Thực hư …về Tự Kỷ
02/05/2012
Các phương thuốc trong nhà
04/05/2012
Thực hư …về Tự Kỷ
02/05/2012
Các phương thuốc trong nhà
04/05/2012

SGTT.VN – Với những gì đã làm được trong mười năm qua, có thể xem PGS.TS Phạm Lê An thuộc nhóm những người dọn đường cho một mô hình chăm sóc sức khoẻ mới – bác sĩ gia đình – hứa hẹn góp phần giải quyết được những vấn đề về y tế ở nước ta hiện nay.

Tốt nghiệp đại học y khoa rồi học tiếp nội trú tim mạch nhi, BS Phạm Lê An tưởng như con đường phía trước là thẳng tắp, cứ thế mà bước đi. Trong y học, nhi khoa được xem là một chuyên ngành danh giá, vì thế không ít bác sĩ mơ học ngành này. Thế nhưng, trong những lần tham gia trực hồi sức cấp cứu nhi, BS An day dứt về những cái chết ở trẻ em vì cha mẹ đưa đến trễ, không tuân thủ lời khuyên của bác sĩ, hay áp dụng các biện pháp phòng bệnh.

Anh tự hỏi: “Phải làm gì khi người dân nước ta chưa nhận thức đủ về các vấn đề sức khoẻ và hưởng ứng mạnh mẽ các thông điệp do y tế dự phòng đưa ra? Liệu có một chuyên ngành y học nào giải quyết được chuyện này?”

Cứ tìm rồi sẽ gặp, có người đã nói như thế, và trong trường hợp của BS An, quá trình tìm kiếm rồi cũng đi đến đích. Năm 2001, khi đang là cán bộ giảng viên đại học Y dược TP.HCM, anh tình cờ nhận được một học bổng về bác sĩ gia đình (BSGĐ) ở Mỹ. Thời điểm đó, BSGĐ và y học gia đình (YHGĐ) là một khái niệm còn quá mới mẻ. Trong suy nghĩ của anh, đó là một chuyên ngành xoàng xĩnh và dành cho những…bác sĩ kém tài. Tuy nhiên, khi tìm hiểu thông tin trên mạng, anh mới thấy mình đã lầm, YHGĐ có thể giải quyết được những gì mà anh đang tìm kiếm: nếu áp dụng BSGĐ, số bệnh nhân đến bệnh viện giảm đi và số tử vong cũng giảm.

Anh nói: “Sau khi đọc thử vài bài báo do các BSGĐ Mỹ viết đăng trên tạp chí chuyên ngành, tôi phải thốt lên đây quả là những “cao thủ” bởi họ nghiên cứu sâu, nhưng trình bày đơn giản, rõ ràng và dễ hiểu”. Sau khi “ngộ” ra mọi chuyện, anh quyết định lên đường theo học.

Vất vả và áp lực

Về nước, anh và PGS.TS Lê Hoàng Ninh – người học BSGĐ ở Mỹ trước anh một năm, hiện là viện trưởng viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM – nhận nhiệm vụ gầy dựng trung tâm đào tạo BSGĐ tại đại học Y dược TP.HCM. Đó là trung tâm đào tạo chuyên ngành BSGĐ đầu tiên ở Việt Nam, trước Hà Nội và Thái Nguyên một thời gian ngắn.

Người đi tiên phong thường vinh quang, nhưng cũng chịu nhiều vất vả và áp lực. Trường hợp của BS Phạm Lê An không phải ngoại lệ. Khó khăn đầu tiên mà anh và cộng sự gặp phải là xây dựng một chương trình đào tạo chuyên khoa YHGĐ phù hợp với bối cảnh Việt Nam để được trường đại học và bộ Y tế chấp thuận, cùng với đó là xây dựng cơ sở vật chất mới trong trường. Khó khăn thứ hai là hình thành cơ sở thực hành lâm sàng để huấn luyện BSGĐ. Nếu khó khăn đầu tiên được giải quyết từng bước theo thời gian vì đã có chủ trương, thì khó khăn thứ hai mới đáng nói vì đụng chạm đến nhận thức của con người.

Phòng khám khoa YHGĐ tại Bệnh viện !

Năm 2004, GS.TS Nguyễn Đình Hối, hiệu trưởng đại học Y dược kiêm giám đốc bệnh viện đại học Y dược TP.HCM lúc bấy giờ, cho phép anh thành lập một phòng khám YHGĐ ở bệnh viện, nhưng với điều kiện phải hoạt động thành công. Đó là một áp lực lớn, bởi bệnh nhân và thậm chí cả các bác sĩ ngày đó không biết gì về BSGĐ. Nhưng đáng lo nhất là những ngộ nhận về ngành này. Anh kể lại: “Không ít đồng nghiệp cho rằng sự xuất hiện của chúng tôi sẽ đe doạ sự tồn tại của họ, tuy nhiên, thực tế hoàn toàn ngược lại. Một trong những nhiệm vụ BSGĐ là khám tổng quát, sàng lọc bệnh và điều trị các bệnh nhẹ. Khi gặp những bệnh chuyên khoa sâu, hoặc quá tầm giải quyết, chúng tôi sẽ gửi bệnh nhân đến bác sĩ chuyên khoa cần thiết. Như thế bác sĩ chuyên khoa không mất thời giờ để chữa đủ loại bệnh khác nhau, hoặc bệnh giai đoạn nhẹ, họ sẽ có thời gian để nghiên cứu sâu và nâng cao năng lực chuyên môn”.

Phòng khám YHGĐ ở bệnh viện đại học Y dược TP.HCM ngày một phát triển, từ chỗ chỉ có hai bàn khám ban đầu, đến nay đã có bảy bàn khám. Cùng với phòng khám này, BS An và đồng nghiệp liên kết với một số phòng khám tư nhân triển khai mô hình BSGĐ. Anh nói: “Có người sẽ dị ứng với tư nhân, nhưng cần nhớ rằng tại các nước t

iên tiến, BSGĐ gắn bó chặt chẽ với y tế tư nhân. Chúng tôi đào tạo bác sĩ ngành YHGĐ, như thế khi học xong, họ phải có đất sống và dụng võ, nếu không mô hình này sẽ bế tắc”.

Con đường đã sáng

“Hiện nay chưa mấy người dân biết về BSGĐ, vậy liệu các anh có tồn tại nổi không?”, tôi hỏi BS An. Anh trả lời: “Bản thân chúng tôi phải tự chứng minh mô hình BSGĐ là đúng và có ích cho người dân trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ của họ. Chúng tôi tin vào con đường đi của mình”.

Niềm tin của PGS.TS Phạm Lê An có cơ sở vì các nhà hoạch định chính sách ngày càng nhận ra YHGĐ là một trong những giải pháp để giải quyết những vấn đề lớn của ngành y tế hiện nay như: chi trả y tế quá nhiều, quá tải bệnh viện, dịch bệnh gia tăng. Bởi theo nguyên tắc, BSGĐ là người tiếp cận bệnh nhân khi họ có triệu chứng mơ hồ, giải quyết bệnh ngay từ giai đoạn nhẹ, định hướng điều trị cho họ. Quan trọng hơn, thông qua bệnh nhân, BSGĐ tiếp cận cả những thành viên trong gia đình, giúp họ nâng cao ý thức phòng bệnh.

Sau những khó khăn ban đầu, đến nay trung tâm đào tạo BSGĐ đại học Y dược TP.HCM đã đào tạo được 11 khoá bác sĩ chuyên khoa 1 và định hướng YHGĐ. Tại phía Bắc, những người dọn đường YHGĐ cũng đã làm được điều tương tự. Kể từ năm học tới, hai đơn vị học trình về YHGĐ cũng có mặt trong chương trình đào tạo bác sĩ đa khoa sáu năm, giúp các bác sĩ ra trường có kiến thức và hướng về mô hình BSGĐ khi ra trường. “Đây là điều mà ban đầu chúng tôi không bao giờ mơ thấy nổi”, PGS.TS Phạm Lê An nói.

Phan Sơn


“BSGĐ là mô hình y tế rất hiệu quả ở các nước tiên tiến vì trên 70% bệnh nhân không cần đến bệnh viện, như thế họ sẽ được chăm sóc sức khoẻ tại nhà. Khi cần thiết, họ sẽ được BSGĐ hướng dẫn thu xếp vào bệnh viện. Khi ra viện, họ lại được BSGĐ chăm sóc, điều trị tiếp mà không cần quay lại bệnh viện. Điều này giúp giảm tải bệnh viện và chi phí điều trị cho bệnh nhân”.

BS Nguyễn Thế Dũng
(nguyên giám đốc sở Y tế TP.HCM)


“BSGĐ là mô hình giúp cho bệnh nhân không cần đến bệnh viện, vậy mà lại “phát triển ” bằng cách mở 7 bàn khám tại bệnh viện – gọi đó là  khoa Y học Gia đình – vậy mà gọi là thành công thì kể cũng hay !

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý