Con tôi đã bị đánh hội đồng như thế nào ?
27/04/2015
Thay đổi nhỏ – Thành công lớn
28/04/2015
Con tôi đã bị đánh hội đồng như thế nào ?
27/04/2015
Thay đổi nhỏ – Thành công lớn
28/04/2015

LTS: Bạo hành trong trường học ngày càng tăng, không chỉ vụ việc xảy ra mà cấp độ tàn nhẫn, độc ác ở lứa tuổi học sinh khiến chúng ta bàng hoàng. Có nhiều cách nhìn khác nhau, TGTT số này chỉ nêu lên một câu hỏi:

Có phải chính là bắt nguồn từ việc đưa quyền lực vào nhà trường khiến học sinh đang ở tuổi thơ ngây trở nên thèm khát quyền lực và sử dụng chúng bằng bản năng bạo hành, trong trạng thái chưa trưởng thành của một con người?

Hiện nay đã từng xây dựng Khu phố văn hóa, Gia đình văn hóa, … vậy tại sao không xây dựng Gia đình không bạo lực, Khu phố không bạo lực thay cho từ “văn hóa” rất chung chung kia…

 

Quyền lực đưa vào trường học để biến các em thành công cụ

Một trong những nguồn gốc gây bạo lực học đường, đó là giáo dục quyền lực quá sớm trong trường. Ví dụ lớp trưởng là gì? Vụ đánh hội đồng ở một trường học Trà Vinh bắt nguồn từ việc “không nghe lời lớp trưởng”. Tất nhiên, dù là có quyền lực ở tuổi ngây thơ nhưng đứa trẻ nào mà chẳng ham hố được làm đại ca, có đàn em, có số má để “trị” đứa không nghe lời. Một lớp học bình thường ở một nền giáo dục bình thường, đúng với hai từ giáo dục là sự công bằng, và không có “quyền lực” nào được phép xâm phạm nhà trường. Trái với quy luật đó, nhà trường hiện nay đã được tổ chức rất vô giáo dục, biến học trò trở thành công cụ. Nếu có lớp trưởng chăng là chọn em đó có khả năng nổi trội để giúp thầy cô ở những việc ổn định trật tự lớp nhờ giọng nói lớn, học giỏi để thuyết phục bạn khác hoặc kèm bạn yếu, … Thậm chí lớp trưởng có thể thay phiên nhau để các em có cơ hội được thử sức. Đưa quyền lực vào trường học, các thầy cô muốn khống chế học sinh bằng cách biến các em lớp trưởng thành công cụ của mình bằng cách giao quyền cho các em. Thậm chí việc đưa Đoàn, Đội vào nhà trường cũng cần được nghiên cứu về hiệu quả phương pháp giáo dục. Đó là cách hàng ngũ hóa các em, biến các em thành công cụ. Trên thế giới, ngay cả hình thức phát thưởng cũng đã bỏ, không cho các em biết điểm của nhau, vô tình khiến các em tổn thương. Đeo huy hiệu Đoàn, Đội có thể khiến các em tự hào, nhưng vô hình trung cũng sẽ khiến những em khác mặc cảm. Tạo ra sự mặc cảm cho các em từ bé, là tạo ra một vết thương trong tâm hồn, khiến sau này các em có thể trở thành những kẻ sẵn sàng dùng hành động bạo lực để che giấu sự yếu đuối, mặc cảm đã hình thành từ vô thức.

 

 

 

Nhà trường không bạo lực

Hiện nay ở Đức đã có trường học đăng ký thương hiệu “Trường học không bạo lực” (Gewaltfreie Schule) đầu tiên trên thế giới với các cam kết đã được các thành viên của hội đồng thành phố Bremerhaven chuẩn y cho các trường học khác trên toàn bang. Ở Việt Nam hiện nay đã từng xây dựng Khu phố văn hóa, Gia đình văn hóa, … vậy tại sao không làm những việc cụ thể hơn đó là xây dựng Gia đình không bạo lực, Khu phố không bạo lực thay cho từ “văn hóa” rất chung chung kia, khiến mọi danh hiệu chỉ là hình thức mà không có hành động cụ thể thì danh hiệu sẽ không bao giờ đi vào đời sống thực sự của cộng đồng và đem lại những tác động có ích lợi gì cho xã hội.

Việc xây dựng những chuẩn mực cho một nhà trường không bạo lực ở Việt Nam hiện nay không có gì là khó. Dựa trên những gì đang diễn ra nhiều năm qua, thầy đánh trò, trò đánh thầy, thầy trò chửi nhau trên Facebook, học sinh đánh nhau, chém nhau, làm nhục nhau rồi quay clip đưa lên Youtube, … chỉ cần nói không với tất cả những việc đó, một ngôi trường không bạo lực sẽ dần được hình thành, làm cho ý nghĩa của giáo dục trở về với bản nguyên của chính nó. Giáo dục là hướng dẫn cách hình thành một con người hướng thiện, nhằm kiến tạo một xã hội hướng thiện và đem lại cho con người một thế giới hướng thiện. Có như vậy mới loại trừ được sự ác xấu và cho những mầm mống của bạo lực bị tuyệt diệt từ trong trừng nước. Ở các gia đình cũng thế, cha mẹ không bạo lực sẽ dẫn đến một môi trường sống trong lành cho chính họ và thế hệ tương lai của họ. Gia đình không bạo lực sẽ dẫn đến xóm làng, khu phố không bạo lực, xã hội không bạo lực.

Sự kết hợp hoàn hảo của gia đình – nhà trường – xã hội nói không với bạo lực sẽ giúp cho một đất nước bấy lâu nay có xu hướng bạo lực phát triển mạnh như chúng ta giảm dần và điều này, có lẽ, không ai là không mơ ước.

       Hồ Trần

 

Nguồn: Báo Tiếp thị Gia đình, số 12 (55),  ngày 19 – 25.03.2015.

 

 


Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý