Giúp con dậy sớm và tập trung
21/04/2011
phương pháp lãnh đạo L.E.A.D.E.R.S.
22/04/2011
Giúp con dậy sớm và tập trung
21/04/2011
phương pháp lãnh đạo L.E.A.D.E.R.S.
22/04/2011

Trước 1985, ở Pháp, bất kỳ ai cũng có thể tự xưng là nhà tâm lý và hành nghề độc lập. Từ năm 1985, nhà nước ban bố một đạo luật qui định những điều kiện cho phép lấy chức danh nhà tâm lý …

 

Thế nào là tư vấn tâm lý học đường

Trước 1985, ở Pháp, bất kỳ ai cũng có thể tự xưng là nhà tâm lý và hành nghề độc lập. Từ năm 1985, nhà nước ban bố một đạo luật qui định những điều kiện cho phép lấy chức danh nhà tâm lý để hành nghề: Phải được đào tạo chính qui nhằm mục đích đó. Sau khi có bằng tú tài phải qua 5 năm học tâm lý ở Đại học Tổng Hợp Sorbonne, rồi thêm 2 – 3 năm chuyên về một ngành trong lĩnh vực tâm lý để trở thành một chuyên viên tâm lý với các chuyên ngành như :

Nhà Tâm lý – Xã hội (Psychosociologue) : Nghiên cứu về các hiện tượng tâm lý trong xã hội.

Nhà Tâm lý thực nghiệm (Psychologue expérimentaliste) hay Nhà Tâm lý Lâm sàng (Psychologue clinicque ) : Nghiên cứu – thực hành các liệu pháp tư vấn và can thiệp tâm lý.

Giảng viên tâm lý (Psychologue enseignant): Giảng dạy về các lý thuyết tâm lý trong các trường đại học hay trung tâm tâm lý.

Chuyên gia Tâm lý trị liệu (Psychologue thérapeute) : Thực hành các kỹ thuật trị liệu tâm lý

Chuyên viên Tâm lý học đường (Psychologue scolaire): Tư vấn và can thiệp các vấn đề về tâm lý cho các em học sinh tại nhà trường.

Nhà phân tâm hay chuyên gia phân tâm học (Psychanalyste); Nghiên cứu và trị liệu tâm lý trên nền tảng học thuyết tâm lý Phân tâm của Freud.

Nếu bác sĩ y khoa thì sau khi tốt nghiệp cũng phải mất 4 năm đi chuyên về Tâm bệnh lý để thành Bác sĩ Tâm thần cho người lớn (Psychiatre). Từ những năm gần đây lại sinh ra một chuyên ngành mới, bác sĩ Tâm thần cho trẻ em (Pédopsychiatre) hay còn gọi là bác sĩ tâm thần nhi. mà nghiệp vụ khác hẳn với tâm thần học cho người lớn.

Thế nào là chuyên viên tâm lý học đường

Chức danh chuyên viên Tâm lý học đường (Psychologue scolaire) ra đời năm 1945 với dự án cải cách giáo dục Langevin – Wallon. Vào năm ấy, nước Pháp mới được giải thoát khỏi sự xâm chiếm của chế độ Đức Quốc Xã, trong xã hội nổi lên một phong trào lớn rộng, đòi hỏi dân chủ hoá hệ thống nhà trường cho con em nhân dân lao động. Hệ thống nhà trường này trước Đệ nhị thế chiến chia rõ ràng thành hai hệ thống, một hệ thống nhà trường Tiểu học (Primaire), dành cho con cái nhân dân lao động, chỉ được học một số kiến thức văn hoá tối thiểu và một số trường dạy nghề sơ cấp, đào tạo công nhân cấp thấp, một bên là những trường Trung học phổ thông (Lycée) đào tạo những người có văn hoá cao để tiến lên Đại học và ra làm cán bộ cao cấp đầu ngành.

Dự án Langevin – Wallon nhằm xoá bỏ sự phân biệt này, thành lập một hệ thống nhà trường duy nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho con em của bất kỳ tầng lớp nào cũng có thể phát huy hết tiềm năng của mình. Dự án cũng đề nghị nâng tuổi giáo dục cưỡng bách từ 14 lên 16. Và để giúp cho những học sinh đặc biệt gặp khó khăn trong học tập, nhất là do hoàn cảnh gia đình không thuận lợi, dự án đưa vào mỗi trường Mẫu Giáo và Tiểu học một chuyên viên tâm lý để giúp giáo viên, học sinh và gia đình giải quyết những khó khăn trong học tập cho các con em. Dự án này không được thực hiện đầy đủ, nhưng dần dần nhờ áp lực của dư luận, đã được nhà nước Pháp áp dụng từng phần.

Một số nhân viên tâm lý được đưa vào biên chế nhà trường và từ năm 1990 được chính thức qui định cấp bằng với chức danh là chuyên viên tâm lý học đường (TLHĐ) . Văn bản của nhà nước qui định vai trò của chuyên viên TLHĐ như sau: – Chuyên viên TLHĐ trong khuôn khổ làm việc tập thể với nhân viên khác ở nhà trường, vận dụng sở trường tâm lý của mình để tìm cách phòng ngừa những khó khăn trong việc học của học sinh, góp phần xây dựng dự án sư phạm của nhà trường và cách thực hiện, giúp vào việc xác lập phương pháp, và đánh giá kết quả giáo dục của những học sinh gặp khó khăn, giúp cho những học sinh bị khiếm khuyết dễ hoà nhập vào sinh hoạt chung của nhà trường. Như vậy, người chuyên viên này giữ một vai trò đặc biệt trong thể chế nhà trường trong việc giúp trẻ em và thanh thiếu niên hoà nhập vào việc học tập và giúp cho việc thành đạt của chúng.

Cùng một lúc với văn bản này, nhà nước Pháp ban hành một văn bản khác về mạng lưới các tổ chức giúp đỡ những học sinh gặp khó khăn, lấy tên là RASED (Réseau d’Aide aux Enfants en Difficuté). Mạng lưới tổ chức này có nhiệm vụ tiếp nhận những trẻ em mà các trường không đủ khả năng và điều kiện dạy dỗ thành công, mặc dù các trường Mẫu giáo và Tiều học Pháp đã có những cải cách rất cơ bản. Việc gắn bó về thể chế cho phép chuyên viên TLHĐ cảm nhận từ bên trong, cuộc sống ở nhà trường của trẻ em. Vị trí đặc biệt ấy kết hợp với nghiệp vụ, giúp cho người này nắm bắt được những mối tương tác giữa người này và người khác, hiểu rõ về nguyên nhân của một số hành vi, do đó giúp cải thiện sự giao tiếp với nhau, giao tiếp giữa giáo viên và gia đình, giữa thày trò, giữa các trẻ với nhau; chính những vấp váp trong các mối quan hệ này thường gây ra những xung đột cần giải quyết, mà chuyên viên TLHĐ phải biết phát hiện, đánh giá ý nghĩa và tầm quan trọng của các triệu chứng và biết lý giải theo từng mô hình riêng.

Nhân viên tâm lý có thuận lợi ở trong nhà trường là hằng ngày theo dõi những nhóm trẻ cùng một lứa tuổi, cho nên nhiều khi thấy được những vấn đề khó khăn không phải xuất phát từ trẻ em, mà thực chất là từ người lớn, như vậy đỡ mất thì giờ vì giải quyết lạc hướng, và có khả năng phòng ngừa không để những rối nhiễu nặng thêm. Sở dĩ nhà nước Pháp cũng như đa số giáo viên, cán bộ giáo dục và phụ huynh chấp nhận được sự cải cách cơ bản như thế này là nhờ từ 50 năm nay (từ 1945) nhiều nhà nghiên cứu tâm lý giáo dục như Wallon, Decroly, Freinet… đã đề xuất và thực nghiệm về cả hai mặt tâm lý và giáo dục những phương pháp mới. Từ những công trình nghiên cứu này, báo chí và các phương tiện truyền thông đã phổ biến sâu rộng, đã tạo ra một sự nhận thức mới về tâm lý trẻ em, và người ta hy vọng với một cuộc cải cách có tính cơ bản ngay từ những năm học đầu tiên, mẫu giáo và tiểu học mới có thể phòng ngừa được những hiện tượng tiêu cực như học sinh chán học, quậy phá ở trường, bỏ học, lớn lên dễ sa vào ma tuý và phạm pháp. Nếu đợi đến năm 15, 16 tuổi khi đứa trẻ bộc lộ những hành vi chống đối xã hội mới trị liệu thì có khi đã quá muộn.

Nguyễn Thị Nhất

Nguyên Giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Tâm Lý Trẻ em NT

Viết theo cuốn LE PSYCHOLOGUE L’ECOLE ET L’ENFANT Của 3 tác giả Pháp: E.BOSETTI – S.GOULFIER – A.THIRIET. PARIS 1995.

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý