Giúp con phát triển trí tuệ cảm xúc
23/04/2011
Các vấn đề tâm lý gia đình – Theo quan điểm trị liệu hệ thống
23/04/2011
Giúp con phát triển trí tuệ cảm xúc
23/04/2011
Các vấn đề tâm lý gia đình – Theo quan điểm trị liệu hệ thống
23/04/2011

Khi có một đứa con gặp phải tình trạng Chậm Nói, Chậm Khôn, Hiếu động kém chú ý, hay có nguy cơ Tự Kỷ, bạn cần phải tìm kiếm những thông tin và phương pháp phù hợp nhất cho trẻ …

 

 

CHƯƠNG TRÌNH CAN THIỆP SỚM

HƯỚNG DẪN PHỤ HUYNH – CHĂM SÓC CON EM TẠI GIA ĐÌNH

Từ khi con của bạn bộc lộ những hạn chế trong giao tiếp, ứng xử, hành vi và nhất là ngôn ngữ, điều lo âu nhất có lẽ không phải là vấn đề của cháu như thế nào, mà bạn có thể làm được gì cho con mình !

Bạn sẽ tìm kiếm qua bạn bè, qua sách vở và tìm đến các bệnh viện, các trung tâm nhưng tại các cơ sở này, dù được chẩn đoán kỹ lưỡng hay sơ sài thì Điều làm bạn hoang mang hơn cả cũng lại là những hướng dẫn trong việc chăm sóc con, vì hoặc là quá chung chung hoặc lại có những ý kiến mâu thuẫn nhau về tình trạng của trẻ. đôi khi bố mẹ còn phải nghe những lời buộc tội: Cháu nó ra như thế là tại vì bố mẹ ít quan tâm. Nhưng quan tâm như thế nào là ít, thế nào là nhiều thì cũng không có gì rõ ràng cả.

Khác với những tình trạng bệnh lý khác, khi mà chỉ cần phát hiện sớm, điều trị tích cực thì chỉ trong một thời gian ngắn, tình trạng bệnh tật sẽ có sự biến chuyển tốt và hầu như tất cả những điều đó đều dựa vào ba yếu tố :

–          Tình trạng bệnh không quá nặng

–          Trình độ chuyên môn của người điều trị tốt

–          Phương tiện điều trị tân tiến và thích hợp.

Thế nhưng, với những khó khăn trong giao tiếp ứng xử và tình trạng chậm nói, có nguy cơ tự kỷ mà con bạn đang mắc phải, thì điều đó lại không còn đúng nữa. Hiện nay, do nhận thức và điều kiện sống tốt, nhiều người mà trong số đó có bạn, đã phát hiện khá sớm, đôi khi rất sớm tình trạng khó khăn của con mình ngay từ khi cháu chỉ mới một, hai tuổi và vấn đề của cháu đôi khi chỉ là một tình trạng kém giao tiếp và không nói, hay chỉ nói khi thích!

Bạn cũng đã đưa cháu đến những bệnh viện lớn, những trung tâm điều trị quy mô để gặp những nhà chuyên môn có trình độ về y khoa rất tốt và có khi con bạn cũng đã được xét nghiệm bằng những phương tiện và phương pháp tân tiến.

Thế nhưng, điều mà bạn thường nhận được là gì, đó chỉ là một sự phát hiện tình trạng, đôi khi khá hơn là đánh giá được mức độ nặng nhẹ của tình trạng mà con bạn đang mắc phải với nhiều nguyên nhân khác nhau được đưa ra như những giả định !

Điều mà bạn cần đó là các nhà chuyên môn sẽ chữa như thế nào cho cháu và bạn sẽ phải làm gì để giúp cháu lẽ ra phải được nói kỹ và đầy đủ  nhất, thì đây lại thường là những điều ít được đề cập đến nhất trong suốt quá trình chẩn đoán !

Tại sao ? Có phải tại các nhà chuyên môn đó có tay nghề kém hay thiếu sự nhiệt tình ? Đôi khi đó là sự thật, nhưng phần lớn đó là sự định hướng không đúng trong việc xây dựng các biện pháp điều trị mà nếu được gọi một cách chính xác hơn, là các biện pháp can thiệp.

Khi mà các nhà chuyên môn và chính các phụ huynh còn bám vào suy nghĩ : Nhà Chuyên môn có trách nhiệm chính trong việc này, nhà chuyên môn sẽ áp dụng biện pháp này, biện pháp khác để chữa cho trẻ tại phòng khám, còn phụ huynh chỉ có một trách nhiệm là đưa trẻ đến. Nhưng chữa trong bao lâu, chữa như thế nào thì phụ huynh không hề được biết. Thì với tư duy như thế, việc giúp trẻ có những tiến bộ là điều cực kỳ khó !

Dù muốn dù không, chúng ta phải chấp nhận một thực tế là để loại bỏ hoàn toàn tình trạng của con bạn là vô phương, nhưng để làm cho tình trạng của trẻ khá hơn, có những biến chuyển tích cực để đi đến mức độ gần như bình thường, tùy theo khả năng phát triển của từng cháu là điều có thể. Vấn đề chính ở đây, không phải là các nhà chuyên môn với nghiệp vụ cao, máy móc tối tân có thể làm được mà chính là ở bạn – Chính bạn sẽ làm cho tình trạng của con mình tốt hơn – đó là mấu chốt của vấn đề , mà rất nhiều người kể các các nhà chuyên môn cũng không nhìn ra, hay chỉ đưa ra như một yếu tố phụ mang tính hỗ trợ cho các biện pháp điều trị tại các cơ sở, bệnh viện , trung tâm hay các trường giáo dục chuyên biệt.

Đó là điều mà chúng tôi muốn nêu ra ở đây :

Chính bạn, với những hiểu biết và kỹ năng mà bạn học hỏi được sẽ giúp con bạn có khả năng tái thiết lại các mối quan hệ ứng xử đã bị đánh mất trong thời gian qua, có thể có những nhận thức và hiểu biết để cải thiện tình trạng rối nhiễu của mình và giúp cho bạn không còn nhiều lo lắng trong cuộc sống.

Trước khi bắt tay vào việc học hỏi và thực hành các kỹ năng cần thiết để giúp cho con em mình, chúng ta cần phải thông qua một số những nhận định tổng quát như sau:

Cần có thời gian:

Cần phải có một thời gian để vượt qua từng giai đoạn theo một trình tự rõ ràng để giúp trẻ đạt được sự phát triển và khả năng độc lập, đó là con đường mà mọi người đều phải trải qua !

Những tình trạng khó khăn của con bạn là cá biệt, nhưng điểm chung duy nhất cho các cháu trong chương trình can thiệp là những bài tập và những tác động cụ thể dựa trên chính những năng lực của đứa trẻ.

Phải tin vào khả năng của trẻ:

Điều đó có nghĩa là bạn có thể và cần phải đòi hỏi ở con những cố gắng hơn, không phải bằng bất cứ cách nào, nhưng cần tránh sự làm thay cho trẻ trong những mức độ mà bạn biết và tin rằng trẻ có thể làm được. Tất nhiên là nó không thể dễ dàng và nhanh chóng, nhưng đó là điều kiện quan trọng cho sự tiến bộ của con bạn.

Bạn cần biết 3 yêu cầu trong nguyên tắc này là :

–          Không nói thay đứa trẻ : Khi trẻ không chịu nói, ta có thể tìm hiểu mong muốn của trẻ, nhưng không nói ra điều đó nếu trẻ không nói một từ nào mà chỉ ra dấu. Nhưng nếu trẻ nói được một từ ( Ví dụ: trẻ nói: Nước…. Thì ta sẽ nói tiếp : Cho con uống nước ? nếu trẻ tỏ ra hiểu và chấp nhận thì hãy khuyến khích trẻ lập lại theo ta trong một khoản thời gian nhất định. Nếu trẻ tỏ ra không hiểu thì ta sẽ nói cách khác cho đến khi trẻ chấp nhận)

–          Để cho trẻ tự di chuyển : Không tìm cách nâng đỡ mà cần khuyến khích trẻ thêm

–          Để tự trẻ ăn cơm, ngay cả khi chưa cầm muỗng tốt, có thể làm rơi vãi cơm ra bàn.

Phải biết sự giúp đỡ của bạn có thể làm mất thêm thời gian cho khả năng phát triển của trẻ:

Làm hộ những gì trẻ có thể làm được là vô tình làm trễ bước tiến triển của nó, đình trệ khả năng phát triển vận động, từ đó đưa tới sự chậm trễ về ngôn ngữ , sự năng động vì trẻ không cần phải cố gắng và làm trẻ không tự tin vào bản thân .

Cái gì mà trẻ thực hiện một cách chậm chạp và khó khăn ngày hôm nay, nó có thể thực hiện một cách rõ ràng hơn vào ngày mai. Như thế, dù phải đánh đổi bằng những khổ sở cho trẻ trong ngày hôm nay, nhưng sẽ tốt hơn là sự phát triển chậm chạp của trẻ, làm khổ cả trẻ và cả bạn trong một thời gian dài !

Luôn luôn chờ đợi trẻ bày tỏ ý muốn của nó :

Một đứa trẻ chỉ cố gắng bầy tỏ ý muốn khi nó có nhu cầu. Nếu bạn cứ để cho trẻ bầy tỏ ý muốn, trẻ sẽ có những phản ứng với môi trường xung quanh, như đòi cái này, đòi cái kia và bạn cần phải khuyến khích hay tập cho trẻ cách bầy tỏ phù hợp.

Chờ đợi không có nghĩa là không làm gì cả, mà trái lại là phải biết kích thích trẻ biết và muốn bầy tỏ cũng như giúp nó tìm cách diễn đạt nhu cầu của nó. ( Ví dụ: Trẻ muốn uống nước, trước đây chỉ biết đưa tay chỉ vào bàn nước, thì nay ta sẽ giúp trẻ chỉ tay vào cái hình một trẻ đang uống nước ) Chúng ta đừng vội vàng đáp ứng ngay nhu cầu của trẻ, dù chúng ta hiểu chỉ với những cử chỉ đơn giản. Vì nếu không trẻ sẽ không chịu phát triển thêm cách diễn tả nữa.

Một động tác mới là một ngôn ngữ mới, cách thể hiện mới:

Trẻ càng biết nhiều, trẻ càng dễ phát triển – phương pháp đơn giản nhưng cơ bản của vấn đề giáo dục cá nhân là dạy nó mọi điều  trong các hoạt động tại gia đình, một cách thường xuyên, ngày này qua ngày khác. Liên tục nhưng không phức tạp, đơn giản và luôn nhắc lại .

Trẻ có thể không nhớ, không đáp ứng thậm chí có thể phản ứng, chống đối lại trong thời gian đầu. Nhưng với sự kiên trì thì nhiều khi chính những trẻ chống đối nhiều nhất lại là những trẻ tiến bộ tốt nhất.

Phải cho trẻ biết sự giới hạn bằng những biện pháp kỷ luật rõ ràng:

Nhiều bố mẹ, vì nghĩ rằng con mình là trẻ đáng thương, cần phải được chăm sóc, chiều chuộng ngay cả những yêu cầu phi lý của trẻ nên đã đi từ nhượng bộ này đến nhượng bộ khác và không đưa ra nổi một giới hạn về thời gian hay không gian nào. Điều đó sẽ ngày càng làm cho cuộc sống của bố mẹ và chính trẻ sa lầy ! Trẻ chậm nói hay có nguy cơ tự kỷ  cũng chỉ là một đứa trẻ bình thường về phương diện hoạt động vì vậy không nên chấp nhận ở các em những hành vi mà chúng ta không chấp nhận đối với trẻ bình thường. Muốn như thế, ta phải giúp trẻ biết đến 3 khái niệm : được toàn quyền, được chấp nhận và không được phép !

Chúng ta hãy cho phép trẻ có một khu vực hay không gian được TỰ DO HOẠT ĐỘNG trong gia đình ( to hay nhỏ là tuỳ thuộc vào diện tích căn nhà, có thể là một phòng riêng nhưng cũng có thể chỉ là một góc phòng khách hay phòng ngủ ) Chúng ta hãy cho trẻ biết chỉ được phép chơi đùa MỘT CÁCH CÓ GIỚI HẠN trong những phòng của gia đình như phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ … Chúng ta CẤM TRẺ KHÔNG ĐƯỢC PHÉP chơi đùa trong nhà bếp, hay trong phòng tắm (ngoại trừ lúc chúng ta tắm rửa cho trẻ ) . Qua đó trẻ sẽ phân biệt được về không gian tại gia đình, đó là hiểu biết cơ bản mà bất cứ trẻ em nào cũng phải nhận thức được.

Đến đây, hy vọng là bạn đã biết được những điều cơ bản để có thể liên hệ với chúng tôi để xây dựng cho đứa con thân yêu của bạn một chương trình CAN THIỆP SỚM TẠI GIA ĐÌNH – được gọi là CHƯƠNG TRÌNH CAN THIỆP – GIÁO DỤC – CÁ NHÂN ( CGC)

CGTL Lê Khanh .

Tel: 0913.946.086


Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý