Thắc mắc về trẻ Chậm nói
25/12/2013
Những vấn đề về hành vi và tính cách của trẻ
28/12/2013
Thắc mắc về trẻ Chậm nói
25/12/2013
Những vấn đề về hành vi và tính cách của trẻ
28/12/2013

Tôi có nghe nói tới phương pháp tập cho trẻ nhỏ (vài tháng tuổi) cách ngủ riêng. Vậy con tôi đã 4-5 tuổi thì có thể tập cho con ngủ riêng như thế nào (LQH)

Chào bạn

Việc cho con ngủ riêng ngay từ nhỏ là một phương pháp giáo dục có nhiều nhận định tùy theo quan điểm khác nhau, vì cho ngủ riêng hay ngủ chung với mẹ trong giai đoạn trẻ còn bé đều có những cái hay và những hạn chế khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta nên biết rằng quan điểm cho con ngủ riêng là xuất phát từ phương Tây, trong một nền giáo dục coi trọng giá trị cá nhân, biện pháp này góp phần vào việc giúp trẻ em có tinh thần tự lực, không ỷ lại và nhõng nhẽo, nhưng nó phải kết hợp cùng với những biện pháp giáo dục khác, như khi con té ngã, không vội vàng chạy đến nâng đỡ và đổ lỗi cho cái sàn nhà hay vật gì đó làm bé ngã !và luôn khuyến khích trẻ tự làm những việc trong khả năng. Vì nếu không thì việc cho ngủ riêng sẽ không có tác dụng gì !

Nhưng khi trẻ được 4-5 tuổi thì việc cho ngủ riêng là điều nên khuyến khích, vì đến độ tuổi này trẻ đã có ý thức rõ về bản thân, nhận biết giới tính của mình và cũng không cần sự ôm ấp của bố mẹ khi ngủ và dĩ nhiên, bố mẹ cũng phải tập cho trẻ có tinh thần tự chủ với những biện pháp giáo dục khác nữa.

Để thực hiện thì bước đầu bạn có thể kê một cái giường bên cạnh giường ngủ của bố mẹ, hay có thể đặt trong một căn phòng, bé sẽ ngủ ở đây và yên tâm rằng vẫn luôn có bố mẹ bên cạnh. Sau độ một tháng, bạn có thể chuyển giường qua phòng kế bên, nhưng không khép cửa, và trước khi bé ngủ, mẹ có thể qua nằm chơi, kể chuyện, hỏi han bé cho đến khi bé ngủ sẽ quay về phòng mình. Việc này có thể kéo dài từ một tuần đến một tháng tùy theo tính cách của trẻ.

Dần dần khi bé đã quen thì ta chỉ cần qua trò chuyện, hỏi han bé một chút rồi chúc bé ngủ ngon và quay về phòng mình, lúc này bố mẹ có thể khép cửa phòng. Chúng ta nên nhớ việc cho bé ngủ riêng chỉ là một trong nhiều yếu tố giúp bé sớm tự lập và phải áp dụng cùng với các biện pháp khác, vì nếu không nó chỉ có giá trị là giúp cho bố mẹ được thoải mái, tự do trong việc ngủ chung với nhau mà thôi.

 

Hiện giờ con em đã được một tuổi, em thường bế con lên võng ru con ngủ. Khi con ngủ, em đặt con lên dường, nhưng khi con khóc em hay ôm lấy con và tiếp tục ru con cho đến khi con ngủ say. Cho em hỏi em làm như vậy có đúng không và xin chỉ cho em biết cách rèn luyện cho con giống như tin tứcđã đưa ra. em xin cảm ơn rất nhiều . Liên


Chào bạn

Việc bế con lên võng hay ôm con vào lòng để ru ngủ là thói quen của rất nhiều bà mẹ Việt Nam, điều này giúp trẻ có sự gắn bó với mẹ và khiến cho mối quan hệ mẹ con tốt hơn. Tuy nhiên, điều này cũng giống như chuyện cho con bú, chỉ nên áp dụng khi con còn nhỏ, chủ yếu là dưới 1 tuổi. Còn khi trẻ đã được trên một tuổi, thì chúng ta lại nên dần dần tập cho trẻ thói quen ngủ trên giường phẳng một cách tự nhiên, để khi trẻ được 3, 4 tuổi sẽ chuyển sang chế độ ngủ riêng một cách thuận tiện hơn, điều này sẽ giúp bé sớm có tinh thần tự chủ.

Khi cháu bé khóc, chúng ta có thể ôm bé để vỗ về, an ùi một lúc, sau đó nếu muốn cháu ngủ thì nên đặt bé nằm trên giường, rồi ngồi bên cạnh để vỗ về cho đến khi bé ngủ chứ không nhất thiết phải ôm bé để ru cho đến khi bé ngủ, vì như vậy vô tình chúng ta lại tạo cho bé một thói quen là phải được mẹ ôm và ru mới ngủ. Chúng ta nên kiên trì trong giai đoạn đầu, vì có thể bé sẽ không quen “bị đặt” xuống giường, và sẽ lại tiếp tục quấy khóc. Chúng ta chỉ nên bế bé lên, dỗ bé một lần, rồi để bé nằm và vỗ về, xoa nhẹ vào lưng, hai bàn chân…cho đến khi cháu nín.

Ban đầu chúng ta chưa nên tách bé ngủ riêng sớm, mà phải tập cho bé có thói quen nằm ngủ trên giường cùng với mẹ đả, sau khi đã không đòi bế, không đòi ru bằng võng, thì đến lúc đó mới dần dần tách mẹ ra để nằm ngủ trong một cái giường ở bên cạnh. Chỉ khi nào cháu quen ngủ riêng trên chiếc giường đó, thì mới có thể xếp bé ngủ trong một căn phòng khác.

 

Con gái tôi 5 tuổi. Cháu khá ngoan và những lúc bình thường tỏ ra rất quấn mẹ. Hằng ngày bé hay nói yêu mẹ và luôn muốn làm mọi việc cùng mẹ (tắm, đánh răng, ăn uống…). Thế nhưng, những lúc mẹ ốm, hay có chuyện buồn, khóc, cháu thường không thể hiện sự quan tâm hay tình cảm trìu mến gì, thường chỉ len lén nhìn mẹ rồi chạy đi chơi. Có lần, tôi rất buồn khi mẹ đang khóc (sau cuộc cãi nhau với bố) thì con cứ coi như không biết, nhất quyết đòi mẹ pha sữa (hoặc làm một việc gì đó mà thường vào giờ đó tôi vẫn làm cho con). Không hiểu có phải con gái tôi vô tâm hay thế nào? Tôi phải dạy làm sao để con biết chia sẻ cảm xúc với người khác và thể hiện sự quan tâm với người thân?


Chào bạn

Trong việc thể hiện hay nhận biết cảm xúc của người khác, ở trẻ em thường có những hành động hay suy nghĩ khác với người lớn, việc cháu nói yêu mẹ đã được thể hiện theo cách của cháu là cùng làm việc với mẹ, mà đối với trẻ đây là một cách bầy tỏ như trò chơi và chúng ta nên biết trẻ chỉ chơi với ai mà trẻ thích, đó là một cách thể hiện tình cảm rất tự nhiên, bình thường. Còn ngược lại, khi bé thấy mẹ buồn, hay đau ốm thì đối với trẻ, đó lại là điều bất thường, trẻ không hiểu tại sao bữa nay mẹ lại có hành vi kỳ lạ và không có sự vui vẻ nên không dám tiếp cận. Với chuyện mẹ khóc cũng vậy, việc đòi mẹ pha sữa cũng là một cách mong muốn được mẹ quan tâm và đây cũng là một cách quan tâm đến mẹ của trẻ.

Vì thế chúng ta không nên trách bé vô tâm mà nên hiểu là bé chưa biết nhận diện cảm xúc theo cách nghĩ như người lớn, chưa biết cách thể hiện đúng nghĩa các cảm xúc yêu thương và lo lắng. Do đó trước khi muốn bé có khả năng bầy tỏ và chia sẻ cảm xúc thì chúng ta cần tập cho trẻ nhận biết các cảm xúc, bằng cách chỉ cho cháu hiểu như thế nào là vui, là buồn, là thích thú hay khó chịu..Bắt đầu từ những việc đơn giản là nói ra những cảm xúc như: hôm nay mẹ rất vui, sau đó thể hiện bằng nụ cười và một vòng tay ôm ấp. Hoặc hôm nay mẹ không vui, mẹ buồn và sau đó là một biểu hiện cho trẻ biết như thế nào là buồn. Trẻ sẽ hiểu nghĩa của các cảm xúc và từ đó sẽ có được những đáp ứng phù hợp với tình trạng vui buồn hay mệt mỏi của bố mẹ.


Tôi có một con trai 27 tháng. Hiện tôi đang mang thai và sẽ sinh vào cuối năm nay. Bé lớn hầu như chưa biết tới sự có mặt của em. THỉnh thoảng tôi cũng nói với con về em bé trong bụng, cháu chỉ nghe rồi xoa xoa bụng mẹ, sau đó quên ngay. Cháu rất bám mẹ, lúc nào cũng đòi mẹ bế. Cháu cũng hay ghen, có bạn hàng xóm hay trẻ con nhà anh chị tới, mẹ bế là con giằng ra, không cho. Tôi rất lo sau này sinh em bé thì con sẽ ghen tỵ, hoặc có cảm giác bị bỏ rơi. Ngay từ bây giờ, tôi nên làm thế nào?


Chào bạn

Việc trẻ ganh tỵ với anh chị em là điều bình thường, nhất là trong giai đoạn còn nhỏ, trẻ sẽ thể hiện bằng những phản ứng khác nhau, từ những phản ứng tiêu cực như tỏ ra buồn bã, khó chịu hay cáu gắt hoặc tích cực hơn với những hành động như cháu trai đã thể hiện với những trẻ khác. Chị cũng không nên quá lo lắng, vì việc chưa biết đến sự có mặt của đứa em cũng là điều bình thường trong độ tuổi này. Nhưng chị cần có những ứng xử phù hợp hơn, vừa tỏ ra vui vẻ, quan tâm đến trẻ nhiều hơn, nhưng không nhất thiết phải giành cho trẻ nhiều thì giờ mà phải tập cho bé có khả năng tự chủ nhiều hơn trong các hoạt động cá nhân, hãy tập cho trẻ sớm biết cách tự ăn, tự ngủ và tự chơi. Trong các hoạt động này cũng cần có sự phối hợp với người bố.

Việc tập cho trẻ có khả năng tự chủ sớm sẽ giúp cho bé không quá gắn bó với mẹ, và khiến trẻ sẽ không lấy làm khó chịu hay buồn bực khi thấy xuất hiện một “nhân vật thứ hai” ! Ngoài ra khi sinh em bé, chị cũng vẫn cần tỏ ra quan tâm, hỏi han trẻ và hãy “nhờ “ làm giúp chị một số việc trong hoạt động chăm sóc đứa em.

Khi trẻ tỏ ra bực tức, hay có những hành động “thiếu thiện chí” chúng ta nên bỏ qua, không phê phán hay trách móc, vì ngay cả người lớn như ông bố cũng sẽ có thái độ “ganh tỵ” với đứa con, nếu bé nhận được quá nhiều sự chăm sóc của người mẹ. Vì thế cho nên, một thái độ công bằng, biết quan tâm hỏi han và tỏ ra cần có sự “chăm sóc” ngược lại, sẽ giúp cho cả bố lẫn con sẽ bớt đi phần nào sự ganh tỵ và sẽ có những phản ứng hợp lý hơn trong việc bầy tỏ cảm xúc với cháu bé vừa mới sinh ra.


CvTl LÊ KHANH

Trung tâm  Rồng Việt Vũng Tàu

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý