Các dấu hiệu cần lưu ý
26/05/2011
Nghĩ về sự phát triển của trẻ
28/05/2011
Các dấu hiệu cần lưu ý
26/05/2011
Nghĩ về sự phát triển của trẻ
28/05/2011

Các bà mẹ khi tìm hiểu về những hành động đáng yêu của các bé sơ sinh,  sẽ hiểu rõ hơn về sự phát triển của con mình.

 

Xin chào đôi tay nhỏ bé!

 

Bé sẽ bắt đầu khám phá đôi bàn tay của mình khi được tròn một tháng tuổi, nhưng bạn biết không, bé vẫn hoàn toàn chưa có khái niệm đôi bàn tay xinh xắn đó thuộc về mình đâu. Bạn có thể thử đưa cho bé một chiếc xúc xắc nhỏ, bé sẽ cố gắng túm lấy nó nhưng hành động với đến chiếc xúc xắc sẽ rất ít khi chính xác. Thậm chí nếu bạn để ý kỹ, mỗi lần bé khám phá đôi tay của mình, bé sẽ tỏ thái độ khá tò mò và thích thú. Sau khoảng ba tháng, sự nhận biết này sẽ rõ ràng hơn và bé sẽ bắt đầu học cách điều khiển đôi tay của mình bằng những hành động như nắm hai tay với nhau.

 
 1… 2… 3 bé lẫy được rồi!!!

 

Chúng ta hay nói về những khoảng thời gian đánh dấu sự phát triển của cơ thể bé như thể đó là việc bé cần phải làm được, mà không thực sự hiểu đó là cả một sự phát triển phi thường ở cơ thể một bé sơ sinh. Tại sao đến khi bé được ba tháng, bé biết lẫy? Đơn giản vì đến khoảng thời gian này, xương cổ, cũng như các cơ quanh cổ của bé đã khoẻ và chắc hơn rất nhiều. Bé sẽ tự khám phá ra điều đó, và sẽ bắt đầu tự tạo ra những hoạt động với chiếc cổ của mình. Việc cố gắng ngóc đầu dậy, trong khi tứ chi vẫn chưa thực sự hoạt động theo đúng chức năng của nó, sẽ khiến bé khám phá ra một cách để ngóc đầu lên, đó là lật người úp bụng xuống và ngóc đầu lên. Bé sẽ thích thú với hoạt động này đến nỗi cứ được đặt nằm xuống là lật người để lẫy. Đồng thời với khoảng thời gian này, khi bé lẫy, bạn cũng sẽ thấy bé ngày càng cố duỗi thẳng chân ra hơn là co chân lại về phía thân mình.

 

 

Bé nhìn ngày càng rõ hơn

 

Thị giác của các bé sơ sinh phát triển theo từng ngày, bé sẽ vô cùng yêu thích việc nằm quan sát những đồ vật nhỏ bé di động ngay trước mắt mình. Khi quan sát những đồ vật di chuyển, con ngươi nhỏ xinh trong mắt của bé cũng sẽ thực hiện những di chuyển theo những đồ vật này. Đồ vật di chuyển càng nhanh và mạnh, bé càng phấn khích, và càng học được nhiều cách để biểu lộ cảm xúc trên khuôn mặt bé nhỏ của mình.

 

 Giúp bé cảm nhận “nơi ở” của mình

 

Khi bé được ba tháng, chân bé đã cứng cáp hơn, mỗi lần đặt bé vào cũi, bạn nên để chân của bé được chạm vào cũi trước, và đừng quên những chiếc đệm quây xung quanh cũi, để mỗi khi bé hoạt động, bé sẽ chạm vào những thứ mềm mại. Bé có thể sẽ sợ bị ở trong cũi nếu như từng bị va đập hay có cảm giác đau khi chơi trong đó. Đây là phản ứng rất đơn giản của một cơ thể sống, vì thế, đừng ép hay tỏ thái độ cáu gắt nếu như bé có những phản ứng như vậy nhé.

 

Bé sơ sinh rất dễ được “thuần hoá”

 

Tức là bạn có thể tập cho bé làm quen với những chuỗi hoạt động hàng ngày. Ví dụ như sau khi tắm xong, bé sẽ được mátxa, sau khi được mátxa, bé sẽ được cho ăn, sau đó bé sẽ được nghe một bài hát ru quen thuộc và sau đó là giấc ngủ. Khi đã được quen với chuỗi hoạt động này, bé sẽ tự ý thức và nhận biết được khi nào mình sẽ được làm gì. Việc này rất quan trọng, vì khi bé quen với thời gian ngủ của mình, bạn sẽ nhàn hạ hơn rất nhiều.

 

 Tôn trọng những cảm xúc của bé

 

Khi bé quấy khóc, điều đó có nghĩa là bé khó chịu vì một điều gì đó, thay vì bực tức, quát tháo hay thậm chí là ra sức dỗ dành, bạn hãy tìm hiểu nguyên nhân khiến bé quấy khóc. Có thể đó là do sự khó chịu vì tã lót ẩm ướt, hay do bé đói bụng, bé bị muỗi “quấy rầy”, bé không thích tiếng ồn đang diễn ra xung quanh, nhiệt độ trong phòng quá nóng hoặc quá lạnh, cũng có thể do cơ thể bé thiếu một dưỡng chất gì đó như vitamin D… Vì thế, bạn nên  cho bé đến bác sĩ chuyên khoa nhi để kiểm tra cân nặng và sự phát triển của bé. Nếu như bé gặp vấn đề quấy khóc do thiếu dưỡng chất, hãy bổ sung từ từ và kiên nhẫn cùng bé vượt qua thời gian đó, đừng dỗ dành hay bực bội quá nhiều với bé. Việc bực bội thường xuyên có thể khiến cho sự phát triển tâm lý của bé bị ảnh hưởng. Còn việc cưng nựng bé quá nhiều cũng không thực sự tốt, bé sẽ quen với những hành động đó và đôi khi sẽ đơn giản chỉ quấy khóc vòi vĩnh để được cưng nựng.

 

Bé biết nhận biết chữ từ khi nào?

 

Có thể bạn sẽ rất ngạc nhiên, nhưng ngay từ khi 2 – 3 tháng tuổi, bé đã có thể làm quen với chữ. Nếu ngay từ thời gian này, bạn giới thiệu những chữ đơn giản cho bé như: giơ cho bé xem từ “đôi mắt” kèm theo việc chỉ tay vào đôi mắt, từ “bụng” kèm theo việc xoa tay vào bụng… khi đến khoảng 8 – 9 tháng tuổi, bé sẽ hoàn toàn hiểu được những chữ này mỗi khi nhìn thấy chúng. Ngày nay, việc một bé 2 – 3 tuổi biết đọc không còn là một hiện tượng hiếm hoi và đáng ngạc nhiên như trước nữa. Vì nếu bạn tập cho bé làm quen với chữ từ ngay năm đầu, việc bé biết đọc chữ sớm sẽ cực kỳ dễ dàng. Tuy nhiên, đừng quá áp lực với việc này, hãy tạo ra những con chữ màu sắc, và coi việc nhìn ngắm các con chữ của bé cũng đơn giản như việc bé chơi với các đồ vật xung quanh. Cũng đừng ép bé nếu đôi khi bé tỏ ra chán và không thích, vì cho dù là bất kỳ đồ chơi gì, sau khi khám phá hết về chúng, bé cũng sẽ chán và không muốn chơi nữa. Lúc này, nếu muốn tiếp tục, bạn sẽ phải sáng tạo việc giới thiệu những chữ cái cho bé theo một cách mới.

 

Hoàng Nhi ( nguồn:SGTT. online )

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý