Phát triển năng lực bằng sự tò mò
05/12/2014
Dạy trẻ lòng biết ơn
08/12/2014
Phát triển năng lực bằng sự tò mò
05/12/2014
Dạy trẻ lòng biết ơn
08/12/2014

Có những phụ huynh thường than phiền là con không chịu học hành gì cả, ham chơi quá, không có một chút năng khiếu gì thì làm sao sau này có thể thành công ? Đối với họ, học là phải ngồi vào bàn, có cây bút, cuốn vở trước mắt. Nhỏ thì tập đồ, tập viết, tập tô màu, lớn hơn chút nữa thì phải biết học bài, viết bài, làm toán.

Còn những chuyện chơi đùa, chạy nhảy hay sử dụng máy tính, đều là những trò chơi vô bổ, tốn thì giờ thậm chí còn có hại. Chúng ta không nhìn ra rằng, khi còn bé, chính những trò chơi và những món đồ chơi là những phương tiện hữu hiệu để giáo dục cho trẻ em.

Khi bắt đầu chập chững biết đi, chính sự tò mò khám phá các vật chung quanh là một trò chơi ưa thích của trẻ. Chưa từng có bậc cha mẹ nào mà lại chưa cho đứa con thân yêu của mình một món đồ chơi nào đó, ngay cả những người nghèo khổ, không có tiền mua cho con thì cũng rắng đi lượm lặt hay mày mò để tạo cho con một món đồ chơi bất kỳ nào. Nhưng khi cho con chơi, không phải bậc phụ huynh nào cũng biết vận dụng những biện pháp hầu giúp cho con đạt được sự phát triển về vận động, về tư duy …thông qua các món đồ chơi. Đa số đều nghĩ rằng, trẻ chơi là vì trẻ chưa có khả năng học và làm việc ! và trẻ con thì chỉ biết ăn và chơi cho đến khi đi học mẫu giáo, thì bắt đầu được dạy cho học, và khi đã biết học thì có nghĩa trò chơi và đồ chơi không còn có địa vị độc tôn nữa, và bây giờ là đến giai đoạn ăn và học!

Nhưng trẻ con vẫn thích chơi, vẫn muốn chơi nhiều hơn là học và thế là bắt đầu cho một bi kịch cho cả cha mẹ lẫn con cái! Cha mẹ thì ra sức ép con học, con thì cứ sểnh ra là chơi và coi việc học là một điều gì hết sức khó chịu vì bị ép buộc một cách quá đáng và chỉ có thể phản đối bằng cách ỳ ra đó, không chịu học bài, làm bài. Không chịu học thì giáo viên thay vì tìm hiểu tại sao thì chỉ kết luận đơn giản là trẻ lười học, sau đó mời phụ huynh lên buộc làm kiểm điểm. Phụ huynh bị mời lên, về nhà lại quay sang phạt con, buộc con phải học nhiều hơn nữa hay có khi lại khóc lóc năn nỉ con học, trẻ bị dồn vào đường cùng nên cũng đành phải miễn cưỡng học cho xong, rồi vì không còn hứng thú nữa nên lại càng tìm cách bỏ học đi chơi sao cho phụ huynh không biết ! Việc ép học cũng như ham chơi thì hậu quả như thế nào, chúng ta đều đã thấy. Có thể nói cả người lớn lẫn trẻ con đều bị stress vì không còn được sống thực với sự mong muốn và sở thích của mình. Trong khi đó, biện pháp dạy tốt nhất là giúp trẻ ham thích bài học thì không phải giáo viên nào cũng biết và làm được, vì giáo viên cũng chỉ có thể truyền lửa cho học sinh nếu chính mình cũng ham thích môn mình dạy !

Nhiều bậc phụ huynh chỉ có thể chấp nhận quan điểm học mà chơi, chơi mà học khi trẻ còn ở mẫu giáo, đến khi bước chân vào lớp Một, trẻ bắt đầu nếm mùi áp lực của học tập. Không phải chỉ có học ở trường, mà còn phải đến nhà thày cô học thêm và học thêm ở nhà, cả những buổi tối và những ngày nghỉ . Ngay khi được nghỉ hè, thay vì được vui chơi với thiên nhiên để lấy lại quân bình sau những tháng ngày học tập, thì chỉ sau một vài ngày nghỉ ngơi ngắn ngủi, trẻ lại tiếp tục vác cặp đi học hè!

Thực ra, không phải bậc cha mẹ nào cũng muốn cho con phải chúi mũi vào sách vở, nhưng để có những thời gian và không gian cho trẻ chơi thì lại không phải là điều dễ dàng trong một xã hội công nghiệp, khi mà cả bố lẫn mẹ đều phải quay cuồng theo vòng xoay của kim đồng hồ để kiếm sống. Thế nhưng đó lại là cái vòng luẩn quẩn do chính người lớn tạo ra, vì không có thời gian để gần con, cho con chơi và chơi với con, đã khiến cho trẻ không được phát triển một cách có định hướng và có năng lực tự chủ, mà lại rơi vào những cuốn hút của những thú vui vô bổ vì trẻ không được sự quan tâm và dẫn dắt của người lớn, cho đến khi trẻ mất phương hướng, không còn đủ năng lực để phát triển nhân cách, lao đầu vào những thú vui nhất thời, nặng thì “đi bụi” “đi bão” nhẹ thì lơ là việc học, thích cư xử với bạn bè bằng bạo lực và nguy hiểm nhất là sa vào thế giới ảo của các trò chơi “game online”. Lúc đó, nhiều bậc cha mẹ mới cuống lên, nhưng thường chỉ biết đối phó bằng cấm đoán, la mắng, đòn roi hay chỉ biết bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để cho con đi “học kỹ năng sống” hay tốn tiền và tốn thời gian cho con đi “cai nghiện game online” !

Vì thế, việc sắp xếp thời gian một cách hợp lý cho con, có được những khoảng “trống” về không gian và thời gian để vui chơi bằng những hoạt động ngoài trời trong những ngày nghỉ cuối tuần là một điều không chỉ hữu ích mà còn cần thiết. Bố mẹ không nên tạo ra những áp lực về học tập, nếu có thể giúp con biết cách tổ chức việc học như một hoạt động vui chơi sẽ là những biện pháp tốt nhất để giúp con phát triển năng lực và nhận thức, đó cũng có thể xem là một biện pháp hướng nghiệp hiệu quả, giúp con khám phá và xây dựng những kỹ năng cá nhân thông qua những hoạt động theo sở thích.

Không những thế, việc bố trí giờ giấc hoạt động trong ngày cho trẻ một cách hợp lý, quân bình được trong ba lĩnh vực : Học tập – vui chơi và nghỉ ngơi cũng là một biện pháp giúp trẻ biết tổ chức các hoạt động cho bản thân một cách hài hoà, biết cách quan hệ một cách hiệu quả với người khác, đó là những yếu tố quan trọng trong bất cứ lĩnh vực nghề nghiệp nào.


làm gì để phát triển tài năng cho trẻ ?

Chúng ta không chấp nhận hay khuyến khích việc đào tạo thần đồng, nhưng phụ huynh lại cần phải có sự quan tâm để nhận biết những khả năng đích thực của trẻ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho trẻ phát triển được những tài năng của mình một cách chắn chắn với sự ham thích và tính tự nguyện.

Ngay từ khi trẻ biết đi thì đã bắt đầu bộc lộ những khả năng có thể là dấu hiệu báo trước những tài năng thiên phú. Đây là những dấu hiệu cho thấy khả năng phát triển tốt nơi trẻ :

          5 dấu hiệu tài năng ở trẻ dưới 3 tuổi

1. Biết nói sớm

Trẻ có thể học nhanh và nói được nhiều từ vựng, hay đặt ra các hỏi các sự việc đến tận gốc rễ và có khả năng nhìn nhận vấn đề dưới nhiều góc cạnh.

2. Biết đọc sớm

Trẻ biết chú ý theo dõi quá trình nhận biết chữ và tranh ảnh, chỉ cần một sự gợi ý là nó biết chọn đúng quyển sách mà nó đã đọc và phát âm tốt các từ ngữ. Trẻ có sự ham thích trong việc xem các truyện tranh và cố gắng tìm kiếm cách hiểu các chữ ghi trong đó.

3. Thích các con số

Trẻ rất thích các con số của các vật như: số bậc thang gác, biển số các xe máy ô tô thường qua lại nhà, nhớ được các số điện thoại của người thân, đọc được các con số trong sách vở. Tuy nhiên, việc quá gắn bó, say mê các con số mà không có ý thức về số lượng ( nhiều & ít ) thì lại là một dấu hiệu nguy cơ của tình trạng Tự Kỷ, một rối loạn giao tiếp rất khó giáo dục.

4. Biết giải quyết vấn đề

Trẻ thích chơi các trò chơi của những đứa trẻ lớn tuổi hơn nó, tự tìm cách giải quyết các vấn đề khó của các trò chơi và đặc biệt hứng thú với các tình tiết nhỏ.

5. Có khả năng tập trung sự chú ý

Trẻ có thể dành nhiều thời gian để chú ý tới một sự việc từ đầu đến cuối như chuyên tâm kiên nhẫn hoàn thành một trò chơi ghép hình khó hoặc có khả năng tập trung vào một hoạt động nào đó trong một thời gian trên 15 phút.

Khi nhận ra trẻ có những dấu hiệu này, các bậc cha mẹ nên có những hỗ trợ thích hợp để giúp trẻ phát triển tốt hơn những khả năng sẵn có của mình và tìm hiểu xem cháu có xu hướng thiên về hướng nội hay hướng ngoại để định hướng phát triển cho phù hợp.


 Biện pháp giúp trẻ phát triển:

            Có rất nhiều những biện pháp khác nhau để giúp cho một cháu bé phát triển năng lực thông qua tập luyện, nhưng có hai biện pháp đơn giản kích thích một cách tự nhiên các năng lực của trẻ là:

1. Tạo bầu khí thoải mái cho trẻ

Chúng ta không cần phải tốn tiền để mua các trò chơi đắt tiền, chỉ cần tạo cho trẻ một hoàn cảnh để nó phát huy được hết sức tưởng tượng của nó, cho dù xung quanh nó chỉ có các hộp giấy, thảm trải giường, chăn gối và các đồ vật có sẵn trong phòng.

Trò chơi sáng tạo rất quan trọng đối với sự trưởng thành của trẻ, nhất là trẻ có kha năng lại rất cần có cơ hội để thể hiện mình, nó tự biết thông qua trí tưởng tượng để hình dung và tìm hiểu thế giới.

2. Tạo hứng thú học tập

Trẻ nhỏ ham thích và hứng thú tham gia các loại trò chơi, có thể đối với bạn thì rất nhạt nhẽo đơn điệu nhưng với trẻ nhỏ lại có thể là một sự hứng thú ngoài ý muốn. Cho nên cần tạo cơ hội để trẻ nhỏ được rèn luyện trí lực trong cuộc sống thường ngày.

Bên cạnh hai yếu tố trên, phụ huynh có thể áp dụng một số các kỹ thuật dưới đây để nâng cao khả năng cho trẻ:

Cùng trẻ ghi nhớ và tính toán hoá đơn mua hàng

Khi dẫn trẻ đi siêu thị có thể cho trẻ tự chọn các loại rau và hoa quả hoặc để trẻ tính toán hôm nay tiêu mất bao nhiêu tiền, có thể trẻ sẽ rất hứng thú làm theo gợi ý của bạn.

Nên sắp xếp thời gian cùng đọc và xem với trẻ

Sách không những là bậc thang trí thức mà còn là chiếc cầu nối cho mối quan hệ giữa bố mẹ và con, nên khi kể  chuyện cho trẻ bạn nên ngồi bên cạnh và ôm ấp trẻ, giây phút ấm áp đó sẽ làm cho trẻ càng hứng thú đọc và nghe bạn kể chuyện. Để cho trẻ tự chọn một quyển sách rồi nói cho trẻ cách xem tranh minh hoạ, quan hệ giữa tranh và lời trong sách.

Cùng trẻ nhẩm lời ca của bài hát

Đa số trẻ nhỏ đều thích hát, có thể lợi dụng điểm này để giúp trẻ học tiết tấu và luật gieo vần trong các bài đồng dao, điều này sẽ giúp trẻ tăng cường khả năng ghi nhớ.

Chơi trò chơi ghép hình

Trò chơi ghép hình đơn giản nhưng có thể tạo nên các phản ứng nhạy bén. Khi trẻ nhỏ tự nó hoàn thành một trò chơi ghép hình nó sẽ có một sự phấn khởi khác thường với thành tựu của mình.


SONG KHUÊ

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý