Sau ba tháng can thiệp – từ một cô bé nhút nhát, tự ti, không biết mặt chữ, với rất nhiều cơn bùng nổ khi bố mẹ không đáp ứng các nhu cầu và đặc biệt là sợ đi học, qua các hoat động can thiệp dành cho trẻ Chậm phát Triển kết hợp với âm nhạc, hội họa, vũ điệu… Trẻ đã có những tiến bộ vượt bậc , trở thành niềm vui cho cả gia đình và cho các thầy cô trường Giáo dục Đặc Biệt Năng Khiếu Sài Gòn.
Sáng nay, được tiếp đón phụ huynh của bé, trong chuỗi lịch tiếp các phụ huynh để trao đổi tình hình can thiệp, đánh giá các mặt được và chưa được, cũng như đưa ra các mục tiêu gần – xa trong 3 tháng kế tiếp. Với vai trò phụ trách chuyên môn, được tiếp chị với niềm vui đong đầy về những gì mà giáo viên trường GDĐB Năng Khiếu Sài Gòn đã làm được cho bé – Chị nói về những thay đổi của trẻ, chị kể trước đây sau 1 thời gian đi học trường quốc tế, thì bé dứt khoát không chịu đến trường, cô giáo đưa xe đến tận nhà đón, năn nỉ hết lời mà cũng không đi. Trong một vài lần bố bắt buộc đưa lên xe thì bùng nổ một cách khủng khiếp, đạp tung cửa xe …. Thậm chí ngay cả khi lúc đầu đến với trường mới, bé chỉ cần nghe nói đến từ học, là lật đật chui xuống gầm bàn trốn. Thế nhưng, gió đã xoay chiều, cô bé không những chỉ thích đi học, còn biết tự chuẩn bị quần áo ( học múa) , sách vở và nói về các thầy các cô của trường với sự quan tâm đặc biệt – biết kể cho mẹ nghe chuyện thầy dạy nhạc đi chơi Đà Lạt – Cô phụ trách bé bị mất xe, phải đến trường bằng xe buýt. Thậm chí còn về nhắc mẹ là ngay mai mẹ đi họp phụ huynh cho con.
Mẹ kể lại trong sự hồ hởi về những điều bé đạt được, biết chơi đùa với em, không còn đánh em, biết những điều đã làm, điều sẽ làm … Biết giúp bà ngoại trong việc nhà … và đã đem về cho gia đình một bầu không khí vui vẻ thay cho sự lo lắng,mệt mỏi trước đây của bố mẹ.
Bé cũng đã nhớ được các mặt chữ qua việc học kết hợp với múa, dùng cơ thể tạo ra những mẫu tự và ghi nhớ một cách tích cực. Điều quan trọng là bé đã có được một điều, mà đó chính là mục tiêu của nhà trường : tạo cho trẻ sự hứng thú học tập qua các hoạt động vui chơi và nghệ thuật – Tạo có trẻ sự tự tin trong các sinh hoạt như đi chơi công viên, đi mua sắm trong shop bách hóa và biết đùa giỡn với bạn trong việc đi bơi hàng tuần ….
Hình minh họa là 1 tác phẩm bé tự sáng tác bằng việc vẽ bằng bàn tay và ngón tay . Cô giáo chỉ giúp bé gắn thêm 2 con mắt cho chú cá – Việc cho bé tự do thể hiện bằng màu sắc, chính là một cách tác động tốt nhất qua hình vẽ để trẻ đạt được niềm vui sáng tạo và giải tỏa các ức chế, không cần phải lên gân với từ ngữ như hội họa trị liệu hay âm nhạc trị liệu – mà chỉ là những giờ vui đùa với màu sắc và cây đàn, để bây giờ trẻ không chi biết đánh đàn một vài bài, mà còn về nhà hứng thú dạy lại cho em … Điều đạt được chính là sự tự tin, mạnh dạn, không còn những câu cửa miệng : Con không biết, con không nhớ trước kia….
Trường còn nhỏ, học sinh còn ít nhưng chỉ trong một thời gian từ 8 tháng hoạt động, đã đạt được những kết quả tốt nhất cho 3/5 trẻ Chậm Phát triển ( trong lứa tuổi từ 8 – 15 tuổi ) và với các bạn VIP can thiệp sớm ( 3 -5 tuổi) cũng có những tiến bộ nhất định . Trong tháng 9, trường sẽ chuyển qua một không gian mới, với diện tích gấp đôi hiện nay… với thiết kế các phòng nghệ thuật múa, vẽ, nhạc và phòng chơi ( hoạt động vận động ) Phòng can thiệp vận động – ngôn ngữ … Hy vọng sẽ giúp trẻ ngày càng tốt hơn theo mục tiêu đã đề ra theo phương hướng Can thiệp cá nhân và hỗ trợ bằng nghệ thuật. Để đạt được niềm vui như hôm nay xin cám ơn nỗ lực của các thầy cô của trường, đã có những gắn bó để cùng đồng hành với phụ huynh và ban giám hiệu trong thời gian qua để đem đến kết quả bước đầu cho hôm nay. Chúng ta sẽ tiếp tục nhé , niềm vui đang chờ trước mặt !
Truyền thuyết kể rằng : Khi xưa, có 1 người dân nghèo tìm đến Trạng Quỳnh, than thở mong ông giúp cho chút tiền. Trạng nói, tiền thì không có, nhưng sẽ giúp cho cách kiếm tiền – Ông đi ra một cái cù lao nhỏ trên sông, dựng một cái rạp , cờ quạt treo lên, chuông trống ing ỏi ! Ông bầy cho người nghèo mượn 1 cái xuồng , khi Người dân hai bên sông thắc mắc không biết chuyện gì xẩy ra trên cù lao, thì họ thuê chèo thuyền ra xem – cứ hết người này ra, xem xong quay về, lại đến người khác ra … Tay nhà nghèo kia tha hồ hốt bạc tiền chở thuê. Còn những kẻ sau khi ra xem, quay về … người khác hỏi : Thế bác xem thấy cái gì trong đó. Khách đã xem chỉ lắc đầu : Muốn biết cứ ra đó mà xem — Thế là người kia lại thuê lái đò chở ra xem.. đến khi vào bên trong cái rạp, không có cái gì – chỉ có tấm biển to ghi dòng chữ : Ai xem xong mà về kể lại, thì cả dòng họ nhà nó chết hết !
Tưởng chỉ là truyền thuyết kể cho vui – nhưng cái điều đó lại đang xẩy ra hàng ngày trên …xứ Đông Lào !Nhiều người cả tin vào quảng cáo, bị mất tiền oan, mất công sức đi tới đi lui … nhưng lại không muốn cảnh báo người khác, không phải chỉ vì cái câu nguyền rủa kia, mà là do cái suy nghĩ , tao lỡ dại mất tiền , thì mày cũng sẽ mất tiền như tao thôi, cho bõ ghét !
Trong việc đi tìm cách chữa “bệnh Tự Kỷ” cho con cũng thế ! Vì nghe lời quảng cáo của một loại thuốc (thực ra chỉ là 1 thứ thực phẩm chức năng được gán cho cái mác thần kỳ, do các BS vì tiền hoa hồng mà nhắm mắt cho toa ) … mua về uống, chẳng có hiệu quả gì, nhưng thay vì đứng lên tố cáo cái trò lừa bịp đó, thì lại âm thầm quăng cái thứ “thần dược” kia vào thùng rác , có khi tìm người ..bán lại. Hay tệ hơn, lại kêu lên rằng con mình cũng có chút ..tiến bộ ( nhờ được can thiệp giáo dục tích cực ) để cho các PH khác nghe lời quảng cáo mua theo, rồi mình lấy làm an ủi trong lòng, là cũng có người bị lừa như mình !
Lại có những trung tâm vô lương tâm, quảng cáo rùm beng về việc trị liệu ngôn ngữ, can thiệp tự kỷ các kiểu. PH tin tưởng hoặc không biết thực hư, cho con em theo học , 6 tháng , 1 năm không có tiến bộ gì, thì cũng lẳng lặng cho con nghỉ. Không dám hay không muốn báo động cho các PH khác, đừng có vô tâm như mình mà mất tiền, mất thời gian vô ích ! Rồi các thần y , các liệu pháp châm cứu, bấm huyệt cũng quảng cáo ầm ỹ , cũng chẳng ai quan tâm phản bác, theo chủ nghĩa mackeno, ai có thân nấy lo, nó không đụng đến mình, thì mình dây chuyện vào nó làm gì !
Cũng có những người thiếu kiến thức, thiếu thông tin đưa lên FB những câu hỏi không đầy đủ, khá chủ quan về tình trạng con mình , vậy là cả nhà cũng xúm vào tư vấn mà không nghĩ rằng những góp ý chưa đủ cơ sở khoa học của mình, chủ yếu dựa vào những kinh nghiệm đơn lẻ, thậm chí chỉ là những “ mong muốn”chưa làm được hay điều mình tưởng là như thế Lại có thể làm cho người hỏi thay vì tìm được câu trả lời có giá trị, thì lại cảm thấy hoang mang hơn với những câu khuyên nhủ kiểu “ đẽo cầy giữa đường” ! Không những không giúp ích gì cho người đang rối bời vì con, mà còn làm cho họ có những ứng xử sai lầm, có khi rất tai hại cho sự phát triển của con sau này.
Có một tâm trạng hoang mang, có 1 đứa con “ dị biệt” ai cũng mong muốn có được sự quan tâm với tinh thần trách nhiệm cao của những nhà chuyên môn, của những người hiểu biết, hay có có kinh nghiệm chỉ đường – Nhưng có khi chính mình lại vô tình hay ..cố ý thiếu trách nhiệm với cộng đồng, thờ ơ về việc đưa ra ánh sáng những điều sai trái, phản khoa học hay lừa đảo , để rồi tạo ra một sự “ vô tâm tập thể” khiến cho những vấn đề của chính mình càng ngày càng …lạc lối !
CVTL Lê Khanh
Nhiều phụ huynh khi biết con mình có tình trạng Tự kỷ thì dường như bị một cú sét ngang tai vì họ không biết đâu là cách giải quyết .
Với thì giờ hạn hẹp và với những “kiến thức – kỹ năng” hạn chế, họ không biết phải làm gì và điều duy nhất là phải tìm ra một phương pháp nào đó, hay đưa con đến một cơ sở can thiệp có uy tín (Thường được quảng cáo đầy trên FB ). Đó sẽ là lời giải đáp cho vấn đề của họ, vì thế họ không tiếc công, tiếc của để tìm kiếm những phương pháp can thiệp từ ít tiền đến cực kỳ tốn kém, thậm chí có thể cho con ra “điều trị” ở nước ngoài vì họ tin rằng với trình độ khoa học và giá trị “ đắt xắt ra miếng” thì con họ sẽ được “ chữa trị” một cách hiệu quả nhất trong thời gian ngắn nhất có thể ! Hay sẽ tìm đến một trung tâm ” có uy tín” và ” hoành tráng” , để gửi con ” học” từ sáng đến chiều mới yên tâm.
Họ không nghĩ rằng, điều mà đứa trẻ cần nhất chính là sự phát triển khả năng giao tiếp chứ không phải chỉ là việc biết nói để sau đó là cho đi học hòa nhập …. Mà điều khởi đầu cho hành trình hòa nhập lại là sự giao tiếp với bố mẹ, để từ đó, qua mối quan hệ này, giống như một chiếc cầu nối trẻ với thế giới bên ngoài, đứa trẻ dần dần mới có thể “ mở cửa” phá bỏ tình trạng “bế quan, tỏa cảng” về mặt tâm lý của mình để từng bước hòa nhập với tâm thế của một VIP !.
Nói cách khác, mục tiêu của các hoạt động can thiệp tại gia đình không phải là cố gắng vận dụng phương pháp này, kỹ thuật kia….hay đơn giản hơn là nhờ một GV về dạy ! Mà là các biện pháp giúp cho sự phát triển năng lực trong các hoạt động hàng ngày và xây dựng được mối tương tác với bố mẹ như một người bạn, một thành viên của gia đình hay một đứa con đúng nghĩa chứ không phải là sự chăm sóc cưng chiều như một ông Hoàng trong vương quốc Gia đình.
Đây chính là “ mấu chốt” của vấn đề, vì có thể nói rằng, hầu hết những kế hoạch can thiệp cho con tại gia đình bị phá sản là bởi vì :
– Nó không nghe lời tôi, mà chỉ biết đòi hỏi, nhõng nhẽo, nếu không được là lăn đùng ra.
– Nó không tập trung nổi đến 5 phút, trong khi đến lớp can thiệp tôi thấy nó có thể ngôi yên với giáo viên mấy chục phút.
– Nó thấy tôi đến để bắt đầu tập cho là nó chạy mất rồi.
– Tôi không có thời gian và cũng chẳng có tâm trí đâu mà ngồi chơi với nó từ ngày này sang ngày khác !
Tại sao vậy ? Bởi vì khi cha mẹ can thiệp cho con, vẫn luôn giữ nguyên cái vị trí làm cha mẹ của mình, một vị trí luôn luôn áp đặt những mong đợi của mình lên đứa con nhưng lại sẵn sàng chiều chuộng các đòi hỏi của trẻ bất kể giờ giấc. Trong khi, bí quyết để can thiệp cho con, đó là hãy cùng chơi với con, hòa mình với con như một người bạn, với sự tôn trọng và kiên quyết trong những giờ giấc rõ ràng, cụ thể..một cách kiên nhẫn, thường xuyên.
Nếu bố mẹ hiểu rằng, chúng ta tiếp cận trẻ để CHƠI cho trẻ phát triển, chứ không phải để DẠY cho trẻ biết nói hay hiểu biết, thì bố mẹ hãy sửa soạn một tâm thế như sau : “Bạn hãy chơi cùng tôi, chúng ta hãy vui và hãy tôn trọng nhau, chấp nhận các luật chơi và nếu không, thì tôi không đánh, không phạt bạn, cũng chẳng mang bánh kẹo, đồ chơi ra dụ khị, mà tôi chỉ nghỉ chơi với bạn thôi!” Đó chính là nguyên tắc “ hòa mình nhưng không hùa theo” Chúng ta sẽ hòa theo các sở thích, các hoạt động, các biểu hiện tích cực của trẻ. Nhưng không hùa theo các hành vi tiêu cực như nhảy nhót linh tinh, lăn đùng ra sàn hay cắn hay đánh người khác của trẻ.
Điều quan trọng ở đây là chúng ta không ngăn cấm, trừng phạt, hay nhắc nhở để trẻ ngưng không làm các hành vi đó, vì các biện pháp đó chỉ là sự “đổ dầu vào lửa” , hoặc cắt đứt chính cái mối tương tác đang hình thành một cách mong mang với bố mẹ.
Bởi vì nếu bố mẹ là một “ người bạn” thì sẽ không có quyền cấm đoán, trách phạt bạn mình, hạy dụ dỗ mà chỉ có thể lờ nó đi, chuyển hướng quan tâm của trẻ qua một hành động tích cực khác hoặc nghỉ chơi, bỏ đi chỗ khác ! ( trẻ nào cũng sợ bị nghỉ chơi ) . Chỉ khi nào chúng ta là “thực sự là bạn với đứa trẻ gọi là con” và được đứa trẻ chấp nhận, thậm chí là “ say mê” dĩ nhiên là chỉ trong giờ can thiệp, hay giờ chơi với trẻ, thì chừng đó mới nên nghĩ đến chuyện can thiệp bằng cách này hay cách khác, để giúp trẻ có những tiến bộ về ngôn ngữ và giao tiếp.
Ngoài các hoạt động “can thiệp” hay đúng hơn là “ thiết lập các mối quan hệ thông qua trò chơi – đồ chơi” trong một số giờ nhất định trong ngày, thì hoạt động khác là giúp cho trẻ phát triển các năng lực cá nhân : Sự vận động khéo léo, khả năng tập trung, khả năng làm việc theo trình tự trước sau … khả năng phân tích tổng hợp, ghi nhớ …thông qua các hoạt động bình thường trong nhà. Đó là một lĩnh vực mà không có chương trình can thiệp nào ở bất kỳ một trung tâm nào có thể thực hiện được. Dù hiện nay, cũng có một số trung tâm đã nhận ra vai trò quan trọng của “ việc nhà trị liệu” để đưa vào kế hoạch can thiệp hàng ngày tại trung tâm mình những hoạt động tương tự tại gia đình. Ta có thể gọi đó là mô hình “ Trung tâm trong gia đình và gia đình trong trung tâm” nhưng đó không phải là một quan niệm “ dễ nuốt” hay một kỹ thuật dễ thực hiện! Vì việc thực hiện một cơ sở giáo dục đặc biệt giống như trường mẫu giáo bình thường, có thêm giờ “ can thiệp cá nhân” là điều dễ thực hiện và dễ được phụ huynh chấp nhận hơn.
Tuy nhiên, khi một giáo viên ĐB đã xây dựng được sự yêu quý của trẻ và trở thành một “bà mẹ” của một “đàn con” ngoài những ưu điểm như tạo sự gắn bó, sự vâng lời và khơi gợi được những cảm xúc tích cực của trẻ, điều này sẽ giúp trẻ có sự đáp ứng và tiến bộ. Nhưng nó vẫn không thể và không nên thay thế sự gắn bó và giao tiếp giữa chính người mẹ “thật” của trẻ tại gia đình của em. Bởi vì, có thể khi trẻ đã gắn bó với giáo viên, vâng lời giáo viên như một người mẹ thực sự, thì lúc đó “người mẹ sinh lý” của trẻ bị cho ra rìa và cái bi kịch : Sao nó chỉ nghe lời cô mà không chịu nghe lời tôi lại xuất hiện! Thậm chí nếu phải nghỉ học là có khi trẻ lại bị stress! Hay lại “ thoái lùi nhận thức” ! Vì nhớ “bà mẹ tâm lý” ở trường ! và có khi lúc đó mới thực là “ trăm sự tại cô” !
Vì thế, những hoạt động tương tác thông qua các sinh hoạt, các công việc trong gia đình dành cho trẻ tự kỷ vẫn nên diễn ra trong khuôn khổ một mái ấm gia đình, mà ngoài thời gian “can thiệp” bằng các kỹ thuật khác nhau, thì đứa trẻ sẽ dần dần “phục hồi” được vai trò một thành viên trong gia đình, qua những công việc các em đóng góp được, chứ không phải chỉ là một “ khách sạn” hay một nhà trọ, mà các em chỉ là một người khách ngơ ngác, chỉ biết ăn, ngủ và lăng xăng rồi cả bố mẹ lẫn con chỉ ngóng đến giờ đi học để con thì được chơi với cô và bố mẹ thì “trút gánh nặng” ! mà không hề nghĩ rằng – Bố mẹ đang rời xa con chứ không phải là đang xây dựng sự gắn bó cần thiết cho con phát triển !
CVTL Lê Khanh. – KidsTime Bình Thạnh
Một trong những biện pháp đem lại sự bình an và hạnh phúc cho mỗi người là có cái nhìn tích cực, biết chấp nhận thực tế và thay đổi cách ứng xử để phù hợp với những điều kiện trong cuộc sống của chúng ta. Điều này có thể áp dụng vào hầu hết các vấn đề mà mỗi người chúng ta đang đương đầu.
Khi đối diện với những thách thức mà một đứa con gây ra cho bố mẹ . Các bậc phụ huynh thường đi tìm kiếm những nguyên nhân bên ngoài như Phim ảnh bạo lực, game online, bạn bè xấu … và cho rằng đứa con mà họ nghĩ rằng “ rất ngoan” rất dễ thương của mình, đã bị tác động của xã hội mà trở nên ngỗ nghịch và thách thức mọi người bằng những thói hư tật xấu… ít ai nghĩ rằng những thói hư tật xấu ấy có nguồn gốc từ chính ..bố mẹ ! Chính sự dung dưỡng, nuông chiều đã từng bước biến đổi đứa trẻ trở thành điều không thể chấp nhận.
Ngay cả với những trẻ đặc biệt, mà nguyên nhân sự rối loạn của chúng đến nay vẫn là một ẩn số. Chính vì thế mà nhiều người vẫn cho rằng, tình trạng tự kỷ của trẻ là do môi trường bên ngoài tác động vào trẻ sau khi sinh, và vì thế họ tin rằng với thời gian , bằng những biện pháp nào đó, có thể chữa lành. Niềm tin ấy cùng với tình thương con khiến họ đã dồn mọi nỗ lực vào để cố gắng biến đổi những điều mà họ cho rằng bất thường ở trẻ, trở thành những điều bình thường dưới mắt mọi người. Điều này có khi là sự vô vọng, và đem lại cho phụ huynh một sự sụp đổ.
Thái độ tất cả vì con là một đức tính tuyệt vời của các ông bố, bà mẹ… nhưng điều đó ngoài việc cung cấp cho họ một nghị lực phi thường để đeo đuổi, vận dụng mọi biện pháp trị liệu cho con, kể cả những biện pháp phi lý ,mơ hồ nhất. Không những thế, vì việc không chấp nhận được tình trạng của con, đã khiến cho họ suy kiệt cả niềm vui trong cuộc sống, nhìn đâu cũng thấy một sự bi quan và khao khát một sự thay đổi nhanh chóng .
Trong tác phẩm : NHỮNG TRÒ CHƠI CAN THIỆP SỚM của tác giả Barbara Sher , một chuyên viên trị liệu vận động đầy kinh nghiệm, đã đưa ra một quan điểm hết sức thú vị , bà cho rằng chính sự nỗ lực dập tắt những hành vi “ kỳ cục” của trẻ, nỗ lực chữa trị một trẻ tự kỷ trở nên bình thường, đặc biệt là ở các trẻ tự kỷ chức năng cao là một điều không đem lại cuộc sống tốt đẹp cho trẻ như bố mẹ thường mong, Bà nghĩ rằng trẻ tự kỷ không phải là những bệnh nhân, mà là một thành phần tiến bộ hơn của con người ! Bởi vì có rất nhiều thiên tài về một lĩnh vực nào đó được tìm thấy trong nhóm người tự kỷ .
Bà viết : “ Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu trong một tương lai không quá xa, mọi người sẽ coi việc mắc hội chứng tự kỷ thật là “dễ chịu” hay đó chỉ là cách cảm nhận thế giới khác biệt mà thôi. Những thuật ngữ như Rối loạn cảm giác sẽ được thay thế bằng Có cảm giác khác biệt, và tất cả chúng ta sẽ học cách nhạy cảm hơn với nhu cầu của mình và cách ổn định bản thân chúng ta.”
Zosia Zaks, một người tự kỷ trưởng thành và tác giả của cuốn Tình yêu và Cuộc sống: Chiến lược tích cực cho những người tự kỷ trưởng thành, đã bàn thêm về tương lai này, viết rõ trên trang web của cô (www.autismability.com):
Hầu hết người tự kỷ đều không muốn được “chữa khỏi”. Chúng tôi không muốn tự kỷ bị xóa bỏ khỏi con người chúng tôi một cách thần kỳ, hoặc bằng một vài phương pháp nào đó. Bạn có thể đã từng muốn xóa sạch mọi hành vi bất thường của chúng tôi. Nhưng đây mới là điều quan trọng bạn cần hiểu. Rất nhiều người tự kỷ, với các kỹ năng đa dạng, với những tài năng khác biệt, cũng như những khó khăn, vấn đề và mối quan tâm khác nhau, đang đưa ra những hiểu biết mới về tự kỷ, đang làm việc cần mẫn để tích cực ủng hộ cho các lợi ích của sự đa dạng về thần kinh. Nên mục tiêu cố gắng biến đổi người tự kỷ thành người “bình thường” hay “điển hình” hay “trông giống như bạn đồng lứa” là không ổn, bởi vì tự kỷ là sinh học-thần kinh. Do đó, người tự kỷ được “tạo nên” bởi những nét tự kỷ. Thay vì cố gắng thay đổi, các bạn hãy cố gắng làm việc với chúng tôi bằng cái nhìn của chúng tôi, Nhờ thế chúng tôi có thể học được kỹ năng mới, học được cách giao tiếp, và tận hưởng cuộc sống của chúng tôi.
Quan điểm này có vẻ như rất khó hiểu và chắc cũng khó có bậc cha mẹ nào chấp nhận, con tôi là trẻ tự kỷ, nó đang bị kỳ thị, phân biệt đối xử ở khắp nơi, kể cả trong gia đình mà nay lại bảo rằng không cần thay đổi ? trong khi ở các lĩnh vực khác, nhất là trong giáo dục trẻ bình thường, nó được xem là một quan điểm tiến bộ và hiệu quả !
Chúng ta hiểu rằng, không phải là sẽ chấp nhận mọi sự chậm trễ về ngôn ngữ, mọi rối loạn về hành vi của trẻ, bởi chính tác giả Barbara cũng đã đưa ra những biện pháp tác động qua chơi hết sức thú vị để cải thiện các vấn đề này nơi trẻ tự kỷ. Nhưng điều quan trọng mà các bậc cha mẹ và các nhà trị liệu, các giáo viên và cả những người tiếp xúc với trẻ tự kỷ cần biết – Ngoài những kém cỏi, thiếu hụt về ngôn ngữ và nhận thức, thì bên trong con người của trẻ luôn ẩn chứa một năng lực, mà có thể chúng ta chưa khám phá ra hoặc không xem đó là một năng lực, bởi vì chúng ta chưa hiểu, chưa biết dùng năng lực khác biệt ấy vào việc gì !
Điều mà chúng ta cần phải nhìn nhận, thái độ và nhận thức của trẻ không phải là một sự rối loạn mà chỉ là một sự khác biệt – Điều này cũng tương tự như sự khác biệt về chủng tộc, về niềm tin tôn giáo, về giới tính ( đồng tính, lưỡng tính … ) Chúng ta chấp nhận chúng để chính chúng ta không phải “ tuyệt vọng – muốn chết đi cho xong” mà là tôn trọng và nỗ lực tìm cách phát triển những năng lực tiềm ẩn của trẻ thay vì nỗ dập tắt những hành vi bất thường vì điều đó là vô ích.
Ở đây, ta thấy có một điểm tương đồng trong quan điểm giáo dục – khi đứng trước một đứa trẻ hư – Thay vì trừng phạt mà hãy nhìn nhận và nâng đỡ , đó là quan điểm giáo dục tích cực đã biến đổi rất nhiều trẻ cá biệt, hư hỏng, chống đối trở nên những con người hữu ích, hay ít ra không đem lại cho chúng một mặc cảm bị loại trừ . Với trẻ đặc biệt cũng thế, nhìn nhận, nâng đỡ và tôn trọng chính là quan điểm khi áp dụng các biện pháp giáo dục tích cực mà mọi người từ gia đình đến xã hội đều cần phải có khi đứng trước một đứa trẻ. Chỉ khi nào có được điều này thì chừng đó, chúng ta mới có thể gọi đó là một nền giáo dục hòa nhập đúng nghĩa.
Một quốc gia không chỉ là một chủng tộc, một xã hội không chỉ là một giai cấp, một con người không chỉ là một giới tính, thế tại sao mọi đứa trẻ đều phải là một đứa trẻ bình thường giống nhau trong một nền giáo dục gọi là “ hòa nhập” để phải chịu sự “hòa tan” về nhân cách ?
Hiện nay trong lĩnh vực giáo dục – can thiệp trẻ đặc biệt, tuy còn nhiều hạn chế và khác biệt để chẩn đoán xác định tình trạng và nhất là để đánh giá mức độ nặng nhẹ của các chứng rối loạn phát triển, nhưng đa phần chúng ta đều đồng tình là phải áp dụng các biện pháp can thiệp qua giáo dục chứ không phải qua việc điều trị bằng thuốc hay các kỹ thuật y khoa. Thế nhưng, để chọn ra một phương pháp tốt nhất cho việc can thiệp trẻ thì chúng ta dường như đang đứng trước thách thức, đó là ta sẽ can thiệp dưới hình thức nào ? Điều trị – hướng dẫn hay tác động ?
Phải chăng khi đưa ra câu hỏi này là thừa? Bởi vì câu trả lời đã rõ ràng! Ta sẽ can thiệp cá nhân ( 1 cô 1 trò ) can thiệp bằng phương pháp mà ta biết hay được học ( ABA /VB – TEACH – Floot time – RDI .v.v.v ) tại các trường chuyên biệt, các trung tâm hay lớp học tư gia. Bởi vì chỉ có can thiệp sớm như thế, trẻ mới có thể “ tiến bộ” thậm chí là thoát khỏi tình trạng tự kỷ . Điều này có đúng không? câu trả lời vẫn là “may thầy – phước chủ” Có những trẻ tiến bộ về một số mặt nào đó, chủ yếu là “nói được”và biết vâng lời. Nhưng cũng không thiếu trẻ “không nhúc nhích” ! Lúc đó người dạy lại cho rằng tại trẻ hay tại bố mẹ không “hợp tác” ! Nhưng như thế nào là sự hợp tác của phụ huynh? lại là một thách thức, khi mà phụ huynh đã nói rõ: “Chúng tôi không có chuyên môn và thời gian, thôi thì trăm sự nhờ các thầy, cô !”
Khi tiến hành việc can thiệp, tùy vào quan điểm và năng lực của nhà trường và giáo viên, mà những người có trách nhiệm sẽ chọn một hay vài kỹ thuật làm chủ đạo vì chắc chắn không thể chọn tất cả. Nhưng dù chọn bất cứ phương pháp nào, thì chúng ta cũng phải biết là không có một kỹ thuật nào hoàn hảo và kỹ thuật nào cũng phải dựa trên chính đứa trẻ. Nếu chúng ta có được một cái nhìn tổng quan thì sẽ thấy trong hầu hết các phương pháp can thiêp chính thống đều có những điểm chung, đó là :
MỤC TIÊU : Phải phù hợp với khả năng của từng trẻ, không thể đòi hỏi trẻ phải nỗ lực đáp ứng một yêu cầu cao hơn khả năng hiện có của trẻ.
PHƯƠNG PHÁP: Làm mẫu và nhắc nhở. Nhưng điều quan trọng là không phải làm mẫu như một dạy trẻ với sự áp đặt mà phải giống như một người bạn của trẻ.
KHÍCH LỆ : luôn cổ vũ sự cố gắng dù rất ít, rất kém của trẻ chứ không phê phán chê trách việc trẻ chưa đạt được kết quả
TIỆM TIẾN : Luôn nhắc nhở, lập lại những gì trẻ đã có thể làm được mà chưa hoàn thiện, chứ không đi theo một đường thẳng, những gì đã dạy thì không lập lại nữa.
NƯƠNG THEO TRẺ : Đây là yếu tố quan trọng nhất, chúng ta phải đi theo sự dẫn dắt của trẻ chứ không tìm mọi cách buộc trẻ phải đi theo sự chỉ dẫn của người dạy.
Như thế các hoạt động DẠY trẻ sẽ khó có thể đáp ứng một cách đầy đủ và tích cực các nguyên tắc trên, bởi vì khi dạy trẻ thì các GV ít nhiều gì cũng phải đáp ứng một mục tiêu chung, đó là làm sao cho trẻ nói được trong thời gian sớm nhất theo kỳ vọng của bố mẹ. Còn về kỹ thuật dạy thì GV thường làm mẫu trong tư thể buộc trẻ phải làm theo, không ít GV trong khi dạy trẻ lại rất tiết kiệm lời khen (hay khen một cách chiếu lệ, vô cảm) bởi vì bé hầu như không thể tiến bộ theo mong đợi. GV thường dạy trẻ theo phương pháp từ thấp đến cao, ít khi muốn quay lại điều đã tập cho trẻ, chỉ muốn dẫn dắt và tìm mọi cách để trẻ phải đi theo mình.
Trong khi đó thì hoạt động CHƠI với trẻ lại có thể đáp ứng tất cả các yêu cầu trên. Hãy thử quan sát một đứa trẻ, hay vài đứa trẻ đang chơi, chúng ta thấy gì ? Trẻ có thể chơi với bất kỳ mục tiêu nào miễn là phù hợp với nhu cầu và khả năng của nó. Trẻ kém thì chỉ cần làm được, trẻ giỏi mới đặt ra yêu cầu phải thắng! Trẻ chơi trong sự khích lệ cổ vũ nhiệt tình của bạn bè, bất kể là làm tốt hay chưa tốt ! Trẻ luôn lập lại các kiểu chơi mà mình đã biết, nhưng sẽ dần dần hoàn thiện với sự chú ý và tự chủ mà không cần phải có sự hướng dẫn hay thúc đẩy. Điều quan trọng nhất là trẻ hoàn toàn làm chủ cuộc chơi, không quan tâm gì đến những chi phối hay sự tác động từ bên ngoài vì thế sẽ nâng cao khả năng tập trung và tự tin!
Thế nhưng, tại sao từ các nhà chuyên môn, các giáo viên cho đến các phụ huynh của trẻ, đều xem việc can thiệp ( có khi còn gọi một cách quan trọng là trị liệu ) là việc DẠY CHO TRẺ chứ không phải là hoạt động CHƠI CÙNG TRẺ.
Chính suy nghĩ hay quan điểm là phải dạy và phải biết cách dạy trẻ đã khiến cho phụ huynh ngần ngại, thậm chí là không dám hay không muốn bước vào một hoạt động mà họ nghĩ rằng rất khó khăn, đòi hỏi kinh nghiệm và chuyên môn cao: Đó là dạy con họ tiến bộ trong các kỹ năng thường ngày và giảm đi các hành vi tiêu cực. Cho dù họ đã từng hay chưa từng tham gia một khóa huấn luyện nào thì họ vẫn muốn có một nơi để gửi trẻ và một giáo viên để dạy trẻ. Có nhiều phụ huynh đã chịu khó “sưu tầm” rất nhiều tài liệu can thiệp đến từ nhiều nguồn khác nhau. Chăm chỉ tham gia hết khóa huấn luyện này đến khóa huấn luyện khác, thì điều họ rút ra vẫn là gì ? Giáo viên và chuyên viên vẫn là vai trò chủ lực. Thậm chí có khi họ sẽ nhờ một GV về can thiệp và hướng dẫn cho GV cách dạy ! Cũng có khi họ tự đứng ra dạy trẻ. Lúc đó thì họ đã trở nên 1 giáo viên đúng nghĩa.
Ngay chính các giáo viên và không ít các “chuyên gia” vẫn tin rằng việc trị liệu hay can thiệp, giáo dục trẻ chỉ có thể diễn ra trong lớp học, sau cánh cổng của ngôi trường chuyên biệt hay một trung tâm can thiệp. Nếu tại nhà, thì phải ở trong một phòng riêng, gọi là lớp hay phòng can thiệp cá nhân với 1 cô và 1 trò. Phụ huynh không cần hay không thể tham gia vào tiến trình này chứ đừng nói là đóng vai trò “chủ chốt” !
Các giáo viên ( hay chuyên viên ) khi đến với các em trong các giờ can thiệp, thì trong tâm thức của họ, luôn nghĩ đến việc phải làm cách nào đó để dạy cho bằng được ( Bằng dọa dẫm hay bằng dụ dỗ), họ phải dạy trong tư thế đối diện – 1 – 1 , và sẽ “đánh vật” với trẻ trong 1 giờ can thiệp cá nhân để cố “nhồi vào đầu” các em các danh từ ( Con gà, con vịt, con bò, cái xe, ông bố, bà mẹ …. ) hay các khái niệm về hình dáng, màu sắc, con chữ, con số …để buộc các em phải “bật âm” phải nói ra cho bằng được ! ( vì nói được mới học được , nói được mới được xem là tiến bộ ) . Tại sao lại khó có thể “ vượt ra khỏi cái hộp” là vượt ra khỏi quan điểm phải dạy mà không nghĩ rằng là mình chỉ đến “chơi với trẻ” ? cũng với mục tiêu là giúp trẻ tiến bộ !
Đùa à ? Phụ huynh họ bỏ ra mỗi tháng hàng triệu đồng cho mình chỉ để đến chơi với con họ chắc ? Điên à ? Mình cũng đã phải bỏ ra hàng 3, 4 năm trong trường sư phạm, thậm chí đạt đến trình độ thạc sĩ. Phải bỏ ra bao nhiêu công sức thu thập tài liệu, bao nhiêu thì giờ và tiền bạc tham gia đủ các khóa tập huấn, biết rất nhiều kỹ thuật chuyên môn, mà nay lại đi lăn lê bò toài với trẻ, lại để cho 1 đứa trẻ ngu ngơ xỏ mũi dắt đi, phải nương theo nó, để cho nó chủ động muốn chơi gì thì chơi? Một đống đồ dùng dạy học màu sắc rực rỡ, đắt tiền lại không chịu học, một đống công cụ “tâm vận động” đủ các kiểu theo đúng “tiêu chuẩn” mà không chịu để mình hướng dẫn, lại chỉ thích nằm lăn ra, mân mê các thứ không phải là đồ chơi. Đã thế lại còn chạy lung tung, bắt ngồi một chỗ thì tự đấm vào đầu, cào vào mặt, nằm lăn ra ăn vạ. Chưa đập cho vài roi là may rồi ! Phải ấn chúng vào cái ghế, phải bắt chúng tập trung nhìn vào các bức ảnh đang ẩn hiện trước mắt, phải tập cho tới khi chúng chịu nhìn vào mắt mình., phải lập đi lập lại hàng chục thậm chí hàng trăm lần các danh từ để chúng phải nhớ và nhắc lại. Nghĩa là phải biết hết sức chú ý, tập trung ngồi yên gần 1 giờ đồng hồ để tập “Âm ngữ trị liệu”. Phải biết làm theo cho đúng các hướng dẫn của mình trong giờ “Tâm vận động”. Trẻ có thể còn phải tập thở, đai chéo hàng trăm lần trong giờ phục hồi chức năng… Phải biết ..phải biết và ..phải biết ! Đó mới là giáo dục, đó mới là can thiệp !
Còn chơi ư ? đã có các giờ chơi ngoài sân hay trong phòng chơi với vài cái xích đu, cầu tuột, xe đạp ba bánh, cái sàn nhún, với các trái bóng trong nhà banh. Trong giờ chơi đó thì trẻ muốn làm gì thì làm, cô không quan tâm hay chỉ trông chừng, thậm chí là quát mắng hay ngăn cản khi trẻ quá hiếu động, chạy tới chạy lui, leo trèo rồi đánh bạn ..giật đồ chơi, ném đồ chơi vung vãi …không chịu ngồi yên để nghỉ mệt như cô. Có nơi lại còn bật TV cho trẻ xem để bớt quậy phá. Đó cũng là can thiệp mà ?
Gần đây, có một phương pháp hướng dẫn trẻ gọi là JASPER (viết tắt bởi cụm từ: Joint Attention – Symbolic Play – Engagement Regulation … ) nghĩa là : Cùng chú ý – Chơi biểu tượng – Cùng tham gia – và điều tiết. Phương pháp này đưa ra những nguyên tắc như khuyến khích trẻ có được sự cùng chú ý; khả năng bắt chước và chơi biểu tượng; phát huy khả năng khởi xướng và duy trì sự tham gia với người khác. Các nguyên tắc này trẻ sẽ thâu nạp trong các hoạt động chơi với giáo viên, phụ huynh hay với một số trẻ khác trong một nhóm chơi. Như vậy, các nhà chuyên môn đã chú ý đến yếu tố CHƠI CỦA TRẺ mà họ xem đó là một giá trị cốt lõi. Chính việc tạo một môi trường cho trẻ Chơi, khuyến khích việc cùng tham gia của trẻ sẽ thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ và khả năng giao tiếp.
Nói theo triết lý của TÂM VẬN ĐỘNG là trẻ biết chơi mới có thể học được, hay trẻ sẽ tiến bộ qua việc chơi chứ không phải qua việc học. Trẻ sẽ học được rất nhiều thứ qua chơi, với những cấp độ chơi khác nhau, và vì chơi có thể tiến hành bất cứ ở đâu, bất cứ thời điểm nào với bất cứ người nào chứ không phải chỉ là giáo viên hay chuyên viên trong một khuôn khổ chật hẹp của một phòng hay một lớp can thiệp.
Như thế, môi trường nào tốt nhất cho trẻ chơi ? Đó là ở nhà của trẻ hay ngoài sân hoặc một nơi thoáng đãng – Trẻ chơi như thế nào ? Chơi theo sở thích và năng lực – Trẻ chơi với ai ? với bố mẹ và với các trẻ khác – Trẻ chơi lúc nào ? khi nào cũng được – Trẻ chơi như thế nào ? Trẻ sẽ chơi những trò chơi mà cách chơi phù hợp với năng lực và sự hứng thú . Tại sao lại là chơi ? Vì đó là điều trẻ có thể làm được một cách tốt nhất !
Vậy thì tại sao không biến những buổi can thiệp trẻ thành những giờ phút vui chơi cùng trẻ, mà cứ phải vật vã hơn 1 tiếng đồng hồ với những tấm flash Card vô hồn (dưới sự theo dõi của camera cho PH an tâm ) rồi trong giờ DẠY trẻ thì GV phải tìm hết cách để “cắt đứt” những cơn bùng nổ của trẻ khi trẻ lo lắng, căng thẳng …Chấm dút sự lăng xăng của trẻ để buộc trẻ phải làm những điều mà người lớn cho là đúng và cần với trẻ, trong khi trẻ chỉ muốn và thích chơi ! Hãy cứ chơi với trẻ trong vui vẻ , đâu cần phải dạy trẻ trong hoang mang ..
Khi có một đứa con có những khó khăn trong ngôn ngữ, giao tiếp, hành vi hay khả năng nghe – hiểu, thì cha mẹ cần xác định 3 vấn đề :
1/ Tình trạng này không phải là một chứng bệnh mắc phải do những yếu tố từ bên ngoài, do đó không có bất kỳ một phương pháp điều trị nào có thể giải quyết được trong một thời gian ngắn hay dài.
2/ Tình trạng này chỉ có thể can thiệp, giúp trẻ phát triển bằng các phương pháp giáo dục. Có rất nhiều các phương pháp giáo dục khác nhau, Cha mẹ hãy tìm kiếm, chọn lựa và học hỏi những phương pháp nào phù hợp với tình trạng của con mình, chứ không nên áp đặt con vào một phương pháp được cho là hay nhất.
3/ Trong việc can thiệp và giáo dục con, thì cha mẹ có vai trò quan trọng thông qua những biện pháp, nguyên tắc được áp dụng tại gia đình, chứ không thể giao hết việc giáo dục can thiệp cho các giáo viên hay nhà trường chuyên biệt.
Giúp trẻ Phát triển về ngôn ngữ :
Với những trẻ chậm nói, bố mẹ hãy tạo nhiều cơ hội cho trẻ có thể bật ra lời nói trong mọi giao tiếp hằng ngày tại gia đình, trong các sinh hoạt bình thường để giúp trẻ phát triển ngôn ngữ.
Trong việc tập nói cần dùng nhiều công cụ khác nhau :
Dùng con rối, búp bê, tranh ảnh, đồ chơi tượng hình (Con thú, đồ vật, dụng cụ ) trong khi ngồi chơi ( mỗi ngày chừng 30 phút – 60 ) với trẻ.
Dùng các món đồ thật (ly, chén, khăn, banh … ) không bể, vỡ gây nguy hiểm trong các sinh hoạt hằng ngày, vừa nói tên các đồ vật, vừa khuyến khích trẻ nhắc lại trong khả năng có thể.
Dùng các tranh ảnh kết hợp với các câu chuyện kể hay các bài hát ru, bài vè, đồng dao với các trò chơi.và một số phương tiện máy móc (Máy ghi âm. Băng dĩa, phần mềm vi tính…) trong các giờ nghỉ buổi trưa hay khi chuẩn bị đi ngủ.
Nguyên tắc sử dụng :
Ngắn gọn, sinh động, lập lại thường xuyên với sự thay đổi hình thức, cách diễn tả.
Giới thiệu với những câu nói đơn giản, có các từ cụ thể
Trẻ được tham gia tích cực, được quyền “lái” câu chuyện theo ý mình, khuyến khích trẻ đặt câu hỏi, kích thích trí tò mò nơi trẻ.
Hoạt động giúp trẻ phát triển khả năng quan sát và phát triển tư duy :
Bước 1 : Bỏ từ 3 – 5 vật khác nhau vào trong một cái túi
Cho trẻ thò tay vào cầm lấy vật và đoán (không được thấy ).
Cho trẻ nhìn vật bên ngoài túi (chỉ thấy một phần nổi lên) và phải đoán ra là vật gì
Chúng ta có thể bầy trên bàn từ 3 – 5 vật khác nhau rồi lấy khăn che đi, sau đó giở ra cho trẻ xem, rồi đậy lại yêu cầu trẻ nhớ lại và đoán (nói đúng tên món đồ)
Buổi tối nên có giờ kể chuyện cho trẻ nghe, khi trẻ tỏ ra chẳng chú ý gì vào câu chuyện, bố mẹ nên có sự kết hợp với tranh ảnh, con rối, búp bê cho thêm phần sinh động và không quá dài ( tối đa khoảng 5 phút).
Nên có những câu chuyện mang tính mô tả, mà trong đó trẻ là nhân vật chính.( Có thể dựa vào một câu chuyện tranh, ta thay đổi nhân vật chính trong chuyện bằng trẻ ). Các phương tiện máy móc, nếu biết sử dụng một cách khéo léo, hợp lý thì cũng tạo ra những hiệu quả tốt, nhưng điều quan trọng là bố mẹ luôn phải là người tham gia, hướng dẫn , nhắc nhở, kích thích sự quan tâm của trẻ, động viên trẻ có những phản ứng lại. Việc để cho trẻ ngồi xem với các phương tiện nghe nhìn (TV/Vidéo) một mình là điều hết sức tai hại .
Nguyên tắc Chăm sóc trẻ tại nhà:
Trẻ đặc biệt là những trẻ có tình trạng rối nhiễu và có khó khăn về giác quan, cảm xúc và khả năng giao tiếp. Các trẻ này thường chỉ được phát hiện khi có tình trạng chậm nói, nhưng thực ra những khó khăn của trẻ đã có ngay từ trong bụng mẹ, vì vậy cần phải quan tâm đến các dấu hiệu bất thường của trẻ ngay từ lúc sơ sinh, và tác động can thiệp càng sớm càng tốt.
Xây dựng một tập thể xung quanh: Việc chăm sóc trẻ là một công việc dễ gây mệt mỏi và nhàm chán vì trẻ hầu như không đáp ứng lại các yêu cầu . Vì vậy cha mẹ hãy tìm kiếm những người có thể hỗ trợ mình như ông bà, vợ chồng, họ hàng. Nhưng điều quan trọng là các nhân tố này cần có những hiểu biết về tình trạng của trẻ và có cùng một cách tác động như nhau ( Điều gì cấm trẻ thì tất cả đều cấm, không được chiều chuộng nhưng cũng không quá nghiêm khắc với trẻ ) . Sau đó là các nhà chuyên môn để góp ý và hướng dẫn mục tiêu phù hợp , cùng với giáo viên dạy trẻ tại trường ( dành cho trẻ đặc biệt ) để phối hợp với nhau. Không có sự phối hợp thì việc can thiệp khó thành công.
Tương tác với con bạn một cách hợp lý: Có những phụ huynh dù biết rằng việc tương tác với con là điều cần thiết, nhưng do công việc, nhu cầu kiếm sống họ đã không thể thu xếp thời gian thích hợp .Những phụ huynh khác thì lại bỏ hết công ăn chuyện làm, để suốt ngày quanh quẩn bên con, họ ôm ấp đứa con và làm thay cho trẻ, điều này vô tình lại hạn chế khả năng phát triển mà đứa trẻ cần đạt được bằng sự nỗ lực của bản thân.
Vì vậy, việc dành cho con một số giờ thích hợp trong ngày để tạo ra sự tương tác tích cực là điều mà bố mẹ cần hết sức quan tâm.
Xây dựng những nguyên tắc và luật lệ : Chăm sóc con là một quá trình kéo dài, từ năm này qua năm khác vì vậy cần có những nguyên tắc và luật lệ rõ ràng, nó không những giúp trẻ biết được những yêu cầu mà trẻ cần đạt được và những giới hạn để nó không thể vượt qua, mà còn có thể giúp cho các phụ huynh kiểm soát được mức độ mà mình dành cho trẻ, giúp cho họ có sự ổn định trong việc tiến hành việc giáo dục cho trẻ.
Chúng ta cũng nên biết rằng, việc nuôi dưỡng một trẻ có nhu cầu đặc biệt sẽ có những tác động nhất định lên môi trường gia đình, đó là những áp lực mạnh mẽ lên các mối tương giao của các thành viên gia đình, đó vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của những tan vỡ gia đình. Có những bất hòa, mâu thuẫn trong cách nuôi dạy và cả những tốn kém thái quá cũng có có thể dẫn đến những cãi vã, lo lắng và căng thẳng trong quan hệ giữa bố mẹ. Vì vậy, việc chăm sóc giáo dục trẻ không chỉ là những biện pháp tập trung vào trẻ, mà còn bao gồm cả những biện pháp tạo ra bầu khí lành mạnh và những phương pháp nâng đỡ thể chất và tinh thần cho chính bố mẹ của trẻ.
Kỹ Thuật hướng dẫn trẻ học tập: Giáo dục trẻ đặc biệt bằng những bài tập ở nhà là một việc hết sức vất vả nhưng cần thiết, tuy nó không đòi hỏi những kỹ thuật đặc biệt nhưng một phương pháp đúng đắn, sự kiên nhẫn, vui vẻ và nhất quán là những yếu tố không thể thiếu trong một chương trình học tập tại gia đình.
Các nguyên tắc chung trong việc giáo dục trẻ tại gia đình :
Tính tiệm tiến: Chương trình giáo dục là một kế hoạch kéo dài từ năm này qua năm khác, vì vậy không thể rút gọn hay chồng chất những mục tiêu khác nhau trong 1 buổi can thiệp. Chương trình phải tiến hành từng chút một, qua từng giai đoạn, giải quyết từng mục tiêu một cách nhẹ nhàng và bền bỉ.
Tính nhất quán : Phải xác định được mục tiêu cần đạt trong 1 ngày, 1 tuần, hay một tháng và kiên quyết tập trung vào mục tiêu đó bằng một số biện pháp ( Trò chơi, hình vẽ, bài hát… ) cho đến khi có thể đạt được mục tiêu. Chúng ta cũng có thể linh động điều chỉnh, một số công cụ, thời gian hay cách tiếp cận cho phù hợp, nhưng khi đã xác định mục đích cần đạt, thì đó là điều không thay đổi.
Tính liên tục: Trong giai đoạn đầu việc can thiệp, cha mẹ thường rất hăng hái trong việc tập luyện cho con, nhưng sẽ có những ngày bận rộn, mệt mỏi , khi đó họ sẽ bỏ qua một vài buổi tập luyện vì cho rằng, điều đó chắc không ảnh hưởng gì. Nhưng việc bỏ qua một vài buổi học sẽ là khởi điểm cho việc bỏ qua ngày càng nhiều hơn, đôi khi hàng tuần lễ và điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ trở lại vạch xuất phát dù cho đã tiến hành được cả một năm rồi !
Tính đơn giản: Một kế hoạch càng rõ ràng, càng đơn giản sẽ càng cho hiệu quả cao vì điều đó giúp cho cả người hướng dẫn lẫn đứa trẻ dễ tập trung vào nội dung và nắm bắt một cách nhẹ nhàng. Hãy sử dụng những công cụ đơn giản, những lời hướng dẫn ngắn gọn, một không gian học tập êm ả và vui vẻ. Đó là những điều đơn giản cần phải có trong một buổi can thiệp
Trong việc can thiệp thì mọi kế hoạch mọi ý tưởng đều cần được bàn bạc, trao đổi rốt ráo. Có thể có những tranh luận, nhưng khi đã đưa ra được một chương trình, thì mọi người đều cùng thực hiện hay áp dụng các yêu cầu như nhau, có những trao đổi hay hướng dẫn trẻ giống nhau và theo chiều hướng tích cực.
Thực hành việc can thiệp tại gia đình
Trong quá trình chăm sóc và giáo dục trẻ, cha mẹ phải có vai trò và trách nhiệm chính vì họ có điều kiện tiếp xúc rất nhiều với trẻ, kể cả các trẻ được đưa đi can thiệp tại các trường lớp chuyên biệt.
Khi thực hiện một chương trình can thiệp, phụ huynh cần lưu ý các nguyên tắc sau
Tiến hành từng bước một: Bất cứ một hoạt động nào trong nhà cũng cần chia ra từng bước một và tiến hành hướng dẫn cho trẻ từ những bước đơn giản nhất, chỉ khi nào trẻ làm được, mới tiến lên bước kế tiếp.
Nhắc lại các hướng dẫn : Trẻ không thể nào nhớ những gì đã hướng dẫn mà cần phải nhắc đi nhắc lại trong khi trẻ đang thực hiện, và sau khi làm xong cũng cần nhắc lại. Đến lúc muốn trẻ làm cũng phải nhắc lại những điểm chính yếu.
Để trẻ Tự làm:, Trẻ chỉ có thể đạt được các khả năng khi có thể tự làm, vì thế việc hướng dẫn trẻ phải luôn nhắm đến mục đích sao cho trẻ có thể tự làm, dù không thể làm tốt nhưng phải để trẻ có cố gắng trong việc tự hoàn thiện.
ổn định trong các hoạt động: Việc tổ chức một nơi ngăn nắp , ít nhất là trong căn phòng của trẻ hay một khu vực nào đó, với những nghi thức, thói quen mang tính ổn định là điều cần phải đặt ra.
Vận dụng nhiều Giác quan: Cần phải giúp trẻ có thể vận dụng càng nhiều giác quan trong việc học tập càng tốt, trẻ cần được nghe, nhìn, ngửi, nếm, sờ vào các dụng cụ, đồ vật khi học tập các kỹ năng trong cuộc sống.
Tính cá nhân trong từng hoạt động: Sự phát triển của trẻ không trẻ nào giống trẻ nào, vì thế đó là một kế hoạch giáo dục cá nhân. Kế hoạch này xây dựng trên những nền tảng chung, nhưng phải được áp dụng một cách linh hoạt khác nhau tuỳ theo khả năng tiếp nhận của trẻ.
Thường xuyên động viên: Trẻ cần có một khung cảnh giáo dục :
Không có sự sợ hãi và ép buộc, mà là một không khí thân thiện, lạc quan
Không có sự chán nản, mà là sự vui vẻ ham thích các hoạt động.
Không có sự trừng phạt cái sai mà chỉ có sự khuyến khích cái đúng.
Giáo dục các kỹ năng sinh hoạt hàng ngày
Kỹ năng sinh hoạt hàng ngày chính là lĩnh vực trách nhiệm của các phụ huynh trong việc can thiệp cho trẻ. Đây là các hoạt động giúp trẻ tiến đến cuộc sống độc lập hơn. Các kỹ năng này bao gồm các hoạt động trong nhà, từ việc ăn uống, mặc quần áo, vệ sinh cơ thể cho đến các kỹ năng cao hơn như phụ việc nhà, sử dụng một số công cụ và các kỹ năng giao tiếp xã hội, ứng phó với những tình trạng nguy hiểm.
Đây chính là mục tiêu của hoạt động chăm sóc và giáo dục chứ không phải những kiến thức hay khả năng về phương diện văn hóa như khả năng vẽ, tô màu, đánh vần, nhớ mặt chữ, nhớ số … hay khả năng hát múa vì đây lại là trách nhiệm và sở trường của các giáo viên trong việc can thệp cho trẻ tại nhà trường
Đây cũng là một hoạt động cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên và cha mẹ các em. Chỉ khi nào cả hai cùng tiến hành được những biện pháp giống nhau, xác định được các mục tiêu cần đạt đến thì chừng đó hoạt động giáo dục cho trẻ mới có thể có hiệu quả.
Các kỹ năng trẻ cần đạt đến:
Kỹ năng ăn, uống: Cần giúp trẻ có thể tự ăn, uống một cách đon giản nhất
Kỹ năng Vệ Sinh: Biết khi nào cần vệ sinh, biết sử dụng nhà vệ sinh và một số công cụ vệ sinh : Vòi nuớc, Giấy vệ sinh, khăn lau, bàn chải…
Kỹ năng tắm rửa và chải tóc : Trẻ có thể sử dụng vòi sen, biết múc và dội nước, biết xoa xà bông, biết dùng lược chải tóc.
Kỹ năng mặc quần áo: Trẻ biết mặc quần lưng thun, biết tụt xuống, cởi ra, kéo lên, tròng vào, cài cúc áo. Nếu khá hơn là có thể dùng dây kéo. Biết mặc bít tất, xỏ dây thắt lưng.
Kỹ năng vận động: Biết các kỹ năng vận động thô – vận động tinh phù hợp với độ tuổi phát triển.
Các kỹ năng xã hội và Giao tiếp : Đây là mục tiêu cao nhất mà các trẻ có thể đạt đến sau một thời gian dài được chăm sóc tích cực và đúng phương pháp. Các em biết phân biệt người lạ, quen, biết chào, biết hỏi ý trước khi làm, biết chấp nhận đám đông, biết hạn chế những hành vi thiếu ổn định ở chỗ đông người. Chấp nhận sự chờ đợi ….
Linh động và sáng tạo trong việc phối hợp, điều chỉnh các phương pháp giáo dục, điều gì phù hợp với trẻ thì làm, điều gì không hợp thì bỏ, không nhất thiết phải bám sát các nguyên tác cứng nhắc, cần phải bám sát các nguyên lý sau :
Chúng ta biết rằng sự tiếp thu thông tin sẽ thông qua các giác quan là nhìn, nghe, sờ chạm, nếm, ngửi và sau đó các thông tin đó sẽ được chuyển lên các tế bào thần kinh có khả năng nhận thức, tập trung và phân tích để ghi nhớ. Với một đứa trẻ, nếu có những khiếm khuyết về giác quan, thì sự ghi nhớ của bé sẽ hạn chế, và hơn thế nữa nếu bé không có khả năng tập trung, hay nhận biết thì những gì bé tiếp nhận lại càng hạn chế hơn, thậm chí là lộn xộn không rõ ràng, đầy đủ và hợp lý. Nhưng đứa trẻ đã bắt đầu cảm thụ các thông tin từ bao giờ ?
Có phải chỉ sau khi sinh ra, trẻ mới có thể tiếp thu được các thông tin hay các kích thích qua các giác quan ? Thực ra ngay khi còn trong bụng mẹ, một thai nhi đã bị nhấn chìm trong một thế giới tràn ngập màu sắc và âm thanh. Thai nhi như một miếng bọt biển có thể hấp thu các thông tin một cách đa dạng . Não bộ và các giác quan có một vai trò hết sức quan trọng, tuy nhiên sự tiếp thu này không đồng nhất, vì thế quá trình nhận biết của thai nhi cũng khác nhau cho từng khu vực và bộ phận. Đầu tiên là các thông tin về vị giác khi thai nhi phát triển được 13 tuần tuổi. Khi đến tuần thứ 7, vài nơi trên cơ thể thai nhi đã tỏ ra mẫn cảm với vài đụng chạm. Cả thân thể bé sẽ có phản ứng xúc giác vào tuần thứ 13 hay 14. Rồi đến Thính giác ở tuần thứ 18 và phát triển cho đến tháng thứ 5 . Còn khứu giác ở tuần thứ 29 và hoàn thiện ở tuần thứ 36. Với thị giác thi thai nhi cảm nhận được ánh sáng từ tuần lễ thứ 20.
Như vậy, chúng ta thấy ngay từ khi còn là bào thai thì việc tiếp nhận thông tin đã được hình thành và trở nên một yếu tố quan trọng cho sự phát triển của trẻ và cũng vì thế mà những khó khăn trong việc tiếp nhận thông tin, đặc biệt là về mặt cảm xúc cũng sẽ gây ra những trở ngại về mặt phát triển cho trẻ khi còn trong bụng mẹ.
Các chuyên gia cho rằng, ngay sau khi ra đời, bố mẹ nên nói chuyện với con một cách dịu dàng, xoa bóp vuốt ve và kích thích thị lực cho trẻ. Chính vì thế, việc cho con bú sữa mẹ là một hoạt động cực kỳ quan trọng cho trẻ sơ sinh, vì hoạt động này đã kích thích toàn bộ con người của đứa trẻ,, từ giác quan đến nhận thức và cảm xúc. Ngoài việc cho bú thì việc nói chuyện và chơi với trẻ sơ sinh là nền tảng tạo nên kỹ năng nhận thức và ngôn ngữ trong quá trình phát triển của bé , mặc dù trẻ sơ sinh chưa nói được, nhưng khi nghe được các âm thanh từ cha mẹ, thì bé đã có những phản ứng ban đầu.
Đến đây, thì chúng ta thấy rằng, các trẻ có những khiếm khuyết về giác quan sẽ có nhửng hạn chế về mặt tiếp thu các thông tin đến từ bên ngoài, đến từ người thân và từ đó đưa đến những hạn chế về khả năng phát triển.
Nhưng ngay cả với các trẻ không có các khuyết tật về giác quan, thì những hạn chế về khả năng nhận biết của não bộ, cũng sẽ là những rào cản rất lớn cho sự tiếp thu của trẻ. Điều này không khác gì việc ta nghe một ngôn ngữ, mà không biết được ý nghĩa thì cũng không thể hiểu được các thông tin hàm chứa bên trong.
Như vây, ta sẽ có hai nhóm khiếm khuyết ngay từ khi trẻ mới sinh ra, thậm chí là những khiếm khuyết đã có ngay từ khi còn là thai nhi trong bụng mẹ, đó là các trẻ có những khuyết tật về giác quan ( Như khiếm thị, khiếm thính… ) và những trẻ có những khiếm khuyết về nhận thức (chậm phát triển trí tuệ, trẻ tự kỷ và tăng động kém tập trung ).
THẾ NÀO LÀ TRẺ ĐẶC BIỆT
Tùy theo các khó khăn của trẻ, người ta chia ra thành các nhóm :
Trẻ khuyết tật về thể lý ( hay về các giác quan ) là những trẻ Khiếm thị, khiếm thính, bại liệt , bại não. Có những trẻ chỉ có 1 khuyết tật, nhưng cũng có trẻ có nhiều khuyết tật ( Đa tật ).
Trẻ khuyết tật về tâm lý ( hay về khả năng tư duy, nhận thức ) chia ra 3 nhóm chính là :
Trẻ Rối nhiễu tâm lý : Trẻ có những tình trạng bất thường về tâm lý với nhiều mức độ khác nhau như :
Trẻ bệnh Tâm thể : Các triệu chứng bệnh về cơ thể do nguyên nhân tâm lý.
Trẻ có nhu cầu đặc biệt hay gọi vắn tắt là Trẻ Đặc biệt. Đây là nhóm trẻ bao gồm các tình trạng:
Trẻ Tự kỷ ( có 5 dạng khác nhau ) là trẻ có khó khăn về giao tiếp, ứng xử.
Trẻ Tăng động giảm chú ý ( Có 3 dạng ) là trẻ có khó khăn về hành vi.
Trẻ chậm phát triển ( Có 3 dang ) là trẻ có khó khăn về nhận thức, trí nhớ .
Trẻ Chậm nói : ( có nhiều mức độ ) Trẻ có khó khăn về ngôn ngữ, phát âm.
– Trẻ có khó khăn về học tập : Là trẻ có khó khăn về những khả năng tiếp thu trong việc học như :
Trẻ có khó khăn trong việc đọc , viết
Trẻ có khó khăn trong việc tính toán
Trẻ có khó khăn trong việc tiếp nhận các hướng dẫn.
SỰ KHÁC BIỆT GIỮA CÁC DẠNG TRẺ :
Tình trạng
Nguyên Nhân
Biện Pháp
Hiệu quả
Khuyết tật về thể lý
Bẩm sinh – bệnh tật và tai nạn
Vật lý trị liệu và Giáo dục phục hồi
Trẻ có thể hòa nhập với xã hội, học tập như bình thường
Trẻ rối nhiễu tâm lý
Do các sang chấn tâm lý từ bên ngoài
Giáo dục nhận thức và trị liệu tâm lý
Trẻ có thể hồi phục hoàn toàn sau 1 thời gian
Trẻ Đặc biệt
Bẩm sinh và do các yếu tố nguy cơ sau sinh
Giáo dục Can thiệp, Can thiệp sớm và chuyên biệt
Trẻ cải thiện tình trạng và có khả năng học tập, giao tiếp trong mức độ nhất định tùy theo tình trạng.
Trẻ khó khăn học tập
Do bẩm sinh và các tác nhân bên ngoài
Trị liệu tâm lý và giáo dục với những kỹ thuật tùy theo từng loại khó khăn của trẻ.
Trẻ có thể hồi phục và hòa nhập.
Nhìn bên ngoài thì các trẻ khuyết tật về tâm lý, trẻ đặc biệt và trẻ có khó khăn trong học tập có một số biểu hiện tương tự nhau, nhưng khi đi vào nguyên nhân và biện pháp tác động, chúng ta thấy có những khác biệt rất lớn. Ngay cả với trẻ Đặc biệt, Tuy có những nguyên nhân, biểu hiện tương tự nhau, nhưng lại cần có những biện pháp can thiệp khác nhau. Vì thế, sự phân chia rõ ràng và hợp lý là điều cần phải xác định.
Như vậy, trẻ Đặc Biệt là mộttrẻ có những tình trạng khó khăn về ngôn ngữ, hành vi, giao tiếp một cách khác biệt với trẻ bình thường, và cần phải áp dụng những chương trình can thiệp chuyên biệt cho từng nhóm trẻ, thậm chí là cho từng trường hợp mà ta gọi là chương trình Can thiệp cá nhân, để giúp trẻ ổn định tâm lý, phát triển năng lực, hạn chế những khó khăn để có thể hòa nhập theo một chương trình giáo dục đặc biệt trong môi trường giáo dục bình thường và hội nhập trong một mức độ nào đó với cuộc sống trong xã hội.
Việc Hội nhập xã hội, không có nghĩa là trẻ Đặc Biệt phải được trị liệu cho bình phục để trở nên Bình thường và hòa nhập với các trẻ bình thường khác, mà đó là sự hòa nhập 2 chiều : Trẻ đặc biệt được giáo dục để không còn các HÀNH VI ĐẶC BIỆT, nhưng vẫn có TÌNH TRẠNG ĐẶC BIỆT, trong khi đó ở chiều ngược lại, thì người bình thường ( người lớn và trẻ em ) phải có ý thức CHẤP NHẬN một số hành vi chưa bình thường và cần có những ỨNG XỬ ĐẶC BIỆT với các trẻ này, chứ không thể cư xử với trẻ đặc biệt như mọi trẻ bình thường khác. Nói cách khác, đó là chấp nhận tình trạng đặc biệt của trẻ trong một mức độ phù hợp với cố gắng hội nhập của trẻ đặc biệt và gia đình các em.
CÁC DẠNG TRẺ ĐẶC BIỆT
Hội chứng Tự kỷ được dịch từ chữ “Autism Spectrum Disorders”, ( Rối loạn phổ tự kỷ ) là một tình trạng gây ra những trở ngại ảnh hưởng đến sự phát triển của trí não, gây ra những rối loạn thần kinh ảnh hưởng đặc biệt đến khả năng giao tiếp với những người xung quanh.
Tình trạng này xuất hiện trong tuổi thơ ấu với tỷ lệ 3.4/1.000 trẻ em. Còn theo một thống kê mới nhất tại Mỹ thì tỷ lệ lại gia tăng một cách khủng khiếp là 1/68 trẻ có dấu hiệu tự kỷ ( Về thống kê, có nhiều nguồn và tỷ lệ khác nhau do cách đánh giá và định nghĩa về tự kỷ khác nhau ) Cho đến nay, Tự Kỷ (Autistic Spectrum Disoder) vẫn còn là một trong những tình trạng rối nhiễu tâm lý phức tạp, khó xác định nguyên nhân và cũng khó xây dựng một kế hoạch trị liệu chuẩn mực. Trước đây, người ta thường nghiêng về những rối loạn trong quan hệ giao tiếp để cho rằng, sự thiếu quan tâm hay xa cách của người mẹ lúc ấu thơ là nguyên nhân chính. Từ đó, các biện pháp trị liệu thường đặt trọng tâm vào việc yêu cầu phụ huynh quan tâm đến việc chăm sóc nhiều hơn, và điều này cũng đồng nghĩa với việc “lên án” những sai lầm trong mối tương tác không lành mạnh với trẻ của phụ huynh, tạo thêm nhiều đau buồn không cần thiết. Nhưng đó chỉ là một yếu tố có thể làm tăng nặng thêm một tình trạng Tự Kỷ đã có mầm mống ngay từ khi trẻ sinh ra.
Sự thiếu quan tâm chăm sóc con như vậy không phải là nguyên nhân chính gây ra tình trạng tự kỷ, nhưng việc quan tâm chăm sóc con một cách hợp lý, có sự đầu tư bằng các kỹ năng cần thiết của bố mẹ trẻ, phối hợp một cách hài hòa việc giáo dục và trị liệu bằng tâm lý và một số thuốc đặc trị lại là một yêu cầu hết sức cần thiết trong việc trị liệu cho trẻ tự kỷ.
Tự kỷ là một tình trạng rối loạn tâm lý thần kinh rất phức tạp, và là một rối loạn mang tính cá biệt rất cao, không có một trẻ Tự kỷ nào có tình trạng và khả năng giống nhau, dù chúng đều có những dấu hiệu chung. Cho đến nay, việc xác định nguyên nhân cũng còn là một điều tranh cãi giữa các nhà khoa học, nhưng nói chung thì đa số đều chấp nhận một số các nguyên nhân sau:
Quan điểm về tâm sinh lý : Cho rằng nguyên nhân là do những rối loạn của chức năng tâm lý thần kinh như khả năng nhận thức và tri giác. Từ bẩm sinh trẻ đã mất đi khả năng tư duy . Do những tổn thương về tâm sinh lý của bà mẹ khi mang thai là yếu tố quan trọng gây ra chứng tự kỷ. Dù cũng có những chứng cớ nhưng đây không phải là yếu tố duy nhất.
Quan điểm về sinh học : Theo quan điểm này thì người ta cho rằng những bất thường trong cấu trúc não bộ của trẻ là yếu tố gây ra tình trạng tự kỷ. Mặc dù cho đến nay quan điểm này vẫn chưa có được bằng chứng xác thực nào nhưng người ta cũng thấy một số yếu tố về di truyền hay những thai phụ bị bệnh Rubella, ngộ độc thực phẩm hay các chất hóa học thì có nguy cơ sinh con tự kỷ.
Giáo dục can thiệp trẻ tự kỷ :
Đây là một lĩnh vực với rất nhiều biện pháp kỹ thuật khác nhau, từ đơn giản trong kỹ thuật và công cụ cho đến rất phức tạp. Nhìn chung có 3 lĩnh vực được quan tâm trong rất nhiều các phương pháp khác nhau :
Lĩnh vực phát triển kỹ năng: Về ngôn ngữ, cải thiện hành vi, giao tiếp bằng các phương pháp Can thiệp sớm trong các hoạt động giáo dục.
Lĩnh vực cải thiện khả năng thần kinh bằng các phương pháp y học từ các biện pháp châm cứu, xoa bóp đến sử dụng các thiết bị y tế.
Lĩnh vực cải thiện thể trạng và tác động đến thần kinh bằng các kỹ thuật sinh học.
Ngoài ra còn có các biện pháp sử dụng các con vật ( chủ yếu là chó, ngựa và cá heo ), các liệu pháp về âm nhạc, ánh sáng, nước và hội họa để tác động thêm. Điều này vừa chứng tỏ sự quan tâm hết sức tích cực của gia đình và xã hội đến tình trạng khó khăn này. Nhưng cũng nói lên những khó khăn, phức tạp trong việc cải thiện tình trạng cho trẻ Tự kỷ, vì cho đến nay chưa có một phương pháp can thiệp, giáo dục hay trị liệu nào có thể hoàn toàn giúp cho một trẻ tự kỷ trở về tình trạng phát triển bình thường. Vì vậy mà vẫn còn rất nhiều người còn mơ hồ về nhận thức. Họ chưa xác định hay chưa muốn tin đây là một tình trạng rối loạn về thần kinh và tâm lý khó có thể hồi phục. Họ vẫn cố gắng bằng mọi cách để tìm ra các kỹ thuật hòng tìm cách “điều trị” hay “chạy chữa” cho trẻ tự kỷ có thể hồi phục hoàn toàn để trở về với cuộc sống bình thường.
Hội chứng rối loạn hiếu động kém chú ý (Attention-Deficit-Hyperactivity Disorder) ở trẻ có khó khăn về hành vi là một tình trạng có những tổn thương về thần kinh mang tính di truyền mà nguyên nhân cơ bản là sự thiếu hụt về liều lượng nhũng chất dẫn truyền trong các tế bào não. Tình trạng rối loạn này còn có nhiều tên gọi khác nhau như:” hội chứng trẻ hiếu động” ,” không tập trung có kèm hoặc không kèm theo giảm sự chú ý” , “rối loạn hiếu động kém tập trung , “trẻ tăng động Giảm chú ý”
Căn cứ trên cách biểu hiện người ta chia ra 3 nhóm trẻ :
Nhóm thiên về tình trạng Hiếu động nhưng không kém về khả năng tập trung hay chú ý.
Nhóm thiên về khả năng kém chú ý, thiếu tập trung nhưng không có hay ít có tình trạng hiếu động.
Nhóm có cả hai tình trạng hiếu động lẫn kém tập trung.
Đây là một loại rối loạn tính khí có nguyên nhân thần kinh, thường gặp ở trẻ em, chiếm 1,7% trong trẻ em. Trẻ không tập trung & hiếu động thường được chẩn đoán phát hiện ở lứa tuổi 4-6 tuổi, và bé trai bị nhiều hơn bé gái gấp 4-10 lần. Tuy nhiên, sau này tỉ lệ rối loạn này ở bé gái cũng tăng rõ rệt. Hội chứng này có thể do các nguyên nhân sau:
Nguyên nhân thực thể :
Do Bệnh lý ở da, rối loại thị giác hay thính giác, do phản ứng với một số loại thuốc, ngộ độc chì.v.v
Tai biến lúc sinh: như sinh non tháng, thiếu oxi lúc sinh (bị ngạt) làm ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của trẻ.
Do di truyền: Nếu trong gia đình có thành viên mắc chứng này thì trẻ cũng có thể gặp phải. Sau này khi lớn lên thì 1/3 trẻ có thể có con mắc chứng này.
Rối loạn chức năng của não : Trẻ có những khó khăn về khả năng kiểm soát các hành vi của não phải ,
Nguyên nhân tâm lý:
Trẻ lớn hay trưởng thành nếu có tình trạng lo lắng kéo dài, rối loạn tâm thần, bị cưỡng bức, lạm dụng tình dục, gặp khó khăn trong học tập, lục đục trong gia đình cũng có thể đưa đến các rối loạn này.
Các nguyên nhân khác:
Các nhà nghiên cứu nhận thấy những vùng não của trẻ em và người lớn mắc chứng ADHD, có sự kém hoạt động trong việc chi phối kiểm soát các cử động và sự tập trung, và cũng nhận thấy rằng những người này có mức dopamine thấp hơn người bình thường. mà dopamine là chất dẫn truyền thần kinh giúp kích thích những vùng não này.
– Tiếp xúc với một số độc chất trong thời kỳ mang thai: như thuốc lá, rượu, ma túy, vì những chất này làm giảm sản xuất dopamine ở trẻ em và các độc chất trong môi trường như dioxine, hydrocarbure benzen…cũng làm tăng nguy cơ trẻ sinh ra bị hiếu động, kém tập trung.
– Tiếp xúc với kim lọai nặng như chì
– Rối loạn giấc ngủ: người ta nhận thấy, trẻ ngủ ngáy dễ bị chứng rối loạn không tập trung-hiếu động gấp 2 lần so với trẻ không ngủ ngáy.
– Chấn thương đầu, nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương.
Có nhiều mức độ hiếu động kém chú ý khác nhau. Có những trẻ chỉ hơi thiếu tập trung, hoặc chỉ khó kiểm soát được hành vi của mình. Các em này có thể theo học ở các trường bình thường với một số biện pháp can thiệp tại gia đình. Nhưng cũng có những trẻ bị nặng hơn, sự mất kiểm soát bản thân diễn ra mọi lúc mọi nơi, các em này cần can thiệp trong các lớp đặc biệt với các phương pháp chuyên biệt trong một thời gian tủy theo mức độ và tác động của các biện pháp can thiệp.
Chậm phát triển trí tuệ (Mental Retardation) là những khiếm khuyết hay chậm phát triển trí não xẩy ra ở trẻ em dưới 18 tuổi. Có tỷ lệ từ 2,5 – 3% dân số. Ðây là một rối loạn khá phổ biến. Các em có một số giới hạn về chức năng trí tuệ và về các khả năng khác như là đối thoại, tự chăm sóc, và hành xử xã hội. Một số em có thể học tập đến một giới hạn nào đó. Một số khác thì không thể theo học được ở cả những mức độ thấp nhất ( Biết đọc biết viết ). Các em cần được hướng đẫn để có thể tự chăm sóc bản thân, vệ sinh cơ thể trong một mức độ đơn giản nhất, chứ không nên cố gắng tập luyện cho các em này những kiến thức văn hóa mà các em không thể nào “tiêu hóa” nổi.
Nguyên nhân
Có nhiều nguy cơ đưa tới chậm khôn nhưng 60% trường hợp nguyên nhân chưa được xác định. Sau đây là một số nguy cơ thường thấy.
Nguyên nhân di truyền.
Rối loạn di truyền thông thường nhất và được biết nhất là Hội Chứng Down mà trước đây gọi là Mongolism với nhiễm thể 21 bất bình thường; rồi đến các tình trạng chậm phát triển khác như : Trẻ khiếm khuyết nhiễm thể giống tính X; trẻ có các hội chứng “tiếng kêu con mèo” Cri du Chat, Turner, Klinefelter … Đều là những tình trạng chậm phát triển trí tuệ nặng, hầu như không có khả năng học tập.
2-Bất bình thường trong khi có thai.
Thai nhi không phát triển bình thường trong thời gian còn ở trong bụng mẹ. Có thể là do sự phân bào bị rối loạn. Hoặc khi người mẹ ghiền rượu trong ba tháng đầu của thai nghén; mẹ mắc bệnh nhiễm ( rubella, cytomegalovirus); dưới tác dụng của dược phẩm, hóa chất, phóng xạ; mẹ bị cao huyết áp, suy dinh dưỡng. Mẹ có thai mà suy dinh dưỡng cộng với môi trường sống tồi tệ có thể là nguy cơ dẫn đến chậm khôn thường thấy nhất trên thế giới.
3-Khó khăn khi sinh :
Sinh thiếu tháng, xuất huyết, không đủ dưỡng khí, chấn thương não trong khi sanh.
4- Nguyên nhân sau khi sinh .
Não bị nhiễm vi khuẩn, virus, hóa chất ; suy dinh dưỡng trầm trọng, kém chăm sóc y tế, tiếp cận chất độc như chì, thủy ngân trong thực phẩm (cá). Trẻ sơ sinh bị bệnh cường tuyến giáp, ho gà, thủy đậu, ban sởi mà không được điều trị chu đáo cũng là những nguy cơ của chậm khôn.
5- Yếu tố tâm lý xã hội.
Trẻ em lớn lên trong khung cảnh không có tình người, không có sự tác động hay giáo dục cơ bản, thiếu kích thích diễn tả ngôn ngữ, cảm xúc, thính thị giác cũng thường chậm trễ về kiến thức, hành vi xử thế.
PHƯƠNG PHÁP CAN THIỆP:
Cách đây khoản 20 năm, thì hầu như chưa có bao nhiêu người biết về tự kỷ chứ chưa nói đến là các phương pháp can thiệp. Thế rồi cho đến nay, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin thì những phương pháp khác nhau cũng phát triển một cách nhanh chóng, nếu loại trừ những phương pháp phản khoa học, hay chỉ có hiệu quả với những trường hợp chưa chắc là tự kỷ, hiếu động … thì cho đến nay người ta đã thống kê được khoảng 27 phương pháp khác nhau. Cũng vì thế mà vẫn còn rất nhiều người từ các chuyên gia đến các phụ huynh hay giáo viên vẫn còn gắn chặt việc can thiệp cho trẻ vào một vài kỹ thuật hay phương pháp nào đó.
Nhưng thực ra, nếu chúng ta có một tầm nhìn khách quan hơn, thì điều đầu tiên mà chúng ta thấy được là bất kỳ phương pháp nào, từ ABA/VB, PRT, RDI, ESDM, Floortime cho đến TEACH , từng bước nhỏ… đều có thể rút ra đươc những điểm giống nhau :
Mục tiêu dạy : Cho dù có dùng những thuật ngữ khác nhau thì cũng đều đặt mục tiêu theo từng cấp độ, chỉ cao hơn khả năng của trẻ một chút để các bé có cố gắng vượt lên chứ không bao giờ quá khó khiến trẻ phải nỗ lực mới đạt được.
Phương pháp dạy : Tất cả các phương pháp đều có phần nhắc nhở hay gợi ý cho trẻ. Dù tên gọi khác nhưng bản chất thì giống nhau : Đó là sự làm mẫu để trẻ có thể đoán biết và cầm tay chỉ việc rồi giảm dần . Hay là sự nhắc nhở dựa vào những gợi ý của môi trường, như ban đầu thì đặt gần, rồi tăng dần khoảng cách .
Các yếu tố tác động :
Yếu tố khích lệ ; Các chương trình đều có sự khích lệ một cách đa dạng , từ việc tương tác với trẻ, cho đến việc khen thưởng, cho vật hay điều trẻ muốn.. điều này khiến cho trẻ thấy mình có năng lực nhiều hơn.
Ví dụ như hai mẹ con chơi trò chuyền bóng mà trẻ rất thích, thì khi trẻ thực hiện được một nội dung học nào đó (trẻ nhìn sang mẹ hoặc trẻ nói “mẹ chuyền bóng cho con” – tùy mức độ của trẻ), mẹ sẽ truyền bóng. Việc được chơi với mẹ, được đến lượt chuyền bóng chính là yếu tố khích lệ cho con.
Yếu tố tương tác một cách phù hợp, và tận dụng các cơ hội dạy tự nhiên .Các tương tác phù hợp gồm nhiều yếu tố. Người can thiệp thường nói chuyện với trẻ theo qui tắc “cộng 1”, tức là hơn mức trẻ giao tiếp một chút.
Ví dụ, nếu trẻ mới chỉ nói được từ đơn thì người can thiệp chỉ nên dùng từ đơn và cụm 2 từ. Cụ thể, thay vì hỏi “con muốn đọc sách không”, người can thiệp chỉ cần chỉ vào quyển sách, dùng giao tiếp mắt và cử chỉ khuôn mặt để hỏi “đọc sách”, rồi khi con đã bắt đầu nói được cả câu thì người can thiệp cũng nâng mức giao tiếp của mình thêm để vừa dễ hiểu cho con, lại cũng là người làm mẫu mức giao tiếp cao hơn để con học theo.
Kỹ thuật tiệm tiến : tức là sự đan xen các kỹ năng trẻ đã học được với các kỹ năng mới đang học . Một phần để nhắc lại các điều mà trẻ đã học, nhưng chưa thật sự nhớ kỹ nhưng cũng để trẻ dân dần tiếp thu được các kỹ năng mới.
Yếu tố nương theo trẻ : Đây là một yếu tố rất cần thiết và quan trọng đó là dựa vào sở thích của trẻ dể trẻ thích học hơn. Ví dụ, nếu trẻ thích Lego, có thể dùng Lego để dạy màu sắc, dạy bắt chước, dạy đếm, dạy chơi luân phiên.
Việc chơi của trẻ: rất nhiều trẻ lúc đầu chưa chú ý hoặc chơi không phù hợp với đồ vật. Các phương pháp đều bắt đầu với các trò chơi không có đồ chơi, chỉ tương tác giữa bố mẹ/người can thiệp với trẻ để trẻ xây dựng mối quan hệ, và hình thành những kỹ năng giao tiếp đầu tiên như giao tiếp mắt. Hanen gọi là “peole play”, ESDM thì có “sensory social routines” và rất nhiều hoạt động của RDI. Các trò chơi như ngựa phi trên chân bố mẹ, cưỡi ngựa trên lưng bố mẹ, đuổi bắt, chơi với loại ghế bập bênh v.v. thường hấp dẫn trẻ vì đáp ứng được những nhu cầu giác quan của trẻ (có trẻ thích chạy, thích xoay, v.v.) Các chương trình này cũng dễ kết nối với con hơn vì chỉ có tương tác hai chiều giữa con và bố mẹ/cô giáo. Khác với chơi trò chơi còn có sự tham chiếu với vật khác ngoài tương tác giữa con và bố mẹ/cô giáo. Sau khi trẻ đã hứng thú chơi và tương tác với bố mẹ, thì bắt đầu lồng vào chơi đồ chơi phù hợp chức năng, rồi lên chơi giả vờ, v.v.
Loại bỏ các yếu tố xao nhãng: nhiều trẻ tự kỷ có kèm theo rối loạn giác quan, nên khả năng lọc các đầu vào giác quan của trẻ kém hơn. Đôi khi chỉ tiếng ro ro rất nhỏ của tủ lạnh, hoặc loại đèn không phù hợp cũng khiến trẻ không tập trung được. Thậm chí nếu người can thiệp hăng hái nói nhiều quá cũng khiến trẻ quá tải và không có cơ hội giao tiếp, v.v.. Vì vậy thì người can thiệp/bố mẹ thương phải quan sát để biết những đặc điểm riêng của con để điều chỉnh phù hợp, tạo cho con có một môi trường an toàn, thoải mái để tập trung học.
Ngoài các yếu tố trên thì tất các phương pháp đều nhắm đến mục tiêu là Thiết lập mối quan hệ: Các phương pháp như RDI, PRT, ABA/VB, ESDM, Floortime đều bắt đầu từ việc giúp trẻ xây dựng mối quan hệ yêu thương, tin cậy với người dạy. Chỉ khi trẻ tin tưởng người dẫn dắt, có động lực để học hỏi khám phá, thì quá trình học của trẻ mới chủ động và tích cực, trẻ phát triển với tốc độ tốt hơn. Và người có thể thiết lập mối quan hệ tốt nhất với trẻ chắc chắn là bố mẹ, nên các chương trình can thiệp tốt đều nhắm tới việc truyền sức mạnh (kiến thức và kỹ năng) để bố mẹ trực tiếp can thiệp cùng với con và cùng với cả nhóm can thiệp.
Ngoài ra Trẻ còn phải tin tưởng và làm theo sự chỉ dẫn của người can thiệp, tham gia vào tương tác một cách có ý nghĩa. Đương nhiên không phải nghe theo một cách máy móc, áp đặt như những hiểu lầm thường có, mà sự hợp tác để đạt được mục tiêu học. Ngược lại, người dạy cũng tôn trọng và nương theo trẻ, và mở ra các biến thể để trẻ linh hoạt, cũng như tạo điều kiện cho trẻ được khởi xướng. Việc này không dễ, nhất là giai đoạn đầu can thiệp. Vì thường ở các gia đình có trẻ tự kỷ, trẻ gần như kiểm soát nhịp sinh hoạt của gia đình. Không phải trẻ cố tình gây ra điều đó, mà vì những rối loạn về ăn ngủ, các hành vi không phù hợp do con không thể giao tiếp hiệu quả, rồi căng thẳng trong gia đình, v.v.
Các chương trình can thiệp này đều nhắm tới việc giúp trẻ khởi xướng hoạt động, chủ động tương tác, giao tiếp với mọi người. Các chương trình can thiệp cũng cần giúp trẻ làm chủ và lên kế hoạch cho các hoạt động của mình để giúp trẻ khắc phục về chức năng điều hành Ví dụ khi trẻ kết thúc một hoạt động, thì trẻ được phép chọn cho mình hoạt động tiếp theo, rồi dần lên kế hoạch lớn hơn. Trẻ có nhiều cơ hội khởi xướng các hoạt động, xây dựng các mối quan hệ tự chủ hơn.
Một khiếm khuyết khác ở trẻ là trẻ thường cứng nhắc, bó hẹp các hoạt động, và khái quát kiến thức không tốt. Nên bất kể chương trình dạy nào cũng bắt đầu với một mục tiêu, sau khi trẻ đã đạt được mục tiêu đó thì mở rộng ra các biến thể của chính mục tiêu đó trước khi sang một mục tiêu mới để đảm bảo trẻ có thể linh hoạt sử dụng kiến thức vừa học được. Thống nhất nội dung dạy ở các môi trường khác nhau (trường học, ở nhà, v.v.), giữa những người dạy (cô giáo, phụ huynh) để cùng hỗ trợ phù hợp cho tiến triển của trẻ.
Như vậy, chúng ta thấy rằng ngay cả khi áp dụng các phương pháp, điểm cốt yếu không phải là dựa vào từng đặc điểm của phương pháp và chỉ bó hẹp trong phương pháp đó mà là dựa vào 2 yếu tố vô cùng quan trọng đó là sự nhận biết một cách đầy đủ về đứa con và sự tác động tích cực của gia đình .
Một nghiên cứu vừa được thực hiện trong năm 2015 để đo lường hiệu quả của chương trình đào tạo phụ huynh về các chiến lược quản lý hành vi cho trẻ em mắc chứng tự kỷ. Cuộc nghiên cứu được thực hiện trên 180 trẻ em mắc chứng tự kỷ, trong độ tuổi từ 3-7 và cha mẹ của các em. Phụ huynh của 180 trẻ tự kỷ này được chia làm 2 nhóm.
Nhóm thứ nhất được tham dự 1 chương trình đào tạo về can thiệp hành vi. Chương trình đào tạo gồm 11 buổi đào tạo từ 60-90 phút, thực hiện trong vòng 16 tuần với 1 nhà chuyên môn. Họ được hướng dẫn các chiến lược quản lý hành vi đối với các hành vi không phù hợp như cơn bùng nổ, cáu giận, tự gây thương tích và từ chối hợp tác. Sau đó, phụ huynh được hỗ trợ thông qua việc tư vấn qua điện thoại trong vòng 2 tháng kể từ khi kết thúc khoá học.
Nhóm phụ huynh thứ hai (gồm 91 người) được tham gia 1 chương trình khác, có tên là “đào tạo phụ huynh” gồm 12 buổi học và 1 buổi làm việc tại gia đình. Trong suốt các buổi học này, phụ huynh được dạy về các nội dung như thế nào là tự kỷ, các dịch vụ hỗ trợ trẻ tự kỷ, nhưng không có nội dung nào liên quan đến quản lý hành vi.
Trước và sau đợt đào tạo cho phụ huynh, các chuyên gia thực hiện đánh giá về hành vi không phù hợp ở trẻ sử dụng hệ thống thang đo được tiêu chuẩn hoá.
Kết quả là toàn bộ nhóm trẻ đều cho thấy sự cải thiện, tuy nhiên, nhóm trẻ có bố mẹ được đào tạo chuyên về quản lý hành vi đã có sự tiến bộ tốt hơn rõ rệt.
Tiến sĩ Kara Reagon – 1 đại diện của Autism Speaks nhận xét “Đây thực sự là một bước tiến lớn, nghiên cứu này cho chúng ta thấy rằng việc chỉ dạy cho cha mẹ hiểu về tự kỷ là chưa đủ. Họ còn cần được trợ giúp tại nhà và trong cộng đồng và đang có một nhu cầu rất lớn trong việc triển khai các khoá đào tạo hiệu quả hơn dành cho phụ huynh”.
Như vậy, rõ ràng là rất cần sự tham gia của các phụ huynh trong các khóa học, không phải chỉ là để biết về chứng tự kỷ, biết về các trẻ đặc biệt mà còn phải nhận biết các kỹ năng tác động vào đứa con của mình với sự hỗ trợ của các nhà chuyên môn . Để can thiệp một cách có hiệu quả phải có sự phối hợp một cách tích cực của phụ huynh – giáo viên – chuyên viên, vì không phải chỉ là những kiến thức kỹ năng tại nhà trường mà là chính trong môi trường sống mà đứa trẻ phải được phát triển một cách đầy đủ nhất . Đó chính là gia đình các em .
Làm cha mẹ của một đứa trẻ đặc biệt là một thử thách. Nhưng, là cha mẹ bạn hãy cố gắng để thực hiện những gì bạn có thể làm để đạt được những tiến bộ ngày càng phát triển cho con của mình chứ không “đứng yên một chỗ” so với việc bạn chỉ gửi bé đến trường và giao hoàn toàn cho các giáo viên chăm sóc, cho dù đó là một ngôi trường chuyên biệt với một chương trình tốt.
Dưới đây là 10 lời khuyên hướng dẫn bạn có thêm kinh nghiệm trong việc dạy trẻ
Giáo dục bản thân: Bạn cần phải tự giáo dục mình về vấn đề này, biết vận dụng các nguyên tắc đúng cách và trong thời gian sớm nhất nhưng với một sự kiên trì.
Những nguy cơ Tự kỷ thường được phát hiện trong 3 năm đầu đời của một đứa trẻ, vì vậy các chuyên gia cho rằng phát hiện sớm, can thiệp và điều trị tích cực là chìa khóa để giúp đỡ trẻ em mắc chứng tự kỷ phát triển tiềm năng bản thân. Vì vậy, phụ huynh nên nói chuyện với chuyên gia về các phương pháp điều trị tốt nhất có sẵn, hãy đọc tất cả các thứ bạn có thể, cố gắng tìm hiểu các triệu chứng và nguyên nhân của nó, giao tiếp với cha mẹ khác và các chuyên gia đã trải qua những kinh nghiệm và cùng chung nhận thức về tất cả các biện pháp cho con của bạn để cho trẻ có những yếu tố và điều kiện giáo dục tốt nhất.
Tập trung vào năng lực của con bạn: Bạn có thể nghĩ rằng con bạn khác biệt, sau đó chấp nhận sự khác biệt đó và thay đổi nhận thức của bạn, xem xét những phương cách giúp con em của bạn và những gì nó có khả năng. Trẻ có thể không có khả năng giao tiếp tốt và kỹ năng ngôn ngữ, nhưng có thể được đánh giá cao năng khiếu về toán học, nghệ thuật hay âm nhạc. Cho con tiếp xúc với những lĩnh vực đó để có thể nâng cao kỹ năng của mình và làm cho nó trở nên tốt nhất trong điều kiện có thể.
Tạo một ngôi nhà với môi trường an toàn: Bạn hãy tạo ra những khu vực an toàn trong nhà, đặc biệt nếu con bạn dễ nổi nóng, hay ném đồ chơi hoặc nếu trẻ cứ làm tổn thương mình. Sắp xếp cho con một không gian riêng trong nhà, nơi con có thể cảm thấy an toàn, thư giãn và thoải mái. Nhưng điều đó không có nghĩa là trẻ muốn làm gì thì làm, ở bất cứ chỗ nào trong nhà, mà phải là một khu vực riêng. Trẻ được tự do ở khu vực đó, nhưng ở phòng khách và đặc biệt là nhà bếp thì dứt khoát là không.
Tạo một số thời gian cho không khí vui nhộn: trẻ em rối nhiễu ( Hiếu động hay tự kỷ ) cần phải có sự vui vẻ và hưởng thụ nhiều trong hoạt động hàng ngày giống như những đứa trẻ khác. Tìm cách để chơi và vui chơi cùng nhau. Ví dụ, bạn có thể tạo một số trò chơi hoặc có thể cố gắng để giải trí với con bằng cách hát trong khi tắm.
Lịch trình hàng ngày: Trẻ em đặc biệt cần lập kế hoạch và hoạch định thường xuyên trong cuộc sống. Cố gắng không có những thay đổi bất ngờ trong kế hoạch hoạt động hoặc bất cứ điều gì có liên quan đến lịch trình tác động của con. Mọi thứ trong nhà cần ổn định và giữ yên trong một thời gian dài.
Hãy nhất quán trong hành vi của bạn: Tạo ra sự nhất quán trong môi trường của bạn là cách tốt nhất để tăng cường khả năng học tập. Tìm hiểu những gì con bạn đang trị liệu và tiếp tục các kỹ thuật được học ở nhà. Ví dụ, con bạn có thể sử dụng một số từ ngữ để giao tiếp thì ta sẽ cố giúp con để làm cho các cuộc trao đổi dễ dàng hơn, hãy thử sử dụng lại các từ ngữ này bất cứ khi nào bạn nói chuyện với con bạn.
Có sự hiểu biết với chế độ ăn uống của con: Chế độ ăn uống mà một số phụ huynh thấy là hữu ích là một chế độ ăn uống không có nhiều chất gluten và chất casein. Gluten là một chất tìm thấy trong lúa mì, lúa mạch đen, yến mạch và lúa mạch ( cụ thể là trong bột mì, bánh mì ). Casein là protein chủ yếu trong các sản phẩm sữa. Nếu bạn quyết định thử một chế độ ăn uống nào đó cho một khoảng thời gian nhất định, hãy nói chuyện với bác sĩ nhi khoa hay chuyên gia dinh dưỡng có kinh nghiệm. Tình trạng dinh dưỡng của con bạn phải được theo dõi, đánh giá và đo lường cẩn thận.
Làm cho con của bạn ngày càng tự chủ hơn. Hãy tập luyện cho con bạn biết tự chăm sóc bản thân và ngày càng có thể tự làm một số hoạt động cá nhân mà không cần nhiều sự hỗ trợ của bạn. Hãy để con học cách ăn một mình, mặc quần áo và chọn những gì mà nó thích. Ví dụ, khi bạn đi mua sắm, hãy để trẻ có thể chọn một số trái cây mà nó thích; hãy tập cho con biết gấp quần áo và để đồ chơi của mình trở lại vị trí ban đầu.
Hãy cố gắng, cũng như can thiệp ở nhà: Bất cứ đứa trẻ đang được hướng dẫn tại các cơ sở tư vấn hoặc điều trị, cũng nên tiếp tục thực hiện ở nhà những biện pháp tại các cơ sở này để có một “dòng chảy” của hành vi đối với trẻ; không chỉ của giáo viên trường học hay ở trung tâm trị liệu, mà còn từ phía bạn ở nhà. Lập một cuốn sổ nhỏ để ghi lại những điều mà bạn sẽ làm gì với con của bạn ở nhà. Tạo cơ hội cho con em của bạn để thực hành những kỹ năng mà con đã học được. Ghi lại sự tiến bộ của con em và không quên khen thưởng hành vi của con để thể hiện sự đánh giá của bạn. Hãy hỏi thăm chương trình dạy ở các cơ sở nơi con bạn theo học. Nếu cơ sở không chịu hay không thể cung cấp tài liệu và hướng dẫn cho bạn, bạn nên tìm đến một cơ sở phù hợp với yêu cầu này. Vì giao dục trẻ luôn luôn phải là một sự phối hợp tốt giữa nhà trường và gia đình.
Hãy sống tốt: cuối cùng nhưng không phải là kết thúc, bạn cũng xứng đáng được nghỉ ngơi! Vì vậy, hãy có những thời gian để thư giãn! Đối phó với trẻ em rối nhiễu thì việc chăm sóc hay giáo dục suốt cả ngày là một nhiệm vụ khó khăn và thực sự là một việc lớn để hiểu được hành vi của con và đối phó với chúng. Vì vậy cha mẹ cũng cần nghỉ ngơi. Giữ vững những hoạt động thể chất bạn thích. Ăn một chế độ ăn uống cân bằng và một trọng lượng bình thường. Nơi ở phù hợp và lành mạnh là điều cần thiết để giữ gìn sức khỏe thể chất và tình cảm của bạn và để có thể chăm sóc cho một đứa trẻ với nhu cầu đặc biệt!
Có làm cha mẹ nghĩa là niềm vui với nhiều trách nhiệm. Nhưng, cha mẹ trẻ đặc biệt dường như mất tất cả nụ cười tươi với những áp lực này. Vì vậy đừng bao giờ nên bi quan về tình trạng của con mình và hãy tự nhủ, mình đã đang và sẽ làm được rất nhiều điều tốt đẹp cho con.
CvTl Lê Khanh
Dựa theo tài liệu (Utas-AUSTRALIA/Health Science)” Autism – Top 10 Parenting Tips”
Trong một cuộc hội thảo quốc tế về tâm lý học đường, có một báo cáo về lĩnh vực sức khỏe tâm thần với nội dung là khảo sát sự quan tâm của người dân về các loại bệnh trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần. Kết quả là 3 loại bệnh được sự quan tâm nhất là : Trầm cảm – Tự kỷ và Tâm thần phân liệt. Điều này cho thấy, quan điểm cho rằng Tự kỷ là một loại “bệnh tâm thần” vẫn là điều khá phổ biến dù cho đã biết bao nhiêu thông tin từ các chuyên viên đề nghị không xem tự kỷ là một căn bệnh mà là một hội chứng rối loạn phát triển lan tỏa ( sách DSM IV –TR năm 2000 ) Còn sách DSM – V ( 2013 ) thì lại xem tự kỷ là những rối loạn – suy kém trong giao tiếp xã hội. Nghiên cứu cho thấy có từ 75-88% trẻ Tự kỷ đã bộc lộ những rối loạn trong 2 năm đầu đời và có 31-55% biểu hiện triệu chứng trong năm đầu tiên ( Young&Brewer 2002). Như vậy có đến gần một nửa trẻ tự kỷ được chẩn đoán phát hiện trong năm đầu tiên của cuộc sống. Trong khi các chứng bệnh về tâm thần như trầm cảm và Tâm thần phân liệt là những bệnh do các yếu tố bên ngoài tác động vào trẻ khi trẻ đã có nhận thức, khiến cho một trẻ bình thường trở nên rối loạn tâm thần và có thể điều trị bằng thuốc cùng các trị liệu tâm lý cho đến khi khỏi bệnh.
Gần đây, một trong những quảng cáo liên quan đến chứng Tự kỷ ( ASD) và chứng tăng động giảm chú ý (ADHD), có một đơn vị “tổ chức sự kiện” đã cố thuyết phục người xem là chứng này có thể điều trị được, để mời họ đến với một loạt các cuộc hội thảo giới thiệu những biện pháp “trị liệu” không dùng thuốc của một Gs người Mỹ. Họ xem Tự kỷ hay hiếu động là những “căn bệnh” có thể điều trị từ 4 – 6 tháng là có thể đạt kết quả. Trong khi đứng trên phương diện khoa học thì ai cũng hiểu là Tự kỷ và tăng động giảm chú ý là hai hội chứng hoàn toàn khác nhau, mặc dù có một số biểu hiện giống nhau. Chỉ cần có một chút “suy nghĩ” thì với một liệu pháp thần kỳ như thế, tại sao GS này không đứng ra “điều trị” ngay cho các trẻ em Mỹ, nơi tỷ lệ trẻ tự kỷ cao vào hàng đầu thế giới để được vinh danh, mà phải lặn lội qua đến Việt Nam để cố thuyết phục và hướng dẫn phụ huynh trẻ Tự kỷ với mức chi phí không thể rẻ hơn?
Ngoài ra còn hàng loạt các cơ sở “ khám chữa bệnh” khác, cũng cố gắng gán ghép việc điều trị bằng phương pháp của mình cho các trẻ “ mắc bệnh” Tự kỷ , giúp các bé có thể “khỏi bệnh” trở về với cuộc sống bình thường” để “ hội nhập với xã hội” .
Một trong các quốc gia có tỷ lệ trẻ tự kỷ vào hàng cao nhất thế giới là Mỹ , với tỷ lệ 1/68 trẻ ! thì tại sao cả một hệ thống các phòng thí nghiệm, các cơ sở dược phẩm và các nhà Y khoa hàng đầu trong hàng chục năm vừa qua, lại không lao đầu vào việc nghiên cứu để bào chế ra một loại thuốc hay một phương pháp trị liệu hiệu quả ? bởi vì họ hiểu điều đó là vô ích. Do đó họ chỉ tập trung công sức vào việc hình thành các phương pháp can thiệp qua giáo dục để giúp trẻ tự kỷ phát triển khả năng giao tiếp, học tập và lớn lên với chứng tự kỷ của mình ! Thậm chí là sau hàng loạt các phương pháp ra đời , có những phương pháp thống trị hàng chục năm đã giúp cho cả trăm ngàn trẻ tiến bộ, thì cho đến nay người ta vẫn thấy cần phải có một biện pháp phối hợp giữa các phương pháp mới có thể đem lại những hiệu quả tốt hơn. Đến nay, người ta đã đưa ra được 27 liệu pháp được xem là có cơ sở khoa học ! Vậy thì sẽ chọn cái gì để dạy hay là tìm cách dạy trẻ hết các phương pháp trên cho chắc ăn?
Đồng thời với một hệ thống đào tạo bài bản, cung cấp cho xã hội hàng loạt các chuyên viên trong các chuyên ngành, từ Vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, hành vi tri liệu, âm ngữ trị liệu … cho đến các giáo viên giáo dục đặc biệt được đào tạo bài bản, thì người ta vẫn không thể phủ nhận một vai trò quan trọng trong khuôn khổ một chương trình trị liệu, đó chính là năng lực và sự tác động của phụ huynh trên hành vi của trẻ, hay nói cách khác thì phụ huynh mới chính là chuyên viên và giáo viên tốt nhất cho con mình. Vậy thì đưa con đến giáo viên và nhà trường chuyên biệt hay phụ huynh sẽ đứng ra tự xử ?
Nếu thế thì một phụ huynh có thể tham gia một số khóa học huấn luyện về một phương pháp hay một kỹ thuật nào đó, có thể qua tận Mỹ để học trực tiếp. Sau đó quay về và mở lớp huấn luyện lại các kỹ thuật mà mình đã học ? Điều này có vẻ hợp lý, vì sau khi học thì họ sẽ về để áp dụng lên chính con mình, đem lại một số kết quả nhất định. Với kết quả đó, họ hoàn toàn có thể dạy lại các phụ huynh khác, chỉ với một điều kiện quan trọng là tình trạng của con họ giống như tình trạng của các trẻ khác ! Nhưng đáng tiếc là trên thực tế thì chưa hề có một trẻ tự kỷ nào có một tình trạng rối loạn giống với một trẻ khác, mặc dù là các biểu hiện đều có vẻ giống nhau . Nó cũng như các dấu vân tay, trông thì có vẻ giống nhau, và chỉ có 4 kiểu vân tay chính , thế nhưng với dân số là trên 7 tỷ người trên trái đất, ở mọi châu lục, hầu như chưa có hai người có các vân tay giống hệt nhau ! Như vậy, áp dụng cùng 1 phương pháp với những kỹ thuật giống nhau để trị liệu cho những tình trạng, mức độ khác nhau, thì hiệu quả chỉ là hên xui, và cái giá để có sự hên xui thì lại không hề rẻ !
Như vậy nếu chúng ta quyết giữ nhận thức, gọi Tự kỷ là một chứng bệnh , để suy ra là có thể “điều trị” bằng một hay vài phương pháp nào đó, và khi thấy một phụ huynh đã “ chữa được” cho con mình ( không biết chắc có phải tự kỷ hay không ? ) để đem con “trở lại thiên đường” như các trẻ bình thường, thì cho rằng họ có thể dạy lại cho các phụ huynh khác để các phụ huynh này mang những kỹ thuật đó về áp đặt lên con mình , rồi mong mỏi con mình cũng có thể hết bệnh, trở lại với cuộc sống bình thường , có thể đi học hòa nhập với áo trắng quần xanh và chiếc cặp trên tay, liệu có phải là biện pháp tốt nhất ? Hay chỉ khiến cho trẻ phải ngồi trong một lớp học và cô đơn giữa một đám trẻ cùng trang lứa ?
Một ước mơ đơn giản đẹp đẽ và hợp tình hợp lý ! vì thế mặc cho một số nhà chuyên môn , và cả một số phụ huynh, giáo viên có ý thức vẫn khản cổ kêu gọi đừng gọi tự kỷ là một chứng bệnh, hay khi chẩn đoán dù có thể cẩn thận ghi là “một chứng bệnh không chữa được”! Nhưng vẫn hình thành trong tâm thức của các bậc cha mẹ… Ừ thì bây giờ không chữa được, nhưng đã gọi đó là bệnh thì tất yếu là sẽ phải tìm ra phương thuốc chữa chứ ! Ngay cả như cái căn bệnh thế kỷ là HIV mà còn ngăn chặn được kia mà ? Đúng là bệnh thì trước sau gì cũng có thể chữa được ! Nhưng chữa được bệnh này thì lại lòi ra bệnh khác. Còn hội chứng tự kỷ thì ngày càng có nhiều trẻ “bước vào” mà người “bước ra” thì hầu như là một thiểu số, lắm khi nếu xem lại , đánh giá và chẩn đoán một cách cẩn thận thì đó lại không phải tự kỷ, mà trẻ chỉ có một số triệu chứng giống như tự kỷ ! Vì thế có thể “chữa được”! Còn trẻ Tự kỷ thực sự thì “chưa thấy ra” !.
Nói tới nói lui, rốt cuộc là bó tay sao ? Không – vấn đề là cách nhìn nhận và các liệu pháp tác động ! Có thể nói, điều chính yếu là phải có sự chẩn đoán xác định, sau đó là cần các yếu tố sau:
– Một sự tìm hiểu quan sát cẩn thận một cách toàn diện trẻ để tìm ra những đặc điểm thuận lợi và khó khăn của trẻ , từ đó rút ra các biện pháp tác động phù hợp với chính trẻ ấy.
– Một sự chấp nhận vô điều kiện các khó khăn của con mình, không tìm cách cắt đứt các hành vi rối loạn của trẻ mà hãy tìm hiểu tại sao trẻ lại làm như vậy, để tìm cách nâng đỡ, chuyển hóa cái nguyên nhân gây ra các điều đó, giúp trẻ có sự thoải mái, vui vẻ để không còn phải có những rối loạn vì lo lắng đó nữa. Điều này cần thời gian, sự kiên nhẫn và cảm thông.
– Một môi trường sống mà trong đó trẻ được làm các điều mình thích, phát triển các kỹ năng cá nhân để hình thành lòng tự tin, nhu cầu tương tác. Chính các hoạt động thường ngày tại gia đình mà ta có thể gọi đó là phương pháp “việc nhà trị liệu” sẽ là nền tảng cho một nhu cầu giao tiếp sẽ từng bước hình thành trong tâm lý trẻ.
Chúng ta thấy rằng, chưa có thời kỳ nào mà các em học sinh bình thường lại bị “ hành” cả thể xác và tâm trí như trong nền giáo dục hiện nay, và kết quả là cũng không thiếu các trẻ bị trầm cảm, rối loạn hành vi và có những triệu chứng như tự kỷ. Vậy thì tại sao chúng ta lại cố ép trẻ tự kỷ vào một môi trường mà lắm trẻ bình thường đang phải “ vùng vẫy” để thoát ra ? Phải chăng trẻ tự kỷ khi đã được “ trị liệu” sẽ giỏi chịu đựng hơn cả trẻ bình thường ?
Như vậy một đứa trẻ “ở cõi trên” có thể từng bước “đi vào” không phải là ngôi trường học để học những luật lệ giáo điều, mà là bước vào một không gian sống của các em. Một môi trường mà các em được :
– Thấu hiểu mọi khó khăn, nâng đỡ mọi năng lực, khuyến khích mọi sở thích.
– Chấp nhận mọi hành vi, tôn trọng mọi thái độ, hướng dẫn mọi kỹ năng.
Bao giờ các em được xem là một “ con người tự kỷ” và chúng ta sẽ giúp cho các em không phải nỗ lực leo lên từng bậc thang để vói lên trên bước đường học tập, mà là sự “ bước xuống” để nắm lấy tay của các em để cùng “ đồng hành” với sự tôn trọng các em. Thì chừng đó, chứng tự kỷ sẽ không còn là một nỗi ám ảnh khủng khiếp, không còn là một căn bệnh mà bố mẹ phải bán cả nhà đi để điều trị cho con. Bởi vì đó chỉ là một đứa trẻ “đặc biệt” khác ta !
Cha mẹ thay vì tốn cả trăm triệu hay cả tỷ đồng để cố gắng “biến đổi” “sửa chữa” “ điều trị” bằng đủ loại phương pháp “ trời ơi đất hỡi” một điều không thể, thì hãy đầu tư một môi trường thoải mái, một không gian sống tích cực cho các em, tại chính ngôi nhà của mình và hãy đưa các em đến sân chơi của các em chứ không phải là của người lớn với những khuôn mẫu và luật lệ bắt đầu với chữ “không được” và “phải làm”. Đó sẽ là nơi các em “cho phép” người lớn có thể chơi với mình qua những thứ mà mình thích ! từ đó sẽ tạo nên một mối tương giao lành mạnh.
Chính trò chơi một cách tự do sẽ thúc đẩy mọi nhu cầu phát triển của trẻ để từng bước các em sẽ biết “cách chơi”, và sẽ dạy phụ huynh “cách chơi” để mọi người đều hiểu “luật chơi” rôi cùng chơi với nhau. Bởi vì xét cho cùng thì cuộc đời cũng chỉ là một Trò Chơi với những kẻ chơi một cách sòng phẳng hay chơi một cách gian lận! Chúng ta sẽ chơi như thế nào ?
CVTL LÊ KHANH