Giúp trẻ tập nói
18/04/2011
Trí tuệ cảm xúc EQ
18/04/2011
Giúp trẻ tập nói
18/04/2011
Trí tuệ cảm xúc EQ
18/04/2011

Theo tác giả Muldworf, “người phụ nữ trở thành người mẹ thông qua một quá trình mang tính sinh học, trong khi người đàn ông trở thành người cha thông qua một hệ thống …

VAI TRÒ NGƯỜI CHA TRONG  GIA ĐÌNH

Theo tác giả Muldworf, “người phụ nữ trở thành người mẹ thông qua một quá trình mang tính sinh học, trong khi người đàn ông trở thành người cha thông qua một hệ thống mang tính biểu tượng do xã hội đặt ra”. Điều đó có nghĩa là  một phụ nữ trở thành người mẹ ngay khi vừa mang thai trong khi người đàn ông lại trở thành người cha thông qua một quá trình tâm lý được quyết định bởi các chuẩn mực văn hóa xã hội.

Sự tham gia của người cha trong việc chăm sóc con cái ngay từ những năm đầu tiên sẽ khiến cho đứa trẻ có được nhận thức tốt về người cha của mình sớm hơn. Người cha chính là người sẽ giúp cho đứa trẻ thoát được thế giới riêng biệt của nó, giúp cho trẻ nhận biết được thế giới xung quanh. Đối với trẻ, người cha là một hình ảnh có tính hai chiều: vừa là người đại diện cho quyền lực trong gia đình lại vừa là đối thủ cạnh tranh tình cảm của người mẹ dành cho trẻ. Các quá trình đồng hóa theo hình ảnh của người cha đều diễn ra nơi trẻ trai cũng như trẻ gái. Trẻ trai đồng hóa mình một cách trực tiếp với người cha trong khi đối với trẻ gái, quá trình đồng hóa lại diễn ra một cách gián tiếp, trẻ gái sẽ đồng hóa mình với người mẹ với tư cách là người vợ. Đến khi trẻ được 6 tuổi, nếu quá trình đồng hóa diễn ra tốt đẹp, đứa trẻ sẽ xem cha mình như là một thần tượng “bố tớ khoẻ hơn bố cậu; bố tớ là người đẹp nhất”. Đến giai đoạn phản ứng, đứa trẻ sẽ loại bỏ hình ảnh người cha nếu như ông không làm gì để bảo vệ hình ảnh của mình.

Theo Widlocher, vai trò của người cha sẽ được xác định trong một khung cảnh văn hóa – xã hội nhất định. Vì thế mỗi xã hội sẽ đặt ra cho người cha những vai trò phù hợp với đặc thù văn hóa của mình; trong khi đó, chức năng của người cha được xem như yếu tố quan trọng cho sự phát triển bình thường và chín muồi về mặt tâm lý – tình cảm của trẻ.

Chức năng của người cha là một nền tảng vững chắc cho sự hình thành nhân cách nơi trẻ. Chức năng này không luôn luôn trùng lắp với một hình ảnh đặc thù nào đó và phụ thuộc vào môi trường văn hóa. Khác với chức năng của người mẹ (có những nền tảng sinh học), không có mối quan hệ nào giữa chức năng của người cha với các đặc điểm sinh học.

Muldworf xem chức năng của người mẹ như là một thực thể gồm 3 thành tố: thỏa mãn những nhu cầu cơ bản, làm dịu những căng thẳng, bảo đảm cho sự hiện diện và an toàn. Chắc chắn người cha cũng có thể thay thế vai trò của người mẹ. Tuy nhiên vai trò của người cha không chỉ giới hạn có thế thôi. Đến đây, chúng ta có thể xác định một loạt các yếu tố đặc thù trong chức năng của người cha.

Dựa vào những nghiên cứu của Muldworf, chúng ta có thể phân chức năng của người cha ra làm hai loại: chức năng gián tiếp và chức năng trực tiếp.

Chức năng gián tiếp : Ngoài tình yêu ra người chồng còn phải có một sự hỗ trợ cho vợ mình. Người chồng phải mang lại một sự an toàn chắc chắn cho đời sống lứa đôi. Chức năng của người chồng được thể hiện qua những mối quan hệ giữa hai vợ chồng. Sự cân bằng về mặt tâm lý tình cảm của người vợ có thể được củng cố hoặc bị thương hại bởi mối quan hệ với người chồng. Do đó, tất cả những sự biến đổi trong tình cảm và cảm xúc của người vợ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mối quan hệ mẹ – con. Vì vậy sự cân bằng trong mối quan hệ vợ chồng là điều cần thiết cho sự phát triển tấm lý – tình cảm của trẻ. Hơn nữa, đứa trẻ sẽ thu nhận và nội tâm hóa hình ảnh của người cha mà đứa trẻ tạo lập được không chỉ qua lăng kính của chính bản thân mà còn qua lăng kính của người mẹ nữa.

Vì thế, nếu một phụ nữ coi thường chồng mình và hạ thấp uy tín của chồng trước mặt con cái làm cho trẻ vứt bỏ mà vẫn nội tâm hóa hình ảnh người cha, và sau này đứa trẻ cũng có thể giống như người cha nó hiện tại.

Chức năng trực tiếp : Người cha như một người trung gian trong mối quan hệ mẹ – con, Sự phát triển về mặt sinh học sẽ giúp đứa trẻ dần dần tách biệt ra khỏi người mẹ và tự tạo lập mối quan hệ tay đôi với người mẹ. Người mẹ cần phải chấp nhận sự độc lập của con đối với mình. Người cha cần phải giúp đỡ cho đứa con trong quá trình này, phải có một sự điều tiết về khoảng cách giữa mẹ và con cũng như đóng góp cho sự phát triển tính tự chủ của đứa con. Với chức năng của mình, người cha sẽ ngăn chặn sự xuất hiện những bà mẹ lạm dụng.

Trách nhiệm của người cha với đứa con:

Người cha như một người nắm giữ quyền lực:
Đứa trẻ, xét về mặt tình cảm, cần đến sự thể hiện quyền lực của người cha, nhưng quyền lực này không được thể hiện dưới hình thức độc tài hoặc chuyên chính. Quyền lực mà người cha nắm giữ cũng tùy thuộc và các mối quan hệ giữa cha và mẹ. Nếu mối quan hệ tình cảm giữa cha và mẹ tốt đẹp thì đó sẽ là một sự bảo đảm chắc chắn nhất cho quyền lực của người cha.

Người cha như một người mẫu đồng hóa:
Đồng hóa là một cơ chế tâm lý vô thức mà qua đó, cá nhân sẽ điều chỉnh hành vi của mình sao cho giống với một người khác nào đó. Vì thế, người cha không chỉ đóng vai trò là người nắm giữ quyền lực hay góp phần tạo cái nôi nơi trẻ, mà còn là người đại diện cho phái nam gia đình.

Người cha sẽ hướng dẫn xu hướng giới tính của trẻ.
Đứa trẻ được khẳng định về mặt giới tính, một mặt, thông qua giới tính mang tính sinh học của trẻ, mặc khác còn thông qua vị trí, địa vị của trẻ trong mối quan hệ với bậc cha mẹ khác giới. Vì thế đứa trẻ được khẳng định qua sự đối lập với bậc cha mẹ khác giới và sự đồng hóa với bậc cha mẹ đồng giới.

Đến đây, chúng ta có thể khẳng định rằng chức năng của người cha có tác động rất lớn đến sự hình thành nhân cách nơi trẻ. Nó có tác động đối với sự phát triển tình cảm bằng sự bảo đảm những khả năng tự chủ và độc lập cần thiết cho một đời sống tình cảm thăng bằng (nhờ chức năng là trung gian trong mối quan hệ giữa mẹ – con), và bằng cách mang lại sự tự tin vào bản thân sẽ cho phép trẻ có thể đối mặt được với những thách thức của xã hội sau này (nhờ chức năng đồng hóa). Chức năng của người cha trong việc làm hình thành nhân cách nơi trẻ được thể hiện ở chỗ nó cho phép sự tạo lập cái tôi ổn định thông qua chức năng thực hiện quyền lực.

Vai trò người cha trong việc giáo dục trẻ :

Thông thường, trong quá trình giáo dục trẻ, kể cả trẻ bình thường lẫn  trẻ có vấn đề về tâm lý thì người mẹ thường đóng vai chính, còn người cha chỉ có vị trí của một người hỗ trợ, thậm chí có khi lại là tình trạng tránh né hay đối kháng lại với những biện pháp của người mẹ. Lý do phổ biến là các ông bố thường ít có mặt tại gia đình, ngay cả với những gia đình mà hai vợ chồng đều phải đi làm, thì sự hiện diện và thời gian quan tâm đến trẻ tại gia đình của người cha vẫn là ít hơn, do những quan hệ xã hội cần thiết trong công việc của ông (Các buổi họp kéo dài hay những buổi chiêu đãi ngoài giờ) Có khi đơn giản là những công việc phải mang về nhà để làm thêm, hoặc phải giải quyết dứt điểm… hay nhu cầu đọc báo, xem TV để thư giãn sau một ngày làm việc mệt mỏi.

Nhưng điều đó không có nghĩa là người cha không có một vị trí quan trọng, cần thiết trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ mà ông có vai trò là một đối trọng “ tung – hứng” trong các yêu cầu hay can thiệp vào các hành vi của trẻ. Ông cũng là người giám sát, để nhìn ra những hạn chế, những thiếu sót của người chăm sóc, và đồng thời cũng là người có khả năng thay thế hay tham gia vào một vài “tiết mục” trong chương trình.

Điều này sẽ đòi hỏi ở người cha một sự trao đổi, tương tác chặt chẽ với người mẹ, có sự thống nhất cao trong các quan điểm, kế hoạch đã được đưa ra để có được sự phối hợp cần thiết.

Ở vị trí đối trọng, người cha sẽ khiến cho trẻ thấy rõ hơn những giá trị trong các yêu cầu của người mẹ . Ví dụ: Người mẹ: “ Con phải làm xong bài tập này mới được đi chơi” người cha: “ Đúng rồi, bài tập không khó lắm đâu, con làm xong hai bố con mình đi chơi”. Ở vai trò giám sát, trong lúc người mẹ đang tiến hành các biện pháp giáo dục trẻ, người cha sẽ quan sát để phát hiện ra những sai sót (nếu có) của người mẹ (hay người giáo viên) để rồi sau đó, khi chỉ có hai người, ông sẽ đưa ra không phải là chỉ trích mà là trình bầy và đề nghị người mẹ lưu ý trong các buổi tập sau.  Ông cũng là người nhắc nhở, động viên cho người mẹ bằng lời nói ( lời nói khích lệ, động viên), hay những hành động cụ thể (Việc âu yếm, vuốt ve, hay những món quà nho nhỏ) vì việc chăm sóc trẻ, đặc biệt là trẻ rối nhiễu tâm lý là một công việc nặng nề, mệt mỏi.

Việc tiến hành một chương trình trị liệu và giáo dục tại gia đình phải là tiến trình của một tập thể  bao gồm bố mẹ và các chuyên viên. Thông thường đó là những liên kết tam giác : Bố – Mẹ – con , Bố – chuyên viên – con, hay Mẹ – chuyên viên – con. Và trong việc xây dựng kế hoạch, đó là liên kết giữa Bố – Mẹ – chuyên viên. Tuỳ theo vấn đề và lĩnh vực mà mối liên kết với các chuyên viên có những thay đồi như, với trẻ có khó khăn về vận động, cần có sự tham gia của chuyên viên tâm vận động và vật lý trị liệu. Với trẻ có khó khăn về ngôn ngữ, thì cần có sự hiện diện của chuyên viên chỉnh âm …

Trong điều kiện của nước ta, thì các chuyên ngành như tâm vận động hay chỉnh âm chưa tiến đến mức độ chuyên môn hóa, vì vậy những chuyên viên tâm lý thường sẽ kết hợp với gia đình để tiến hành những hoạt động trị liệu trong cả hai lĩnh vực này. Điều này tuy có những hạn chế vì đây là hai kỹ thuật đòi hỏi một trình độ chuyên môn sâu, do đó các chuyên viên tâm lý thường chỉ có khả năng ở mức độ tổng quát. Hơn nữa, kỹ thuật Tâm vận động lại đòi hỏi một số những yếu tố đặc thù: Phòng trị liệu và một số phương tiện trị liệu chuyên biệt, điều này lại càng khó hơn vì việc trang bị thường phải tuỳ theo nhận thức và sự quan tâm của các lãnh đạo cơ sở.  Vì vậy. giải pháp thích hợp là chính các phụ huynh nên trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết và những kiến thức về chuyên môn – chỉ cần nghiên cứu kỹ các phương pháp, sau đó với sự góp ý của chuyên viên tâm lý để tìm ra phác đồ thích hợp cho con em mình.

Phụ huynh cũng nên có những đầu tư về phòng ốc, hay những dụng cụ tối thiểu trong việc hỗ trợ và thực hiện các biện pháp giáo dục trẻ có nhu cầu đặc biệt, nhưng cũng đừng quá chú trọng đến việc trang bị các phương tiện đắt tiền, vì tưởng rằng giá trị của món đồ lệ thuộc vào giá bán của nó, cũng như cũng nên tỉnh táo trước các biện pháp của một ai đó, vì có thể phương pháp đó có hiệu quả cho con em họ, nhưng lại không có tác dụng với con em mình.

Những hậu quả từ sự suy yếu hay thiếu vắng chức năng của người cha

Sự thiếu vắng của người cha có thể dẫn đến  tình trạng tâm thần phân liệt trong một số trường hợp mà trẻ đã có những tổn thương về tình cảm hay có những rối nhiễu về tâm lý. Trong những trường hợp khác thì một đứa trẻ thiếu vắng sự chăm sóc giáo dục của người cha có thể trở thành những con người hèn nhát và dễ nản chí, luôn có cảm giác không an toàn và hay lo âu. Nhân cách của đứa trẻ sẽ thiếu ổn định và không chắc chắn. Khi trưởng thành, những đứa trẻ này có tính khí thất thường, ý định tự tử cũng khá thường xuyên dù bởi những lý do không đâu.Các mối quan hệ với những người khác trở nên thất thường và không ổn định. Có thể trẻ sẽ có bạn bè nhưng không có bạn thân. Sau này khi lớn lên, trẻ dễ trở thành tội phạm.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người mẹ phải cố gắng duy trì sự hiện diện của người cha trong những trường hợp mà ông đã gây ra những tổn thất về tình cảm nghiêm trọng ( Có vợ bé, tình nhân hay những hành vi xúc phạm danh dự người vợ, rơi vào các tệ nạn xã hội, hoặc có hành vi bạo hành với vợ con…) Lúc đó, giải pháp ly dị sẽ là điều cần thiết, điều này không chỉ là sự hỗ trợ hay giải thoát cho người vợ, mà còn là một biện pháp giúp cho đứa con tránh được những tổn thất nghiêm trọng hơn về mặt tâm lý, đó là mất đi niềm tin và lý tưởng vào cuộc sống, điều này sẽ tệ hại hơn cả tình trạng vắng mặt của người cha mà đứa trẻ phải chịu đựng sau khi bố mẹ ly dị và người mẹ nhận lãnh việc nuôi dạy trẻ.

CV.Tl Lê Khanh

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý