Tính cách của bạn thế nào ?
18/04/2011
Phương pháp tâm vận động (2)
18/04/2011
Tính cách của bạn thế nào ?
18/04/2011
Phương pháp tâm vận động (2)
18/04/2011

TÂM LÝ VẬN ĐỘNG là một phương pháp giáo dục dựa vào sự quan sát và xử dụng các giác quan một cách hợp lý để kích thích các khả năng của trẻ em. Thông qua sự vận động trong các trò chơi, các em dần dần hoàn thiện….

TÂM LÝ VẬN ĐỘNG là một phương pháp giáo dục dựa vào sự quan sát và xử dụng các giác quan một cách hợp lý để kích thích các khả năng của trẻ em. Thông qua sự vận động trong các trò chơi, các em dần dần hoàn thiện những kỹ năng còn yếu của mình. Phương pháp này dựa trên sự hứng thú, vui vẻ và tự nguyện của trẻ qua các trò chơi, điều này sẽ giúp trẻ phát triển 5 yếu tố cơ bản

1/ Sơ đồ cơ thể .

2/ Bên thuận – bên nghịch ( phải – trái )

3/ Định hướng trong không gian

4/ ý thức về thời gian

5/ Diễn tả tư tưởng qua các họat động cụ thể : gạch, vẽ, nặn…

Phương pháp Tâm Vận Động có 3 mức độ ứng dụng:

–          Mức độ giáo dục Tâm vận động dành cho mọi trẻ em, nhằm kích thích các giác quan, sử dụng các trò chơi vận động như một phương tiện giáo dục để giúp trẻ phát triển toàn diện.

–          Mức độ can thiệp Tâm vận động dành cho các nhóm hạn chế từ 3 -5 em có vấn đề trong sự phát triển ( Trẻ có nhu cầu đặc biệt) Hoạt động này được tổ chức trong một phòng chơi có các khu vực hoạt động được thiết kế  với những công cụ đặc thù và được thực hiện do những chuyên viên về tâm vận động.

–          Mức độ trị liệu Tâm vận động: Dành cho các trường hợp cá nhân, có những rối loạn trong quan hệ ứng xử và giao tiếp như trẻ Tự kỷ, trẻ hiếu động kém chú ý (Hội chứng ADHD) và cũng được tiến hành trong một phòng chơi chuyên biệt với một chuyên viên Tâm vận động có kinh nghiệm.

Trong  cả ba mức độ, những nguyên tắc ứng dụng và các công cụ sử dụng gần như nhau, điểm khác biệt  là các trẻ em bình thường hay các trẻ có nhu cầu đặc biệt. Điều quan trọng là trong mức độ can thiệp và trị liệu, các trẻ sẽ không có tiến bộ nếu vượt quá sĩ số 5 em trong một lần tham gia.

Ở mức độ can thiệp và trị liệu, vai trò người chuyên viên tâm vận động là hết sức cần thiết. Không có sự tác động và hỗ trợ của chuyên viên, trẻ không thể hóa giải các vấn đề khó khăn của mình, với kinh nghiệm và các kỹ năng chuyên môn, người chuyên viên sẽ giúp trẻ phóng chiếu ra những ẩn ức, khó khăn và giải tỏa những năng lực đã bị tình trạng rối nhiễu tâm lý che kín.

Phương pháp Tâm Vận Động  do nhà tâm lý giáo dục Bernard Aucouturier xây dựng và phát triển như một phương pháp can thiệp thuộc lĩnh vực tâm lý và giáo dục, nhằm giúp  trẻ em phát triển một cách đồng bộ, trong mọi địa hạt thuộc đời sống con người. Phương pháp này lưu ý đến hai trọng điểm sau:

–          Nhấn mạnh vai trò của những hành vi hoặc tác phong vận động có liên hệ chặt chẽ với những biểu hiện về tâm lý.

–          Xây dựng ý hướng hội nhập một cách hài hòa hai loại chức năng vận động và tâm thần, bằng cách vận dụng vai trò và ảnh hưởng của hệ thần kinh, trong giai đoạn còn đang phát triển của trẻ, nhất là  từ 0 – 7 tuổi.

Mục đích của Tâm Vận Động, theo quan điểm của  Bernard, là “ Tìm cách nâng đỡ, xúc tác tiến trình  phát triển của trẻ em trong đời sống tâm lý và tình cảm, bằng cách dựa vào những vận động cơ thể để tác động, hay sử dụng những năng lực của cơ thể để can thiệp giúp trẻ thay đổi các hành vi rối loạn bằng những hành vi có chủ đích.

Nói khác đi, Tâm vận động  là phát huy và kiện toàn mối quan hệ tương tác giữa con người và cơ thể mình, giúp kích thích những kỹ năng và ý thức xuyên qua các hoạt động tự ý thay vì dùng ngôn ngữ để tác động, mặc dù lời nói vẫn được sử dụng nhưng đó không phải là một dụng cụ  ưu tiên mà người chuyên viên tâm vận động sử dụng.

Các cấp độ thông qua trò chơi:

Hoạt động tâm vận động được thông qua các trò chơi, vì trẻ em vừa chơi vừa học hay nói đúng hơn, theo quan điểm của nhà tâm lý Boudart (1995) : “Không phải trẻ em chơi để học. Trái lại, chúng có khả năng học vì chúng biết chơi” .

Quả thực, trò chơi có rất nhiều chức năng trong đời sống khám phá và học hỏi của trẻ em:

–          Nhờ trò chơi, trẻ ngày càng phát huy những khả năng của mình

–          Qua trò chơi, trẻ thâu lượm được những kiến thức về không gian với những chiều kích khác nhau.

–          Bằng việc chơi  trẻ biết cách sử dụng các món đồ gia dụng hàng ngày

–          Khi chơi, trẻ cảm nghiệm được một cách cụ thể về thời gian.

–          Dụng cụ chơi càng đơn giản, trẻ càng có điều kiện xây dựng trí tưởng tượng và khả năng phóng chiếu của mình.

–          Trẻ nhờ trò chơi mà giải tỏa được những ức chế của mình, hóa giải được những xung đột nội tâm.

–          trò chơi giúp giải toả và giảm thiểu những áp lực của đời sống tràn đầy những xúc cảm của trẻ.

Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng biết chơi và có khả năng chơi giống nhau, mà trẻ chơi theo sự nhận biết hay theo sự phát triển của từng lứa tuổi. Nhờ đó, thông qua cách chơi của trẻ, chúng ta cũng có thể đánh giá mức phát triển, năng lực và nhu cầu của các em.

Các trò chơi cấp 1:

Ở vào lứa tuổi từ 0 – 10 tháng, có 3 loại đồ chơi có khả năng tạo sự vui thích cho trẻ, thứ nhất chính là thân thể của các em, thứ hai là thân thể của người thân và thứ ba là những món đồ bất kỳ nằm trong tầm tay của trẻ.

Các trò chơi nên áp dụng cho trẻ trong giai đoạn này là:

–          Những trò chơi kích thích giác quan (nghe, nhìn, chạm vào, kéo và đẩy, cầm nắm rồi thả ra) và vận động (lăn tròn, đu đưa, che phủ, liệng ra xa rồi tìm lại).

–          Những trò chơi kích thích phát âm (kêu lớn, tạo ra những tiếng kêu của thú vật và công cụ)

–          Những trò chơi đụng chạm cơ thể (Bế lên và đưa lên cao, ôm và vỗ vào lưng, dùng ngón tay di dộng trên người…)

Các trò chơi cấp 2 :

Khi trẻ được khoảng 10 -14 tháng, các loại trò chơi liên quan đến sự tách rời, tự khẳng định và ý muốn có quyền lực.

Các trò chơi có thể áp dụng:

–          Những trò chạy, nhảy, leo lên – rơi xuống, xây dựng, lắp ghép rồi phá huỷ, biến mất rồi hiện ra.

–          Những trò chơi đồng hóa với các con vật tấn công: Chó sói, cá sấu, cọp, khủng long. Được đưa vào trong các hoạt động săn đuổi.

–          Những trò chơi đóng vai những nhân vật có quyền lực, có sự tấn công như người thợ săn, người dơi, siêu nhân, tướng cướp và những nhân vật chỉ huy.

Các trò chơi cấp 3

Khi trẻ được từ 4 – 6 tuổi Các em thường quan tâm đến những trò chơi về phái tính, tính cách này được bộc lộ qua các trò chơi rượt đuổi, đánh trận giả đối với trẻ nam hay bán hàng, Làm bác sĩ săn sóc bệnh nhân, mẹ săn sóc con.

Nhìn chung, trò chơi của trẻ nam thường có tính hướng ngoại, chơi theo nhóm đông, còn trẻ nữ thường mang tính hướng nội và chơi trong một nhóm nhỏ.

Các trò chơi cấp 4 là những trò chơi của trẻ mẫu giáo và lớp 1, liên quan đến các kỹ năng vận động và khéo tay mang tính tranh đua với bạn bè.

Thông qua các trò chơi từng cấp độ theo lứa tuổi, người chăm sóc hay chuyên viên Tâm Vận Động sẽ phải phát hiện ra những Tín hiệu của cơ thể, cung cấp những thực trạng tâm lý của trẻ thông qua việc trả lời các câu hỏi:

–          Trẻ chơi như vậy là đang thể hiện ra bên ngoài những mơ tưởng nào?

–          Trẻ chơi trò chơi thuộc cấp độ nào, có phù hợp với độ tuổi không?

–          Trẻ chơi như vậy là đang diễn tả sự lo hãi nào ?

Dựa vào những dữ kiện cụ thể và khách quan ấy, chúng ta sẽ chuẩn bị những dụng cụ cần thiết, bố trí không gian thích hợp với tình huống cho các em. Chúng ta cần Biết phải làm gì để trẻ có thể chuyển hóa một cách tích cực thực trạng nội tâm của mình.

Khi cho trẻ chơi, chúng ta cần tạo cho trẻ mọi điều kiện an toàn về mặt tình cảm (sự quan tâm vừa phải, sự chấp nhận, sự tôn trọng và cộng tác, những hướng dẫn và khích lệ cần thiết). Chúng ta cần biết rằng, trò chơi nào tạo được sự vui thích và hứng khởi cho các em, trò ấy có hiệu năng giúp trẻ vượt qua và chuyển hóa được những giấc mơ của mình. Trái lại, khi trẻ có thái độ bị động, tê liệt, chán chường hay quá kích động, đến độ muốn tấn công, đánh đập kẻ khác…đó là những dấu hiệu cho thấy, các trò chơi đó không thích hợp với cấp độ phát triển của trẻ, cần lui lại những cấp độ nhỏ hơn, cho đến khi nào trò chơi tạo được cho trẻ những cảm nghiệm vui thích, an tâm và mãn nguyện. Các trò chơi đó sẽ giúp trẻ tăng trưởng và phát triển.

Xây dựng khả năng hình dung:

Theo định nghĩa của từ điển tâm lý thì Hình dung (Imaginable) là một tiến trình tạo nên những sản phẩm nghệ thuật, bao gồm nhiều giai đoạn từ khi khởi đầu cho đến khi kết thúc. Hình dung sự vật, không có nghĩa là chế tạo hay sản xuất lại sự vật đó giống hệt như lần đầu, mà chỉ giữ lại những đặc tính và tác dụng của nó.

Trẻ em sẽ vận dụng khả năng hình dung trong Tâm vận động qua 3 loại sau:

–          Hình dung tạo hình với chất liệu đất sét

–          Những trò chơi điều khiển và ráp nối.

–          Hình dung trong địa hạt ngôn ngữ.

Lúc đầu, trẻ thường tiến hành ngay các hoạt động mà không có sự suy nghĩ, không tạo được một khoảng cách bằng cách hình dung những sản phẩm đó trong đầu óc trước khi bắt tay thực hiện, dần dà qua các hoạt động Tâm vận động trong các sinh hoạt như vẽ, nặn tượng, ráp các khối nhựa… trẻ em sẽ dần dần có được khả năng hình dung. Ngoài ra, khi nghe kể chuyện và tập kể chuyện (hình dung bằng ngôn ngữ) trẻ sẽ có những trải nghiệm bằng cảm xúc, từ đó đưa đến những kết nối mạch lạc hơn trong tư duy và những vận động có sự điều chỉnh, phối hợp hoàn hảo hơn.

Trong hoạt động Tâm vận động, người chăm sóc hay chuyên viên Tâm vận động cần có những kỹ năng như sau:

–          Hiểu biết về ngôn ngữ không lời do chính cơ thể của mình trình bầy và diễn đạt

–          Vận dụng một cách vui thích và thoải mái toàn diện cơ thể mình

–          Biết lắng nghe chính mình và sẵn sàng lắng nghe và đón nhận những ngôn ngữ mà cơ thể của trẻ em đang diễn tả dưới mọi hình thức.

–          Tôn trọng sự hoạt động của trẻ em, chấp nhận mọi hình thức diễn tả ngay cả những hành vi quá đáng, cho phép trẻ diễn tả những cảm xúc vui thích của mình.

–          Giúp trẻ em hội nhập từng bước một những giới hạn (quy luật) về không gian (chơi trong một khu vực) về thời gian (chơi trong một khoảng thời gian) và những giới hạn về quan hệ (không quá chiều chuộng, gắn bó cũng như không quá xa cách, lạnh lùng)

Trong giờ sinh hoạt tâm vận động, người chuyên viên phải luôn làm chủ được cảm xúc và tình hình, biết đề phòng và đối phó với mọi tình huống xảy ra một cách bình tĩnh, nhờ đó trẻ em mới có được cảm giác an toàn.

“ Cuộc sống là một trò chơi tổng hợp bao gồm nhiều quà tặng và nhiều lệnh cấm nối đuôi nhau “( B. Aucouturier )

( Còn tiếp )

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý