến hành phải có sự chuẩn bị và thống nhất

3- Vật liệu sử dụng phải được chuẩn bị đầy đủ

4-    Địa điểm thực hiện phải đạt những tiêu chuẩn về ánh sáng, chỗ ngồi, nhiệt độ và sự yên tĩnh cũng như không có những hoạt  động gây sự phân tán cho đối tượng.

5- Quan hệ giữa TNV và đối tượng phải được thoải mái, TNV không mặc những trang phục gây sự chú ý  thái quá ( trang điểm lòe loẹt hoặc một sắc phục gây sợ )

6- Thời gian tiến hành phải đầy đủ, không có sự vội vã hay thúc dục

7- Đối tượng phải được ngồi trong điều kiện thoải mái để có thể sử dụng một cách thuận tiện các vật dụng dùng trong test.

8- Trước khi tiến hành thực sự, các vật dụng của test không được để cho đối tượng trông thấy và phải để ở một chỗ thuận tiện.

Trước khi tiến hành, phải tạo cho đối tượng một sự yên tâm bằng những lời trao đổi tự nhiên, vui vẻ với một thái độ cởi mở. Khi tiến hành, các lời chỉ dẫn phải rõ ràng, chính xác theo yêu cầu của từng loại test, nếu cần  nhắc lại cũng phải nói đúng như nội dung những điều đã nói, nhưng không được giải nghĩa hay hướng dẫn vì mục đích của test là để đánh giá hay đo lường một khả năng, một thái độ đã được chuẩn hóa, sự cắt nghĩa sẽ làm thay đổi giá trị của test.

Trong các test về ngôn ngữ, TNV phải ghi lại đúng ý những câu trả lời của đối tượng, để có thể so sánh với những câu trả lời trong các test khác. Những câu trả lời không bình thường, hay lặp đi lặp lại sẽ biểu lộ những triệu chứng tâm lý, hình thái nhân cách của đối tượng vì thế nên cần phải được ghi lại đầy đủ.

Để tăng phần chính xác, TNV có thể hỏi thêm, nhưng không được vi phạm các mục tiêu của test, tuyệt đối không có một sự định hướng hay bao hàm một sự đánh giá gì cả. Nghiệm viên chỉ động viên đối tượng trả lời đúng chứ không nên khuyến khích đối tượng nâng cao chất lượng câu trả lời .

Khi đối tượng cho nhiều câu trả lời, thì sự chẩn đoán phải dựa trên câu trả lời có chất lượng cao nhất, thường thì có hai tình huống :

– Các câu trả lời đều có thể chấp nhận được, nhưng sẽ có một câu có chất lượng cao nhất.

– Có nhiều câu trả lời nhưng những câu sau chỉ bổ túc cho câu trước.

Trong các test định nghĩa danh từ, có thể đối tượng định nghĩa đúng do học thuộc lòng chứ không hiểu vì thế cần phải có một sự nhạy bén ở đây, vì chỉ có những câu trả lời do hiểu biết mới có giá trị.

Nếu đối tượng không trả lời được , nên có một câu khuyến khích chẳng hạn như : Có lẽ đó là một câu khó, không sao lớn lên em sẽ làm được , sau đó đề nghị đối tượng tiếp tục mà không tỏ ý không bằng lòng. Ngược lại cũng không nên có thái độ thán phục khiến cho đối tượng nghĩ rằng mình rất giỏi.

Yêu cầu với Trắc nghiệm viên:

Test là một công cụ về tâm lý mang tính khoa học, do đó người sử dụng nó cũng cần phải có những phẩm chất nhất định. Có hai loại tính chất không thích hợp cho một TNV :

1- Nhân cách thích quan hệ giao lưu, cởi mở quá đáng. Lúc nào cũng muốn cứu vớt người khác, không tự kìm chế được nên thường xuyên vượt qua những hướng dẫn đã qui định, bổ xung thêm bằng những hướng dẫn của mình , điều này sẽ dẫn đến sự rối trí của đối tượng và sai lệch trong kết quả.

2- Nhân cách cứng đờ, khắc khổ của những người có nhu cầu điều khiển người khác, thường dễ dàng phật ý vì một chi tiết hay một sai lầm nhỏ nhoi nào đó của đối tượng, nên vô tình tạo nên một bầu khí chống đối ngầm, nếu tính khí của đối tượng cũng như thế. Còn đối với đối tượng dễ cảm xúc hay nhút nhát thì lại gây nên sự rối loạn tâm lý sâu sắc.

Trong thực tế, có khi cùng một TNV lại có thể có hai thái độ trên tùy thuộc vào thời điểm và sức khỏe thể chất – sự  ổn định hay không về tâm lý lúc bấy giờ vì thế điều quan trọng là TNV phải ý thức được điều này để có thể tự điều chỉnh hành vi cho phù hợp.

Ngoài một vài test tiến hành tập thể tại lớp học, việc tiến hành các test thường chỉ diễn ra với tính cách cá nhân, nghĩa là trong khi tiến hành, chỉ có sự hiện diện của TNV và đối tượng, nếu có thêm người phụ tá thì phải hết sức tránh gây sự chú ý của đối tượng dù chỉ là vô tình.

Cv.TL LÊ KHANH

Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý