CHO CON ĐƯỢC LÀ ..CON
10/08/2020
Làm gì khi con gây ” Tội” !
19/09/2020
CHO CON ĐƯỢC LÀ ..CON
10/08/2020
Làm gì khi con gây ” Tội” !
19/09/2020

Một người mẹ hoang mang về khả năng ngôn ngữ của con, dù đã bỏ biết bao công sức ra để tập cho con từ lúc như một tờ giấy trắng, cho đến khi có thể nói được, đi học được…. gần như một trẻ bình thường – Nhưng cái khoản cách “gần như” đó, tuy có vẻ như rất gần mà lại rất xa. Bà mẹ dường như bất lực không làm sao có thể tập cho con trở nên dạn dĩ để nói được những câu hoàn chỉnh một cách linh hoạt !

Người mẹ khác lại lo lắng cho đứa con gái của mình – sao trông nó như một đứa “tự kỷ” … chỉ biết ru rú trong phòng, đi học hay đi đâu về là chui ngay vào phòng, không thích tiếp xúc…trò chuyện với ai, ngay cả khi ăn cơm cũng ít khi muốn ngồi ăn chung với gia đình .. Rồi mẹ lại thấy hay ngồi lẩm bẩm nói chuyện một mình ….Không biết làm sao có thể trò chuyện với con.

Thực ra giữa một bé tự kỷ không có khả năng giao tiếp và một bạn “tự kỷ” không muốn giao tiếp là hoàn toàn khác nhau, dù biểu hiện bên ngoài rất giống nhau, cũng vì thế nhiều người vẫn cho rằng tự kỷ là một chứng bệnh mắc phải giống như trầm cảm và có thể chữa được.  Trầm cảm thì đúng là một căn bệnh, có thể điều trị bằng thuốc kết hợp với một số liệu pháp tâm lý để thay đổi nếp sống và môi trường – Nhưng cái “bệnh” gọi là “tự kỷ” thì nên gọi đó là tính hướng nội có yếu tố tiêu cực, không muốn chủ động  giao tiếp, không thích chỗ đông người, có những thú vui cá nhân…. Lại là điều không thể “can thiệp” hay trị liệu. Cũng vậy, khả năng giao tiếp của một trẻ tự kỷ là những rào cản khó vượt qua, hay nói đúng hơn là không thể đưa một đứa trẻ tự kỷ trở lại mức độ giao tiếp như một trẻ bình thường.

Trong việc chăm sóc con, có những trường hợp hết sức nỗ lực để can thiệp bằng nhiều cách, nỗ lực cho con đi học từ lớp Một đến lớp Hai, lớp Ba …mà mỗi năm học là một sự nỗ lực . Nhưng cũng có những trẻ sau khi được can thiệp một hai năm, khi đã có thể nói được thì gia đình vội cho đi học trường bình thường. Đến khi cháu không chịu rèn luyện theo yêu cầu của giáo viên , dù bản thân trẻ biết đọc viết và tính toán rất tốt… thì lại cho con về nhà, ở nhà không tiếp xúc với môi trường xã hội nhiều, và ngay tại nhà cũng không chịu tập luyện cho con các hoạt động cá nhân và phụ việc gia đình mà cháu hoàn toàn có thể làm được. Bây giờ trẻ đã 11 tuổi, không tăng động, không quá khó khăn trong việc tương tác ..nhưng mẹ vẫn thờ ơ trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ cho con mình . Ngay cả việc can thiệp cũng chỉ muốn can thiệp vài buổi một tuần . Chính sự “bỏ rơi” không muốn vất vả vì con trong giai đoạn này, dù trẻ không thiếu thốn về vật chất – nhưng những kỹ năng giao tiếp xã hội lại không được quan tâm thì khi bước vào tuổi dậy thì với những khó khăn về nhu cầu thể xác, sẽ là một trải nghiệm không dễ chịu gì với một người mẹ “lười biếng” như bà !

Hiện nay, với nhu cầu xã hội đa phần các chương trình can thiệp cho trẻ tự kỷ đều tập trung vào khu vực “can thiệp sớm” với quan điểm càng sớm càng tốt và đến tuổi vào lớp Một, là trẻ có thể học hòa nhập. Điều này có thể đúng với một số trẻ ở mức độ nhẹ hoặc trung bình, nếu trẻ nhận được một chương trình can thiệp tốt và hiệu quả !  Thế nhưng, dù nặng hay nhẹ thì khi bước vào lứa tuổi tiểu học, khả năng tương tác, thích nghi và linh hoạt trong giao tiếp vẫn là một khoảng trống, mà chưa có một chương trình, một kỹ thuật nào hoàn thiện lấp được khoảng trống này.

Chúng ta hiểu rằng, giao tiếp là sự tương tác hai chiều, từ đứa trẻ và chiều ngược lại. Việc tập cho trẻ biết chào hỏi, biết nói ra một cách đầy đủ nhu cầu của mình đã khó, thế nhưng với chiều ngược lại thì hầu như chỉ là những tác động mong manh, kiểu may thầy phước chủ. Nếu con được tiếp xúc với một tập thể thân thiện ở nhà trường và ở khu xóm của mình,  khi bố mẹ không “sĩ diện” hay thiếu tự tin, để có thể cho con giao tiếp, qua lại với những người xung quanh và họ cũng thông cảm, hiểu biết, chấp nhận những hành vi kỳ lạ, những hạn chế giao tiếp của trẻ, để có những đáp ứng tương xứng. Đồng thời khi vào trường, các bạn bè xung quanh trẻ cũng cần được “huấn luyện” để biết cách chơi với con, không cô lập hay chế giễu trẻ. Giáo viên thì có sự hiểu biết để hiểu và thông cảm cho trẻ, không gò ép trẻ vào các khuôn khổ một cách cứng nhắc ! Thì những điều đó, cùng với những tác động thông qua các hoạt động tại gia đình, trẻ sẽ dần đần tiếp cận đến mức độ ..gần với bình thường. Nhưng chắc chắn, trẻ vẫn không thể “tự xoay sở” và có khả năng tự lập khi lớn lên, mà vẫn cần một hệ thống hỗ trợ đến từ gia đình và xã hội.

Thuật ngữ “ Hòa nhập” trong một chừng mực nào đó vừa là niềm vui cho những gia đình của trẻ, nhưng có khi lại trở thành nỗi lo lắng, căng thẳng cho chính trẻ, khi cháu phải tự “bước đi trên hai chân” của mình với khả năng khập khễnh trong giao tiếp. Nhiều phụ huynh nghĩ đơn giản khi “đẩy” được con vào lớp Một là đã có thể giúp cho con hòa nhập xã hội. Điều đó đôi khi lại đưa đến một kết quả xấu, nếu trẻ chưa thực sự hoàn thiện mà lại mong chờ tập thể chung quanh sẽ “tập luyện” cho trẻ dần dần. Nhưng nếu không được “tập huấn” hay đơn giản hơn là “mua chuộc tình cảm” thì những trẻ xung quanh sớm muộn gì cũng bỏ rơi, quay lưng với đứa trẻ.  Có bà mẹ khi cho con đi học lớp Một, đã “mua chuộc” từ những đứa trẻ chung quanh, cho đến cả giáo viên và cả trường học. Trong túi bà khi đưa đón con, luôn có bánh kẹo, gôm tẩy, bút chì , không phải là cho con, mà là để cho các bạn trong lớp, để các bạn ấy đối xử tốt với con. Rồi bà có thể gắn quạt , sửa bóng đèn, thậm chí lót gạch mới cho lớp.. tất cả chỉ là để cho con bà có thể ngồi học hay đúng hơn là ngồi chơi…trong lớp và được gọi là hòa nhập, nhưng sau một thời gian thì bé chỉ có thể “nhập” mà vẫn chưa thể “hòa” với môi trường xung quanh.

Như vậy, nếu trẻ chưa đủ khả năng giao tiếp tương đối, và cũng chưa thể làm thay đổi môi trường xung quanh, tạo ra một bầu khi thân thiện thì chúng ta hãy cân nhắc việc cho con vào lớp Một, hay theo đuổi việc “đi học” chứ không phải là “đi can thiệp” để rồi tạo ra một “ảo tưởng” là con mình đã “bình thường” như mọi học sinh khác. Nếu không cẩn thận, nhiều khi việc cho con hòa nhập lại trở thành một “kinh nghiệm đau thương” để sau một thời gian khập khễnh, trẻ lại phải quay về gia đình và đau khổ hơn, lại tiếp tục lạc lõng ngay chính trong gia đình của mình, khi khả năng giao tiếp xã hội chưa được cải thiện.

Vậy có khó lắm không khi tập luyện cho con những kỹ năng giao tiếp xã hội ? Khó và không khó ! Khó nếu như các ông bố, bà mẹ thậm chí là cả ông bà, không chịu thay đổi cách nhìn nhận và ứng xử với con, vẫn tiếp tục nuông chiều, ấp ủ, làm thay các hoạt động thường ngày. Trẻ không “học cách giao tiếp” giống như học nói, học nhận biết môi trường xung quanh trong chương trình can thiệp sớm, trẻ cũng không phải “rèn luyện” hay uốn nắn hành vi, cố gắng phát âm cho tròn trịa trong những giờ “âm ngữ trị liệu” . Mà trẻ sẽ được sống trong một môi trường giao tiếp lành mạnh và tích cực với niềm vui là được xem như một thành viên trong gia đình. Trẻ được hướng dẫn, nhắc nhở và giao phó cho những công việc từ đơn giản đến phức tạp trong gia đình, tùy theo năng lực và độ tuổi. Trẻ được “chơi” các trò chơi sắm vai, giao tiếp trong các tình huống tương tự như ngoài xã hội và trẻ cũng phải có những trải nghiệm thất bại, trả giá trog các hoạt động hàng ngày.  .

Bố mẹ cũng không nên mặc cảm, không “sĩ diện” khi phải “giới thiệu” đứa con “ không giống ai” của mình với những người xung quanh. Trẻ có thể chạy qua nhà hàng xóm, ngồi chơi với bác Tám, Dì Tư … trẻ có thể đi mua cho mẹ một chai nước suối, một hộp bánh ở cô Sáu bán tạp hóa đầu ngõ … Và hơn nữa, trẻ cũng có thể phải biết “rút kinh nghiệm” qua những trải nghiệm đau đớn và thất bại nho nhỏ của mình . Chúng ta có thể sẽ để cho trẻ tự xoay sở trong một môi trường an toàn mà chúng ta đã thiết kế xung quanh trẻ. Trong môi trường đó, trẻ hoàn toàn tự chủ để có thể chơi và làm những điều mình muốn, đôi khi khá kỳ cục thậm chí là có thể xẩy ra vài tai nạn trầy trụa, u đầu sứt trán … nhưng không quá nguy hiểm. Vì chính các tai nạn ấy, sẽ giống như vacxin chích ngừa cho trẻ miễn nhiễm với virus “không biết ứng xử” .

Chúng ta cũng cần phải có sự hiểu biết và chấp nhận những trẻ có tính hướng nội với những biểu hiện tương tự như trẻ tự kỷ, không nên hy vọng vào một loại thuốc “thần kỳ” nào, mà cách can thiệp tốt nhất là tôn trọng, chấp nhận và giúp trẻ có những thời điểm cùng chung với gia đình trong việc ăn uống, vui chơi. Đừng đòi hỏi trẻ phải như các trẻ hướng ngoại, linh hoạt trong các hoạt động giao tiếp, mà nên tìm hiểu các thế mạnh của trẻ trong các sở thích cá nhân để phát triển lòng tự tin cho các em.

Chúng ta cứ kiên trì một cách vui vẻ, từng bước tập luyện một cách kiên quyết nhưng nhẹ nhàng, thông qua các hoạt động gia đình “dễ như chơi” và có những trao đổi, tập cho trẻ nói và nhắc lại những câu hoàn thiện thông qua việc đọc sách, kề chuyện buổi tối hay mô tả càm xúc và hành vi của trẻ khi bạn ấy đang hoạt động.  Không có các kỹ thuật hay biện pháp thần kỳ “mì ăn liền” ở đây, không có phương pháp thần thánh nào mà chỉ cần vài cách thức, vài buổi tập luyện để có thể giúp trẻ hoàn thiện giao tiếp.  Một môi trường lành mạnh, vui vẻ, với những giao tiếp tích cực, không nuông chiều hay làm thay và để cho trẻ trải nghiệm những khó khăn một cách tự chủ, là một môi trường gia đình cần thiết để trẻ phát triển khả năng giao tiếp của mình.

Lê Khanh – TT Diệp Quang..

 

Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý