Không phải tại …con
05/11/2012
Thần tượng và tình cảm tuổi mới lớn
10/11/2012
Không phải tại …con
05/11/2012
Thần tượng và tình cảm tuổi mới lớn
10/11/2012

Chương trình Can thiêp sớm tại gia đình là một loạt các hoạt động bắt đầu từ buổi sáng khi trẻ thức dậy và kết thúc khi trẻ lên giường ngủ ! Nói như thế không có nghĩa là chúng ta phải bỏ hết mọi công việc thường ngày để tập trung vào việc dạy trẻ.

Đó  là những biện pháp mà ta có thể áp dụng vào trong các hoạt động thường ngày và có một buổi dạy trực tiếp cho trẻ tuỳ theo thời gian rảnh rỗi mà phụ huynh có thể thu xếp được.

            Buổi dạy này có thể tổ chức vào buổi sáng, buổi chiều hay buổi tối (sau 19g) nhưng không kéo dài quá 1giờ, bởi vì khả năng tham gia của trẻ rất hạn chế. Thậm chí trong khoảng 1 tháng đầu thì một buổi dạy trẻ chỉ cần 30 phút . Dù là 1 giờ hay 30 phút, thì buổi dạy này cũng nên chia làm từng phần nhỏ xen lẫn giữa học và chơi (hay tốt hơn là chơi để học) – Chúng ta có thể chia ra như sau :

1/ Phần khởi đầu :

Hãy tạo sự thu hút cho trẻ bằng một vài trò chơi nhẹ nhàng với các nguyên tắc sau :

       Tạo điều kiện : Bạn lấy ra 2 món đồ chơi và cho phép trẻ chọn 1 trong 2 món đó để chơi ( Có thể là chơi xếp chồng các khối gỗ lên nhau và chơi ghép hình )

       Tự quyết định : Bạn cũng có thể chỉ cho trẻ một số món đồ chơi, và hỏi trẻ : Con thích chơi như thế nào – Sau đó, dựa vào ý muốn của trẻ, chúng ta sẽ đưa một số nội dung muốn dạy ( dạy chú ý, dạy so sánh to – nhỏ , dạy về số lượng … ) vào trong các đồ chơi mà trẻ đã chọn. Trong trường hợp món đồ chơi trẻ chọn không phù hợp với nội dung ta muốn dạy, cứ để cho trẻ chơi rồi sau đó mới đưa ra những vật dụng (hình ảnh, đồ chơi) phù hợp với mục tiêu mà ta muốn dạy trẻ.

2/ Phần thực hành:

Sau khi trẻ đã chấp nhận ngồi học ( có thể ngồi trên bàn thấp hay ngồi dưới sàn nhà ) Chúng ta sẽ lấy ra các vật dụng cần thiết cho chủ đề buổi học và bắt đầu áp dụng các bài tập về vận động, tư duy, phát triển giác quan ( theo tài liệu hướng dẫn ) Mỗi buổi chì nên áp dụng 1 – 2 bài tập. Đừng nên chơi nhanh, chơi nhiều dù cho trẻ có thể chơi dễ dàng.

Các bài tập cần tiến hành theo các nguyên tắc :

       Làm mẫu: Luôn luôn làm trước cho trẻ xem, sau khó khuyến khích trẻ làm lại hay làm tiếp theo những gì ta đã làm.

       Cố tình quên : Khi trẻ đã quen với một hoạt động nào đó, bạn cố tình quên một vài thao tác để xem trẻ có nhận ra hay không ? Nếu trẻ nhận ra thì chúng ta hãy khen ngợi, nếu trẻ không nhận ra, hãy làm một vài hoạt động gợi ý, trước khi làm lại cho trẻ nhận biết.

       Tường thuật: Khi ta làm mẫu và ngay cả khi trẻ làm theo, chúng ta cũng nên nói rõ bằng những lời ngắn gọn, đơn giản hành động đang làm – Điều này giúp trẻ dễ nhớ và gia tăng vốn từ ngữ ( nào, bây giờ ghép hình con gà, xếp các hộp lại.v.v.v. ) .

3/ Phần nghỉ giữa giờ:

Sau khi học một – hai bài tập, chúng ta có thể cho trẻ tự do trong 5phút, trẻ có thể uống nước hay chơi tự do. Sau đó, ta lại tiếp tục quay lại phần thực hành với một bài tập khác.

Với phần thực hành lần này, bạn có thể vận dụng các nguyên tắc:

       Mở rộng: Bạn tiếp tục tường thuật, nhưng có thể nói thêm một số từ mới .

       Mới lạ : Bạn có thểm một vài món đồ chơi hay đưa ra một trò chơi mới

       Khuyến khích : Lúc này sự chú ý hay tập trung của trẻ có thể giảm sút, vì vậy chúng ta cần khuyến khích bằng lời ( hoặc bánh/kẹo nhưng chỉ thỉnh thoảng thôi ) để trẻ có thể tập trung hoàn tất các bài tập trong phần này.

Trong phần thực hành này, ban có thể áp dụng môt số trò chơi vận động để trẻ được “xả năng lượng” trước khi chuyển sang việc kết thúc buổi học.

4/ Phần kết thúc :

Sau khi trẻ đã làm xong các bài tập ta có thể cho trẻ tô màu, chơi tự do khoảng 15 phút rồi sẽ báo cho trẻ biết : Giờ học của chúng ta hết rồi, bây giờ con hãy giúp mẹ dọn các đồ chơi lên kệ nào. Sau khi đã thu xếp xong, chúng ta hãy vỗ tay và khen ngợi trẻ đã hoàn tất các bài tập trước khi nghỉ.

MỘT SỐ NGUYÊN TẮC CHUNG

Trong việc áp dụng các bài tập (phần 1 và 2) Chúng ta cần lưu ý để áp dụng các nguyên tắc sau:

  1. Bắt chước: Hãy bắt chước lại những gì con bạn làm, từ hành động đến những ngôn ngữ kỳ cục, điều này sẽ làm cho trẻ thích thú và cũng sẽ bắt chước ngược lại những gì bạn làm. Sau đó bạn sẽ khuyến khích trẻ bắt chước lại bạn, nhưng không ép buộc.
  2. Ngoài tầm với: Việc đặt ngoài tầm với tay của trẻ một số món đồ (trẻ quan tâm hay ưa thích ) khiến trẻ phải chỉ tay hay phát ra lời yêu cầu       khi có nhu cầu. Để khích lệ trẻ nói dù chỉ là một vài từ ngắn, bạn chỉ đáp ứng yêu cầu khi trẻ bật ra âm thanh, còn khi trẻ chưa nói, thì bạn sẽ làm bộ như không hiểu yêu cầu của trẻ, dù trẻ chỉ đúng vật muốn lấy, bạn vẫn cố tình không hiểu hay sẽ lấy món bên cạnh đưa cho trẻ
  3. Ngắn gọn: Khi trò chuyện hãy trao đổi ngắn gọn để trẻ có thể hiểu được và nên nhắc lại một vài lần
  4. Hình ảnh: Sử dụng tranh ảnh là điều cần thiết nhưng không nên kéo dài khi trẻ đã tỏ ra hiểu rõ. Ngược lại, trẻ cũng có thể dùng tranh ảnh để giao tiếp với bạn, nhưng bạn nên kèm theo những lời thuyết minh. Bạn hãy đưa ra hình và khuyến khích trẻ cũng đưa ra những hình ( thídụ: Trẻ muốn ăn bánh, có thể lấy hình một cái bánh đưa ra )
  5. Từng phần: Khi chơi hay khi giao việc cho trẻ, hãy giới thiệu từng phần, tiến hành từng bước một để trẻ có thể dễ dàng thực hiện hơn. Chỉ đưa ra 1 yêu cầu, khi trẻ đáp ứng mới đưa ra yêu cầu tiếp theo.
  6. Khuyến khích: Việc động viên trẻ là điều cần thiết nhưng đừng làm thay hay có những khuyến khích quá mức.Không phải lúc nào cũng khen thưởng. Chỉ khen thưởng trong các hành vi trẻ mới làm được, còn với các hành vi đã làm được nhiều lần thì thôi.
  7. Đặt câu hỏi: Hãy đặt những câu hỏi phù hợp với tình huống bằng những câu hỏi mở, hạn chế các câu hỏi đóng ( Có/không) và các câu hỏi tích cực : TD: Con ăn bánh nhé, thay vì con ăn bánh không ?
  8. Khó hơn: Khi biết trẻ đã làm được, hãy nâng các yêu cầu cao lên một mức nhưng phải nhẹ nhàng, đừng quá nhanh và quá khó !
  9. Ký hiệu: Nếu trẻ chưa thể nói nhiều, có thể khuyến khích trẻ dùng các ký hiệu hay giao tiếp với trẻ qua ký hiệu, nhưng đừng sử dụng thường xuyên. Giúp trẻ biết sử dụng những bộ hình ảnh là điều cần thiết.
  10. Chờ đợi: Sau khi đã đặt một câu hỏi hay yêu cầu một hoạt động cần phải biết chờ đợi để trẻ có thể trả lời, đừng buộc trẻ phải đáp ứng ngay.

Cv.Tl Lê Khanh

Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý