Trầm cảm hay rối loạn cảm xúc
16/02/2013
Vui chơi để phát triển
27/02/2013
Trầm cảm hay rối loạn cảm xúc
16/02/2013
Vui chơi để phát triển
27/02/2013

Trẻ em thường có sự phát triển và thay đổi nhanh chóng trong thời thơ ấu. Các em phát triển về mặt thể chất, trí tuệ, cảm xúc và giao tiếp. Trẻ em khỏe mạnh phát triển khả năng phản ứng với sự thay đổi và khắc phục các khó khăn trong cuộc sống.

Các em cảm thấy tự tin, hòa thuận với mọi người trong gia đình, với bạn bè và cộng đồng, và yêu thích các hoạt động ở trường cũng như các hoạt động sau giờ học.

Do sự thay đổi nhanh chóng đó nên các em hay gặp phải các vấn đề rắc rối về ứng xử và hành vi, đó là chuyện bình thường. Đa số các vấn đề khó khăn chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và không cần tới các liệu pháp chữa trị. Tuy nhiên, nếu các em gặp vấn đề nghiêm trọng và kéo dài, cha mẹ nên nhờ các chuyên gia tâm lý giúp đỡ.


Các Chứng Rối Loạn Tâm lý thường gặp ở Trẻ em Ở độ tuổi nào?

Nhiều chứng rối loạn tâm lý có thể bắt đầu từ thời thơ ấu. Khoảng 1 phần 10 trẻ em từ 3 – 6 tuổi và thanh thiếu niên từ 8 – 15 tuổi gặp phải những vấn đề về tâm lý. Tuy nhiên, chưa tới 1 phần 5 số trẻ em này được can thiệp. Một phần vì thiếu sự quan tâm của cha mẹ, một phần vì sự chẩn đoán thiếu chính xác, nhiều y bác sĩ chưa có kinh nghiệm hoặc chỉ khám qua loa, nên có sự lẫn lộn giữa các tình trạng rối loạn tâm lý khác nhau.

Một số dạng Rối Loạn Tâm lý ở Trẻ em

Trẻ em có thể bị một hoặc nhiều chứng rối loạn tâm lý cùng một lúc. Một số tình trạng thường gặp bao gồm:

  • Các chứng rối loạn cảm xúc lo âu
  • Các chứng rối loạn hành vi , hiếu động và thiếu tập trung
  • Các chứng rối loạn ăn uống
  • Các chứng rối loạn ứng xử

Các chứng rối loạn lo âu và rối loạn ứng xử thường liên quan tới tình trạng buồn chán quá mức kéo dài hàng tháng hoặc trong nhiều năm do những tác nhân từ gia đình. Những trẻ em này có thể có cảm giác lo âu và sợ hãi mà không có lý do, tâm trạng trầm cảm kéo dài và cảm giác tự ti.

Những trẻ em mắc các chứng rối loạn hành vi hiếu động và thiếu tập trung ( ADHD) có thể có tình trạng kém chú ý hay quá hiếu động, và thường bị xem là những trẻ nghịch ngợm và/hoặc ngang bướng. Các em có thể vi phạm thường xuyên nội qui hoặc phá rối trong lớp học mà không kìm chế được. Đây là những tình trạng rối loạn hành vi bẩm sinh, các yếu tố tác động từ gia đình chỉ làm cho tình trạng này giảm nhẹ hay tăng nặng hơn chứ không phải là nguyên nhân chủ yếu.

Các chứng rối loạn ăn uống thường biểu hiện bằng tình trạng ăn quá ít hoặc ăn quá nhiều, và trẻ có cảm giác rất thất vọng về cân nặng hoặc hình dáng cơ thể. Ơ trẻ em là chứng biếng ăn, không chịu ăn, còn ở trẻ thiếu niên là sự chán ăn do những tác động tâm lý, đặc biệt là ở các em gái, cứ nghĩ là mình quá thừa cân, muốn có thân hình giống như người mẫu, nên ăn uống một cách rất hạn chế, nếu kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng chán ăn, thậm chí là sợ ăn.


Nguyên nhân gây ra các tình trạng này ở trẻ em là gì?

Người ta vẫn chưa hiểu rõ nguyên nhân chính xác gây ra đa số các chứng rối loạn tâm lý. Thông thường, các chứng rối loạn tâm lý phát sinh từ các yếu tố di truyền kết hợp với các yếu tố sinh học và các yếu tố nuôi dưỡng cũng như các yếu tố môi trường khác. Sự ảnh hưởng giữa sinh học và môi trường là rất phức tạp. Bộ não ảnh hưởng tới hành vi, và kinh nghiệm ảnh hưởng tới sự phát triển của bộ não.

Trước đây, người ta thường cho rằng việc bỏ bê, thiếu chăm sóc hay quá nuông chiều là những nguyên nhân, nhưng thực ra đó chỉ là những tác nhân làm gia tăng những yếu tố gây ra tình trạng rối loạn đã tiềm ẩn trong đứa trẻ ngay từ khi mới sinh ra.

Khi nào cha mẹ cần nhờ can thiệp?

Việc trẻ em có hành vi hư và cảm thấy lo âu hoặc buồn chán là chuyện bình thường. Em bé hai,ba tuổi nói “KHÔNG.” Thường chỉ là muốn khẳng định hay xác định sự nhận biết về bản thân, về cái Tôi. Thanh thiếu niên đôi khi muốn giành quyền tự quyết vì cho là mình đã lớn, từ đó đưa đến những thái độ và hành vi quá khích, hoặc trở nên trầm cảm, hoặc lại quá hiếu động. Do đó, điều quan trọng là cần phải phân biệt được giữa các thay đổi về hành vi thông thường với các dấu hiệu biểu hiện các vấn đề nghiêm trọng hơn. Các vấn đề trở nên đáng lưu ý hơn khi những vấn đề đó có tính chất bộc lộ khó kiểm soát, kéo dài và gây ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày của đứa trẻ. Lúc đó, cha mẹ nên đưa trẻ đến các phòng khám tâm lý để được xác định về mức độ rối loạn của con em mình. Việc chẩn đoán tâm lý thường kéo dài ít nhất là 30 phút căn cứ vào việc quan sát các hành vi, thái độ của trẻ, kết hợp với việc vận dụng một số Test tâm lý ( cho trẻ vẽ, chơi …) và những thông tin về tiền sử ( trước khi sinh, trong khi và sau khi sinh, quá trình phát triển vận động, việc cho con bú …)


Làm Thế Nào để được can thiệp?

Trước hết, nếu có điều kiện hãy hỏi ý kiến bác sĩ và yêu cầu khám kiểm tra sức khỏe toàn diện cho con em mình. Cho bác sĩ biết về những hành vi của trẻ khiến cha mẹ cảm thấy lo ngại. Hãy hỏi bác sĩ để biết có cần đưa con đi khám chuyên khoa tâm lý hay không. Các chuyên gia tâm lý gồm có bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý, nhân viên xã hội, chuyên gia trị liệu về hôn nhân và gia đình, và các chuyên gia trị liệu về hành vi.

Cha mẹ cũng nên liên lạc với trường của con mình. Bởi vì đa số thời gian trong ngày của trẻ là ở trường. Các giáo viên của trường cũng có thể có những đánh giá hay phát hiện cần thiết. Ngoài ra cha mẹ có thể gọi đến tổng đài 1088 hỏi thăm về các chuyên gia tư vấn tâm lý trẻ em hoặc tìm kiếm các thông tin trên mạng Internet.


Có Các Biện Pháp Điều Trị nào?

Các chứng rối loạn tâm lý có thể chữa khỏi được bằng các liệu pháp tâm lý trị liệu và dược lý. Nhưng với tình trạng rối loạn hiếu động kém chú ý thì chỉ làm giảm thiểu đến mức thấp nhất, và cải thiện được sau một chương trình can thiệp kéo dài ít nhất là 6 tháng tới 12 tháng. Có nhiều biện pháp điều trị khác nhau cho các chứng rối loạn tâm lý. Chủ yếu là các biện pháp điều trị về tâm lý – gia đình (tâm lý trị liệu cá nhân và trị liệu gia đình) và dược lý (thuốc men).

Sự kết hợp cả hai biện pháp điều trị này, gọi là liệu pháp đa phương tiện, đôi khi có thể đạt hiệu quả tốt. Nhưng điều quan trọng là các biện pháp điều trị thường cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với tình trạng và năng lực của đứa trẻ cũng như gia đình các em dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia và sự tham gia tích cực từ gia đình.

Cv Tl LÊ KHANH

Trung tâm RỒNG VIỆT

Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý