Chương trình Hướng Dẫn Giáo Viên
18/11/2015
Một cái nhìn về Rối Nhiễu Tâm lý
09/02/2016
Chương trình Hướng Dẫn Giáo Viên
18/11/2015
Một cái nhìn về Rối Nhiễu Tâm lý
09/02/2016

Trên thế giới đã tồn tại nhiều định nghĩa và quan niệm khác nhau về kỹ năng sống. Mỗi định nghĩa được thể hiện dưới những cách thức khác nhau. Thông thường, kỹ năng sống được hiểu là những kỹ năng thực hành mà con người cần phải biết vận dụng để có được sự an toàn, cuộc sống tốt đẹp về tinh thần và khỏe mạnh về vật chất với chất lượng cao.


I. KHÁI NIỆM VỀ KỸ NĂNG SỐNG

Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kỹ năng sống là những kỹ năng tâm lý xã hội và giao tiếp mà mỗi cá nhân có thể học hỏi được để tương tác với những người khác một cách hiệu quả và có được các giải pháp tích cực hoặc biết cách ứng phó với những vấn đề hay những thách thức của cuộc sống hàng ngày.

Theo UNICEFF, kỹ năng sống là tập hợp rất nhiều kỹ năng về tâm lý xã hội và giao tiếp cá nhân giúp cho con người đưa ra những quyết định có cơ sở, giao tiếp một cách có hiệu quả, phát triển các kỹ năng tự xử lý và quản lý bản thân nhằm giúp họ có một cuộc sống lành mạnh và tích cực . Từ các kỹ năng đó sẽ thể hiện thành những hành động cá nhân và những hành động đó sẽ tác động đến hành động của những người khác cũng như dẫn đến những hành động nhằm thay đổi môi trường xung quanh, giúp nó trở nên lành mạnh.

Như vậy, kỹ năng sống hướng vào việc giúp con người thay đổi nhận thức, thái độ và giá trị trong những hành động theo xu hướng tích cực và mang tính chất xây dựng.

Ở mỗi nước, khái niệm Kỹ năng sống được hiểu một cách khác nhau. Ở một số nước, đào tạo kỹ năng sống chính là để giáo dục cách vệ sinh, dinh dưỡng và phòng chống bệnh tật. Ở những nước khác, kỹ năng sống đào tạo tập trung vào giáo dục hành vi, an toàn trên đường phố, bảo vệ môi trường hoặc giáo dục ý thức hòa bình.

Kỹ năng sống mang cả tính cá nhân và xã hội. Tính cá nhân bởi vì đó là khả năng của mỗi cá nhân. Tính xã hội là vì trong mỗi giai đoạn của sự phát triển xã hội, mỗi tôn giáo, cá nhân được yêu cầu để có sự phù hợp với những kỹ năng sống ấy. Ví dụ: Kỹ năng sống cần đến ở những nơi khó khăn khác với ở những đô thị phát triển, kỹ năng sống của những người sống ở những vùng núi khác với những người sống ở vùng biển,…

Kỹ năng sống là lý thuyết hay thực hành

Thực tế trong cuộc sống cho thấy không chỉ có kỹ năng hay tài năng là đã có thể đem lại sự thành công cho chúng ta, mà nó còn phụ thuộc vào những yếu tố về cảm xúc, về nhận thức và về cách mà chúng ta ứng xử với những người chung quanh. Đó mới là những kỹ năng cần thiết mà ai cũng phài biết trang bị cho mình trong cuộc sống, trong các hoạt động thường ngày. Vì thế khi nói đến giáo dục kỹ năng, câu hỏi mà chúng ta cần đặt ra là :

Giáo dục là liên quan đến các bài học, các câu chữ đề cập đến các khái niệm, nguyên lý … như vậy giáo dục kỹ năng sống cũng giống như các phương pháp giáo dục khác, là phải có những cơ sở lý luận để căn cứ vào đó mà người giáo viên sẽ truyền tải những kiến thức đến các học viên.

Tuy nhiên, học thì phải đi đôi với hành, hay muốn học giỏi thì phải biết hỏi. Đó chính là nguyên tắc học tập chủ động mà người giáo viên phải biết áp dụng để các học viên không chỉ biết, không chỉ hiểu mà còn phải làm được. Như thế, rõ ràng kỹ năng sống không chỉ và không thể chỉ có những đề cương, giáo trình, bài học hay các bài tập mà các em có thể ngồi một chỗ, vận dụng sự hiểu biết của mình để làm bài trên giấy, như các môn học khác.

Vì thế, nếu xem kỹ năng sống như một môn học, thì đó là một môn học phải được thực hành, nó tương tự như các môn nghệ thuật như vẽ, múa, hát… không thể chỉ học các khái niệm về bố cục, ánh sáng, phối cảnh hay ký xướng âm mà có thể trở thành một họa viên hay học viên âm nhạc.. mà phải thực hành thường xuyên. Chính những kỹ năng được thực hành thường xuyên để có thể áp dụng một cách thành thục mới có thể gọi là kỹ năng sống.

Ví dụ : Một em bé nhờ học các kỹ năng thoát hiểm, đã tự cứu mình thoát khỏi một đám cháy bằng các điều đã được thực hành nhiều lần, chứ không phải là các bài học in trên trang giấy về các phương pháp thoát hiểm.

Kỹ năng sống với trẻ em.

Trước đây, khi các khái niệm về kỹ năng sống mới được phổ biến ở xã hội chúng ta, người ta cho rằng chỉ có các em HS trung học mới có khả năng tư duy để nhận biết các khái niệm về kỹ năng sống. Nói cách khác, người ta cho rằng chỉ có thanh thiếu niên mới có thể hiểu về KNS và mới cần dạy kỹ năng sống.

Nhưng khi KNS được phổ biến rộng rãi hơn thì người ta thấy rằng không chỉ là các em HS cấp II mới có thể tiếp nhận các yếu tố để có thể hình thành các kỹ năng sống và các đơn vị giáo dục KNS cũng đã đưa ra các chương trình phù hợp cho HS tiểu học và cả các em Mẫu giáo.

Đến nay, thì việc giáo dục KNS cho trẻ em, đặc biệt là các em HS tiểu học lại là một yêu cầu bức thiết vì các nhà giáo dục cũng như phụ huynh đã nhận ra ý nghĩa, giá trị của việc giáo dục các kỹ năng sống và  xây dựng các nền tảng về giá trị sống cho các em ngay từ khi bước vào lớp Một là điều rất quan trọng, vì chính nhờ đó mà các em sẽ trở nên mạnh dạn, tự tin và phát huy được khả năng thích nghi với môi trường giáo dục mà các em mới bước vào.

Nói như thế, không có nghĩa là chúng ta có thể đem các lý thuyết về kỹ năng sống như các khái niệm trừu tượng về những giá trị đạo đức, đưa những phương pháp làm việc nhóm từ các em HS Trung học vào áp dụng cho các em tiểu học. Như người ta thường nói, tre em không phải là người lớn thu nhỏ, thì ở đây khả năng tiếp thu và vận dụng của các em 8,9 tuổi hoàn toàn khác với khả năng nhận thức và tiếp thu của các em 13, 14 tuổi. Chính vì thế, khi muốn giáo dục KNS cho các em tiểu học, thì các nhà giáo dục, các chuyên gia về KNS đã phải vận dụng các nguyên lý từ tâm lý lứa tuổi, từ khả năng tư duy nhận thức của trẻ, để xây dựng những bài học, những phương pháp hướng dẫn về KNS cho trẻ em HS tiểu học. Mà một trong những phương pháp quan trọng nhất, hiệu quả nhất và đơn giản nhất để giáo dục KNS cho các em Tiều học đó là học qua các trò chơi. Nếu nói về trò chơi, thì có lẽ không có một hoạt động giáo dục KNS qua trò chơi lại đạt được những kết quả tốt đẹp cho bằng phong trào Hướng Đạo.


I. PHONG TRÀO HƯỚNG ĐẠO VÀ GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG

Đây là một phong trào xuất phát từ nước Anh, do Huân tước thiếu tướng Baden Powell sáng lập năm 1907, sau thời gian quân ngũ ở Nam Phi, ông nhận thấy thanh thiếu niên tại thủ đô Luân Đôn sống rất bạc nhược, thiếu sự năng động. Ông đã tổ chức một kỳ trại đầu tiên với 7 thiếu niên để đi cắm trại trên một hòn đảo. Từ đội thiếu niên này, đã nhanh chóng phát triển thành một phong trào với hàng triệu hội viên khắp thế giới.

Khác với các tổ chức giáo dục khác chỉ có hai thành phần là các trẻ em, thanh thiếu niên trong vị trí người nghe lệnh và học tập,  cùng các thầy dạy, là những người mà các em phải tuân lệnh không được phản kháng, tương tự như trong mọi mô hình giáo dục tại các nhà trường, thì trong Hướng Đạo có 4 ngành, được thiết kế với những hoạt động phù hợp với lứa tuổi là ngành Ấu cho trẻ từ 6 – 11 tuổi, ngành Thiếu cho trẻ từ 12 – 15 tuổi, ngành Kha cho trẻ từ 16 – 18 tuổi, ngành Tráng cho thanh niên trên 18 tuổi. Hiện nay còn có thêm ngành Nhi cho trẻ dưới 6 tuổi. ( Tương đương với tuổi Mẫu Giáo )

Người lãnh đạo không phải là các huynh trưởng mà chính là các Sói đầu đàn (ngành Ấu) Đội trưởng (ngành thiếu) Tuần trưởng (ngành Kha) toán trưởng (ngành Tráng). Các Huynh trưởng chỉ đóng vai trò hướng dẫn, điều hành qua việc lắng nghe những ý kiến của trẻ. Nguyên lý chủ đạo là lấy trẻ làm trọng tâm. Các em sẽ hiểu rằng những kỹ năng và giá trị do chính các hoạt động của mình đem lại cho mình, chứ không phải là sự dạy dỗ của người lớn và phải làm theo những mục đích của người lớn.

Chính nhờ sự tổ chức chặt chẽ, không lệ thuộc vào quan điểm chính trị độc đoán, tinh thần tín ngưỡng quá khích, hay dựa vào mục đích lợi nhuận mà phong trào HĐ đã được tôn vinh :

Năm 1981, Tổ chức UNESCO trao tặng giải thưởng “Giáo dục vì hoà bình” đầu tiên trên thế giới cho phong trào Hướng Đạo thế giới

Năm 1982, Tổ chức Schmidein tặng giải thưởng về thành tích “Đóng góp vào việc phát triển nhân cách”;

Năm 1983, Tổ chức International Kiwanis trao giải thưởng về “Giáo dục thanh thiếu nhi”.

Tại sao Hướng Đạo lại làm được công việc giáo dục kỹ năng sống cho các em thanh thiếu niên một cách hoàn hảo mà không vấp phải sự khó khăn, hay chỉ mang tính hình thức như các phong trào giáo dục thanh thiếu niên khác ?

Đó là nhờ ba giá trị cốt lõi của phong trào :

  • Phương pháp giáo dục
  • Tinh thần giáo dục
  • Nhân tố giáo dục

  1. 1. Phương pháp giáo dục :

Trước hết là phương pháp giáo dục với 3 đặc điểm:

  • Giáo dục qua trò chơi (nhất là vui chơi trong thiên nhiên)
  • Giáo dục qua nhóm tự quản (phương pháp hàng đội tự trị)
  • Giáo dục qua việc hướng dẫn cho cá nhân tự rèn luyện.

–          Giáo dục qua trò chơi :

Có thể nói yếu tố thành công nhất của Hướng Đạo, chính là việc giáo dục thanh thiếu niên từ một em nhỏ trong lứa tuổi mẫu giáo cho đến một thanh niên có trình độ đại học là gần như tất cả các hoạt động của hướng đạo là một trò chơi. Vì thế Hướng đạo cũng được gọi là một cuộc chơi lớn . Các em đùa giỡn với nhau qua những trò chơi vận động và trí tuệ, các em học tập những nút dây, dấu đi đường, mật mã cũng như một trò chơi, các em kéo nhau đi cắm trại ngoài trời, học tập những kỹ năng mưu sinh thoát hiểm, kỹ năng nấu ăn, cứu thương… cũng chỉ là những trò chơi. Và các em học các giá trị sống cũng là chơi, chơi một cách tự nguyện, vui thích và công bằng nhưng với “chất lượng cao” đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả mọi người tham dự. Đó là một bí quyết mà ít đoàn thể nào nắm được. Thích chơi, chịu chơi và chơi hết mình !

–          Giáo dục qua nhóm tự quản :

Đơn vị cơ bản của hướng đạo là đội ( là đàn, là tuần hay là toán tùy theo độ tuổi ) và một đội trung bình có từ 7 – 8 trẻ, có 1 đội trưởng và 1 đội phó cũng là các trẻ em nhưng có kiến thức, kỹ năng và được huấn luyện phương pháp cầm đội. Các đội trưởng điều hành đội theo tinh thần dân chủ, luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến của các đội sinh trong độ của mình, không dựa hơi các người lớn là các anh trưởng, và cũng không phải xin phép họ khi cần phải có những hoạt động trong đội của mình – ta gọi đó là phương pháp hàng đội, hay hàng đội tự trị và đây chính là một bài học về làm việc nhóm – một kỹ năng sống cơ bản – mộtt cách tuyệt vời nhất, mà hầu hết các tổ chức giáo dục khác không làm được vì điều đơn giản nhất là các nhà giáo dục của các tổ chức giáo dục khác không tin vào trẻ em, không tin là các em có thể làm và chỉ huy được lẫn nhau và họ cũng không thích giáo dục trẻ em biết cách tự chỉ huy mà họ chỉ muốn trẻ em phải luôn biết vâng lời họ.

–          Giáo dục qua việc hướng dẫn cho cá nhân tự rèn luyện :

Gọi là giáo dục qua trò chơi, nhưng trong hướng đạo lại phân chia ra ba cấp độ giáo dục cho một đứa trẻ từ khi bước chân vào phong trào. Trong ngành Thiếu, là ngành cơ bản nhất của Hướng Đạo, thì ba cấp độ đó là : Tân sinh, là những em mới vào, chưa biết gì nhiều về các hoạt động của phong trào cũng như những kỹ năng cần có. Sau ba tháng khi trẻ bắt đầu có được những kiến thức cơ bản nhất và quyết định là một hướng đạo sinh. Em sẽ được tham gia một kỳ trại đêm, qua đó sẽ được tổ chức một buổi lễ tuyên hứa, có quyền đeo một logo có hình Hoa bách hợp đươc thiết kế tùy theo từng quốc gia, nhưng ý nghĩa và giá trị như nhau. Sau đó em quay về đội của mình, được người đội trưởng đeo len vai một cái tua vai có hai màu khác nhau có tính tượng trưng cho một con vật mà đội của em lấy tên như Hổ, Đại Bàng, chim ưng, sóc, nai .v.v.

Sau cấp độ tân sinh thì các em sẽ được tiếp tục huấn luyện những kỹ năng cao hơn để lấy đẳng cấp Hạng Nhì, rồi cao hơn nữa là Hạng Nhất và thi các chuyên hiệu, là những kỹ năng về cứu thương, cắm trại, sửa xe đạp…Khi đạt đến đẳng cấp hạng nhất, thì lúc đó các em cũng đã có thể đảm trách vai trò là đội phó hay đội trưởng và lại tiếp tục hướng dẫn cho những bạn tân sinh mới vào. Không bắt ép, không giáo điều, không hình thức bằng cấp… Tất cả chỉ là những giá trị của bản thân được tự rèn luyện một cách tự nguyện, vui vẻ như một cuộc chơi. Có đoàn thể nào làm được điều đó ?

2 Tinh thần giáo dục :

Tinh thần giáo dục của hướng đạo được thể hiện qua :

–  Giá trị tinh thần là những lời hứa :

Các em thiếu niên khi chấp nhận để trở thành một hướng đạo sinh sẽ đọc lời hứa Danh dự vớ 3 điều trước cờ nước, cờ hội và bạn bè trong đoàn :

–  Làm tròn bổn phận với tổ quốc, tâm linh

–   Giúp đỡ mọi người bất cứ lúc nào

–   Tuân theo luật Hướng Đạo.

Chỉ với ba lời hứa, đã giúp các em thực hiện đầy đủ những giá trị sống và kỹ năng sống suốt cuộc đời mình ( Hướng đạo một ngày – Hướng đạo mãi mãi ) .

10 điều luật Hướng Đạo

1.Trọng danh dự

2.Trung thành với tổ quốc, cha mẹ và người cộng sự;

3.Giúp ích mọi người bất cứ lúc nào;

4.Là bạn tốt, coi HĐS khác như anh em;

5.Lễ độ và liêm khiết;

6.Thương yêu sinh vật;

7.Vâng lời cha mẹ và huynh trưởng;

8.Gặp khó khăn vẫn vui tươi;

9.Tiết kiệm của người và của mình;

10.Giữ trong sạch trong ý nghĩ, lời nói, việc làm.

– Tư tưởng chủ đạo cho tinh thần giáo dục của hướng đạo dựa trên 3 cuốn sách của Baden Powell là :

– Sách Sói Con (The Wolf cub’s handbook).

– Hướng đạo cho trẻ em (Scouting for boys).

– Đường thành công (Rovering to success).

Phương pháp giáo dục của B.P đã mau chóng phát triển trên khắp thế giới. Cuộc Họp ban Hướng đạo Thế giới lần I vào năm 1920 tại Olympia, Anh, với 34 quốc gia tham dự.Đến nay, HĐ có mặt tại 216 nước với trên 40 triệu hướng đạo sinh.

Từ một nhóm nhỏ, trở thành một phong trào quốc tế, và từ một cái gốc Hướng Đạo cũng đã nảy sinh ra rất nhiều nhánh khác nhau. Nhưng ngoài những biệt lệ về tên gọi, về y phục, về cơ cấu tổ chức… thì các đoàn thể khác nhau đó, khi lấy danh xưng là Hướng Đạo, đều phải tuân theo những quy chuẩn chung là sự tự nguyện, phi lợi nhuận, phi tôn giáo và không cổ vũ cho bất cứ một khuynh hướng chính trị nào ngoài tinh thần yêu nước. Chính những quy chuẩn đó và nguyên tắc dùng trẻ để hướng dẫn trẻ thông qua Luật – Lời Hứa và Trò chơi, mà phong trào đã tạo nên sự tin tưởng cho các bậc cha mẹ và sự hãnh diện cho những ai đã từng tuyên hứa trước lá cờ Hướng Đạo.

2. Nhân tố giáo dục :

Ngoài phương pháp giáo dục, thì nhân tố giáo dục là các trưởng hướng đạo cũng đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục của phong trào Hướng Đạo,

–          Thế nào là trưởng hướng đạo :

Trưởng hướng đạo thông thường là một Hướng đạo sinh trưởng thành, đã sinh hoạt lâu năm trong ngành, am hiểu mọi kỹ năng hoạt động và điều quan trọng nhất vẫn là tinh thần tự nguyện. Không ai ép buộc một Hướng đạo sinh trở thành một huynh trưởng hướng đạo, nhưng muốn làm một huynh trưởng hướng đạo thì phải là một hướng đạo sinh đúng nghĩa. Không có con đường tắt cho một huynh trưởng !

Thế nhưng, đã là một hướng đạo sinh trưởng thành, am hiểu các kỹ năng sinh hoạt của phong trào, nắm vững nguyên lý Hướng đạo thì đã có thể là một huynh trưởng chưa ?

Đó chỉ là các yếu tố cần , còn phải có các yếu tố đủ nữa . Đó là cũng giống như các đẳng cấp của một HĐS khi còn sinh hoạt trong các đoàn. Một người trưởng Hướng đạo phải lần lượt trải qua các khóa huấn luyện là Cơ bản, Bạch Mã và Bằng Rừng . Các khóa huần luyện này do các trưởng có kinh nghiệm trong toán huấn luyện của từng khu vực, từng tỉnh thành phối hợp với nhau để tổ chức theo từng bài khóa trong những thời điểm thích hợp.

Sau mỗi khóa huấn luyện, người trưởng hướng đạo sẽ được mang các loại khăn quàng, huy hiệu đã được phong trào hướng đạo công nhận, và người trưởng sẽ phải tìm đến một đơn vị hay quay về một đơn vị để bắt đầu quá trình phục vụ và cống hiến của mình trên tinh thần tự nguyện. Không ai bắt một người phải làm, không ai dụ một người trưởng, và một người trưởng cũng không nhận lương, thưởng hay một giá trị vật chất nào. Cái mà  trưởng hướng đạo nhận được chính là cái phần thưởng tinh thần qua sự cống hiến năng lực và trí tuệ của mình trong công việc giáo dục kỹ năng cho thanh thiếu niên. đo Người trưởng hướng đạo cũng phải xác định được ngành mà mình sẽ phục vụ, đó là mình sẽ trở thành một trưởng của ngành ấu, ngành thiếu, ngành kha hay ngành tráng.

–          Trưởng hướng đạo và hoạt động giáo dục:

Phải chăng người trưởng phải được đào tạo để trở thành một nhà giáo dục, một người thầy của các em hướng đạo sinh ?

Đúng và không đúng – Đúng là muốn trở thành trưởng hướng đạo thì phải được đào tạo một cách nghiêm nhặt, phải tham gia các hoạt động sinh hoạt tùy theo ngành mà mình phục vụ, nhưng người trưởng không phải là một nhà giáo dục chỉ biết các lý thuyết hàn lâm, lại càng không phải là một ông thày truyền đạt kiến thức. Các huynh trưởng cũng như các em hướng đạo sinh chơi hướng đạo, sinh hoạt hướng đạo với nhau, chứ không phải các trẻ em đi học trong hướng đạo và các người lớn đi dạy tại các lớp của hướng đạo.

Ở đây, đã có một biến tấu là có một đơn vị giáo dục trẻ em tại Hà Nội, đã tự nhận mình là một đoàn Hướng Đạo, nhưng các trưởng điều khiển đoàn này chưa phải là một HĐS và tệ hơn, là nhận tiền học phí từ các phụ huynh để dạy kỹ năng sống cho các em trong đoàn.

Như vậy, nếu không phải là thày thì trưởng hướng đạo là ai ? Đó là một người đồng hành với các em, hướng dẫn các em bằng chính năng lực và tấm gương đạo đức của mình, là người cùng các em tổ chức các trò chơi trong các hoạt động Hướng Đạo, là người mà các em yêu mến và tôn trọng. Đó vừa là trách nhiệm vừa là một vinh dự và đó cũng là cốt lõi của giá trị sống mà bất cứ một hoạt động giáo dục – rèn luyện kỹ năng sống  nào cũng cần phải đạt tới.

Nếu như vậy, phải chăng một người thày của ngành giáo dục không thể trở thành một người trưởng hướng đạo và ngược lại , một người trưởng hướng đạo không thể trở thành một người thầy ? Điều đó vừa đúng vừa sai !

Một người thầy của ngành giáo dục là một người được đào tạo trong ngành sư phạm , chúng ta có sư phạm mẫu giáo, sư phạm tiểu học, sư phạm trung học… người thầy của giáo dục cũng phải am hiểu về chuyên môn những môn học mà mình sẽ dạy cho học sinh. Điều đó cũng tương tự như một trưởng hướng đạo đã qua các kỳ trại huấn luyện và dĩ nhiên nếu một người thày được huấn luyện như một trưởng thì sẽ là một trưởng hướng đạo và ngược lại, một trưởng hướng đạo theo học ngành sư phạm sẽ trở nên một người thầy nếu được tốt nghiệp các trường sư phạm tùy theo cấp học.

Nhưng một nếu một người trưởng hướng đạo lại có quan điểm mình là một ông thầy, đem kiến thức kỹ năng hướng đạo ra dạy cho các em đoàn sinh của mình theo phong cách học và dạy một chiều, trẻ phải chấp hành mọi yêu cầu giáo dục của mình phải tuân lời huynh trưởng mà không biện bác, thì chắc chắn một điều, người trưởng đó sẽ thất bại hoàn toàn trong việc hướng dẫn các đoàn sinh. Thế nhưng ngược lại, nếu một ông thầy biết áp dụng các nguyên tắc của hướng đạo, lấy trẻ làm trong tâm, lấy hoạt động nhóm là biện pháp, lấy tư duy học qua thực hành thì lại đem đến sinh khí cho lớp học, tạo được động lực và hứng thú học tập cho các em học sinh. Một người thầy không cần là trưởng hướng đạo, nhưng nếu biết giáo dục trẻ như một người trưởng hướng đạo, thì chắc chắn sẽ là động lực thúc đẩy việc học đạt đến những hiệu quả tốt nhất

Trong việc dạy học thì việc khó nhất không phải là nói ra những kiến thức kỹ năng cho hs nghe và ghi chép, mà là làm cho HS biết và nhớ được những điều ấy trong đầu óc của mình. Chắc hẳn ai cũng biết, học sinh tiếp nhận bài học thông qua hai giác quan là thị giác ( nhìn ) và thính giác ( nghe ) Nhưng điều quan trọng hơn, đó là khả năng chú ý tức là khả năng tập trung để nhìn và nghe lại không phụ thuộc vào hai giác quan đó mà lại dựa vào khả năng hiểu và tập trung của các bán cầu não trong đầu.

II. GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG THEO TINH THẦN HƯỚNG ĐẠO:

1. Thế nào là giáo dục theo tinh thần hướng đạo ?

Chúng ta biết rằng, để HS hiểu và nhớ các bài học không phải chỉ là các con chữ hay con số ghi trên bảng, và cũng không là do những lời lẽ giáo viên rót vào tai của HS, mà là do khả năng nhận thức, chú ý, tập trung và điều quan trọng là sự hứng thú.

Con người chỉ nhớ được 10% những điều đã đọc, 20% điều đã nghe, 30% điều đã thấy, nhưng có thể nhớ đến 50% điều đã thấy và nghe, 70% điều đã nói và đến 90% điều chúng ta vừa nói và làm” . Vì vậy, điều làm cho các em nhớ được các bài học chính là khả năng thực hành các bài học đó.

Như thế, trong kỹ thuật giáo dục thì Hình ảnh, âm thanh, video là các công cụ trực quan sinh động giúp người học có thể nắm bắt được khái niệm hoặc nội dung bài học nhanh chóng; do sử dụng các hình ảnh luôn tạo cho người học một cảm giác thích thú vì bố cục rõ ràng và đa sắc màu. Điều này đặc biệt quan trọng vì những học sinh các cấp độ nhỏ tuổi và thiếu niên cần phải xây dựng được niềm đam mê, sự hứng thú khi học chứ không phải là nỗi lo lắng, cảm giác đối phó với môn học.

Qua đó có thể thấy việc học tập của học sinh sẽ được phát huy hiệu quả nếu kết hợp được các giác quan (nghe, nhìn) và hành động thật (trao đổi, thảo luận, đặt mình vào tình huống bài học) một cách liên tục. Phương pháp đa phương tiện đặc biệt quan trọng trong dạy và học tại Việt Nam, khi mô hình lớp học truyền thống do nhiều lí do khách quan (sĩ số lớp đông, điều kiện cơ sở vật chất) đã tạo nên sự thụ động và khả năng vận dụng các khả năng cá nhân, đặc biệt là khả năng về ngôn ngữ bị hạn chế vì thiếu môi trường tương tác. Bên cạnh đó, sử dụng thành thạo phương tiện nghe nhìn tạo cho giáo viên cơ hội chuẩn bị trước bài giảng tốt hơn, thể hiện được sự logic và tính sáng tạo của mình.

Như vậy nếu áp dụng việc giáo dục cho các em HS theo phong cách hoạt động nhóm, tạo sự hứng thú qua việc tiếp nhận bài học dưới nhiều hình thức, kết hợp nhiều giác quan và thực hành ngay các bài học như một trò chơi đầy hứng thú, thì đó mới là một môi trường giáo dục hiệu quả.

Lý thuyết và thực hành trong Giáo dục kỹ năng sống

Như đã nói trên, lý thuyết là các hệ thống giáo án được biên soạn để phổ biến các khái niệm về kỹ năng sống. Nhưng đó không phải là dành cho các hs để đọc vì nếu chi đọc, thậm chí có học thuộc lòng thì các em cũng chỉ nhớ được tối đa là 50% bài học. Mà nếu đã không nhớ được thì làm sao có thể thực hành. Nhưng nếu cách em được thực hành đê nhớ, hay được hướng dẫn bằng nhiều công cụ, gọi là biện pháp giáo dục đa giác quan hay giáo dục qua thực hành dưới hình thức các trò chơi thì chắc chăn khả năng ghi nhớ của các em sẽ tăng lên rất nhiều.

Với mô hình học truyền thống thì giáo viên đứng lớp đóng vai trò trung tâm, học sinh bị động, chủ yếu chỉ nghe và ghi lại những điều cần thiết vào vở. Điều đó đồng nghĩa với việc giáo viên hầu như không kiểm soát được việc luyện tập cũng như thực hành bài học của học sinh. Nhưng nếu có khả năng vận dụng các biện pháp giáo dục chủ động, trong đó các em học sinh được đóng vai trò trung tâm theo đúng nghĩa, giáo viên chỉ là người trợ giúp và hướng dẫn. Các em chủ động tham gia vào các bài học, có thể biết cách phát biểu, trình bầy bài học trên bảng, hướng dẫn nhau làm bài tập thực hành, tự kiểm tra kết quả và khả năng phát biểu của mình hoặc chơi các trò chơi thì sẽ có thể đạt hiệu quả cao nhất cho mỗi bài học. Đồng thời, Giáo viên cũng dễ dàng hơn trong việc quản lý và kiểm soát được năng lực học tập của từng em.

Hiệu quả của các bài tập kỹ năng sống.

Trong chương trình giáo dục kỹ năng sống, thì việc thực hiện các bài tập là điều cần thiết, nhưng như đã nêu, đó phải là các bài tập thực hành, hay nói cách khác chính là các trò chơi có chủ đích, mà các em có thể tự vận dụng, tự điều chỉnh và tự thích nghi với trò chơi bằng năng lực của chính mình.

Việc thực hiện các bài tập kỹ năng sống mà các em có thể ngồi trong lớp để hoàn thành trên giấy chỉ là một phần nhỏ, chứ không thể xem đó là biện pháp hữu hiệu giúp các em am hiểu được kỹ năng sống.

Chúng ta có thể đánh giá hiệu quả của việc giáo dục KNS là việc thay đổi các hành vi, nhận thức của trẻ. Từ một bé nhút nhát, thụ động không dám phát biểu trước đám đông, luôn có những suy nghĩ tiêu cực về bản thân. Nếu được giáo dục KNS một cách hiệu quả, thì em đó sẽ trở nên mạnh dạn, tự tin hơn, Biết cách học bài một cách tích cực, chủ động tim kiếm các tư liệu để bổ sung cho bài học và điều quan trọng hơn hết là sẽ biết cách trình bầy bài học đó theo cách riêng của mình trước các bạn trong lớp mà không ngại ngùng.

Trung Tâm RỒNG VIỆT VŨNG TÀU

 

Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý