Tâm lý trị liệu và vai trò nhà trị liệu
23/04/2011Con một – Tiếng vỗ của một bàn tay
23/04/2011Trẻ luôn luôn bị chi phối bởi các mối quan hệ đa dạng, có thể đó là những quan hệ thuận tiện hoặc gây khó khăn cho sự thích nghi của các em. Trong quá trình thích nghi để phát triển…
trẻ em thường đối mặt với những tác động môi trường bên ngoài. Các tác động này sẽ có thể làm các em bối rối,tức giận, thích thú khoan khoái hay tự hào, hạnh phúc… Chính các cảm xúc như vậy đã có tác dụng làm đa dạng cuộc sống, làm tâm hồn các em thêm rộng mở và đặc biệt là giúp các em có điều kiện thể hiện và tự đánh giá được chính mình.
Cảm xúc của con người thực chất là những phản ứng xuất hiện bất kỳ lúc nào khi các tác động có liên quan đến nhu cầu cá nhân mình. Rất khó khăn để xác định rằng cảm xúc có phù hợp với mong đợi của chúng ta hay không. Cảm xúc của con người không thể được ngăn chặn mà chỉ có thể điều khiển, điều chỉnh theo các khuynh hướng của con người lúc đó. Đối với trẻ em, đều này rất có ý nghĩa vì khi các em biểu lộ cảm xúc thì chúng ta mới biết phản ứng thật sự của các em và có thể giúp các em điều chỉnh cảm xúc lúc đó và sau đó. Một khi cảm xúc được bộc lộ thì đời sống tình cảm mới có cơ hội được phát huy và hướng đến sự lành mạnh và tích cực trong sinh hoạt.
Nhiều bậc cha mẹ, người lớn có khuynh hướng chỉ muốn con em mình bộc lộ những cảm xúc phù hợp với sự mong đợi, không muốn các cháu biểu lộ sự giận dữ, khó chịu hay buồn bã… Có thể điều này do kỳ vọng về một con người hòa nhã, thân thiện hay ngoan ngoãn. Nhưng không phải lúc nào trẻ em cũng vui tươi hoặc dịu dàng, cũng khong phải giận dữ hay buồn bã là những điều cần phải dẹp bỏ. Cảm xúc thật một khi không được trải nghiệm sẽ bị dồn nén vào tâm hồn, dễ gây căng thẳng và dẫn đến tình trạng mất cân bằng trong đời sống tình cảm sau này. Trẻ em không bộc lộ được cảm xúc có thể trở thành những người đơn điệu, khô khan và thậm chí vô cảm. Hãy để các em biểu lộ cảm xúc thật sự của mình dưới tác động giáo dục của người lớn để giúp các em tự điều chỉnh và thích nghi. Hãy giúp các em biết vui, biết buồn, biết giận dữ, biết sợ hãi để các em có ý thức không làm người khác sợ hãi hoặc buồn chán.
Người lớn trân trọng cảm xúc, hiểu được cảm xúc của các em bằng việc chia sẻ những cảm xúc ấy trong điều kiện có thể, và thông qua mối quan hệ để định hướng phản ứng tiếp theo. Trong thời đại văn minh khan hiếm thì giờ hiện nay, rất khó để dạy các em vui buồn thông qua những câu hò, câu ca dao đầy ắp tình người, mà có thể thông qua chính cảm xúc của người lớn trước các tác động, trước các tình huống trong gia đình, trong nhà trường và cộng đồng. Giúp các em biết vui bằng chính các thành tích của mình, các kết quả lớn trong học tập hoặc các kết quả trong quá trình phụ giúp việc nhà, trong việc đỡ đần bố mẹ hoặc nâng đỡ anh chị em. Người lớn cũng có thể dạy các em biết buồn trước các biến cố sau sắc nào đó, biết chia sẻ những nỗi đau, sự mất mát của một người thân quen hay láng giềng thân thiện… Người lớn cũng có thể giúp các em bày tỏ sự ủng hộ hay phản đối một hành vi, một công việc cụ thể nào đó.
Ngày nay, trong một thế giới biến đổi từng ngày, trong một môi trường chứa đựng nhiều ẩn số, các bậc cha mẹ khó có thể theo dõi và kiểm soát được những trạng thái tinh thần của các em, khó có thể hình dung được sự biểu lộ cảm xúc của trẻ em sẽ mang tính ổn định đến chừng nào, do đó một trong những phương pháp kiểm soát là lần bước theo những cảm xúc thệt của trẻ. Nhiều trẻ em đã sớm bộc lộ tính hung hăng và ích kỷ khi “kinh nghiệm” về việc thất bại quá ít, các em ít biết bày tỏ sự yêu thương, kính trọng người lớn vì cảm xúc quá nghèo nàn và môi trường biểu lộ quá hạn hẹp.
Giúp trẻ em bộc lộ được cảm xúc, người lớn đã giúp các em sống hồn nhiên hơn với lứa tuổi vốn rất ngây thơ trong việc đánh giá cuộc đời. Chúng ta cần dạy các em biết sống, biết hướng đến tương lai, biết nghĩ đến cuộc sống thực tế nhưng đừng bắt các em phải có những suy nghĩ như người lớn, đừng yêu cầu các em phải có những hành động như người lớn khi điều đó chỉ làm các em thêm lo toan và “già” đi trước tuổi. Bộc lộ được cảm xúc, trẻ sẽ có thể tự điều chỉnh được hành vi của mình với sự hướng dẫn của người lớn, đó là một hình thức giáo dục thật hay, và do đó trẻ sẽ hoàn thiện được nhân cách của mình thông qua mối quan hệ với môi trường bằng hoạt động đa dạng.
T.S ĐINH PHƯƠNG DUY
Báo khoa học phổ thông số 745/2004