Chương trình Dưỡng dục Ấu nhi
30/10/2012
Kỹ thuật hướng dẫn trẻ kém tập trung
10/11/2012
Chương trình Dưỡng dục Ấu nhi
30/10/2012
Kỹ thuật hướng dẫn trẻ kém tập trung
10/11/2012

Trong một lớp học, từ mẫu giáo đến lớp Một, Hai…bao giờ cũng có một số bé nghịch ngợm, hiếu động quá mức..phải chăng đó là trẻ hư hỏng, cứng đầu hay đó là một dạng rối loạn tâm lý ?

Bé N.. một cậu bé 4 tuổi khỏe mạnh, nói năng cũng rất linh hoạt nhưng được đưa đến phòng khám tâm lý do nhà trường yêu cầu, vì bé không chịu ngồi yên trong lớp, thường xuyên nghịch ngợm và không biết vâng lời cô. Mặc dù đây là một trường Mẫu giáo theo kiểu quốc tế với lớp học chỉ có mười mấy trẻ mà có đến 4 cô chăm sóc, nhưng các cô không biết làm thế nào với em, và rất khó chịu vì các hành vi hiếu động của bé, cho rằng điều đó còn làm ảnh hưởng đến các bạn khác.

Bé K… đã học đến lớp 4 với một sức học trung bình , biết nghe lời cô, cũng không có gì nghịch ngợm quá đáng, chỉ kém tập trung trong việc học và hay phát biểu linh tinh trong lớp, cũng được giáo viên ân cần mời phụ huynh cho bé đi khám tâm lý, để có một cái giấy xác nhận về tình trạng hiếu động kém tập trung của trẻ.

Đây chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp được đưa đến phòng khám tâm lý với lý do là kém tập trung, hiếu động quá mức. Có những trường hợp còn nhỏ dưới 3 tuổi mà đã có tình trạng này và cũng không thiếu những trường hợp học đến lớp 4, lớp 5 khi nhà trường yêu cầu mới đưa con đi khám.


PHẢI CHĂNG ĐÓ LÀ TÌNH TRẠNG HIẾU ĐỘNG KÉM CHÚ Ý ?


Tất cả các trường hợp trên đều cho thấy trẻ có những dấu hiệu của tình trạng hiếu động kém tập trung, hay tăng động giảm chú ý ( Hội chứng ADHD – Attention-Deficit-Hyperactivity Disorder- ADHD). Điều cần biết là nếu xét về những khó khăn mà trẻ gặp phải, thì tình trạng rối nhiễu về hành vi này cũng đáng quan ngại không kém gì Hội chứng Tự kỷ, một loại rối loạn giao tiếp mà hiện nay rất nhiều phụ huynh lo lắng, không biết là con mình có gặp phải hay không, khi thấy con có những dấu hiệu khó khăn về ngôn ngữ và có những hành vi không bình thường. Nhưng khi được chẩn đoán là trẻ không bị tự kỷ, chỉ…bị hiếu động kém chú ý thôi, thì nhiều phụ huynh thở ..phào, mặc dù nếu ở mức độ nặng hay trung bình thì để can thiệp, làm giảm những hành vi thiếu kiểm soát của trẻ ADHD cũng không phải là điều dễ dàng gì, trong khi đó với một trẻ có các dấu hiệu tự kỷ ở mức độ nhẹ, thì việc can thiệp lại có phần dễ dàng hơn.

Cho đến nay, mặc dù đã có rất nhiều thông tin về trẻ Hiếu động, nhưng cũng giống như tình trạng tự kỷ, vẫn còn nhiều người gọi đây là những căn bệnh, điều này tuy không sai lắm, nhưng lại dễ khiến cho phụ huynh, giáo viên và ngay cả một số nhà chuyên môn cũng sẽ có cái suy nghĩ, đã là bệnh thì ắt phải có thuốc chữa hay nếu không thì sẽ có những phương pháp trị liệu thần kỳ để trả lại tình trạng bình thường cho đứa con thân yêu của mình. Trong khi đó, từ trong nguyên ngữ Anh văn đã nói rõ đây là một hội chứng (Disorder) hay là một tình trạng rối loạn có những nguyên nhân về sinh học từ trong bụng mẹ, mà việc can thiệp chủ yếu chỉ làm giảm nhẹ, và trẻ cần được chấp nhận ở một mức độ nào dó. Cũng có quan niệm cho rằng sự thiếu quan tâm của bố mẹ, hay việc cho xem TV, chơi máy tính nhiều… là nguyên nhân gây ra các tình trạng này, mặc dù đó chỉ là những tác nhân làm cho tình trạng này trở nên khó khăn hơn mà thôi.

Để trị liệu, thì cho đến nay mặc dù có rất nhiều phương pháp được đưa ra mà trong đó cũng không thiếu những phương pháp đã được khoác cho nhiều giá trị quá mức, với những mục đích khác nhau mà phần lớn chỉ nhắm đến lợi nhuận chứ không nhắm đến ích lợi cho đứa trẻ. Với trẻ hiếu động thì một số bố mẹ và y bác sĩ cho rằng việc dùng thuốc như các thuốc hưng phấn tâm thần, chủ yếu là methylphenidate, hay Ritalin, các loại thuốc này đã được dùng từ đầu những năm 1960 (Sprague & Gadow, 1976) là có tác dụng, nhưng họ quên rằng kèm theo đó là nhiều tác dụng phụ và không phải trẻ nào cũng thích ứng với thuốc, điều quan trọng là vẫn phải kèm theo những biện pháp can thiệp về hành vi cùng với một chế độ dinh dưỡng hợp lý. Nói cách khác, trị liệu bằng hành vi tại gia đình mới là liệu pháp cơ bản nhất để làm giảm nhẹ những khó khăn của trẻ, cũng là cơ sở để tạo cho trẻ khả năng hội nhập sau này. Điều quan trọng là chương trình can thiệp hành vi tại gia đình cần có sự kiên nhẫn của bố mẹ dưới sự hỗ trợ của các nhà tâm lý trẻ em và sự tiếp tay của các giáo viên tại nhà trường.


THẾ NÀO LÀ MỘT CHƯƠNG TRÌNH CAN THIỆP


Một chương trình Can thiệp về hành vi cho trẻ hiếu động kém chú ý thường bao gồm :

          Các tài liệu hướng dẫn các nguyên tắc ứng xử với trẻ, được xem là một chương trình tập huấn cho bố mẹ và có thể cho cả giáo viên để biết cách quản lý trẻ.

          Các chương trình hệ thống với các bài tập can thiệp và tác động nhiều mặt được áp dụng thường xuyên và liên tục tại gia đình

          Các buổi trị liệu nhận thức hành vi để giúp trẻ biết thêm kỹ năng giải quyết vấn đề cũng như tự kiểm soát bản thân, các buổi trị liệu này có thể diễn ra tại các phòng can thiệp Tâm vận động dưới sự giám sát của một chuyên viên về tâm vận động.

Với mỗi biện pháp, điều quan trọng là bố mẹ cần được học để biết chính xác họ cần làm gì ở nhà để quản lý hành vi trẻ. Họ cần thực hiện và theo sát theo cách tiếp cận tại gia đình dựa trên một nền tảng đều đặn và nhất quán, đó là điều không dễ dàng gì với nhiều gia đình vì những hạn chế về thời gian và sự thiếu kiên nhẫn của bố mẹ. Nhưng đó lại là một con đường tốt nhất để giúp cho trẻ ADHD có được những biến chuyển tích cực.


BỐ MẸ CẦN ỨNG XỬ VỚI TRẺ NHƯ THẾ NÀO ?


Bố mẹ trẻ Hiếu động/kém chú ý cần phải có :

– Sự kiên nhẫn và nghị lực để kiểm soát được lo âu bởi có một đứa con hiếu động, cũng như tinh thần lạc quan và các cách để làm dịu sự căng thẳng cho trẻ và cho bản thân

– Ý thức sắc sảo trong việc can thiệp và khả năng vận dụng một cách linh hoạt chương trình can thiệp tại gia đình cho trẻ, cần theo sát các kế hoạch kiểm soát hành vi, vì mỗi trẻ là một trường hợp khác nhau.

– Sự sẵn sàng tiếp xúc và có khả năng phối hợp với những sự hỗ trợ và dịch vụ chuyên môn cũng như tích cực tham gia các khóa hướng dẫn về trẻ ADHD nếu có tổ chức.

Cũng rất có ích nếu các bậc phụ huynh nhớ rằng:

– Hành vi của con bạn là một tình trạng rối loạn không phải do trẻ cố ý làm.

– Con của bạn cũng vẫn có những khả năng và đặc điểm rất đáng quan tâm và phát huy

– Con của bạn có khả năng học và đạt đến những thành công nhất định.

– Tập trung vào cách giúp trẻ thay đổi hành vi không phù hợp chứ không phải ra sức ngăn cản những hành vi này.

– Luôn hỗ trợ cho tới khi trẻ có thể tự hành động và hãy tin tưởng vào con bạn.

 

Điều đáng tiếc là hiện nay, trong những lớp học có trẻ hiếu động, kém chú ý thì các giáo viên chỉ biết phát hiện và nhắc nhở gia đình đưa trẻ đi khám hay trị liệu, chứ không phải giáo viên nào cũng có sự hiểu biết về tình trạng nay hay được tập huấn để biết cách ứng xử với trẻ, vì thế đa phần vẫn dán cho trẻ cái nhãn hư hỏng, nghịch ngợm, quậy phá, không biết vâng lời, trong khi điều đó không phải là do trẻ cố ý gây ra. Điều này đã làm cho con đường hội nhập xã hội đã khó lại càng khó thêm. Xin hãy chấp nhận những gì trẻ vốn có để giúp cho trẻ cải thiện bằng những biện pháp can thiệp hợp lý giúp trẻ  từng bước vào đời.


Cv.Tl Lê Khanh

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý