GIÁO DỤC BẰNG…HÀNG NHÁI !
08/04/2021
CĂN BỆNH NGUY HIỂM
21/07/2021
GIÁO DỤC BẰNG…HÀNG NHÁI !
08/04/2021
CĂN BỆNH NGUY HIỂM
21/07/2021

Trong hệ thống giáo dục phổ thông – một HS được tham gia lần lượt từ mẫu giáo cho đến đại học – để sau khi tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân, em sẽ có khả năng bước vào đời để lập thân và lập nghiệp ! Bên cạnh đó, còn có những lối rẽ khi hết cấp 2, cấp 3 để vào các trường nghề – trường cao đẳng rồi thay vì sẽ làm “thầy” thì em sẽ trở thành “thợ” – Dù con đường này, các bậc cha mẹ không mong muốn và nhiều em cũng không thích thú gì – nhưng vẫn là một cánh cửa, có khi còn tốt hơn cả việc làm thầy khi mà hàng chục ngàn “thầy” vì thiếu  kỹ năng sống, gia tài chỉ có tấm bằng và một mớ lý thuyết trong đầu ! Để rồi làm thầy không xong , làm thợ không được , đành ôm chiếc xe gắn máy kiếm cơm qua ngày !

Nhưng, dù sao đi nữa thì giáo dục phổ thông cũng có đầu vào và đầu ra – Trong khi một hệ thống giáo dục khác – hệ thống giáo dục “ đặc biệt” , dù trong hơn chục năm nay, đã được phát triển rầm rộ cả về số lượng lẫn chất lượng , nhưng vẫn chỉ loanh quanh ở mức độ : Can thiệp sớm , giáo dục chuyên biệt tương đương cấp MG và cấp Tiểu học ! Cấp Trung học và Cao đẳng – đại học là không hề có ! Nói cách khác – chỉ có đầu vào mà không có đầu ra !  Vậy thì sau 4-5 năm can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập, các em có hòa nhập với xã hội được không ? Câu trả lời trên thực tế là khá rõ !

Một đứa trẻ bình thường nếu chỉ tốt nghiệp tiểu học –cũng không khác bao nhiêu với một trẻ học hết lớp Một, lớp Hai !  Nhưng với trẻ đặc biệt, thì việc “bò” lên được lớp 1 – 2 hay 4 -5   quả là một nỗ lực phi thường cho cả mẹ lẫn con !  Thậm chí, nếu có vừa đẩy vừa kéo lên tới lớp 7 – 8 của bậc học THCS. Thì khi ra trường – những kiến thức toán, lý, sinh, hóa mà các em nhai đi nhai lại… sẽ không hề giúp em có thêm chút năng lực nào để “hòa nhập” vào cuộc sống, nếu như các em không được gia đình và nhà trường chú ý đến các kỹ năng sống thiết yếu, giúp cho các em có thể tự lập một phần trong cuộc đời.

Sự Khác biệt giữa trẻ Khuyết Tật và trẻ Rối loạn Phát triển

Điều quan trọng ở đây, không phải là việc cần thiết xây dựng một hệ thống giáo dục cấp Trung học hay cao đẳng cho các trẻ đặc biệt – vì đó là điều vô ích và không tưởng! Ngay cả việc “đầu tư” các trung tâm cơ sở hướng nghiệp – dạy nghề hoành tráng cho trẻ đặc biệt cũng không hiệu quả ! Tại sao ? Bởi vì chúng ta có những quan điểm chưa đúng về giáo dục hướng nghiệp.  Đối với một trẻ KHUYẾT TẬT thể lý như : Khiếm thính, khiếm thị, Bại liệt .. và một số dị tật khác , thì việc “dạy nghề” là điều cần thiết và hữu ích ! Bởi vì các em chỉ khiếm khuyết một số bộ phận chức năng trên cơ thể – và nếu được “phục hồi chức năng” đúng – các em hoàn toàn có thể làm các công việc phù hợp với khả năng của mình. Đơn giản là vì các em có “nhận thức” có ý chí để biết TỰ NỖ LỰC vượt lên số phận – Đã có biết bao tấm gương người khuyết tật, thậm chí cụt cả tay lẫn chân, hay bị chứng xương thủy tinh … mà vẫn trở thành một tấm gương, cho cả những bạn trẻ bình thường !

Với người có chứng “rối loạn phát triển” thì không! Mặc dù trong một số trường hợp “tự kỷ chức năng cao” các em không có vấn đề gì về việc học – thậm chí có thể tốt nghiệp đại học ! Nhưng hãy nhìn vào các kỹ năng sống – kỹ năng quản lý cuộc đời của em – chúng ta sẽ thấy có nhiều lỗ hổng mà không một biện pháp “can thiệp – trị liệu” nào giải quyết được.  Với đại đa số các bạn VIP – sau nhiều năm lên bờ xuống ruộng – tốn kém cả sức người và sức của  từ gia đình – thì kết quả chỉ là một chỗ ngồi trong các lớp hòa nhập chung quanh cấp tiểu học ! Con đường “hòa nhập” với xã hội của các em,phần lớn sẽ kết thúc tại …gia đình !

Thực ra , không thiếu gì các bạn trẻ bình thường, tốt nghiệp cấp III hay Đại học, vẫn quay về bám váy mẹ, thậm chí là nhiều du học sinh, ra nước ngoài vài ba năm – nếu thiếu kỹ năng tự lập, cũng có khả năng quay về gia đình với các triệu chứng trầm cảm từ nặng đến nhẹ ! Đó cũng là do các em thiếu kỹ năng sống, không được cha mẹ quan tâm rèn luyện cho các em tại gia đình những điều tưởng như vặt vãn như làm việc nhà, tự phục vụ bản thân và biết phục vụ những người trong gia đình ! Những đứa trẻ được nuông chiều trong cái chuồng “gà công nghiệp” là điển hình !

Những thiếu hụt và hạn chế khó vượt qua

Thế nhưng, với một chú gà công nghiệp – sau những ngày tháng  “stress”vì thiếu kỹ năng sống, có thể sẽ được cuộc đời dạy cho những bài học đích đáng, thậm chí là đi đến mức tù tội ! Nhưng, rồi trong số đó không thiếu những bạn đã “sáng con mắt” để quyết tâm làm lại cuộc đời , và có thể thành công, hay cùng lắm là “thành nhân” ! Nhưng các bạn VIP thì không !  Các bạn không thể có các kỹ năng cơ bản để thành người  tự lập ! Ngay từ nhỏ, cho dù có ngôn ngữ, biết diễn đạt cảm xúc, nhu cầu… nhưng cách thể hiện, trình bầy của em là “khác biệt !” chỉ cần nghe một đứa trẻ hay một thiếu niên nói một câu giao tiếp hay bộc lộ cảm xúc, là chúng ta có thể nhận ngay đây là một bạn VIP ! Điều đó có thể theo em suốt đời cùng với chứng tự kỷ của mình.

Một yếu tố khác đó là khả năng “ nói đùa” – khả năng “ nói bóng gió, mỉa mai, nói vậy mà không phải vậy” – tuy có vẻ bình thường, nhưng lại vô cùng thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày ! Các em có thể đọc vanh vách một bài thơ, một bài tập đọc,một bài lịch sử với những năm tháng khó nhớ , nhưng để nói đùa một câu với người bạn thì..tắc tịt, hay có khi còn làm cho người bạn “đứng hình” vì sự ngây ngô trong câu nói !  Một yếu tố khác cực kỳ quan trọng, đó là khả năng quản lý tài chính, nôm na là khả năng tiêu tiền và giữ tiền ! Kiếm tiền thì không khó, bỏ công ra làm việc, thì sẽ nhận được tiền công ! Nhưng làm sao có thể sử dụng đồng tiền kiếm được một cách căn cơ, hiệu quả thì …không !  Một bạn trẻ khuyết tật, hoàn toàn có thể kiếm tiền và làm giàu ! Có thể lập gia đình, có con và nuôi dạy con tốt ! Một bạn Vip thì khó có thể có những năng lực ấy !  Các em vẫn phải phụ thuộc vào một sụ hỗ trợ, quản lý cuộc sống đến từ người thân và xã hội !  Các em có thể sống vui vẻ, yên ổn trong vòng tay chăm sóc của gia đình cho đến khi trưởng thành. Nhưng nếu không có một hệ thống an sinh xã hội  hiệu quả, thì việc các em bị cuộc đời vùi dập là chắc chắn !  Mà hệ thống an sinh xã hội thì ngay cả các đối tượng yếu thế khác như trẻ mồ côi, người khuyết tật, người già… trong xã hội ta cũng đang là một vấn nạn !  Vậy thì chi còn lại gia đình ! Nhưng cha mẹ có thể bảo bọc các em suốt đời không ?

Chính vì nỗi lo không thể bảo bọc các em suốt đời – nên cha mẹ mới dốc toàn lực trong việc can thiệp sớm và hết sức nỗ lực cho các em được đứng vào hàng ngũ HS bình thường với nhãn hiệu “hòa nhập” ! Nhưng “hệ thống giáo dục hòa nhập” có được tổ chức tốt như hệ thống giáo dục can thiệp sớm chưa ? Người Giáo viên đã được đào tạo về giáo dục đặc biệt , có thể can thiệp hiệu quả cho các em trong các trường lớp can thiệp sớm, sẽ có đủ năng lực ngồi vào lớp học bình thường để giáo dục hòa nhập cho các em ? Giải pháp hiện nay vẫn chỉ là tìm một giáo viên đi kèm , nếu nhà trường cho phép, nhưng thực sự là khó tìm!  Hay một giải pháp khác, hiệu quả hơn – đó là phụ huynh sẽ tự thân “vận động” bằng nhiều cách để “tìm bạn” “tìm cô” cho con – Các em có thể có được những người bạn tốt, các thầy cô yêu thương, quan tâm hỗ trợ… trong vài ba năm ở tiểu học – nhưng rồi sau đó thì sao ? Tính sau !

Giáo dục tuổi Teen cho trẻ VIP cần gì ?

Đã bao nhiêu “thế hệ” trẻ tự kỷ được can thiệp sớm – giáo dục chuyên biệt…trong một thời gian dài, nhưng chỉ vì quan điểm hay tầm nhìn của gia đình, và ngành giáo dục đặc biệt, chưa thấy rõ sự quan trọng của các “ hoạt động kỹ năng sống và năng lực tự chủ bản thân” ngay từ khi các em còn nhỏ, nên chỉ dồn sức vào một mục tiêu, có phần nào hão huyền là bằng mọi biện pháp “trị liệu toàn năng” đi từ những kỹ thuật “hoang đường” cho đến các phương pháp “có chứng cớ khoa học” để mong muốn đứa con yêu quý của mình “trở thành bình thường” – và việc trở thành bình thường , sẽ có những khởi đầu dường như là tốt đẹp : Các em biết nói – biết đọc, biết viết..biết làm toán, biết nói tiếng Anh luôn… rồi các em được thầy cô, bạn bè thương mến… rồi các em từng bước đến trường… Nhưng khi các em bước vào lứa tuổi vị thành niên,   với những cơn sóng ngầm về cản xúc, với những nhu cầu về sinh lý và tình cảm rất bản năng, và nhất là với những mối quan hệ xã hội ngày càng phức tạp … mà lại thiếu hụt những năng lực về ý chí, về giá trị đạo đức như các em bình thường thì những giải pháp,  kế hoạch giáo dục và hướng dẫn cho các em vẫn loanh quanh trong các buổi hội thảo, tọa đàm về “giáo dục giới tính” hay “định hướng nghề nghiệp” cho trẻ tuổi teen trong một số ngành nghề giới hạn . Phụ huynh đi nghe háo hức, vỗ tay nhiệt tình và khi về nhà thì vẫn phải đối diện với một “ông tướng” tuổi đời mười mấy, đôi mươi mà vẫn như một đứa trẻ ngây thơ ngày nào ! Rồi lại loay hoay với cơm áo gạo tiền, mà tạm quên đi một điều không bao giờ lấy lại được “ Thời gian ! –

Hãy nhìn lại và định hướng cho đúng hơn, chúng ta đang nỗ lực cho con vào trường mà quên đi chuyện giúp con vào đời – vì vẫn cứ tin rằng, đích đến của mình chỉ là cánh cửa nhà trường ! Hãy xem lại và điều chỉnh cách chăm sóc, giáo dục con ở nhà để con được hướng dẫn và trải nghiệm những kỹ năng sống thiết yếu càng sớm càng tốt , và điều quan trọng nhất là hãy nghĩ đến một cộng đồng có thể giúp con trong việc “quản lý cuộc đời” từ năm này qua năm khác , kể cả sau khi bố mẹ già yếu , không còn sức để bảo bọc cho con như hiện nay!

Lê Khanh – Mùa Covid thứ hai – 2021

 

 

Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý