Trẻ cần biết Chơi trước khi ..biết Nói
26/10/2018
Hiểu con để gần con – Gần con để giúp con
05/11/2018
Trẻ cần biết Chơi trước khi ..biết Nói
26/10/2018
Hiểu con để gần con – Gần con để giúp con
05/11/2018

Theo các nhà tâm lý, kết nhóm, thích phán xét là tâm lý điển hình ở tuổi teen, người lớn cần hành xử sao để các em phục.

Sự việc 7 học trò lớp 10 tại một trường THPT ở Thanh Hóa vừa bị phạt do lập nhóm trên Facebook nói xấu thầy cô và nhà trường đang gây xôn xao dư luận.

Lãnh đạo trường cho biết, ngày 1/10, khi thu giữ điện thoại của một nữ sinh, cô giáo vô tình thấy cuộc nói chuyện của nhóm học sinh trên Facebook, nói xấu thầy cô, nhà trường. Khi việc vỡ lở, các em không ăn năn. Nhà trường đã buộc thôi học một năm đối với ba học sinh, bốn em khác bị đuổi học một tuần.

Trước sự việc này, nhiều nhà tâm lý, giáo dục cho rằng hành vi của học trò là sai nhưng cha mẹ, thầy cô cần dựa vào tâm lý lứa tuổi để hiểu, khoan dung và uốn nắn các em thay vì trừng phạt khắc nghiệt.

Tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ trị liệu tâm lý Phạm Thị Thúy, TP HCM, cho biết, trong khi trẻ cấp một thường thần tượng bố mẹ, thầy cô, các em cuối cấp 3 đã suy nghĩ theo nhiều chiều và biết cảm thông thì trẻ ‘lỡ cỡ’ ở cấp 2 và đầu cấp 3 lại thích phán xét người lớn. Các em luôn nhìn nhận mọi việc theo hướng chỉ có đúng, sai, tốt, xấu và muốn chứng tỏ khả năng suy nghĩ độc lập, khác biệt. Người lớn không chuẩn mực là trẻ thể hiện thái độ thiếu tôn trọng ngay.

Trẻ ngày nay còn được tiếp cận với thông tin đa dạng hơn thế hệ trước. Các em rất cá tính, có nhiều hiểu biết hơn nên càng hay đưa ra phán xét. Trẻ sẽ chỉ nể khi người lớn đúng chứ không khuất phục trước sự dọa dẫm, trừng phạt. Vì thế, trong giáo dục trẻ ở tuổi này, điều quan trọng nhất là người lớn gương mẫu và thống nhất giữa lời nói với việc làm.

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy cho rằng, hiểu được đặc điểm tâm lý, người lớn nên tạo cơ hội cho trẻ bày tỏ để hiểu nguyên nhân các em nói xấu, hướng trẻ tới hành vi đúng, hơn là lập tức “trị tội”.

Cùng quan điểm này, tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam, chủ nhiệm khoa Khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng, hành vi nói xấu, xúc phạm người khác là sai nhưng khi đưa ra hình phạt, cần tính tới 3 yếu tố: Thứ nhất, việc phạt đó có giữ được sự tôn trọng dành cho trẻ, thứ hai, nó có hợp lý với mức độ vi phạm và cuối cùng, biện pháp ấy có liên quan đến hành vi trẻ thực hiện để từ đó trẻ có cơ hội học hỏi, nhận ra sai lầm và sửa đổi tốt lên.

Theo tiến sĩ Nam, lật ngược vấn đề, với học trò nói xấu thầy cô trên mạng, khi bị cho thôi học, các em có nhận ra mình sai? Nếu không, rõ ràng mục tiêu giáo dục không đạt được. Trẻ chịu hình phạt khắc nghiệt có thể cảm thấy không công bằng, sinh ra oán hận, thậm chí có nguy cơ thực hiện hành vi trả đũa.

Nhà tâm lý giáo dục cho rằng, thay vì làm thế, người lớn nên giúp trẻ nhận ra mình sai, tự nguyện chấp nhận mức độ phạt phù hợp.

“Nếu là tôi, tôi sẽ nhìn lại bản thân xem liệu mình có làm điều gì khiến các em hiểu lầm, từ đó giải thích để các em hiểu đúng, cho trẻ có thời gian suy nghĩ và cơ hội thay đổi”, tiến sĩ Nam nói.

Theo chuyên gia Lê Khanh, Phòng tư vấn tâm lý – gia đình – trẻ em (TP HCM), việc phê phán, chỉ trích người khác là tâm lý chung của con người, cả người lớn. Vì thế, không thể cấm đoán mà chỉ nên góp ý với trẻ trao đổi ý kiến bằng ngôn từ thích hợp. Còn các cách trừng phạt chỉ cho thấy sự bế tắc trong giáo dục, có thể đẩy trẻ vào con đường chống đối, có hành vi lấy mạnh bắt nạt yếu.

‘Người lớn hay dọa hơn dạy trẻ’

Theo tiến sĩ Trần Thành Nam, nhiều người vẫn thích dạy trẻ bằng những mệnh lệnh, thiếu sự gần gũi, chia sẻ. Cả bố mẹ và thầy cô cần thay đổi quan niệm về việc sử dụng hình phạt.

Ngoài ra, theo ông Nam, kỹ năng sử dụng mạng xã hội cần được đưa vào giáo dục cả ở nhà lẫn ở trường. Xã hội ảo thực chất cũng giống như xã hội thực nhưng mang tính nặc danh hơn – vì thế nhiều người rất thoải mái đưa ý kiến và dễ thể hiện sự thiếu tôn trọng hơn so với khi gặp trực tiếp. Người lớn cần dạy trẻ rằng những phát ngôn trên mạng có thể ảnh hưởng tới tâm lý người khác và có những nguy cơ thế nào cho mình.

Đồng tình, tiến sĩ Phạm Thị Thúy bày tỏ chính cha mẹ, thầy cô cần hiểu rằng, mạng xã hội là kênh giao tiếp mạnh mẽ thời nay và việc trẻ sử dụng mạng là xu hướng không thể cưỡng lại.

“Nếu cấm, trẻ có thể sử dụng lén lút, và khi đó càng nguy hiểm hơn. Thay vì dọa trẻ mạng nguy hiểm lắm, hãy hướng dẫn con biết ứng xử phù hợp trên Facebook khi đến tuổi dùng (thường là trên 13 tuổi), có ý thức trách nhiệm về điều mình đăng…”, bà Thúy chia sẻ.

Theo nhà tâm lý Lê Khanh, để trẻ bớt nhiễm thói xấu chỉ trích người khác, điều quan trọng nhất là bố mẹ phải làm gương. Đừng nói xấu sau lưng ai (ít nhất là trước mặt con) và tập cho con 2 việc: Biết xin lỗi khi làm sai và biết thể hiện điều khiến mình không hài lòng bằng cách nói đúng mực.

“Tôi luôn nói với phụ huynh cần tư vấn rằng hãy tin vào con mình và làm sao để con tin vào bố mẹ, có như thế mới giúp trẻ có được niềm tin vào cuộc sống, tin vào bản thân và vượt lên trên các vấn nạn của xã hội. Chừng nào đứa trẻ tự tin vào bản thân và còn tin vào những điều tốt đẹp thì chừng đó sẽ không đáng lo cho tương lai của con”, chuyên gia Lê Khanh nói.

Vương Linh

VN EXPRESS – 01/11/2018

Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý