Tình huống giáo dục
21/04/2011
Vai trò chuyên viên tâm lý trong trường học Pháp
22/04/2011
Tình huống giáo dục
21/04/2011
Vai trò chuyên viên tâm lý trong trường học Pháp
22/04/2011

Một trong những điều mà các bậc phụ huynh quan tâm nhiều nhất , đó là sự thành công trong việc học của con. Điều đó tưởng chừng khá đơn giản.Nhưng thực tế thì không chỉ là như thế !…

GIÚP CON DẬY SỚM VÀ TẬP TRUNG

Con tôi rất khó có thể thức dậy sớm để đi học cho đúng giờ, làm sao đây ?

Có lẽ, đây là một vấn nạn mà rất nhiều phụ huynh đã gặp phải khi cứ phải chứng kiến cái “màn” oằn oèo người, mắt nhắm mắt mở, gục lên gục xuống trên giường ngủ của trẻ trong khi bố mẹ thì làm đủ cách để bé tỉnh táo. Chắc chắn, đó là một tình cảnh mà không ai mong muốn ! Vậy thì chúng ta phải làm sao ?

Điều đầu tiên là chúng ta phải biết con mình thuộc “típ” người nào ? Thường thì có hai loại người, đó là loại chim sẻ và chim cú, nói cách khác là người có khả năng dậy sớm và loại người thích thức khuya. Tuy điều này ở trẻ em chưa hình thành rõ nét nhưng các em cũng đã có những bộc lộ khả năng ngủ trễ hay dậy sớm của mình ! Vì vậy, nếu thấy con thuộc nhóm “cú mèo” thì đừng nên “nối giáo cho giặc” qua việc để trẻ chơi đùa hay xem TV sau 10g đêm, mà phải tạo điều kiện cho trẻ có thể ngủ sớm.
Việc chơi games, hay xem TV nhiều vào buổi tối là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng thức khuya dậy muộn. Nhưng bố mẹ cần xây dựng một lịch hoạt động hợp lý giữa việc học – việc giải trí và các hoạt động phụ giúp gia đình chứ không chỉ là việc “tắt ngay TV và ngồi vào bàn học”
Chúng ta cũng biết rằng chương trình học tập hiện nay không nhẹ nhàng chút nào, vì thế có nhiều trẻ “ngán” chuyện học đến tận cổ, nên việc trì hoãn đi học mỗi buổi sáng cũng là bình thường. Trẻ sẽ thức dậy không cần gọi nếu đó là sáng chủ nhật hay ngày nghỉ, có tổ chức đi chơi ! Vì đơn giản là cháu không phải đi học !

Vì thế  nên giúp trẻ bằng những cách như :
–       Trẻ thích được bố đưa đi học: Hãy cho trẻ biết là nếu dậy trễ, bố đi làm mất là trẻ sẽ không được bố chở đi học – Trẻ không thích ai đó chở đi học, thì lại cho trẻ biết nếu dậy trễ sẽ phải đi học với người đó !
–       Ta có thể chọc cười, hoặc dùng một vài câu khích lệ vui vẻ nhưng rất kiên quyết để trẻ biết là phải ngồi dậy, rồi sau đó dẫn trẻ ra làm vệ sinh một cách bình tĩnh. Việc đánh phạt có thể làm cho trẻ phải vâng lời trong lúc này, nhưng tình trạng vẫn sẽ lập lại.
–       Tạo cho con sự hứng thú khi đi học qua việc hỏi thăm khi trẻ đi học về, những chuyện về cô giáo, bạn bè …. Tạo cho trẻ có những suy nghĩ tích cực về lớp học của mình.

Con tôi rất hiếu động, hầu như cháu không thể tập trung ngồi yên để học trong vòng 15, 20 phút được – có cách nào giúp cho cháu tập trung được hay không ?

Con người có hai loại tính cách chính là Hướng nội và hướng ngoại, mà đặc điểm của hướng nội là điềm tĩnh và chậm chạp, còn hướng ngoại là nóng nảy và linh hoạt. Vì thế trẻ hiếu động thường là các bé có tính hướng ngoại.  Đây là một tính cách nên không thể thay đổi được mà chỉ có thể hướng trẻ vào các hoạt động hữu ích thay vì bắt trẻ ngôi yên.
Còn tình trạng hiếu động do rối nhiễu tâm lý thường kém theo một số dấu hiệu khác mà đặc trưng nhất là việc chậm nói, hay nói rất ít nhưng lại như con lật đật, không thể tập trung làm bất cứ điều gì, ngay cả trong các trò chơi của trẻ ..v..v Đây chính là cơ sở để giúp bố mẹ phân biệt được đâu là hiếu động do tính cách và hiếu động do rối nhiễu.
Trẻ hiếu động do tính cách thì phát triển ngôn ngữ bình thường, cũng có thể chậm nhưng không quá trễ như trẻ chậm nói. Ngoài ra, trẻ có thể tập trung trong việc chơi những trò chơi ưa thích đến 5 – 10 phút hay hơn, còn trẻ hiếu động do rối nhiễu tâm lý (ta gọi đó là hội chứng  hiếu động kém chú ý – ADHD ) thì không thể tập trung ngay cả trong việc chơi vì trẻ không có hay rất kém khả năng chú ý, từ đó sinh ra hiếu động và cần có những chương trình can thiệp bằng tâm lý thì mới có thể giúp trẻ giảm bớt phần nào tình trạng rối nhiễu này.

Để giúp cho trẻ có thể tập trung hơn vào việc học, chúng ta cần vận dụng các nguyên tắc sau :

–       Tạo hứng thú cho việc học tương tự như một trò chơi
–       Tùy theo độ tuổi, nếu trẻ dưới 6 tuổi thì không nên kéo dài buổi học quá nửa giờ và nên có những lúc nghỉ sau mỗi 10 – 15 phút.
–       Thay đổi nội dung buổi học cho đa dạng hơn, có thể học xen kẽ giữa một vài môn học cho trẻ không nhàm chán.

Ngoài ra, một số yếu tố có thể gây ra những ảnh hưởng đến khả năng tập trung của trẻ :

–       Sự ồn ào : Thật khó có thể tập trung trong một môi trường nhiều tiếng động.
–       Sự bề bộn và nóng bức: Một bàn học bề bộn và một căn phòng nóng bức sẽ rất khó để cho trẻ tập trung.
–       Sự mệt mỏi : Ta cũng cần lưu ý đến tình trạng sức khỏe của bé, tránh việc bắt trẻ phải ngồi vào bàn học ngay sau các bữa ăn.
Nếu áp dụng được những kỹ năng này và khắc phục được những khó khăn nêu trên, chúng ta sẽ giúp cho các em có những điều kiện tốt để cải thiện việc học của mình.

Con tôi hay lơ đãng, học bài cứ quên trước quên sau hoặc khi làm bài thì có khi lại có những sai sót rất vô duyên, làm sao có thể cải thiện được tình trạng trên ?
Việc giúp cho trẻ có khả năng nhớ bài học, làm bài không sai sót là điều mà nhiều người cho rằng cứ bắt trẻ phải học thật thuộc, thật kỹ là  xong. Nhưng lắm khi, trẻ ở nhà thì đọc trơn như cháo, nhưng vào lớp khi đứng lên đọc bài hay làm bài kiểm tra, vẫn quên hay lẫn lộn như thường!
Có thể nói, yếu tố đầu tiên mà chúng ta cần giúp cho trẻ là sự hứng thú hay ít ra là một bầu không khí vui vẻ, thân thiện khi trẻ học bài. Sẽ rất khó cho các em nếu phải học trong sự mắng nhiếc hay chê bai của bố mẹ.
Đi sâu vào chi tiết hơn, thì chúng ta cần giúp các em tìm ra được ý chính của bài, hay có thể viết ra được những điều quan trọng và có thể tóm tắt bài học. Bên cạnh đó các em cần phải hiểu nội dung của bài nói lên điều gì và đâu là trọng tâm của bài học.
Hiện nay, có một phương pháp mà chúng ta có thể giúp con mình nắm bắt được các ý chính của bài đó là xây dựng bài học thành một mạng lưới với trung tâm là ý chính của bài và các nhánh là các yếu tố có liên quan. Nói cách khác, trẻ em không chỉ học bài bằng việc đọc và nhớ các câu chữ mà còn có thể vẽ ra thành một sơ đồ với những hình ảnh, mầu sắc. Chính việc học bằng nhiều giác quan: Vừa đọc, vừa viết, vẽ vừa hình dung bằng các mô hình, các dấu hiệu, sẽ tạo ra những chuỗi liên tưởng và huy động được toàn bộ khả năng của não bộ trong việc học. Trẻ sẽ hiểu nhanh và nhớ lâu hơn.
Bên cạnh đó, việc cho trẻ chơi các trò chơi như quan sát các điểm giống nhau, khác nhau. Ghi nhớ và nói lại những gì mình thấy sau khi đi chơi, hay kể ra những vật đặt trong một cái dĩa ( 5 -7 món ) đã được che lại sau khi nhìn khoảng 30 giây, sẽ giúp cho trẻ gia tăng trí nhớ và sẽ giảm bớt những sai sót không đáng có.

Con tôi thích được vẽ, cứ có tờ giấy nào là vẽ lung tung lên đó, không biết là cháu có năng khiếu vẽ không để tôi có thể cho cháu tham gia các lớp năng khiếu ?

Trẻ em thì thường thích vẽ, cứ 10 em thì cũng phải đến 6 – 7 em là thích tô vẽ rồi. thế nhưng chúng ta cần phân biệt giữa năng khiếu và sở thích vì tuy cả hai đều là nhưng xu thế tích cực nhưng lại rất khác nhau trong việc giúp trẻ phát triển năng lực và nhân cách.
Sở thích thì thường đa dạng trong nhiểu lĩnh vực và mang tính thụ hưởng. Tuy trẻ  vẫn có sự tìm tòi và bầy tỏ nhưng thường chỉ duy trì điều đó khi có được những điều kiện thuận lợi và có thể thay đổi theo thời gian. Còn năng khiếu thường tập trung vào một số lĩnh vực, chủ yếu là trong nghệ thuật hay khoa học và mang tính vận dụng. Trẻ có thể tìm tòi và bầy tỏ ngay cả khi gặp phải những khó khăn, cản trở và thường bất biến với thời gian.
Tuy nhiên, cho dù có năng khiếu mà không được sự rèn luyện thì cũng khó mà có thể phát triển, vì đó là điều kiện hết sức cần thiết. Trái lại, dù chỉ là sở thích nhưng nếu được khuyến khích thì trẻ cũng có thể đạt được những kết quả nhất định. Nhưng, năng khiếu thì thường tạo ra được những tác phẩm mang tính đột phá, sáng tạo còn sở thích thì không.  Vì vậy, nếu trẻ có sở thích thì vẫn nên cho tham gia các lớp năng khiếu, cho dù trẻ không thể nhờ đó mà thành một nghệ sĩ tên tuổi, nhưng qua đó cũng có thể giúp cho trẻ có được những kỹ năng tốt hơn, giúp ích cho việc học như sự khéo léo, khả năng quan sát, óc phân tích, tổng hợp và nhất là trẻ sẽ có được những giờ phút giải trí một cách tích cực và điều này rất có lợi cho khả năng học tập của các em.
Như vậy, qua việc giúp cho trẻ có thể dậy sớm, có khả năng tập trung chú ý, biết cách học bài, nhớ bài học và có được những giờ phút nghỉ ngơi , giải trí tích cực qua việc tham gia học những bộ môn nghệ thuật theo sở thích hay năng khiếu, chúng ta đã giúp cho trẻ có được những điều kiện, yếu tố thuận lợi để thành công trong việc học của mình mà không phải tốn hao thì giờ đánh vật với chữ nghĩa từ sáng cho đến tối, tạo ra những mệt mỏi căng thẳng không đáng có !

Cv.TL Lê Khanh
Gv. Trường Quản trị cuộc đời LiMA.

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý