Những Chuyện về Thói Vô Tâm Tập Thể
27/01/2019
Phương pháp Giáo dục Tây Phương và Giá trị trong Gia đình Việt Nam
18/03/2019
Những Chuyện về Thói Vô Tâm Tập Thể
27/01/2019
Phương pháp Giáo dục Tây Phương và Giá trị trong Gia đình Việt Nam
18/03/2019

Trong nhiều cuộc tư vấn từ các bạn sinh viên đại học chữ to cho đến các “ đấng tuổi teen” , ban đầu khi nghe bố mẹ “kể tội” con mình –tưởng chừng như các em đang bị “ tự kỷ” hay “trầm cảm” giai đoạn 3, hoặc có khi là một vấn đề tâm lý phức tạp mà chỉ có chuyên gia Tâm lý mới “điều trị” được. “Căn bệnh” phổ biến của trẻ nhỏ là việc chán học, không thích đi học . Còn với các bạn tuổi teen thì căn bệnh muôn thủa là mê game, không thèm nói chuyện với bố mẹ, đi học về là chui tọt vào phòng đóng của lại. Không thèm ăn cơm với gia đình…. Và điều làm các ông bố, bà mẹ ..hãi hùng là nghe con dọa tự tử, bỏ nhà đi bụi đời….
Chuyện không thích đi học cũng rất nhiều lý do khác nhau – Có bạn đang đi học MG ngon lành – mẹ đi công tác vắng nhà 3 hôm, nghe người nhà dọa : Rồi, mẹ bỏ con đi mất rồi , không thương con nữa… Thế là khi mẹ đi công tác về là đeo cứng ngắc ! Mang con đến trường thì khóc từ sáng đến chiều, cô giáo cũng khiếp vía ! Có bạn đi học về tỏ ra lo lắng, sợ hãi …hôm sau không muốn đi học nữa hỏi ra thì bị cô ..dọa … Có bạn thì “tự nhiên” trở nên khó chịu, hung hăng, đánh bạn, cắn bạn …không còn sợ cô giáo nữa . Có bạn thì sau khi bị đau, nghỉ ở nhà vài ba hôm, thấy ..đã quá thế là nhất định không đi học nữa !


Còn với tuổi Teen thì lý do dẫn đến những phản ứng tiêu cực, ngoài lý do bị những “ chấn thương tâm lý” thực sự – thì phần lớn là kết quả của nhiều yếu tố khác nhau, có thể tập trung vào các lý do chính :
– Bố mẹ chỉ quan tâm đến việc học hành của con, đặt nặng giá trị vào thứ hạng điểm số và vô tình tạo ra những áp lực lên trẻ : Chỉ cần con tập trung vào việc học , chỉ cần con học giỏi, chỉ cần con chăm chỉ học tập và nếu xem lịch học tập của các bạn này, ta sẽ có cảm tưởng các em sinh ra chỉ để ..học !
– Bố mẹ không tạo áp lực về việc học – nhưng lại không biết cách “trao đổi – trò chuyện” với con, thời gian bố mẹ con cái nói chuyện với nhau trong ngày là chuyện …quý hiếm. Một phần là do cuộc sống, áp lực kinh tế hay áp lực làm giàu khiến cho bố mẹ lao đầu ra ngoài xã hội, quay cuồng với cuộc sống từ sáng đến tối. Căn nhà chỉ còn là nơi …về để ăn uống, tắm rửa, nghỉ ngơi như một khách sạn !
– Bố mẹ dạy con theo hai quan điểm gần như trái ngược nhau – Bố nghiêm thì mẹ chiều – Mẹ nguyên tắc thì bố thoải mái – Bố la thì mẹ bênh , mẹ phạt thì bố ..đỡ đòn ! Đứa trẻ dựa vào cái ô dù từ bố để chống lại mẹ hay ngược lại ! mà cuối cùng là trẻ không biết ..nghe ai bèn ..chập mạch !
Nhưng dù nguyên nhân gì đi nữa, thì cũng sẽ dẫn đến các hậu quả gần như nhau, mà nạn nhân ở đây lại không phải là …đứa trẻ ! Có thể nói do cách giáo dục không hợp lý mà các bậc phụ huynh đang bị “gậy ông đập lưng ông” – Ngay cả với nhiều ông bố, bà mẹ vẫn tự hào là mình biết dạy con, không hề áp đạt hay chiều chuộng ! Nhưng cái yếu tố quan trọng nhất mà họ thường bỏ quên – hay nói đúng hơn là không cho rằng, đó là điều quan trọng đã dẫn đến tình trạng “ trái gió trở trời” ở đứa con.
Đó chính là các hoạt động bình thường trong gia đình – Hầu hết các trường hợp “ có vấn đề về tâm lý” của trẻ , nếu hỏi ra thì ngoài việc đi học, rồi về nhà chơi game trên điện thoại, máy tính và ăn uống, ngủ nghỉ …thì trẻ không phụ giúp gì cho cha mẹ. Đa phần là bởi vì chính cha mẹ không yêu cầu. Bởi vì với một thời khóa biểu học tập dầy dặc từ 6h sáng cho đến 7, 8 h tối thì quả thực là trẻ không còn một khoảng trống thời gian nào, nếu không có sự giới hạn hay biết xếp đặt hợp lý.
Thế nhưng, vẫn có những khoản thời gian trống mà có thể sắp xếp được, hoặc cuối tuần, ngày Chủ nhật…Đơn giản hơn là những buổi tối trong gia đình. Nhưng, những khoảng trống hiếm hoi này, cũng bị chiếm mất bởi rất nhiều lý do chính đáng : Bố thì có khi 9 – 10h mới về đến nhà vì phải đi giao tiếp. Ngày CN cũng ít khi xếp được lịch để có thể ở nhà cùng con …. Từ đó, sẽ đưa đến tâm lý, thôi thì chỉ cần nó tập trung vào việc học là được, còn các hoạt động khác như lau nhà, quét dọn, rửa chén, gấp quần áo… thì đã có người làm, giúp việc hay chính bố mẹ sẽ là osin ! Nhưng rồi, chuyện đời đâu phải như .. mơ ! để con có thể cứ học là sẽ đỗ đại học và lớn lên làm ông nọ, bà kia . Cái thực tế trước mắt, đứa trẻ tự nhiên trái tính trái nết và trở thành ..ông chủ, còn căn nhà của mình, lại trở thành cái khách sạn mà trên danh nghĩa thì mình là chủ, nhưng thực tế lại giống ..phục vụ phòng !
Không những thế, đứa trẻ bắt đầu lại nhõng nhẽo, cáu gắt hay tệ hơn là mê game, bỏ học, thậm chí bỏ..ăn và bỏ cả chuyện giao tiếp với bố mẹ luôn ! Đây mới là điều làm cho bố mẹ ..đau đầu mà họ thường cho rằng, trẻ bị như vậy là do ảnh hưởng phim ảnh, trò chơi trên máy, hoặc bị đám bạn xấu lôi kéo …mà không hề nghĩ rằng, chính cách ứng xử của mình, cách sống và bầu khí gia đình như cái nhà trọ, kéo dài từ tháng này qua tháng khác, đã như một liều thuốc độc có tác dụng …chậm – Ngấm vào đứa trẻ và có khi ngấm luôn vào chính bố mẹ, mà những dấu hiệu ngộ độc ban đầu thường khó nhận ra …cho đến một ngày đẹp trời, nó bùng nổ và cha mẹ hoảng vía vì tưởng con bị …bệnh “ tâm lý” hay “ tự kỷ” . Thế là đi tìm một chuyên viên tâm lý, và họ cho rằng, với các “kỹ thuật chuyên môn” ( Kiểu như các phương pháp trị liệu tâm lý ) và năng lực – thì người chuyên viên ấy có thể : Nói cho nó nghe ra , khuyên bảo cho nó tỉnh ngộ, nó nhận biết cái sai của mình để sửa chữa, hay chuyên gia “ sửa dùm luôn” thì càng tốt ! Chứ không hề nghĩ rằng – Người phải “ nghe ra” phải thay đổi, chính là ..bố mẹ !
Điều mà họ không nghĩ tới – chuyện “ bùng nổ” của đứa trẻ chỉ là một hành động “ thay lời muốn nói” mà thông điệp của đứa trẻ thường chỉ là “ bố mẹ hãy quan tâm đến con” – quan tâm ở đây khác với chiều chuộng, khác với việc muốn gì được nấy, và dĩ nhiên khác với sự áp đặt, từ chuyện học cho đến chuyện giải trí. Mà quan tâm ở đây là bố mẹ hãy tạo ra một bầu khí ấm áp yêu thương, vui vẻ và tôn trọng lẫn nhau trong gia đình. Không chỉ là quan tâm đến “con” mà là một tình trạng “quan tâm đến nhau” ! Hãy cùng nhau nấu ăn,cùng nhau dọn dẹp nhà cửa..trong các ngày cuối tuần. Hãy tổ chức các bữa cơm gia đình mà thời điểm ăn uống, là thời điểm trò chuyện vui vẻ đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, chứ bữa ăn không phải là một “ tòa án nhân dân” mà ở đó , bố mẹ là quan tòa…thậm chí có khi chính đứa con đang “ thi hành án ” với bố mẹ bằng thái độ lạnh lùng, thu rút, không thèm ăn chung, không thèm trò chuyện bởi vì ..chả có gì để nói ngoài chuyện ..học !
Đó chính là liệu pháp “ gia đình trị liệu” tuy đơn giản, nhưng không phải dễ thực hiện, mà nhiều bậc cha mẹ không để ý. Họ có thể bỏ bạc triệu, tham dự hết hội thảo này đến tập huấn khác , nghe các chuyên gia từ thứ thiệt đến thứ dỏm, nói từ những lý thuyết cao siêu cho đến các chuyện ..bá láp chủ yếu là chọc cười người nghe, cười ầm ầm xong về không biết họ nói gì luôn. Các chuyên gia có thể Giới thiệu cho họ hết phương pháp giáo dục Do Thái cho đến chuyện mẹ Nhật dạy con … thực sự là rất hay, nhưng mang về áp dụng thì lại không đi đến đâu, bởi vì “ nó có chịu ngồi nghe tôi nói đâu mà dạy với dỗ ?” .
Bố mẹ nên biết, Hạnh phúc gia đình không đến từ bên ngoài, mà là đến từ trái tim của mỗi một thành viên trong nhà. Đó không phải là những bữa ăn sang trọng ở nhà hàng mà là những giọt mồ hôi của người mẹ bên đống nồi niêu xoong chảo để có những bữa ăn ngon cho “ bố con nhà nó” Đó cũng không phải là những lúc bố mẹ con cái cắm đầu vào cái Iphone, hay say sưa với FB , mà là những giờ trò chuyện, trêu chọc hay chơi đùa cùng nhau…và nhất là cùng nhau làm ..việc nhà trong bầu khí gia đình vui vẻ, thoải mái ! Chính những sự quan tâm “ bình thường” của bố mẹ, con cái sẽ tạo ra một sự phi thường : Một bầu khí gia đình toàn vẹn để có thể trở nên một tổ ấm thực sự và tránh được những “rối loạn tâm lý” không đáng có ở các con lẫn ..bố mẹ !

CVTL LÊ KHANH

Phòng Tư vấn Tâm lý Gia Đình & Trẻ Em

Cty Kidstime Bình Thạnh

 

Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý