Những vấn đề về tính khí của trẻ em
12/05/2012
Hãy dạy con gái bạn biết chăm sóc tâm hồn
16/05/2012
Những vấn đề về tính khí của trẻ em
12/05/2012
Hãy dạy con gái bạn biết chăm sóc tâm hồn
16/05/2012

SGTT.VN – Mùa hè chỉ mới bắt đầu nhưng báo chí những ngày qua đã đưa nhiều hung tin về việc trẻ em gặp tai nạn, tử vong trong lúc mưu sinh phụ giúp gia đình. Có những cái chết thương tâm khiến những ai quan tâm đến sự tác động của bối cảnh kinh tế lên đời sống trẻ em nghèo không khỏi rùng mình.

Vài ngày qua, cuộc sống của người dân ấp 2B, xã Xuân Bắc – huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai bị chao đảo trước cái chết bi thảm của năm em nhỏ (nhỏ nhất 7 tuổi, lớn nhất 11 tuổi) là con em của hai hộ nghèo trong ấp. Nguyên nhân: tranh thủ mùa hè rảnh rỗi, các em đi nhặt hạt điều kiếm tiền phụ giúp cha mẹ, không may, một em trong nhóm bị sa chân xuống mương đào, bốn em còn lại lội xuống cứu và chết theo. Cùng thời gian đó, tại Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai cũng xảy ra sự việc hai anh em cháu Bùi Nhật Minh (tám tuổi) và Bùi Minh Anh (năm tuổi) theo người nhà đi bắt ốc, chẳng may bị chết đuối dưới một ao nước.


Mùa hè, khi cánh cổng trường học, nhà trẻ khép lại thì với người dân thành phố, việc quản lý chăm sóc con cái thế nào là chuyện đau đầu. Không ít người có điều kiện sẵn sàng bỏ nhiều tiền mua cho con cái những tấm “vé mùa hè” thông qua những chương trình tour huấn luyện, dã ngoại để giúp con có điều kiện học thêm về những kỹ năng sống kết nối với thiên nhiên. Có người gửi con cái về quê (dĩ nhiên, nếu có quê để về) để nhờ gửi người thân chăm sóc. Người lớn ở đô thị vẫn quay cuồng với cuộc mưu sinh quanh năm. Thời gian để có thể tổ chức một tour du lịch hè gần gũi con cái, hay làm phần thưởng học tập cho con không phải dễ dàng tranh thủ thực hiện được.



Đó là chuyện của những người khá giả, có điều kiện kinh tế ở đô thị. Trong khi nền kinh tế đang ngày càng khó khăn, người nghèo trong xã hội có nguy cơ gia tăng nhanh, thành phần thất nghiệp trong xã hội sẽ ngày càng lớn, thì câu chuyện trẻ em nhà nghèo, vùng nông thôn phải hy sinh mùa hè chơi đùa và tận hưởng không gian tự do để tranh thủ kiếm sống phụ giúp cha mẹ sẽ là chuyện phổ biến. Trẻ em mò cua bắt ốc trên đồng, trẻ em nhặt cá dọc những cảng biển, trẻ em đi nhặt ve chai ở các bãi rác, trẻ em phụ giúp cha mẹ làm nương rẫy, bán vé số dạo, biểu diễn ảo thuật, sơn đông mãi võ xin tiền ở những quán nhậu đêm… sẽ đông hơn vào mùa hè. Dường như,sự sa sút của nền kinh tế đang ảnh hưởng một cách trực tiếp đến không gian mùa hè của các em.


Một trong những điều đáng lo ngại, đó chính là, cũng với áp lực kinh tế, nhiều phụ huynh nghèo phải lao động cật lực suốt mùa hè, cho nên điều kiện chăm sóc, gần gũi lao động cùng con cái cũng hạn chế, đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn thương tâm cho các em. Hội thảo “Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em – thực trạng, thách thức và giải pháp” do ban Tuyên giáo Trung ương, bộ Lao động – thương binh và xã hội phối hợp với quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc tổ chức cuối năm 2011 vừa qua tại Hải Phòng, đã đưa ra thực trạng đáng lo ngại: tỷ suất trẻ em tai nạn, tử vong và thương tích hiện nay khá cao ở những tỉnh nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn. Theo một nghiên cứu về tai nạn thương tích không chủ ý điều tra khảo sát trên 24.776 người dân tại các tỉnh nghèo Việt Nam, cho thấy, nghèo đói có liên quan tới tỷ lệ trẻ em bị tai nạn thương tích. Có ba nguyên nhân chính: trẻ em nghèo không nhận được sự giám sát và chăm sóc đúng mức từ phía người lớn; các em phải sống trong môi trường nhiều rủi ro; trẻ em phải tham gia kiếm sống và là thành phần lao động có nguy cơ bị tai nạn cao, do thiếu kinh nghiệm và không được trang bị kỹ năng phòng tránh.


Trong điều kiện Việt Nam, việc thực thi, bảo hộ quyền trẻ em trong xã hội đã gặp phải rào cản tập quán sinh hoạt của người dân trong việc tận dụng sức lao động trẻ em tham gia vào những công việc cải thiện thu nhập cho gia đình, và rào cản lớn nhất đó chính là sức ép ngày càng gia tăng của tình hình suy thoái kinh tế, tỷ lệ nghèo hoá trong xã hội đang có nhiều điều kiện gia tăng.Một mùa hè bắt đầu bằng những hung tin trẻ em nghèo tử nạn trên đường nhọc nhằn kiếm sống. Những hung tin đó ném vào không khí bức bối của đời sống xã hội thời khủng hoảng những dấu hỏi lớn chưa có lời giải.


Nguyễn Vĩnh Nguyên

( nguồn : báo SGTT tháng 05/2012)


Một thông tin khác từ hội nghị công bố kết quả khảo sát về tai nạn thương tích tại Việt Nam (VNIS) năm 2010 vừa tổ chức vào ngày 4.5.2012 vừa qua, bộ Lao động – thương binh và xã hội cho hay, có đến 8.000 trẻ em tử vong trong năm 2010 nằm trong độ tuổi từ 0 – 18 tuổi. Trung bình, mỗi ngày có 21 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, tỷ suất này gấp đôi tỷ suất trẻ vị thành niên tử vong tại các nước có thu nhập cao, trong đó, xét riêng trẻ về nguyên nhân tử vong do đuối nước, thì số trẻ chết đuối ở Việt Nam cao gấp 7, 8 lần so với các nước có thu nhập cao. Hội nghị trên cũng đưa ra con số: nhóm trẻ em các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, nông thôn thường có nguy cơ tai nạn thương tích và tử vong cao gấp đôi trẻ em có điều kiện gia đình khá giả ở thành thị.



Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý