CẦN HIỂU RÕ VẤN ĐỀ THỦ DÂM Ở TRẺ EM
16/10/2021
NẾU DẠY  XIN ĐỪNG…DỌA !
08/12/2021
CẦN HIỂU RÕ VẤN ĐỀ THỦ DÂM Ở TRẺ EM
16/10/2021
NẾU DẠY  XIN ĐỪNG…DỌA !
08/12/2021

Có lẽ trong chúng ta – ai cũng thừa nhận tình trạng Rối loạn Phát Triển là một trong những rối loạn phức tạp nhất trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần.  Điều phức tạp đầu tiên là nguyên nhân phát sinh vấn đề này ở trẻ. Cho đến nay, sau gần 100 phát hiện và nghiên cứu, vẫn chưa thể xác định được đâu là nguyên nhân chủ yếu  dẫn đến tình trạng này. Điều phức tạp tiếp theo là những thuật ngữ sử dụng trong lĩnh vực chẩn đoán – đánh giá – trị liệu và can thiệp. Có quá nhiều các biện pháp được vận dụng, nhưng chưa có biện pháp nào có thể giải quyết triệt để và hiệu quả, nếu không có sự phối hợp với các biện pháp khác một cách phù hợp. Tiếp theo là có quá nhiều thuật ngữ mà ngay cả một số nhà chuyên môn và hầu hết các đối tượng có liên quan vẫn chưa hiểu rõ một cách thấu đáo để  đưa vào áp dụng đúng lúc, đúng nơi và đúng đối tượng!  Một điều phức tạp nữa là vẫn chưa có một định hướng phát triển nào được xem là hợp lý và hiệu quả ! Ai cũng biết đây là những rối loạn không thể phục hồi hoàn toàn, nhưng ai cũng hy vọng sẽ tìm ra biện pháp chữa trị hiệu quả để đưa một đứa trẻ trở về trạng thái bình thường! Và điều phức tạp tạm gọi là cuối, là có lẽ hiếm có một lĩnh vực nào có quá nhiều nhà chuyên môn và các đối tượng hỗ trợ tham gia trong lĩnh vực này .  Các khu vực Y tế – Giáo Dục – Tâm lý và cả Xã Hội  đều có mặt cùng với hàng trăm nghìn tài liệu qua sách vở và trên không gian mạng!

Trong cái sự phức tạp ấy, may thay vẫn nổi lên được một số điều đơn giản trong hệ thống trị liệu – can thiệp – giáo dục – phục hồi phức tạp này. Đó là hoạt động CHƠI bao gồm 3 thành tố : VUI CHƠI – TRÒ CHƠI và ĐỒ CHƠI !  Đùa nhau chắc ? Trị liệu nghiêm túc, mướt mồ hôi sôi nước mắt mà còn chưa ăn thua , bây giờ đem chuyện giỡn chơi vào và xem là biện pháp can thiệp – trị liệu hiệu quả !

Xưa nay, ăn sâu vào tâm trí chúng ta, những người lớn hay đúng hơn là những người đã quên mất tuổi thơ – không tính đến các bác ngây thơ cụ, nghĩa là giả vờ làm trẻ con ! Thì có mấy ai còn nhớ được điều gì là quan trọng nhất với một đứa trẻ ? Dinh dưỡng hay học tập ? Không đâu, đó chính là VUI CHƠI ! Còn chuyện dinh dưỡng và học tập  cho đứa trẻ, chỉ là sự quan trọng của người lớn theo kiểu suy bụng ta ra bụng người! để áp đặt lên trẻ con cái mệnh lệnh : Học, học nữa, học mãi theo ý người lớn!

Có thể nói, một đứa trẻ không kết thúc giai đoạn trẻ thơ của mình ở lứa tuổi dậy thì hay trên 18 tuổi, mà điều đó chỉ kết thúc khi nó không còn muốn và không còn biết chơi đùa !  Người lớn đã thành công khi làm đứa trẻ mất đi niềm vui trong cuộc sống khi áp đặt những mục tiêu học tập, đôi khi vượt quá mức chịu đưng của một tâm hồn ngây thơ!  Và rồi người lớn cũng đã phải gánh chịu hậu quả khi chứng kiến những rối loạn tâm lý ở đứa con yêu quý của mình, do chính những kỳ vọng của mình.

Tại sao Trò chơi lại là điều quan trọng với một đứa trẻ ? Bởi vì nếu không quan trọng thì nó đã không được xem là một yếu tố KHÔNG THỂ THIẾU trong hầu hết các phương pháp chính thống, có cơ sở khoa học được vận dụng vào việc can thiệp cho một đứa trẻ đặc biệt! Điều này, nếu ai có sự hiểu biết và đào tạo nghiêm túc đều biết !  Thậm chí, một trong những chuyên ngành trong lĩnh vực  Giáo dục Đạc Biệt là Hoạt động trị liệu  đã xem Trò chơi như một biện pháp chính yếu khi áp dụng cho các đối tượng – Có thể nói, đây là một chuyên ngành quan trọng và cần thiết cho hầu hết các trẻ đặc biệt bởi vì nó có thể đáp ứng và giải quyết hầu hết các nhu cầu để phát triển cho một đứa trẻ thông qua một hoạt động đơn giản là Vui Chơi có chủ đích !

Hoạt động trị liệu ( Occupational Therapy ) là việc sử dụng những hoạt động có ý nghĩa nhằm giúp cho đứa trẻ học hỏi và phát triển các kỹ năng đê có thể tham gia các hoạt động hàng ngày – Đây là những Công việc . Nó bao gồm các hoạt động ăn, ngủ -– giải trí và tự phục vụ . Và tất cả công việc này được thông qua việc Vui chơi – Đó là công việc quan trọng đối với đứa trẻ , và các chuyên viên Hoạt động Trị liệu là những người hướng dẫn các em, với cha mẹ cùng nhau tham gia những hoạt động chơi đùa phù hợp với nhu cầu cá biệt của từng đứa trẻ để giúp các em phát triển.

Tại sao lại là Vui chơi – bởi vì đó chính là hoạt động chủ đạo trong suốt thời thơ ấu của một đứa trẻ, Vui chơi không chỉ là niềm vui và trò chơi mà còn là nền tảng cho sự phát triển toàn diện, sức khỏe và hạnh phúc !  Có thể nói chơi đã bắt đầu ngay ở một đứa trẻ sơ sinh để giúp cho trẻ khám phá môi trường và biết tương tác với các sự vật và những người xung quanh.  Chơi tác động đến các vận động tinh và thô, giúp trẻ biết xử lý cảm giác vì khi chơi, trẻ sẽ biết vận dụng các cơ bắp và sự chú ý, tập trung để phát triển cơ thể và xây dựng các kỹ năng sống để từ đó có thể hòa nhập với gia đình và có thể bước ra ngoài xã hội.

Khi quan sát một đứa trẻ đặc biệt, chúng ta sẽ thấy vấn đề gì nổi bật nơi trẻ ?  Ngoài những khó khăn về giao tiếp, tương tác, vận động, xử lý giác quan thì một hành vi được bộc lộ rõ nét, đó là hầu như các em không biết cách chơi, không biết sử dụng đồ chơi theo chức năng của chúng và không biết chơi với những đứa trẻ hay những người khác. Biện pháp trị liệu đơn giản ở đây là biết dựa theo nhu cầu và sở thích của trẻ để giúp trẻ phát triển thông qua chơi ! đặc biệt là các trò chơi phát triển giác quan và vận động. Các biện pháp này được giới thiệu và hướng dẫn một cách đơn giản nhưng không kém phần chi tiết qua một tác phẩm .

Tác giả tác của cuốn sách nói về chơi này  là Tiến sĩ Heather Ajzenman là Ts chuyên ngành Hoạt động Trị liệu của ĐH Washinton ( Saint Louis ) năm 2012 . Bà cũng là một chuyên gia về chương trình DIR Floortime ( Chơi trên sàn ) và phương pháp Ngựa Trị Liệu !  ( Sử dụng Ngựa để tạo sự tự tin và nối kết với trẻ Đặc Biệt ) .  Với những kinh nghiệm lâm sàng trong việc can thiệp cho trẻ em và cả người trưởng thành, Bà đã đúc kết qua tác phẩm NHỮNG BÀI THỰC HÀNH HOẠT ĐỘNG TRỊ LIỆU DÀNH CHO TRẺ –    Đây là một số ít trong những tài liệu viết cho trẻ đặc biệt với văn phong giản dị, dễ hiểu qua việc chuyển ngữ của cô Trần Thị Việt Hà.  ( Nhà Xuất Bản Thế Giới  & Rockridge Press ) ấn hành năm 2021.

Có thể nói, đây là một cẩm nang mang tính thực hành cao vì nội dung chính là giới thiệu với các Giáo viên và phụ huynh của trẻ đặc biệt qua các hoạt động vui chơi trong 100 Bài tập với ba đặc điểm :

  • Phù hợp với từng trẻ : Mỗi chương trình đều bắt đầu với những hoạt động đơn giản nhất và tăng dần độ phức tạp với các chỉ dẫn hữu ích .
  • Không yêu cầu kinh nghiệm : Từ các trò chơi với bóng hay trò chơi đi tìm kho báu, hầu hết các hoạt động đều có thể thực hiện với những vật dụng bình thường trong nhà.
  • Hữu ích cho mọi độ tuổi : Dù là thiết kế cho trẻ từ 1 – 6 tuổi, nhưng qua các trò chơi này sẽ giúp cho mọi trẻ đều có thể phát triển và cho người lớn có cơ hội để quay về với thế giới tuổi thơ.

Cuốn sách có 5 chương : Chương Một nói về Hoạt động trị liệu cho trẻ. Chương Hai Là các trò chơi giúp trẻ xử lý Cảm giác. Chương ba là trò chơi phát triển Vận động. Chương bốn là Trò chơi xây dựng cảm xúc Xã hội – Chương năm là các kỹ thuật xử lý hình ảnh và nhận thức.  Như vậy, chúng ta thấy rằng thông qua một hoạt động Đơn Giản là tổ chức trò chơi cho trẻ đặc biệt, chúng ta có thể giúp cho các em cải thiện và phát triển hầu hết những khó khăn phức tạp của mình . Đây là điều không phải một phương pháp Can thiệp nào cũng có thể giải quyết rốt ráo .

Trong hành trình đi tìm một biện pháp có hiệu quả, đặc biệt là với tình trạng khó có thể đưa trẻ đến các Trung Tâm trị liệu và can thiệp như hiện nay,  thì vai trò của Phụ huynh lại càng được xem trọng.  Nhưng Phụ huynh đâu phải là các nhà chuyên môn được đào tạo bài bản, hay chí ít cũng phải có kinh nghiệm và kiến thức như các giáo viên đặc biệt ! Chính những suy nghĩ đó đã vô tình tạo ra những rào cản khi bố mẹ muốn bước vào công việc can thiệp – giáo dục cho con em mình. Tạo tâm lý ỷ lại mong chờ cho đến khi nào các trung tâm mở cửa thì lại tiếp tục “ Trăm sự nhờ Thầy Cô “

Chúng ta có thể không Trị liệu được những rối nhiễu của trẻ, cũng không giáo dục được những kiến thức cho trẻ như ở nhà trường hay trung tâm. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể CHƠI với con mình trong thời gian rảnh rỗi tại gia đình, để hỗ trợ con phát triển những kỹ năng cần thiết. Từ chuyện điều khiển các vận động của bàn tay, cánh tay, đôi chân…cho đến việc quan sát, lắng nghe và tập trung chú ý..trẻ đều có thể tiếp nhận qua các Trò chơi với các đồ chơi hết sức đơn giản tại gia đình.  Chính nhờ sự phát triển NỀN TẢNG này sẽ giúp cho trẻ dễ dàng hơn trong các hoạt động Giáo dục và trị liêu sau này.

Hy vọng rằng với tập sách này, thì phụ huynh và cả giáo viên và các nhà chuyên môn sẽ có thêm được những hiểu biết đơn giản nhưng hiệu quả cho việc tiếp cận với các em, qua một hoạt động mà bất cứ đứa trẻ nào cũng thích và cũng cần  : VUI CHƠI  !

CVTL LÊ KHANH – TT Diệp Quang An Giang.

 

 

 

 

 

Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý