Thụ thai và sinh trưởng
19/04/2011
Giáo dục giới tính và những nụ hôn
19/04/2011
Thụ thai và sinh trưởng
19/04/2011
Giáo dục giới tính và những nụ hôn
19/04/2011

Tôi bắt đầu có những biến chuyển về cơ thể, tuy chưa rõ ràng và tâm lý vẫn là một đứa trẻ, nhưng bắt đầu phải đối diện với những nhu cầu của cơ thể không chỉ là việc ăn uống, nghỉ ngơi hay vui chơi mà bắt đầu có những thay đổi về tình cảm, tôi không còn gắn…

 

BƯỚC VÀO TUỔI DẬY THÌ

Sau khi học xong bậc tiểu học, khi bước vào lớp 6 tôi đã chính thức đặt chân vào giai đoạn thanh thiếu niên, một giai đoạn phát triển rất nhanh về cả thể lực lẫn trí lực, vì thế người ta thường chia ra làm ba giai đoạn nhỏ:

–          Giai đoạn tiền thiếu niên ( hay tiền dậy thì)

–          Giai đoạn thiếu niên

–          Giai đoạn thanh niên.

Đây là giai đoạn then chốt trong quá trình phát triển của con người, Tôi phát triển nhanh chóng về mặt tâm lý và thể chất. Trong giai đoạn  này sự phát triển về cảm xúc là chủ yếu, chính vì vậy tôi hay có những cảm giác vui buồn lẫn lộn và có nhu cầu về tình cảm rất cao.

a) Giai đoạn tiền thiếu niên : Tôi bắt đầu có những biến chuyển về cơ thể, tuy chưa rõ ràng và tâm lý vẫn là một đứa trẻ, nhưng bắt đầu phải đối diện với những nhu cầu của cơ thể không chỉ là việc ăn uống, nghỉ ngơi hay vui chơi mà bắt đầu có những thay đổi về tình cảm, tôi không còn gắn bó với bố mẹ mà thích đi ra ngoài kết bạn với các bạn trai khác để thành hình các nhóm ở trong xóm của tôi.

Bố tôi cho biết : Đối với đa số trẻ, đây là một giai đoạn yên lặng mà theo phân tâm học.Freud gọi là thời kỳ ẩn tàng. Tôi tỏ ra bình tĩnh, có vẻ dễ thích nghi, những tình cảm sôi nổi có vẻ lắng đọng, chìm xuống khiến bố mẹ không để ý đến nhu cầu tâm lý, điều đó có thể gây ra những vấn đề trong giai đoạn dậy thì. Thực ra, trong giai đoạn này, những nhu cầu về cơ thể và về giới tính vẫn còn đó, nhưng do những yêu cầu về học tập và nhu cầu khám phá những cái mới mẻ của thế giới xung quanh khiến cho nó có vẻ như chìm xuống cho đến tuổi dậy thì sẽ bắt đầu “bừng tỉnh”.

Các bạn biết không, trong thời điểm này thì tôi rất tò mò về thế giới xung quanh và có khả năng bắt chước nhanh, tập trung sự chú ý vào các hoạt động của người lớn và xem bố mẹ, thầy cô của tôi là những mẫu mực.

Trong giai đoạn này tôi có những nhu cầu về tâm lý :

–          Tôi cần một tổ ấm : Tèo hiểu các ứng xử của bố mẹ, do đó sự thiếu quan tâm hay những mâu thuẫn của bố mẹ tác động mạnh đến trẻ.

–          Tôi cần sự ổn định: Một cuộc sống gia đình sung túc hay nghèo khó không quan trọng bằng sự ổn định.

–          Tôi cần sự chấp nhận của gia đình : Tôi có một thân hình hơi tròn trịa, mặt dù khá đẹp trai nhưng đôi khi vẫn bị gọi là Nic béo, nhưng miễn là tôi vẫn được bố mẹ thương yêu, chấp nhận là đủ.

–          Tôi cần sự thấu hiểu những nhu cầu về tâm lý.

b) Giai đoạn thiếu niên :

Thời gian trôi qua, nhanh thật các bạn ạ, mới ngày nào tôi còn cởi trần chạy rong khắp xóm, nhưng giờ này tôi đã lớn phổng lên, mẹ tôi khen tôi ra dáng một thanh niên lắm, còn tôi thì bắt đầu quan tâm nhiều đến bề ngoài như y phục và cách ứng xử vì tôi đã bước vào giai đoạn  dậy thì. Bố tôi cho biết tuổi dậy thì ở trẻ nam thường bắt đầu từ 14 – 16 tuổi, còn ở nữ từ 10 – 13 tuổi. Với sự phát triển của xã hội, việc ăn uống và những tác nhân từ bên ngoài đã khiến cho tuổi dậy thì ngày càng trở nên sớm hơn, theo nghiên cưú của Liên Hiệp Quốc cho biết, cứ 10 năm thì tuổi dậy thì lại sớm lên 4 tháng. Hiện nay, tuổi dậy thì ở nữ là từ 8 – 12 tuổi, còn nam bắt đầu từ 11 – 12 tuổi. Sự thành thục của nam chậm hơn nữ từ 2-3 năm. Điều này giải thích tại sao nữ có tầm vóc nhỏ hơn nam khi trưởng thành, vì do thời gian phát triển của nam dài hơn nữ.

Tôi lại thắc mắc với bố tôi, là cái gì đã làm cho tôi biến đổi nhiều ở lứa tuổi dậy thì, bố cho biết :

Yếu tố tạo ra sự thay đổi và phát triển mạnh mẽ này ở tôi là tố chất hormon gọi là hocmon Testosteron được “sản xuất” từ tinh hoàn. Nó sẽ khiến cho tôi phát triển về cơ bắp, lông mọc khắp nơi nhưng chủ yếu là xung quanh miệng và ở vùng mu trên bộ phận sinh dục. Dây thanh âm chùn lại làm cho giọng trầm đi, gọi là vỡ giọng. Tuyến mồ hôi tăng gia lượng bài tiết khiến cho mụn bắt đầu xuất hiện. Cơ quan sinh dục cũng bắt đầu “nở mày nở mặt” .

Còn ở cô Na em gái tôi, sau này khi lớn lên, bước vào tuổi dậy thì, lúc đó buồng trứng sẽ tiết ra hormon estrogen, làm phát triển các cơ quan sinh dục cả trong lẫn ngoài. Không phát triển nhiều về cơ bắp nhưng lại tạo ra mỡ, khiến cho dáng vẻ của em tôi trở nên đầy đặn với những đường nét mềm mại. Bộ ngực, mông và xương hông nở nang, lông mọc chủ yếu ở nách và vùng mu trên cơ quan sinh dục, bắt đầu có các kỳ kinh nguyệt.

Bố còn cho biết, sự phát triển trong giai đoạn dậy thì rất khác biệt ở các khu vực. Với các nước công nghiệp Tây Phương hay Phi Châu thì trẻ phát triển sớm hơn, và giữa các trẻ cũng có những khác biệt. Có những em gái đã 13 – 14 tuổi nhưng vẫn còn vóc dáng trẻ con với “mặt tiền” vẫn còn phẳng phiu, lông chưa mọc ở vùng mu và vòng mông cũng chưa thay đổi, nhưng cũng có những em đã phát triển dáng vẻ hoàn thiện như một phụ nữ. Tuy nhiên về phương diện tâm lý thì sự phát triển tương đối đồng đều hơn. Trung bình trẻ gái hoàn toàn dậy thì trong 3 năm, còn trẻ trai phải mất 5 năm.

Các cậu trai thì phát triển nhanh hơn, cơ thể như dài ra điều này có thể khiến trẻ trở nên vụng về, lóng ngóng và những biến đổi trong cơ thể cũng khiến các em vừa thích thú vừa lo sợ, có những lo sợ hợp lý nhưng cũng có những lo sợ vô lý, nhưng các em thường rất khó để có thể diễn tả hay chia sẻ với người lớn, vì những lo lắng của các em thường rơi vào những vấn đề “tế nhị” mà ngay cả người lớn, nếu không có sự cảm thông và hiểu biết cũng khó có thể giải thích một cách rõ ràng.

Dậy thì là một giai đoạn tự nhiên trong toàn bộ tiến trình trưởng thành của con người, có nhiều em đã trải qua giai đoạn này một cách bình thường, nhưng cũng có những trẻ tỏ ra lo lắng, thậm chí có những rối loạn tâm lý. Các em này thường là dậy thì sớm hoặc muộn, vì vậy người lớn cần có sự quan tâm nhiều hơn trong các trường hợp này.

c) Giai đoạn thanh niên: Mặc dù năm nay tôi mới 15 , đang ở trong lứa tuổi thiếu niên nhưng bố tôi cũng cho biết sau này khi bước vào lứa tuổi từ 16 – 18 tôi sẽ thích nghi được với những thay đổi và biến chuyển về tâm sinh lý trong giai đoạn dậy thì, tuy nhiên những nhu cầu về tình cảm và tình dục sẽ trở nên rõ ràng và mạnh mẽ hơn. Tôi bắt đầu có những rung động trước những người khác giới, có những tò mò cùng với những ức chế về phái tính nhiều hơn. và luôn tự cho mình là đã trở thành một người trưởng thành với những hiểu biết về thế giới bên ngoài. Tôi sẽ tự hào về những kỹ năng có được và tỏ ra coi thường kinh nghiệm của những người lớn hơn mình.

Bố đã nói với tôi về phương diện cơ thể, thì các em tuổi thanh niên đã phát triển toàn diện, mặc dù vẫn có thể cao hơn cho đến năm 25 tuổi, hệ thần kinh vẫn có thể có những biến chuyển tích cực hơn. Nhưng về phương diện sinh lý, thì cơ thể đã hoàn toàn có khả năng sinh sản, mặc dù trong lứa tuổi dậy thì các em đã có khả năng đó kể từ khi các em trai có tinh dịch và các em gái có kinh nguyệt, nhưng các em nữ có thể gặp những trở ngại khi sinh nở khi xương chậu chưa hoàn thiện còn các em nam thì chưa hoàn thiện trong việc quan hệ.

Có thể nói, đây là một giai đoạn ổn định về phương diện thể xác cũng như tâm lý. Sự hình thành nhân cách đã toàn vẹn với những cá tính rất khác biệt. Tuy nhiên việc trưởng thành của một con người không thể xác định vào một lứa tuổi nào trong giai đoạn này – Ở Tây Phương thì trên 18 tuổi được xem là tuổi trưởng thành, phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về các suy nghĩ và hành vi của mình, còn ở xã hội Đông Phương thì trước đây Khổng Tử đã nói : Tam thập nhi lập, nghĩa là mãi đến 30 tuổi con người mới có khả năng lập thân, tạo một vị trí trong xã hội.

Sự lập thân theo quan điểm xưa là :

–          Lập gia đình : Có khả năng sinh và nuôi con

–          Lập nghiệp : Có nghề nghiệp để tự nuôi mình và những người thân

–          Lập chí: Có ý thức về trách nhiệm bản thân, nhận thức được những giá trị tinh thần và noi theo một định hướng lý tưởng.

Tuy nhiên, trên thực tế thì vẫn có nhiều trẻ đã có khả năng lập thân ngay từ tuổi thiếu niên và cũng không hiếm kẻ đã ngoài 30 mà vẫn còn ăn bám vào bố mẹ.

Mặc dù đã được biết là khi bước vào lứa tuổi dậy thì, với sự xuất hiện của các chất kích thích tố ( hocmon ) tôi đã có những thay đổi lớn về mặt cơ thể và xuất hiện những yếu tố hoàn toàn mới mẻ về phái tính.Nhưng tôi vẫn còn nhiều thắc mắc lắm, vì thế đến hôm sau, trong buổi chiều chủ nhật ở nhà, bố đã giải thích cặn kẽ cho tôi hiểu rõ hơn về những biến đổi đó. Bố cho tôi biết là:

Khi đến tuổi dậy thì, hai tinh hoàn trong bộ phận sinh dục của tôi bắt đầu cho xuất xưởng hai sản phẩm :

–          Qua đường nội tiết sản sinh ra  hocmon nam Testosteronehocmon nữ Estrogens để đưa vào trong máu để tạo ra những tác động về cơ thể và cả tâm lý. và một ít

–          Qua đường ngoại tiết là đưa vào ống dẫn tinh hàng triệu tinh trùng để khi chuyển giao sang cơ thể người nữ sẽ dẫn đến việc thụ thai. Nếu không có tinh trùng, người nam vẫn có thể quan hệ được nhưng sẽ không có con.

Tinh trùng được sản xuất qua nhiều giai đoạn, đầu tiên là nguyên tinh bào, tinh bào, tiền tinh trùng rồi cuối cùng mới là tinh trùng hoàn chỉnh, quá trình sản xuất này mất 75 ngày, mỗi ngày tinh hoàn sản xuất khoảng 5 triệu tinh trùng. Sau khi xuất xưởng, tinh trùng được tồn trữ và trưởng thành trong mào tinh với sức chưá trung bình từ 4 – 500 triệu tinh trùng. Khi có những tác động kích thích sự phóng tinh, tinh trùng sẽ được đưa lên ống dẫn tinh rồi qua ống phóng tinh để đưa ra ngoài.Đôi khi sự “quá tải” của kho dự trữ có thể tạo ra tình trạng “mộng tinh” nghĩa là xuất tinh khi ngủ – Đây không phải là một sự bất thường hay bệnh tật, lại càng không phải là một tội lỗi. Tôi tự nhủ : Chà ! thật là may !

Bố còn cho biết thêm là với trẻ nữ thì ngay từ khi mới sinh, các em đã tiếp nhận được một trữ lượng từ 400 ngàn – 2 triệu noãn  bào, để đến tuổi dậy thì sẽ còn khoảng 400 – 500 noãn hay trứng hoàn chỉnh, đủ để sử dụng trong khoảng 30 năm – là thời gian tốt nhất cho việc thụ thai.

Khi đến giai đoạn dậy thì, hocmon Estrogen bắt đầu được tiết ra và tạo nên những biến đổi về cơ thể cũng như về mặt sinh dục của người nữ .Nó kích thích nội mạc tử cung và các huyết quản nhỏ phát triển.Nó còn kích thích cổ tử cung phát triển, với kích thích của oxytocin làm vòi trứng co  bóp đều đặn  tiết chất nhày ở cổ tử cung làm tăng sản lớp thượng bì âm đạo, làm phát triển hệ thống ống dẫn sữa ở vú đồng thời tạo dáng bên ngoài người phụ nữ.

Như vậy, ngay từ khi còn nhỏ, sự khác biệt giữa nam và nữ đã được phân định với những bộ phận chuyên biệt phục vụ cho một yêu cầu quan trọng nhất của bất cứ một loại sinh vật nào : Nhu cầu sinh sản để lưu truyền nòi giống.

Chính những tác động này đã có những ảnh hưởng nhất định lên tâm lý của trẻ nam và nữ khi bước vào lứa tuổi dậy thì với những điểm dị biệt :

Trẻ em nữ thường lo sợ nhiều hơn trẻ nam về những biến đổi trên cơ thể của mình, về bộ ngực, về thể trọng và các đặc điểm trên gương mặt. Các em sẽ lưu ý đến chế độ ăn uống để hy vọng trở thành một người phụ nữ hoàn hảo.

Trẻ nam thường sôi nổi, chủ động trong việc kết bạn, làm quen trong một nhóm, còn trẻ nữ thường thụ động, dịu dàng để xây dựng một mối quan hệ thân thiết lâu dài với một vài cá nhân. Vì vậy, hiếm khi các em trai trao đổi tâm tình với nhau, chính vì vậy con trai dễ suy sụp hơn nếu có điều gì không ổn xảy ra với bản thân.

Dưới Đây là những khác biệt cơ bản giữa nam và nữ

–          Cứ 100 bào thai nữ thì có đến 130 – 150 bào thai nam, nhưng chỉ có 105 bé trai được sinh ra và ở tuổi 20 thì tỷ lệ là 100 nữ /98  nam và đến tuổi 65 thì chỉ còn 40% dân số là đàn ông vì bị đủ thứ tai nạn nhiều hơn là phụ nữ .

–          Các bé gái thích quan sát chung quanh

–          Các bé gái thường biết nói sớm hơn

–          Trẻ gái thường có khuynh hướng cất giữ đồ chơi, còn trẻ trai thì chơi xong là vứt đi

–          Trẻ gái phát triển nhanh hơn trẻ trai, nhưng khi đến tuổi dậy thì, chiều cao các em gái sẽ ngừng lại sau kỳ kinh nguyệt đầu tiên, còn trẻ trai sẽ tiếp tục cao đến năm 18 tuổi.

–          Theo di truyền thì thường đàn ông cao và nặng hơn đàn bà khoảng 10 %, nhưng sau khi lập gia đình thì đàn ông lại “ ròm đi” còn quý bà thì lại “ bệ vệ” hẳn ra.

–          Các bé gái thích đọc sách nhiều hơn các bé trai khoảng 3 lần.

–          Các em trai thuận tay trái nhiều hơn các em gái.

–          Khứu giác phụ nữ thường nhạy hơn đàn ông khoảng 20%

–          Phụ nữ dễ bị trầm uất gấp đôi đàn ông, vì thế họ dễ nổi giận và nhớ dai hơn., ngược lại đàn ông giữ bình tĩnh tốt hơn, nhất là trong các cuộc phát biểu hay tranh luận.

–          Phụ nữ thường nghe tốt hơn, vì thế dễ bị “ru ngủ” còn đàn ông thì lại thích được nói hơn là nghe, nhưng phụ nữ lại gọi điện thoại nhiều hơn gấp 3 lần và mỗi lần trung bình là 30 phút, còn đàn ông chỉ có 6 phút.

–          Đàn ông lại có tư duy không gian (định hướng, xem bản đồ, hình dung cách tổ chức , bài trí … ) tốt hơn. Còn phụ nữ thì có tư duy về ngôn ngữ tốt hơn.

–          Các khớp xương của phụ nữ linh hoạt hơn, dẻo dai hơn vì vậy làm việc nhà hay những việc linh tinh, vận động đa dạng tốt hơn đàn ông.

–          Dung tích phổi của đàn ông lớn hơn đàn bà 20%, cường độ làm việc của tim lớn hơn 15%, nhưng khổ thay họ lại chết nhiều vì bệnh lao và bệnh tim mạch hơn.

Bố tôi kết luận :

Những khác biệt trên tuy không phải là một mẫu số chung, nhưng nếu bố mẹ luôn ý thức được sự khác biệt về nhu cầu giữa con vè em gái con, thì các con sẽ được lưu tâm chăm sóc một cách hiệu quả hơn. Những hiểu biết về giới tính cũng sẽ giúp con ý thức được giá trị của bản thân mình, biết cách tự bảo vệ và săn sóc mình tốt hơn – Đúng không con !

LÊ KHANH

Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý