Suy kiệt vì thiếu tình thương
08/12/2011
Khám phá trí tuệ và cảm xúc của trẻ
08/12/2011
Suy kiệt vì thiếu tình thương
08/12/2011
Khám phá trí tuệ và cảm xúc của trẻ
08/12/2011

Một năm mới bắt đầu, lẽ ra phải là những “hồ hởi, phấn khởi” nhưng tại sao lại là những giai điệu buồn về trẻ em. Trẻ em, mùa xuân của đời người, nhưng thay vì được ươm hoa kết trái trong vòng tay yêu thương của bố mẹ…

được thụ hưởng sự chăm sóc giáo dục của thày cô, thì các em lại trở thành những nạn nhân hứng chịu những nỗi buồn phiền, những sụ ức chế và căm phẫn của người lớn !

Ở đây, tôi không muốn nói đến những trẻ mồ côi, khuyết tật … mà là những cháu bé được sinh ra trong những gia đình toàn vẹn, được hưởng thụ những sự quan tâm về vật chất, nhưng vẫn có những khoảng trống về tinh thần và giáo dục mà lẽ ra, các em có quyền được tiếp nhận.
Trước hết, đó là những em HS mà “chẳng may” lọt vào “tay” những người giáo viên thiếu kỹ năng sư phạm, thiếu nền tảng nhân cách, hay đã và đang phải chịu nhiều áp lực của chương trình, của cuộc sống, nên không biết làm gì hơn là “giận cá chém thớt” đem những nỗi buồn phiền cá nhân rồi “biến đau thương thành giận dữ” để trút lên đầu những Học trò của mình.
Trong một ca tư vấn tâm lý, ngồi trước mặt tôi là một em bé học lớp 1, với nỗi lo âu, buồn phiền hiện rõ trên gương mặt ngây thơ, tôi mời em vẽ – lúc đầu, em nói không biết vẽ, sau một lúc dẫn dụ, nói vẽ một cái nhà, em lặng lẽ vẽ một căn nhà đơn độc, không cửa sổ, chỉ có một cánh của ra vào bé xíu và đóng chặt – sau đó tôi đề nghị em vẽ một cái cây, rồi một con người – Một cô bé nhỏ xíu xuất hiện giữa trang giấy, không có tai, không có bàn tay, không có bàn chân, chỉ có hai mắt, không có miệng !

Còn biết nói gì đây, em ngồi đó, không muốn nghe ai nói, không có miệng để phản đối, cũng không có tay để tiếp nhận sự cảm thông và cả đôi bàn chân để di chuyển !để trốn chạy! Tôi không muốn đi sâu vào việc đánh giá về những cái gọi là IQ, hay những ẩn dụ sâu xa hơn, nhưng liệu như thế đã đủ chứng minh cho những gì mà mẹ em kể về những điều em phải chịu đựng ở lớp học hay chưa ?

Trong một trường hợp khác, qua EMail, tôi được kể lại một trường hợp một cháu bé có những dấu hiệu về tự kỷ khá rõ, dù mới hơn 26 tháng ! Bé đúng là một người con mà bố mẹ không mong muốn, vì thế họ bỏ mặc đứa trẻ cho người giúp việc, và dù công việc của họ cũng không quá bận rộn, nhưng họ cũng không dành được cho con một buổi chiều chủ nhật, chứ đừng nói gì những buổi tối ở nhà với con trong vòng tay yêu thương !

Mặc dù họ không bỏ rơi trẻ, nhưng thái độ không muốn nhìn nhận những dấu hiệu Tự Kỷ nơi trẻ, dù họ đã đưa trẻ đến khám tại BV Nhi Đồng 1 – và việc họ cho rằng việc trẻ nghịch lửa chỉ là dấu hiệu của sự lì lợm, cho thấy họ không có một chút gì hiểu biết gì về tâm lý trẻ, dù bà mẹ là một Nha sĩ, còn ông bố cũng là một doanh nhân nghĩa là những người lẽ ra cũng phải có những hiểu biết nhất định về trách nhiệm của việc làm cha mẹ !


THƯƠNG CON CŨNG PHẢI THƯƠNG ĐÚNG

Thực ra, ngay cả với những cháu bé mà bố mẹ có được sự quan tâm cũng vẫn có thể có những rối nhiễu tâm lý, nếu đó là những quan tâm không đúng cách, hoặc quá dễ dãi nuông chiều, hoặc quá nghiêm khắc, cứng rắn, hoặc tệ hơn là có tính cách “sáng nắng – chiều mưa” hay với thái độ “bất đồng quan điểm” của bố mẹ trong cách dạy con, đều là những nguy cơ dẫn đến sự “cách ly” đứa trẻ ra khỏi những khả năng phát triển nhân cách của trẻ.

Đặc biệt là với những gì mà ngành Giáo dục đang thể hiện, thì tình trạng “bạo hành” về tinh thần dành cho trẻ em, có lẽ ngày càng trở nên những “cái chết được báo trước” khi mà những nhà xây dựng chương trình GD không đếm xỉa gì đến những yếu tố phát triển không đồng bộ giữa trẻ em nông thôn và thành thị, giữa những trẻ vùng sâu vùng xa với những trẻ ở những đô thị văn minh, hiện đại. Điều đó đã tạo ra một áp lực nặng nề lên các thày cô giáo, để rồi họ phải đối phó bằng nhiều cách, cũng như có thể dễ dàng “trút” lên đầu HS những gì uất ức mà họ đang phải gánh chịu !

Có thể nào áp đặt một chương trình giống nhau giữa một cháu bé mới học MG mà đã có thể chơi những trò chơi games trên máy vi tính tại chốn đô thị với một cháu bé ỏ một vùng quê, nơi có những thôn xóm gần 30 hộ gia đình, không một ai – xin nhắc lại – không một ai biết đôi dép là gì ( trong một chuyến đi về Bạc Liêu tôi đã được biết ) và trẻ em thì hầu như không biết cục xà bông là gì luôn !

Ở một đất nước mà sự phân hóa giàu nghèo càng ngày càng trầm trọng, thì sự cào bằng trong các chương trình giáo dục không thể nói lên được tính bình đẳng mà những nhà giáo dục ngồi ghế salon trong phòng lạnh mơ mộng, mà chỉ nói lên được một tính chất duy ý chí của một định hướng “ngu dân” đã và đang được vận hành một cách triệt để trong suốt thời gian qua.


MỘT THẾ HỆ BỊ CHỐI TỪ
Những đứa trẻ bị chối từ có thể bị rối nhiễu tâm lý, có thể bị Tự Kỷ nhưng cả một thế hệ cũng đang bị “chối từ” thì sẽ bị những gì ? Quả tình là sức chịu đựng của người Việt chúng ta thực siêu phàm – dù cho bị vùi dập bằng những chương trình đào tạo “phong ba – bão táp” chúng ta vẫn có những con người vươn lên được trên đỉnh cao của trí tuệ. Nhưng, cũng như những cháu bé chỉ biết vẽ những hình người không có tai, không có miệng, không có bàn tay, bàn chân. Rồi đây, các em HS, con em bình thường của chúng ta sẽ có thể làm được những gì ? và sẽ trở nên những con người như thế nào trong tương lai ?

Đã biết bao trẻ em , thanh thiếu niên chìm đắm trong các games online để trốn chạy thực tế, đã biết bao con người chìm ngập trong những cơn ngây ngất của Heroin – của men rượu cũng là để quên đi trong chốc lát cái thực tế tàn nhẫn đang cuốn họ vào vòng xoáy của giả dối, bất nhân và lạc hậu hàng chục năm nay ! Vậy mà vẫn chưa đủ hay sao ? vậy mà vẫn huyênh hoang, dối người, lừa cả chính mình về sự hội nhập quốc tế, về sự phát triển lên cả chục các tầm cao mới ! Có cái tầm cao nào bằng nhân cách và tình người ? Và những đứa trẻ, những con người bị chối từ kia sẽ đi về đâu?

LÊ KHANH
Những ngày đầu tháng – đầu năm 2009

Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý