Các liệu pháp tâm lý trị liệu cá nhân
25/04/2011
Các mô hình trị liệu tâm lý Nhóm
25/04/2011
Các liệu pháp tâm lý trị liệu cá nhân
25/04/2011
Các mô hình trị liệu tâm lý Nhóm
25/04/2011

Trị liệu tâm lý là việc áp dụng một hay nhiều liệu pháp tâm lý khác nhau với mục đích giúp trẻ lấy lại tình trạng ổn định, giải toả được những ức chế, rối loạn tâm lý. Hoạt động này được tiến hành dưới hai hình thức là Trị liệu Tâm lý Cá Nhân và Trị liệu Tâm lý Nhóm.

 

LỊCH SỬ

Việc thực hành trị liệu tâm lý cho trẻ em bắt nguồn từ nhiều lý thuyết khác nhau. Cho đến đầu thập niên 1970, các lý thuyết phân tâm học (psychoanalysis) và tâm động học (psychodynamic) vẫn là nền tảng cho việc trị liệu tâm lý trẻ em ở các bệnh viện và phòng khám. Liệu pháp Roger lấy đứa trẻ làm trọng tâm (child-centered therapy) được áp dụng chủ yếu bởi các nhà tâm lý học đường (school psychologist). Việc tham vấn và trị liệu tâm lý cho trẻ em chịu ảnh hưởng bởi các trường phái phân tâm học, với sự tham gia của “bộ ba” gồm bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý và nhân viên xã hội, nhấn mạnh vào trò chơi trị liệu (play therapy), làm việc với phụ huynh và tham vấn giáo dục trong thời gian lâu dài, và các liệu pháp dành cho người lớn thường được cải biên rất ít khi áp dụng cho trẻ em.

Hiện nay, nhiều lý thuyết và kỹ thuật trị liệu sẵn có cho phép điều trị được một số lượng lớn các trường hợp tâm bệnh ở trẻ em. Do ảnh hưởng của tâm thần học cộng đồng (community psychiatry) nên có sự nhấn mạnh vào việc chăm sóc đứa trẻ bị rối nhiễu trên cơ sở ngoại trú, thời gian trị liệu ngắn hơn, cùng những biện pháp can thiệp định hướng theo vấn đề (problem-oriented intervention), quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố gây stress từ môi trường sống, quan hệ gia đình và các xung đột hữu thức (conscous conflict), nhấn mạnh hơn đến mối quan hệ giữa đứa trẻ và nhà trị liệu.

 

KHÁC BIỆT GIỮA TRỊ LIỆU TÂM LÝ Ở TRẺ EM VÀ NGƯỜI LỚN

Có những nguyên tắc chung cho trị liệu tâm lý ở trẻ em và người lớn, nhưng biện pháp cần được cải biên cho phù hợp với việc áp dụng ở trẻ em.

Trước tiên, đứa trẻ hiếm khi trực tiếp đòi hỏi việc trị liệu, mà thường là do cha mẹ đưa trẻ đến nhà trị liệu. Việc trị liệu vừa phải giải quyết những yêu cầu của phụ huynh, vừa phải thiết lập mối quan hệ trị liệu với đứa trẻ.

Kế đến, phụ huynh của trẻ cũng phải tham gia vào quá trình trị liệu. Phụ huynh phải bảo đảm việc thay đổi môi trường sống của đứa trẻ để tạo điều kiện tốt cho sự thay đổi hành vi nơi đứa trẻ. Dù rằng trẻ được xem là “người bệnh” nhưng nhà trị liệu phải xem cả đứa trẻ và phụ huynh của trẻ như những đối tượng cần được trị liệu.

Sau cùng, nhà trị liệu tâm lý cho trẻ em cần phải năng động hơn. Nhà trị liệu cần gắn bó trực tiếp hơn với đứa trẻ, cần bắt đầu bằng những chủ đề “bên ngoài” mối quan hệ giữa đứa trẻ và nhà trị liệu, cả hai cùng nói chuyện và chọn lựa trò chơi, và trong vài trường hợp, có thể hạn chế những hành vi không thích đáng.

 

NHỮNG MỤC ĐÍCH CỦA TRỊ LIỆU TÂM LÝ Ở TRẺ EM

Mục đích của trị liệu tâm lý phụ thuộc vào mô hình trị liệu, nhà trị liệu, bản thân đứa trẻ và gia đình của trẻ. Một mục đích cơ bản của hầu hết mô hình trị liệu là nhằm làm giảm sự đau khổ của trẻ và tạo điều kiện cho sự hồi phục; nói chung là làm giảm các triệu chứng của rối nhiễu tâm lý ở trẻ. Những mục đích khác gồm: tạo điều kiện cho trẻ phát triển một cách bình thường, giúp trẻ học được những kỹ năng thích nghi và đương đầu với các vấn đề cảm xúc và các vấn đề trong giao tiếp với người khác, củng cố những thành quả trị liệu và duy trì chúng sau khi trị liệu.

Những mục đích lâu dài và những mục tiêu ngắn hạn phải được cụ thể hóa trong từng trường hợp, xem xét phạm vi và mức độ nghiêm trọng của từng vấn đề, cùng khả năng của đứa trẻ, gia đình, cộng đồng và của nhà trị liệu. Để đạt đến sự thay đổi hành vi tối ưu cần kết hợp nhiều phương pháp trị liệu khác nhau. Nhà trị liệu càng có nhiều kỹ năng, kinh nghiệm và linh động trong làm việc với trẻ, thì kết quả trị liệu càng cao.

CHƠI

Chơi là một thành phần không thể thiếu trong hầu hết các liệu pháp tâm lý ở trẻ em. Chơi giúp tạo nên một môi trường tự nhiên mà qua đó những suy nghĩ, cảm giác, những mối mâu thuẫn và nỗi sợ hãi bị dồn nén của đứa trẻ có thể được giải bày.

Nhà trị liệu có thể dùng môi trường vui chơi của trẻ để áp dụng các chủ đề của việc trị liệu, biết được những tình huống gây ra sự rối nhiễu của đứa trẻ, hiểu được cách thức suy nghĩ, cảm giác và ứng xử của đứa trẻ trong những tình huống đó.

Chơi cũng giúp bản thân đứa trẻ hiểu được những suy nghĩ, cảm giác và hành vi ứng xử của chính mình trong từng tình huống nhất định. Qua chơi, trẻ cũng sẽ phát triển được các kỹ năng ứng xử trong những tình huống đó.

 

CÁC PHƯƠNG TIỆN CẦN THIẾT

Trị liệu tâm lý cho người lớn đơn giản chỉ cần một văn phòng làm việc với bàn, ghế, chiếc ghế dài (sofa), cùng sự bảo đảm bí mật cho thân chủ. Trong trị liệu tâm lý cho trẻ em đòi hỏi phương tiện trang bị nhiều hơn.

Một phòng trò chơi trị liệu điển hình phải có đủ những đồ chơi, trò chơi, con rối, cùng các vật liệu để trẻ có thể thao tác bằng tay như đất sét, bột nặn, bút chì, giấy vẽ, bút màu, và đặc biệt là những “ngôi nhà búp bê” (doll house). Cũng cần có những hộp đựng cát, vật dụng để chơi với nước như thau, chậu, bình, lọ… và màu vẽ mà trẻ có thể dùng các ngón tay nhúng vào để vẽ tự do.

Nhà trị liệu áp dụng phương pháp không hướng dẫn (nondirective approach), hạn chế hoặc tránh việc “diễn giải” trò chơi cho đứa trẻ và thường đưa ra rất nhiều loại đồ chơi khác nhau. Điều cần nhớ là chơi quan trọng hơn công việc trị liệu; hay nói cách khác: Chơi là phương pháp trị liệu cho trẻ em.

Một số trường hợp trị liệu theo kiểu phân tâm học cũng bố trí phòng chơi sao cho đứa trẻ có thể giải bày những huyễn tưởng (fantasy). Một số đồ chơi khác có thể thêm vào như những búp bê có hình những giống dân khác nhau, vai trò khác nhau (cảnh sát, bác sĩ, người lính…), những con thú, con rối…

Phòng chơi cần tạo cho trẻ có cảm giác riêng tư, an toàn, và trẻ được tự do sáng tạo trong việc sử dụng những vật liệu chơi để giao tiếp với nhà trị liệu.

 

QUAN HỆ VỚI NHÀ TRỊ LIỆU

Hiện tượng chuyển di (transference) và vai trò của nó trong trị liệu tâm lý trẻ em khác biệt rất nhiều so với người lớn. Đây là một khái niệm trong phân tâm học và liệu pháp tâm động học (dynamic psychotherapy), hiện vẫn được xem xét đến trong tất cả các liệu pháp tâm lý cho trẻ em.

Theo lý thuyết học tập (learning theory), cách thức đáp ứng và kỳ vọng của một đứa trẻ có thể được đoán biết từ những lời nói và hành vi ứng xử của trẻ đối với cha mẹ của trẻ. Các phản ứng chuyển di ở trẻ em không mạnh như ở người lớn do sự hiện diện thường xuyên của cha mẹ trẻ.

 

NHỮNG ĐÒI HỎI Ở NHÀ TRỊ LIỆU

Nhà trị liệu cần phải năng động để xử lý vô số yếu tố và giả thuyết trong khi tiến hành các buổi trị liệu. Trong trị liệu tâm lý trẻ em, nhà trị liệu cần phải hết sức nhẫn nại, chịu đựng, vì trẻ em thường xuyên không ở yên một chỗ, mà hay di chuyển và hoạt động. Không cần thiết giữ “khoảng cách” giữa nhà trị liệu và trẻ. Trẻ cũng thường biểu hiện những hành vi bất chợt và không tự chủ để giải tỏa những nỗi lo âu và sợ hãi không nói thành lời. Những tình huống như vậy đòi hỏi nhà trị liệu phải hết sức trầm tĩnh và tỉnh táo. Ngoài ra, nhà trị liệu tâm lý cũng phải thường xuyên duy trì mối giao tiếp với phụ huynh, trường học của trẻ và các cơ quan chăm sóc trẻ em khác để cùng phối hợp trị liệu.

 

CÁC MỨC ĐỘ PHÁT TRIỂN

Trẻ em có tiềm năng phát triển theo những chiều hướng khác nhau, với những khả năng và nhu cầu tùy theo giai đoạn phát triển của lứa tuổi. Mức độ phát triển của đứa trẻ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc xác định những nhu cầu của việc trị liệu. Trẻ em thường có khuynh hướng phóng chiếu ra bên ngoài những xung đột nội tâm và thường tìm kiếm những giải pháp đơn giản để giải quyết các vấn đề của bản thân. Trẻ thường bị hạn chế khả năng “tự quan sát” chính mình. Vì thế, kỹ thuật trị liệu cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp với giai đoạn phát triển về nhận thức, cảm xúc, tâm lý-xã hội của từng đứa trẻ.

 

MỤC ĐÍCH TRỊ LIỆU

Trị liệu tâm lý cá nhân ở trẻ em chủ yếu nhằm “tập luyện” (habilitation) hơn là để “phục hồi” (rehabilitation). Việc trị liệu nhằm tạo điều kiện giúp trẻ phát triển bình thường, đặc biệt là phát triển tính tò mò về bản thân mình và thế giới xung quanh; giúp trẻ phát triển những hành vi thích nghi, và tạo môi trường tốt cho sự trưởng thành của trẻ.

BS. NGUYỄN MINH TIẾN ( Dịchthuật)

Nguồn: www.tamlytrilieu.com

Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý