Giáo dục kỹ năng sống và Phong trào Hướng Đạo
23/12/2015
Một số phương pháp trị liệu cho trẻ Tự Kỷ
09/02/2016
Giáo dục kỹ năng sống và Phong trào Hướng Đạo
23/12/2015
Một số phương pháp trị liệu cho trẻ Tự Kỷ
09/02/2016

Rối nhiễu tâm lý là một thuật ngữ để gọi một tình trạng mất quân bình về nhận thức,có những khó khăn trong giao tiếp của trẻ em. Nó bao gồm nhiều trạng thái khác nhau ở nhiều dạng trẻ khác nhau.

Từ tình trạng rối nhiễu tâm lý…

Năm 1991 cố BS Nguyễn Khắc Viện , một nhà văn hóa và nghiên cứu tâm lý lớn của Việt Nam, trong hội thảo đầu tiên về tâm lý lâm sàng trẻ em tại Hà Nội, do Trung tâm Nghiên cứu tâm lý trẻ em N-T tổ chức đã đưa ra sự phân loại  về rối nhiễu tâm lý trẻ em bao gồm 8 nhóm là :

  1. Những khó khăn trong học tập
  2. Rối nhiễu tâm thể
  3. Rối nhiễu nhân cách
  4. Rối nhiễu ngôn ngữ
  5. Rối nhiễu vận động
  6. Lo hãi – trầm cảm
  7. Rối nhiễu hành vi.
  8. Rối nhiễu về giới tính

Thuật ngữ rối nhiễu tâm lý lần đầu được giới thiệu để mô tả một tình trạng tâm lý không ổn định, gây ra những khó khăn trong sự phát triển – học tập và giao tiếp của trẻ em. Đó cũng là một cấp độ về sang chấn tâm lý là : Khổ tâm ( mức độ nhẹ ) Nhiễu tâm ( trung bình ) Loạn tâm ( mức độ nặng )

Trong 8 nhóm rối nhiễu này chúng ta có thế thấy nó bao gồm hầu hết các khó khăn, bất ổn của trẻ về bốn phương diện : cảm giác – ngôn ngữ – vận động và giao tiếp ứng xử .

Tuy nhiên, nếu đi sâu vào từng nhóm rối nhiểu, chúng ta thấy sự phân chia này chưa hoàn toàn hợp lý và phù hợp với sự phân chia theo hai bảng phân loại quốc tế là ICD 10 và  DSM 5 (Mã chẩn đoán là 299.00 tương ứng với F84.0). Mặc dù đây là 2 bẳng phân loại về Tâm bệnh lý trẻ em, không đề cập đến một số khó khăn thuần túy về tâm lý có liên quan đến yếu tố giáo dục của gia đình như trong sự phân loại của Trung tâm NT có đề cập đến. Còn đứng trên phương diện liên quan đến các yếu tố tâm bệnh, nhất  là các tình trạng Chậm nói , Hiếu động kém chú ý ( ADHD ) và hội chứng Tự Kỷ ( ASD)  thì sự phân loại theo 8 nhóm nêu trên là chưa chính xác.

Theo sự phân loại trên thì Chậm nói được xếp vào nhóm rối nhiễu về ngôn ngữ nhưng trên thực tế ngoài dạng chậm nói đơn thuần và có những khó khăn trong phát âm như nói ngọng, nói lắp thì biểu hiện chậm nói cũng có mặt trong các dạng trẻ Chậm phát triển trí tuệ, Hiếu động kém tập trung và Tự kỷ . Đối với trẻ Hiếu động kém chú ý ( ADHD ) được xếp trong nhóm Rối nhiễu hành vi và chung với các em có những biểu hiện tiêu cực như cứng đầu, đánh bạn , ăn cắp thì không phù hợp vì các điều này là kết quả của sự giáo dục sai lầm và thiếu sót của gia đình và nhà trường. Trong khi ADHD là một tình trạng mà bản thân trẻ không ý thức và không kiểm soát được các hoạt động của mình, cũng như không thể tập trung trong mọi hoạt động.

Đặc biệt là các trẻ tự kỷ, như chúng ta đã biết trẻ Tự kỷ hay còn gọi là rối loạn phát triển lan tỏa ( Trong DSM 5 không còn dùng thuật ngữ này mà chỉ gọi chung là tự kỷ, và thêm một khái niệm nới là rối loạn giao tiếp xã hội ) và có các dấu hiệu đặc trưng là :

1.Sống khép kín, không có quan hệ xã hội

2./ Dễ Bùng nổ( vì sợ, giận, buồn..)

3./ Ngôn ngữ thiếu vắng, chậm

4./ Lặp đi lặp lại trong hành vi và ngôn ngữ

5./ Hành vi lạ kỳ như nhún nhảy, xoay tròn, đưa tay ve vẩy trước mặt

Như vậy, nếu nói về rối nhiễu tâm lý thì trẻ tự kỷ vừa có các rối nhiễu về hành vi, ngôn ngữ, vận động và cả về nhân cách nữa. Vì thế, nên xếp nhóm trẻ này ra khỏi sự phân loại nói trên vì đó là những khiếm khuyết có yếu tố bẩm sinh thiên về tâm bệnh lý, trong khi các tình trạng khác là những sang chấn tâm lý do trẻ gặp phải sau khi sinh ra mà không nhận được những biện pháp chăm sóc phù hợp.

Tuy nhiên, điều quan trọng, không phải là sự phân loại đúng hay sai, vì điều này có thể thay đổi theo thời gian và quan điểm của mỗi một trường phái tâm lý. Điều mà phụ huynh cần biết  là sự chẩn đoán đúng tình trạng của các trẻ Tự kỷ, hiếu động kém chú ý hay chậm nói , chậm phát triển… Bởi vì có chẩn đoán đúng tình trạng và mức độ thì từ đó mới xây dựng được các chương trình can thiệp phù hợp và việc áp dụng các biện pháp can thiệp là một chương trình tác động nhiều mặt với nhiều vai trò, từ các bác sĩ tâm thần nhi, chuyên viên tâm lý, chuyên viên tâm vận động, âm ngữ trị liệu …cho đến các giáo viên đặc biệt và một vai trò quan trọng chính là phụ huynh của các em chứ không phải là một phương pháp đặc thù hay “thần kỳ” của riêng một ai hay riêng một cơ sở, một trung tâm nào.


Đến các biện pháp can thiệp :

Hiện nay, việc can thiệp cho trẻ rối nhiễu tâm lý hay trẻ đặc biệt nói chung, trẻ tự kỷ hiếu động kém chú ý, chậm nói …nói riêng, có  nhiều phương pháp khác nhau ( của nhiều trường phái khác nhau ) có cái đúng và cũng có nhiều cái sai , thậm chí là nhảm nhí ..nhưng nếu nhìn một cách tổng thể chúng ta có thể xếp vào làm 3 nhóm :

–       Các kỹ thuật chăm sóc và can thiệp tại gia đình mà ta gọi là can thiệp sớm, chủ yếu dành cho phụ huynh các em với những biện pháp tác động vào các kỹ năng cá nhân .

–       Các chương trình giáo dục và can thiệp tại trường chuyên biệt chủ yếu nâng cao nhận thức, các kỹ năng học đường do các giáo viên đặc biệt phụ trách nhằm  tạo cơ hội cho trẻ phát triển các mối quan hệ xã hội với thầy cô và bạn bè

–       Các phương pháp trị liệu cá nhân như tâm vận động, điều hòa cảm giác cùng với hơn 12 phương pháp giáo dục chuyên biệt ( Như ABA, DRI, hay TEACCH … ) và chuyên ngành âm ngữ trị liệu  được can thiệp cho từng em, tùy vào tình trạng của mỗi trẻ, do các chuyên viên được đào tạo bài bản và theo đúng các quy trình tác động của mỗi một kỹ thuật khác nhau.

Một chương trình can thiệp là phải bao gồm 3 nhóm trên tùy theo sự sắp xếp tổ chức thông qua một chiến lược của chuyên viên tâm lý am hiểu các kỹ thuật can thiệp, và nó được xây dựng cho từng dạng trẻ, từng mức độ khác nhau trên từng em, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Phụ huynh – giáo viên và chuyên viên chứ không thể là một chương trình thập cẩm như : “ hướng dẫn phương pháp chơi khoa học, cách thức chơi phát triển cùng lúc giữa trí tuệ và thể lực. Qua đó trẻ sẽ hiểu ý nghĩa của từng loại trò chơi, từng hoạt động, giúp trẻ tư duy linh hoạt, không còn chơi theo kiểu tự phát và nhanh chóng hòa nhập… Các bài tập yoga cho trẻ có nhu cầu đặc biệt như tự kỷ, chậm phát triển, tăng động kém tập trung giúp trẻ kiểm soát cảm xúc, có hành vi phù hợp trong lớp cũng như ở nhà khi không thỏa mãn yêu cầu.” …. Mặc dù CHƠI – hay TRÒ CHƠI ,, là một trong những kỹ thuật tác động đến trẻ, nhưng đó là một kỹ thuật nằm trong một phương pháp nào đó, trong một không gian hay trong một thời điểm nhất định, chứ không phải là một phương pháp riêng biệt gọi là“ Chơi khoa học” hay “chơi phát triển” ! Cũng như Yoga chỉ nên xem là một số kỹ thuật vận động tĩnh, nó có thể đưa vào một hoạt động can thiệp một cách chừng mục ( nếu cần )  trong một kế hoạch tổng thể chứ Yo ga không phải là một phương pháp dành cho trẻ đặc biệt.

Nếu nói về các phương pháp trị liệu, can thiệp hay giáo dục cho trẻ đặc biệt thì cũng đã từng xuất hiện rất nhiều các biện pháp từ bấm huyệt, châm cứu,, cấy chỉ, thở oxy cao áp, đến các biện pháp cao cấp như ghép tế bào gốc hay bình dân như dùng thuốc Vương não khang …đều đã được các “nhà trị liệu “ đưa ra như những biện pháp thần kỳ để “chữa bệnh” cho trẻ tự kỷ. Thế nhưng, trong một chừng mực nào đó thì các phương pháp trên cũng xây dựng trên một quan điểm ( dù thiếu cơ sở khoa học ) nhất quán nào đó, chứ không đến nỗi tệ hại bằng những câu chữ được cóp nhặt và lắp ghép  một cách thập cẩm, không phân biệt nổi những trẻ có những vấn đề về hành vi như bỏ học, ăn cắp, hay  thiếu khả năng kiểm soát cảm xúc …với các trẻ đặc biệt nhằm giới thiệu một mô hình hiện đại trị liệu dành cho trẻ rối nhiễu tâm lý tại TP.HCM, thì quả thực là một sự quảng cáo quá mức nếu không muốn nói là một sự lừa bịp (một cách ..ngây thơ) trước nhu cầu cần tìm một phương pháp hay một cơ sở can thiệp cho con em mình..

Việc ra đời những ngôi trường, những trung tâm can thiệp cho trẻ đặc biệt, cùng những phương pháp giáo dục đặc biệt hay trị liệu tâm lý cho trẻ là điều rất đáng biểu dương và cần thiết nhưng điều đó cần phải dựa trên những nền tảng khoa học – giáo dục – tâm lý có cơ sở vững chắc . Chúng ta đã quá thừa những lang băm, quá nhiều những phương pháp, kỹ thuật điều trị  khiến cho phụ huynh hoang mang, vừa mất tiền, mất thì giờ và mất cả niềm tin. Mong sao chúng ta hãy hết sức tỉnh táo trước những hoạt động thiếu cơ sở khoa học để tránh khỏi tình trạng : tiền mất mà tật vẫn mang.

CvTl Lê Khanh

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý