LÀM SAO CHO TRẺ BIẾT NÓI
08/11/2020
Vụ “tra tấn” 2 nhân viên ở Bắc Ninh: Trẻ bị bạo hành có thể gặp trở ngại trong phát triển hành vi, ứng xử
24/11/2020
LÀM SAO CHO TRẺ BIẾT NÓI
08/11/2020
Vụ “tra tấn” 2 nhân viên ở Bắc Ninh: Trẻ bị bạo hành có thể gặp trở ngại trong phát triển hành vi, ứng xử
24/11/2020
Đã từ lâu – hoạt động can thiệp hay trị liệu cho trẻ đặc biệt, luôn có những điều “bất khả tri” đó là những điều mà khoa học không giải thích tường tận được . Thứ nhất , đâu là nguyên nhân gây ra chứng tự kỷ, hay tăng động kém chú ý , chậm phát triển – và đâu là phương pháp can thiệp, điều trị hiệu quả nhất ? Đã bao nhiêu công trình nghiên cứu khoa học có mà phi khoa học cũng có – để tìm ra nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này, nhưng chưa hề có được một nghiên cứu nào chỉ ra, đâu là nguyên nhân chính. Bởi vì tính phức tạp của tình trạng, vừa là một rối loạn về phát triển của thần kinh, vừa là những rối nhiễu về mặt tâm lý. Thậm chí là không trẻ nào giống trẻ nào dù cùng là một tình trạng.
Những đánh giá sàng lọc hay thang đo, dù khoa học đến đâu cũng chỉ có thể xác tín được tình trạng và mức độ nặng nhẹ một cách tương đối. Không hề có phương pháp hay gười nào xác tín được nguyên nhân, chỉ trừ các Lang băm hay phụ huynh biết tuốt ! Họ xác định nguyên nhân và nhất là phương pháp chữa trị rất quả quyết, họ xác định có thể giúp trẻ hoàn toàn được chữa lành ! Có điều ngay cả những trẻ mà họ có thể chữa lành, có khi không phải là trẻ rối loạn phát triển, hay có khi đó là kết quả của cả một quá trình can thiệp và họ chỉ là người đến cuối cùng, hoàn tất một số công đoạn cuối của một hành trình theo kiểu may thầy – phước chủ. Thế nhưng, chỉ với một vài trường hợp chữa lành ( theo cái nhìn của họ ) – thì đã đủ để họ vỗ ngực tự hào, dù không thể gọi đó là một biện pháp hiệu quả với chứng cớ khoa học !
Như vậy, có thể nói là đến nay chưa hề có một phương pháp nào có khả năng chữa lành, để một trẻ tự kỷ không còn tự kỷ nữa, hoàn toàn bình thường như những trẻ khác . Ngay cả một phương pháp “nổi tiếng toàn cầu” trừ chính quốc gia phát sinh ra nó – là PP Son Rise , mà người quảng bá cho phương pháp đó, với trình độ diễn thuyết như một MC chuyên nghiệp lại chính là một trẻ tự kỷ, mà người chữa lành không ai khác, là bố mẹ của ngài ! Sau những hội thảo, báo cáo nặng phần trình diễn với một chi phí không hề rẻ, họ chỉ phổ biến được một nguyên lý mà trong chừng mực nào đó, nó cũng là nguyên lý của nhiều phương pháp khác – đó là lắng nghe – tôn trọng thấu hiểu và nương theo trẻ . Thế nhưng đó chỉ là 1 chìa khóa để bước vào bên trong đứa trẻ, nếu không có các kỹ thuật khác phối hợp thì cũng không thể làm cho trẻ tiến bộ chứ đừng nói là được chữa lành.
Trông quả thì biết cây – nếu như Son Rise là một phương pháp thần thánh – và chỉ cần 1 phương pháp đó thôi, có thể biến một đứa trẻ tự kỷ không có ngôn ngữ, rối loạn giác quan trở nên một diễn giả tài năng, có thể tạo động lực cho hàng ngàn phụ huynh khắp thể giới, rồi ra tay cứu hàng trăm trẻ tự kỷ “vượt qua chứng tự kỷ” một cách kỳ diệu – thì sau bao năm phổ biến,thế giới đâu còn phải cãi nhau về các phương pháp điều trị khác nữa – Bố mẹ trẻ chỉ cần đi dự một khóa học rồi về “điều trị” cho con là ổn rồi. Trẻ tự kỷ toàn thế giới sẽ được chữa lành ! Nhưng thực tế thì sao ? – Vâng, Son Rise đến Việt Nam rồi lại đi và trẻ Tự kỷ thì vẫn còn đó.
Và rồi, ngày càng nhiều các phương pháp “điều trị” chữa lành nữa ra đời – từ những phương pháp tốn kém hàng trăm triệu cho đến các biện pháp không tốn đồng xu nào – đều cố gắng nói đến điều “bất khả tri” là sự chữa lành. Rõ ràng chữa lành phải là sự bình phục hoàn toàn – chứ không thể gọi một trẻ từ chỗ chưa biết nói, giờ nói được, chưa đi học, giờ đi học được, chưa làm được điều này, điều kia, giờ có thể làm được là chữa lành. Đó chỉ là sự tiến bộ về ngôn ngữ, hành vi, giao tiếp ,nhưng cái đích cuối cùng là khả năng tự lập hoàn toàn như một trẻ bình thường, thì không có . Trẻ không biết chơi đùa, không biết “nói láo như nói thật” trẻ không thể giao tiếp một cách tự nhiên, và nhất là trẻ không thể quản lý về thu chi, về tiền bạc về khả năng nghề nghiệp . Có ý chí và khả năng vượt khó, mà không cần đến một người cầm tay chỉ việc, hay một hệ thống hỗ trợ của xã hội .
Đó là không nói đến chuyện chẩn đoán sai lầm, trẻ chậm nói đơn thuần mà gọi là tự kỷ, để “chữa lành” cho trẻ nói được mà gọi đó là đã điều trị thành công cho trẻ tự kỷ !
Hàng năm, số lượng trẻ sinh ra và lớn lên với chứng tự kỷ ngày càng nhiều, tỷ lệ ngày càng cao thì sự lo lắng, hoang mang của phụ huynh cũng gia tăng theo cấp số cộng. Đó chính là cơ sở của những thứ gọi là phương pháp chữa lành không tốn kém với những cái danh xưng không thể nào kỳ diệu hơn ! Phải chăng không tốn kém gì ? Không đúng. Có thể là không tốn tiền nhiều, không mất quá nhiều thời gian, nhưng cái mất lớn nhất sẽ là lòng tin, là sự bình an trong tâm hồn, sự thất vọng và buông xuôi để rồi lại tiếp tục bám víu vào các ảo tưởng khác..
Đã từng có những phụ huynh, tự mình mày mò đi học và áp dụng nhiều biện pháp khác nhau cho con, có thể đạt được những kết quả tốt về mặt này, mặt khác. Họ có thể chia sẻ, hướng dẫn cho những phụ huynh khác những kỹ thuật và kể cả động lực và niềm tin . Nhưng hỏi rằng, liệu cháu khi lớn khôn, có khả năng tự lập hay không ? Thì nếu là một người có lý trí và lòng tự trọng, hẳn không bao giờ dám khẳng định, dù con họ nếu so sánh với các trẻ cùng trang lứa, hầu như không có gì khác biệt. Thế nhưng, trong sâu thẳm tâm hồn, họ vẫn nhận ra, con họ vẫn mãi mãi là một đứa trẻ thơ trong thân xác của một người trưởng thành khi con lớn lên.
Có một bà mẹ với hoàn cảnh khó khăn vô cùng, không có kinh phí nhiều để cho con đi can thiệp, không có thời gian nhiều để ngồi chơi với con, môi trường sống lại quá bất lợi, một mẹ một con, bố bỏ rơi sống với vợ khác, mẹ con phải ở nhờ gia đình họ hàng, anh em. Việc làm chưa ổn định, thu nhập thấp không đủ ăn. Thế nhưng, điều khó khăn lớn nhất của chị không phải là những yếu tố bên ngoài, mà chính là cái nhìn của chị về đứa con , chỉ toàn thấy những điều tiêu cực, và cứ ân hận, nuối tiếc về quá khứ, giá như bà nội không cho cháu uống thuốc quá liều, không bỏ bê cháu, giá như cháu không xem TV nhiều, giá như mình có thời gian nhiều hơn cho con, giá như mình có nhà riêng…. Nhưng cái điều đơn giản nhất là hãy ngồi xuống chơi với con nửa tiếng một ngày thôi vẫn chưa làm được, thì dù không có cái giá như nào, trẻ cũng không thể tiến bộ. Trong khi mẹ cứ khăng khăng cho rằng con mình sinh ra bình thường, mà tại vì thế này, thế kia đã khiến con bị “bệnh tự kỷ” và cứ băng khoăn liệu uống thuốc bổ não, bổ thần kinh có giúp gì cho con không !
Gần 3 tiếng đồng hổ trong buổi sáng CN để chỉ cố gắng thuyết phục giúp mẹ nhìn ra những điều tích cực hơn trong cuộc sống của mình, có một thái độ, một suy nghĩ lạc quan hơn về tình trạng của con và nhất là hãy bước đi từng bước với con, mỗi ngày chỉ cần giành cho con 30 phút để ngồi chơi có mục đích với con thôi , mà sao thấy khó quá! Mẹ vẫn cứ hoang mang với những mục tiêu xa vời vợi, liệu con có nói được không, liệu con có vào lớp một được không ?
Giá như mình có được “lòng tin” của một kẻ “chữa lành” để nói với mẹ rằng – chị cứ theo phương pháp XYZ này đì, thế nào con chị cũng bình phục, cũng nói được, cũng đi học được… thì hẵn là mình sẽ thoải mái lắm , tự hào lắm. Tiếc thay, mình là một người chỉ tin vào chứng cớ, chỉ biết rằng cho đến giờ này, mọi biện pháp can thiệp chỉ là để giúp trẻ tiến bộ ! để bình yên và để vui vẻ , chứ không phải là lành bệnh!
Điều mong muốn lớn nhất chính là sự tôn trọng đứa trẻ, sự tôn trọng không chỉ đến từ bố mẹ để đừng đem con ra làm vật tế thần cho các phương pháp thần kỳ, mà còn là sự tôn trọng đến từ cộng đồng chung quanh. Đừng nhìn trẻ bằng sự kỳ thị về những hành vi kỳ cục của con và luôn giữ lòng thương hại, tội nghiệp quá để đốc thúc bố mẹ phải chữa lành cho cháu để cháu còn có thể hòa nhập với cộng đồng ! Cộng đồng không hòa nhập với cháu, sao cứ đòi cháu phải hòa nhập với cộng đồng ?
Hãy tôn trọng con người bên trong của trẻ, và hãy chấp nhận cái vỏ bên ngoài của trẻ. Đừng đòi hỏi sự chữa lành để đen lại sự bình phục giả tạo cho con, mà hãy đòi hỏi sự an yên của bố mẹ, để từng bước vui vẻ đồng hành cùng con,nhất là có thể đưa ra những mục tiêu nho nhỏ từng bước nhỏ hàng ngày, để dần dần trẻ có thể tiến bộ về ngôn ngữ, về hành vi, về giao tiếp về nhận thức bằng sự phối hợp của những nguyên tắc can thiệp có chứng cớ khoa học trong một môi trường vui vẻ và một bầu khí trong lành!
Lê Khanh .
Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý