Trị liệu tâm lý trẻ em
25/04/2011
Trị liệu tâm lý nhóm ở trẻ em và thiếu niên
25/04/2011
Trị liệu tâm lý trẻ em
25/04/2011
Trị liệu tâm lý nhóm ở trẻ em và thiếu niên
25/04/2011

Trong hoạt động trị liệu tâm lý nhóm – Các nhà trị liệu có thể vận dụng các hình thức như : Nhóm hoạt động – Nhóm thẩm vấn hoạt động và nhóm chơi.

 

NHÓM Ở TUỔI ĐẾN TRƯỜNG (PRESCHOOL) VÀ NHÓM GIAI ĐOẠN TIỀM ẨN (LATENCY GROUP)

Một số nhà lâm sàng khuyến cáo trị liệu nhóm như một phương thức trị liệu duy nhất, hoặc ít ra là cơ bản, cho các tình trạng lo âu, rối nhiễu hành vi hoặc rối nhiễu tính khí (character), rối loạn khí sắc (mood), và là phương thức trị liệu phụ đối với các rối loạn khác, trong đó trị liệu cá nhân hoặc các phương pháp khác chiếm vai trò trung tâm. Trị liệu nhóm là cách can thiệp hiệu quả trong việc chuẩn bị một số trẻ trước khi bước vào trị liệu tâm lý cá nhân và có thể hữu ích cho một số trẻ trước khi chấm dứt trị liệu. Các nhóm trị liệu ở lứa tuổi tiềm ẩn theo đúng thể thức bao gồm: nhóm hoạt động (activity group), nhóm thẩm vấn-hoạt động (activity-interview group), và nhóm chơi (play group). Nhóm chơi được áp dụng đặc biệt cho trẻ nhỏ.

 

TRỊ LIỆU NHÓM HOẠT ĐỘNG

Trị liệu nhóm hoạt động làm giảm thiểu các diễn đạt bằng lời nói và tập trung vào việc giao tiếp thông qua hành vi. Một bầu không khí vui vẻ, cởi mở tạo điều kiện cho sự dồn nén, tái trải nghiệm và giải quyết các xung đột bên trong hệ thống nhóm hỗ trợ. Sự diễn giải bằng lời nói không quan trọng bằng các tương tác về hành vi. Cơ sở tham chiếu và định hướng của nhà trị liệu – tâm động học, phân tâm học, thuyết quan hệ xã hội hoặc thuyết học tập – sẽ “nhuốm màu” cho phương pháp và kỹ thuật trị liệu được áp dụng. Nhà trị liệu phải nhạy cảm và cố gắng làm rõ các tư liệu thuộc về cá nhân hoặc nhóm với nhiều mức phức tạp về ý nghĩa. Tư liệu chuyển di nói chung không phải là trọng tâm và sự diễn giải trực tiếp bị hạn chế. Trong nhóm, trẻ sẽ quan hệ với những trẻ khác cùng tuổi và với nhà trị liệu, thể hiện phong cách quan hệ đặc trưng của mình. Các đáp ứng này cũng làm tái diễn lại các kinh nghiệm trong gia đình đã được đứa trẻ “nội tâm hóa”. Nhóm hoạt động sẽ vừa tạo những tình huống qua đó trẻ sẽ được trải nghiệm những tổn thương và đe dọa mà trẻ phải đối diện hằng ngày, và đồng thời cũng mang lại cho trẻ một cảm giác an toàn. Nhà trị liệu bày tỏ sự quan tâm tích cực với từng thành viên của nhóm, tránh những công kích, và mang đến một kinh nghiệm đúng đắn về cảm xúc. Bố trí phòng ốc vật dụng cũng phải an toàn cho thể chất của trẻ, tránh những vật liệu gây nguy hiểm… Các vật liệu để chơi cũng phải phù hợp theo lứa tuổi và giới tính của trẻ. Đồ chơi phải thuận lợi cho các hoạt động có mục đích, giúp phóng chiếu các huyễn tưởng hơn là tạo nên huyễn tưởng, nhằm cố gắng tiếp cận đến các tư liệu vô thức. Các vật liệu cơ bản gồm dụng cụ thủ công, các trò chơi và đất sét. Cuối buổi trị liệu trẻ thường được cho nghỉ ngơi.

Trẻ được tự do tham gia vào các hoạt động mà chúng có thể chọn, và cũng như vậy, khi vào các bữa ăn. Điều then chốt trong hoạt động nhóm là sự thoải mái và sẵn lòng vô điều kiện của nhà trị liệu. Trong mô hình này, có sự cân bằng giữa giao tiếp bằng hành vi với sự diễn đạt bằng lời nói, và giữa chơi tự do với liên tưởng tự do. Kinh nghiệm của hầu hết các nhà lâm sàng cho thấy rằng việc này cần phải là một nguyên tắc mang tính hướng dẫn hơn là một luật lệ mang tính kỹ thuật cứng nhắc. Nhiều đứa trẻ và hầu hết các nhóm trẻ, tùy theo thành phần tạo nên nhóm, có thể được quản lý hiệu quả theo cách này, nhưng khi trẻ có thể tự gây nguy hiểm cho chính mình hoặc người khác, nhà trị liệu cần phải can thiệp. Người ta khuyên rằng nhà trị liệu trong nhóm hoạt động phải lựa chọn thành phần của nhóm, tạo nên một hệ thống và vị trí trị liệu sao cho những cơ hội can thiệp của nhà trị liệu phải được giảm thiểu.

Các vật liệu chơi phải được cung cấp nhằm giúp trẻ hoàn tất một phóng chiếu trong mỗi một buổi trị liệu. Nhà trị liệu thường làm cho các phóng chiếu đã hoàn tất ấy trở thành “vật sở hữu” của đứa trẻ và trẻ có thể “mang nó về nhà”. Một căn phòng sạch sẽ, tươm tất vào lúc bắt đầu mỗi buổi trị liệu cho thấy rằng nó phải được giữ gìn theo cách như thế. Khi nhà trị liệu bắt đầu làm công việc dọn dẹp trước khi kết thúc buổi trị liệu là ông “làm mẫu” cho một tinh thần trách nhiệm. Một số trẻ sẽ tham gia vào công việc. Một số nhà trị liệu áp dụng những kinh nghiệm đặc biệt bên ngoài phòng trị liệu của nhóm, như ăn trưa ngoài trời, chơi dã ngoại, thăm một nhà bảo tàng, hoặc các hoạt động vui chơi khác; một số khác lại xem việc trị liệu hiệu quả hơn khi được giới hạn trong phạm vi một căn phòng đặc biệt.

Các nhóm trị liệu có thể chuyển đổi giữa các giai đoạn cân bằng (equilibrium) và không cân bằng (disequilibrium). Việc trị liệu diễn ra theo chu kỳ từ trạng thái tăng hoạt động và hỗn độn (mất cân bằng) sang trạng thái yên lặng (cân bằng). Sự chuyển đội này xảy ra thông qua việc hiểu biết, tranh luận, thỏa thuận và tự kềm chế lẫn nhau. Đôi khi trong nhóm có thể phát sinh các hành vi thiếu kiểm soát như đe dọa, đánh nhau, “cởi mở” về tính dục, hoặc những điều tương tự.

Việc quản lý hành vi của nhóm là một thế “lưỡng nan” (dilemma) đối với nhà trị liệu, trong khi mong muốn bày tỏ sự tôn trọng và chấp nhận trẻ mà không thể tha thứ cho các hành vi lệch lạc. Sự “thoải mái” của nhà trị liệu làm cho những đứa trẻ tin rằng chúng có thể tự làm mọi việc với nhau, ngay cả khi chống nhau kịch liệt, mà vẫn không có sự can thiệp của nhà trị liệu. Điều bắt buộc đối với việc này là phải hiểu rõ các thành phần của mối quan hệ trị liệu, bao gồm: sự cộng tác, sự chuyển di và quan hệ thực sự. Sự cộng tác trị liệu được hình thành thông qua việc phân tích cái Tôi của nhà trị liệu và sự quan sát cái Tôi của đứa trẻ. Giúp trẻ khám phá được những hành vi lệch lạc của nó đã ảnh hưởng thế nào với chính nó và với người khác, hành vi bắt nguồn từ đâu, và làm thế nào để thích nghi tốt hơn là tất cả trọng tâm của công việc trị liệu.

 

TRỊ LIỆU NHÓM HOẠT ĐỘNG-THẨM VẤN

Trị liệu tâm lý nhóm theo kiểu hoạt động-thẩm vấn là một biến thể của trị liệu nhóm hoạt động. Nhóm hoạt động-thẩm vấn sử dụng kỹ thuật trò chơi trị liệu có tính kinh điển hơn trong bối cảnh một nhóm trẻ cùng tuổi, kèm theo một thời gian được dành cho thảo luận nhóm. Các vật liệu chơi tạo điều kiện cho sự hình thành các huyễn tưởng, và việc khám phá bằng lời nói trở thành một phần của mỗi buổi trị liệu. Kỹ thuật này tương tự như trò chơi trị liệu cá nhân theo định hướng tâm động học có sử dụng những diễn giải về sự chuyển di.

Các thay đổi được thực hiện thông qua bắt chước, làm mẫu, xã hội hóa, trải nghiệm cảm xúc đúng đắn và giải quyết các lệch lạc. Phương pháp nhóm hoạt động-thẩm vấn khám phá các tư liệu chuyển di để tạo nên khả năng nội thị và sự thay đổi, mặc dù trẻ ở lứa tuổi tiềm ẩn có khả năng hạn chế trong việc bước ra ngoài một kinh nghiệm và phương pháp này cũng hữu ích trong việc quan sát cái Tôi. Nhà trị liệu sẽ giúp cá nhân trẻ hiểu được những tư liệu lời nói và hành vi vì nó phản ánh cái cách thức mà trẻ giải quyết những tình thế lưỡng nan của con người như: sự gắn bó và sự tự lập, sức mạnh và tính dễ tổn thương, tính dục và sự kiểm soát các xung năng. Quá trình trị liệu nhóm đồng tuổi sẽ xem xét các vấn đề này, tạo nên sự hỗ trợ và giải quyết vấn đề, “soi rọi” bản chất các mối quan hệ của từng trẻ với các trẻ khác.

Những buổi thẩm vấn trong buổi trị liệu sẽ khuyến khích trẻ tự quan sát và hiểu về bản thân. Các tương tác được những đứa trẻ trải nghiệm trước đó sẽ được diễn đạt thành lời và được đánh giá. Nhà trị liệu bắt đầu cuộc thẩm vấn khi không có vật liệu chơi bên cạnh, thường tại một vị trí đặc hiệu trong căn phòng (vd. mọi người ngồi xung quanh một cái bàn). Các buổi thẩm vấn này cho trẻ biết rằng những tương tác xảy ra trong buổi trị liệu phản ánh những điều quan trọng về cuộc sống nội tâm của trẻ, về nhân cách của trẻ, và việc hiểu biết này có liên quan đến đời sống thường ngày của trẻ bên ngoài nhóm trị liệu. Hành vi trong các buổi trị liệu được quan sát và liên hệ với biểu hiện những triệu chứng, với trách nhiệm đối với các thành viên trong gia đình, trường học và với các bạn cùng tuổi. Sự phấn chấn cho phép trẻ gắn bó với nhóm, tạo nên những cảm giác dễ chấp nhận và thúc đẩy sự tự trọng ở trẻ.

 

TRÒ CHƠI TRỊ LIỆU NHÓM

Trò chơi trị liệu nhóm (play group therapy) nhấn mạnh vào khía cạnh giao tiếp trong khi chơi trong việc hiểu đứa trẻ về mặt nội tâm và quan hệ xã hội. Vật liệu chơi thường dùng làm những “kênh” cơ bản để giao tiếp. Trẻ ở tuổi chưa đi học thường dễ tham gia vào trò chơi trị liệu, và đây cũng là một kỹ thuật hiệu quả cho trẻ lứa tuổi tiềm ẩn.

Chơi là cách thức diễn đạt và giao tiếp đối với mọi lứa tuổi. Ở trẻ đi học, nó là cách giao tiếp phong phú hơn và hiệu quả hơn cách dùng lời nói. Chơi giúp bày tỏ những tình huống gây lo âu, những nỗi sợ hãi và huyễn tưởng bị ẩn giấu, những xung đột được phòng vệ (defensed conflict), cùng những ước mơ và khao khát thầm kín. Tư liệu huyễn tưởng được bộc lộ qua chơi có thể gắn liền với những lo âu được gây ra bởi các xung đột nội tâm gây stress hoặc bởi cuộc sống thực tế bên ngoài. Chơi có tính biểu tượng (symbolic play) thường là cách duy nhất để trẻ nhỏ bày tỏ những quan tâm về cảm xúc chính yếu mà trẻ không thể diễn tả bằng lời. Trẻ có thể phóng chiếu lên những con búp bê, những nhà chơi (playhouse), dĩa đồ chơi, dụng cụ nấu bếp đồ chơi, hoặc có thể biểu hiện những quan tâm trong khi chơi thông qua những tương tác với các thành viên khác của nhóm. Trái với trị liệu nhóm hoạt động, các vật liệu chơi được chuẩn bị sẵn cho sự phóng chiếu các huyễn tưởng và gồm những đồ chơi mang tính tượng trưng như búp bê, con rối, và các dụng cụ để phóng chiếu như bút màu, bút chì, sơn vẽ, giấy, bảng viết, những cảnh sát, xe cứu hỏa, xe lửa, xe tải đồ chơi, đất sét…

Vật liệu chơi của trẻ, cũng giống như liên tưởng tự do bằng lời nói ở người lớn, phải được theo đuổi về nội dung, sự liên tưởng và tính chất “vụn vặt” của chúng. Đứa trẻ chơi để thực hiện hoặc thực tập những vấn đề trong đời sống thực tế mà trẻ cần phải tìm kiếm một giải pháp để giải quyết. Thông qua sự cộng tác với nhà trị liệu, đứa trẻ sẽ quan sát thấy những ý nghĩa mới trong hành vi và trò chơi của mình, và khi trẻ cảm thấy mình được thông hiểu và được chấp nhận thì mối quan hệ cộng tác này trở nên được củng cố. Chơi cũng khuyến khích tính xã hội hóa và thiết lập những mối quan hệ làm mẫu cho những quan hệ khác với những trẻ cùng tuổi bên ngoài những trải nghiệm trong nhóm trị liệu. Một kết cấu hợp lý cho trò chơi trị liệu nhóm sẽ tạo khung cảnh thuận lợi cho tính năng động và cho những trò chơi nhóm, ngăn chận những hành vi quá phấn kích, bồng bột và ngông cuồng.

Trò chơi trị liệu nhóm cần mối quan tâm của nhà trị liệu nhiều hơn trị liệu nhóm hoạt động hoặc trị liệu nhóm hoạt động-thẩm vấn. Nhà trị liệu trong trò chơi nhóm phải đương đầu với một hàng rào thực sự của các tư liệu đòi hỏi phải thực hiện nhanh chóng sự am hiểu và các quyết định can thiệp cả bằng lời nói lẫn bằng hành vi. Trong hoàn cảnh nào – trò chơi huyễn tưởng, trò chơi mang tính tranh đua, sự phản ánh qua lời nói, hoặc trong các trò chơi kết cấu giới hạn – nhà trị liệu sẽ hoạt động hiệu quả? Nhà trị liệu vừa là người tham dự, vừa là người quan sát, nên đòi hỏi phải thường xuyên xem xét và lưu ý đến từng cá nhân đứa trẻ, quan hệ của trẻ với nhau và giữa trẻ với nhà trị liệu, cũng như các quá trình xảy ra bên trong nhóm. Nhà trị liệu có thể là đối tượng để trẻ diễn tả những huyễn tưởng, các xung đột nội tâm hoặc các trạng thái cảm xúc; nhà trị liệu cũng có thể tham gia vào một trò chơi tranh đua, hoặc là đối tượng để trẻ bày tỏ hung tính. Một trẻ đang sợ hãi có thể đến gần nhà trị liệu và giữ sự gần gũi về thể chất trong thời gian lâu. Nếu trẻ cứ lập đi lập lại việc yêu cầu nhà trị liệu tham gia vào hoạt động, đó là dấu hiệu cho thấy trẻ đang lệ thuộc vào nhà trị liệu hoặc bị sợ hãi vì mối quan hệ với các bạn cùng tuổi.

Đáp ứng của nhà trị liệu phải ít gây nhiễu cho bản chất phóng chiếu tự do trong các mối quan hệ của trẻ. Các nhóm chơi thường huy động một số lớn hành vi hung tính và hỗn loạn, và điều này có thể gây nguy hiểm. Đáp ứng của nhà trị liệu đối với những hành vi này thay đổi từ việc nhấn mạnh tính hiệu quả của thành viên này cho các thành viên khác, sang việc đến ngồi gần đứa trẻ có hoạt động ngoài kiểm soát, yêu cầu đứa trẻ kềm chế hành vi ấy, cho đến việc ngăn cản đứa trẻ thực hiện hành vi ấy. Khi đã thành công trong việc đối phó và diễn giải ý nghĩa của các hành vi hung tính, nhà trị liệu phải chuẩn bị cho đứa bé đáp ứng với hàng loạt những mối lo âu ngày càng tăng. Sau cùng, một chút giải lao ngắn và một cuộc thẩm vấn có thể hữu ích trong việc làm giảm sự leo thang của hành vi hung tính, nhưng nhà trị liệu luôn phải sẵn sàng để “can thiệp’ khi cần thiết.

Nhóm chơi cho trẻ chưa đi học hoặc cho trẻ chậm khôn mức độ nặng đều dòi hỏi nhà trị liệu phải dung nạp một số lớn hành vi hung tính, tuy vậy có khả năng thiết lập những giới hạn phù hợp vừa không có tính trừng phạt vừa không gây sợ hãi. Vật liệu chơi luôn phải phù hợp với trẻ. Trẻ nhỏ và trẻ bị rối nhiễu cái Tôi phải cảm thấy an toàn để tự do thể hiện những ước muốn sâu kín nhất của chúng cùng lúc đó phải có cảm giác về sự can ngăn từ nhóm và nhà trị liệu. Nhà trị liệu, diễn đạt bằng lời nói những gì mà đứa trẻ bày tỏ và trải nghiệm, mang đến sự hỗ trợ cho cái Tôi của trẻ, sự bảo đảm và giúp kiểm soát các xung năng của cái Tôi. Sự tham gia đồng thời của một nhà trị liệu khác sẽ tạo thêm khả năng quan sát, giới hạn hoặc hỗ trợ hoạt động của nhóm.

 

NHÓM TRỊ LIỆU CHO THIẾU NIÊN

Một số nhóm trị liệu dành cho thiếu niên có thể tương tự như nhóm trị liệu ở người lớn, phản ánh quan niệm và kỹ thuật của nhà trị liệu. Thiếu niên là một giai đoạn phát triển không đồng nhất. Ở đầu tuổi thiếu niên, trẻ thường dung nạp các yêu cầu lệ thuộc dễ dàng hơn những năm sau đó, và thường vẫn còn chấp nhận sự giúp đỡ của người lớn. Trẻ tìm kiếm những hình ảnh để lý tưởng hóa, và tiếp cận những mối quan hệ khác phái với sự e thẹn và sợ hãi.

Các thiếu niên tuổi trung bình thì trở nên lo sợ những ước muốn lệ thuộc và có khuynh hướng lùi lại trước sự giúp đỡ của người lớn. Sự mất giá trị của người lớn hỗ trợ cho việc tranh đấu giành “quyền tự chủ” (autonomy) và trẻ sẽ có nhiều mối quan hệ xã hội và quan hệ với người khác phái nhiều hơn. Một vẻ bề ngoài coi thường cho thấy sự lý tưởng hóa sâu xa của những thiếu niên này đối với những đặc tính quan trọng của người lớn. Khi thiếu niên trở nên lớn tuổi hơn (thiếu niên “trễ”), các cấu trúc tính nết phản ánh sự tự trọng và tự tin ngày càng tăng, cùng mối quan hệ với bạn khác phái thoải mái hơn. Ước muốn lệ thuộc (dependency longing) được bày tỏ một cách ít giận dữ hơn. Trong khi những thiếu niên 15-16 tuổi có khuynh hướng phản kháng nhà trị liệu với sự giễu cợt, châm biếm, các thiếu niên 17-19 tuổi lại có thể chấp nhận sự giúp đỡ, cho dù không được thoải mái lắm.

 

CÁC THỬ THÁCH ĐỐI VỚI NHÀ TRỊ LIỆU

Tạo quan hệ cộng tác trị liệu với thiếu niên là một quá trình khó khăn. Thiếu niên thường được đưa đến với áp lực của cha mẹ. Trẻ thường không tin vào động cơ của nhà trị liệu, và sợ đối đầu với các bạn cùng tuổi. Sự “ngoại hiện” (externalization) và phóng chiếu (projection) la những cơ chế phòng vệ phổ biến ở thiếu niên, và chính nhà trị liệu sẽ giúp thiếu niên nhận thức được rằng những khó khăn của trẻ là từ “bên trong” (internal) và giúp trẻ chấp nhận trách nhiệm cá nhân của mình.

Nhà trị liệu cần tiến hành một số buổi trị liệu cá nhân để đánh giá sự tương thích của trẻ với nhóm, và làm một số việc để tạo mối quan hệ cộng tác trị liệu. Nhà trị liệu cho các thành viên trong nhóm thấy trách nhiệm cá nhân của mình, khả năng tự cải thiện đời sống chình mình, tự cảm thấy tốt hơn về mình, và hoạt động trong xã hội hiệu quả hơn, có giáo dục hơn. Nhà trị liệu sẽ làm tốt việc này với sự tự tin và khiêm tốn.

Các nhóm trị liệu cho thiếu niên đòi hỏi nhà trị liệu phải năng động và đôi khi phải thường xuyên giải quyết các vấn đề. Liên tưởng tự do có thể được khuyến khích, nhưng thiếu niên có thể cảm thấy bị tổn thương, ngượng ngùng thái quá. Quá trình trị liệu nhóm phát triển khi từng thành viên trong nhóm trở nên cởi mở trước các đáp ứng kịp thời và đầy thấu cảm của nhà trị liệu. Khi quan hệ cộng tác nẩy nở quanh mục đích chung được lập ra để giúp sự thay đổi ở từng thành viên, việc chuyển di mới có thể được thực hiện.

Sự chuyển di, sự tái hiện mối quan hệ trước kia, trong quan hệ hiện tại với phạm vi thích hợp hơn sẽ xảy ra với nhà trị liệu và với các bạn đồng tuổi. Các bạn cùng tuổi sẽ giúp trẻ phân biệt các khái niệm thực tế với các khái niệm “tưởng tượng” (chuyển di) khi trẻ phóng chiếu lên nhà trị liệu. Đối đầu với bạn cùng tuổi là rất hữu ích trong việc đi vào những cơ chế phòng vệ của thiếu niên, và trị liệu có tác dụng “đòn bẩy” đối với những thiếu niên mà trị liệu tâm lý cá nhân ít có hiệu quả.

 

TIẾP CẬN GIA ĐÌNH

Làm việc với phụ huynh và gia đình của trẻ là điều bắt buộc trong mọi hình thức trị liệu tâm lý ở trẻ em. Hình thành quan hệ cộng tác với cha mẹ sẽ giúp tạo nên sự hợp tác trong trị liệu, thành lập các nhóm phụ huynh song song, và sự tiếp xúc thường xuyên với nhà trị liệu nhóm của đứa trẻ. Điều quan trọng là cần xem xét sự tin tưởng, đánh giá khả năng thay đổi của cha mẹ trong việc làm giảm bớt trạng thái tâm bệnh của trẻ, mức độ hy vọng của cha mẹ đối với sự thay đổi, và đặc biệt là khả năng phụ huynh phải thấy vấn đề cảm xúc của trẻ là trách nhiệm và là một phần của đời sống gia đình thay vì xem đó như một vấn đề nội tâm của riêng trẻ. Trị liệu nhiều gia đình có thể hiệu quả và có thể được bắt đầu song song với trị liệu nhóm cho trẻ. Chẳng may, sự cộng tác của gia đình thường bị hạn chế, quan hệ cộng tác kém và thường dẫn đến bỏ trị nửa chừng hoặc thậm chí là đối kháng.

 

KẾT CẤU TRỊ LIỆU

Trị liệu nhóm có thể được thực hiện ngoại trú, nội trú tại cơ sở trị liệu, tại nhà, hoặc tại trường. Thông thường, trị liệu nhóm cho trẻ và thiếu niên được thực hiện trên cơ sở ngoại trú, mỗi tuần một lần. Thiếu niên gặp nhau mỗi tuần hai lần dễ tạo quan hệ trị liệu tốt hơn.

Số thành viên trung bình từ 6 đến 10, có thể cùng hoặc khác nơi sinh sống, cùng hoặc khác giới. Những nhóm đặc biệt nên thiết lập trên cơ sở nội trú, dưới hình thức từ giáo dục đến định hướng nội thị, nhắm vào những đối tượng có vấn đề đặc biệt như trẻ bị hen suyễn, thiếu kỹ năng giao tiếp xã hội hoặc trẻ có rối loạn về ăn uống. Việc trị liệu luôn đòi hỏi các thành viên của nhóm mang các tư liệu từ đời sống vào các buổi trị liệu. Trẻ trị liệu trên cơ sở nội trú, tại nhà, hoặc tại trường sẽ có những những buổi tiếp xúc xã hội thường xuyên và được yêu cầu khám phá những trải nghiệm này trong các buổi trị liệu của nhóm.

BS.NGUYỄN MINH TIẾN ( Dịch thuật)

Nguồn : www.tamlytrilieu.com

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý