Các kỹ năng nền tảng
12/03/2012
Nếu con sai ! Xin cha mẹ đừng bênh
17/03/2012
Các kỹ năng nền tảng
12/03/2012
Nếu con sai ! Xin cha mẹ đừng bênh
17/03/2012

Một trong những lo lắng của các phụ huynh khi có con chuẩn bị vào lớp Một là làm sao trẻ có thể học giỏi – Vì thế việc cho học trước chương trình, học chữ, học toán ..v.. là điều khó tránh khỏi. Nhưng đó có phải là điều tốt nhất cho con ?

Trước khi bước vào lớp Một, sau một thời gian vừa học vừa chơi ở Mẫu Giáo, khi bước vào lớp Mẫu giáo Lá (5 tuổi) là trẻ bắt đầu phải có những cố gắng hơn trong việc tiếp nhận các kiến thức trừu tượng về chữ và số. Vì thế nếu chúng ta không hỗ trợ cho con em mình bắt đầu hình thành một năng lực học tập trong giai đoạn này, thì khi đứng trước áp lực học tập của lớp Một, có khả năng là trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn nhất là đối với một số bé mà khả năng tư duy trừu tượng và trí tuệ có phần hạn chế.

Chúng ta xem qua một số phương pháp giúp cho trẻ có thể nâng cao năng lực học tập của mình.

 

1.Xây dựng trí nhớ hình ảnh :

Chúng ta biết rằng, ở lứa tuổi Mẫu giáo các em chủ yếu học các kỹ năng và các kiến thức thông qua các trò chơi cùng với các giáo cụ trực quan ( các mô hình, các món đồ chơi giống như thật…) Thì khi bước vào thế giới trừu tượng của những con chữ và con số, nếu không có những hình ảnh cụ thể thì các em không thể nhớ được. ta gọi đó là trí nhớ hình ảnh.

Nhưng, hình ảnh ở đây không chỉ là những hình đơn giản ( như hình một cái ly, một cái bánh, một con cá chép..v.v. ) mà là những hình ảnh có liên quan đến nhau và mô tả cho những từ, những câu chữ, và những số lượng. Qua hình ảnh được nhìn và ghi nhận vào ký ức trẻ sẽ nhớ các từ gọi tên các hình ảnh đó. Nhưng không chỉ có thế, mà trẻ còn phải nhận ra những khái niệm về độ lớn (To/nhỏ) về khoảng cách ( xa/gần) về vị trí ( Trong/ngoài – trước/sau – trên/ dưới – ở chính giữa /bên cạnh) về kích thước ( dài/ngắn – cao/thấp) của đồ vật nữa.

Từ các hình ảnh trẻ sẽ có những danh từ gắn liền với đồ vật để ghi nhớ. Chính vì vậy, trong bước đầu để giúp trẻ dễ dàng ghi nhớ các khái niệm trừu tượng về cảm giác ( Nóng/lạnh – Ấm/mát – trơn/nhám – mịn màng/ sần sùi – mềm/cứng …) về cảm xúc ( vui/buồn – thích/chán – sợ hãi/ bình tĩnh) thì chúng ta cũng phải cụ thể hoá các khái niệm đó bằng hình ảnh mang tính mô tả. Có như thế, các khái niệm đó mới thấm sâu vào trí nhớ của trẻ.

Sau này, khi trẻ cần học và nhớ các bài học, bố mẹ cũng có thể áp dụng kỹ thuật này – để trẻ nhớ các bài học một cách trực quan hơn là chỉ đọc lên và bắt trẻ phải tự hình dung và ghi nhớ. Trẻ vẫn có thể nhớ nhưng các em sẽ quên nhanh chóng. Nhiều trẻ sau khi học bài – trả bài hay làm bài thi xong là không còn nhớ gì nhiều về bài học mà mình vừa mới đọc xong, viết xong do trẻ không có được hình ảnh của bài học đó trong trí nhớ !

 

2.Phương pháp học đa giác quan:

Phương pháp học đa giác quan là phương pháp mà qua đó trẻ học bằng nhiều giác quan cùng một lúc, điều đó sẽ giúp cho khả năng ghi nhớ của trẻ được nhiều hơn. Trong trường hợp học đọc, trẻ nhìn hình ảnh của ngôn ngữ qua việc thể hiện ngữ nghĩa của từ. Trẻ vừa nghe vừa nhìn từ, sau đó xem sự thể hiện hoạt động theo nghĩa của từ đó. Chính bằng cách này chúng ta đã giúp cho trẻ học bằng nhiều giác quan cùng một lúc.

Chúng ta có thể dùng các dụng cụ như : Hình ảnh các từ trên máy tính ( trong một số phần mềm mà khi bấm vào sẽ phát ra âm của từ đó ) , trên các thẻ chữ (vừa in hình vừa in chữ ) – Cho trẻ nghe các bài hát phát âm các từ – cho trẻ chạm tay vào các từ cắt nổi gắn lên trên các bảng từ ( bảng dính bằng nam châm)

Theo phương pháp này, các em không chỉ đơn thuần là nhớ hình ảnh của chữ hay kiểu học vẹt (đọc rào rào mà không hiểu ) mà bé phải hiểu cả nghĩa của chữ ( như khi đọc chữ Ăn – thì bé sẽ có hình ảnh một em bé ngồi ăn cơm trong đầu ) vì vậy, khi gặp chữ ăn bất cứ trong văn bản nào trẻ cũng có thể đọc được và lúc đó thì không cần đến hình ảnh minh hoạ nữa. Chúng ta nên nhớ là hình minh họa hoặc những vật thể cụ thể là cần thiết cho phương pháp này, nhất là trong giai đoạn đầu để giúp trẻ hứng thú. Quan trọng nhất là trẻ phải được nhìn thấy chữ cụ thể và hiểu nghĩa của chữ thông qua các hình ảnh, vật thể hoặc hành động minh họa.

Chúng ta nên có nhiều hình ảnh minh hoạ, nhiều dụng cụ và cả những đồ chơi, băng dĩa, bài hát…để góp phần vào việc tác động trên nhiều giác quan cho trẻ, cũng như giúp trẻ hiểu rõ được ý nghĩa của các từ và các khái niệm cụ thể về số lượng. Từ đó, trẻ mới có được những kích thích cần thiết để phát triển khả năng học tập.

 

3.Dạy trẻ theo tính cách :

Như chúng ta đã biết, mỗi trẻ đều có một tính cách khác nhau mà nếu đánh giá một cách tổng thể thì có hai loại tính cách, đó là trẻ ưa vận động và trẻ trầm tĩnh. Hai tính cách này là biểu lộ của tính hướng ngoại và hướng nội, điều đó sẽ khiến cho cách tiếp nhận của trẻ sẽ khác nhau nếu chúng biết áp dụng đúng theo tính chất của trẻ sẽ giúp cho trẻ có khả năng tiếp nhận tốt hơn.

 a/ Cách dạy trẻ có năng lực về nhìn: ( trí nhớ hình ảnh tốt) :

Đối với trẻ thích hoạt động thì trẻ sẽ tiếp nhận bằng cách nhìn tốt hơn là nghe, vì vậy cách dạy tốt nhất cho trẻ là thông qua hình ảnh và cho trẻ trực tiếp sờ vào đồ vật ( Các que đếm khi học toán – các chất liệu mềm, cứng, nhám ..v.v ) Trẻ sẽ nhớ tốt hơn nếu được sử dụng tay để viết, vẽ, đụng chạm …và ghi nhớ thông tin bằng cách xem qua hình ảnh hay qua người khác làm sau đó sẽ thử lại. Các bé sẽ gặp khó khăn khi phải ngồi im và chỉ có khả năng tập trung trong một thời gian ngắn và được nghỉ giải lao giữa giờ vào lúc bé đang hào hứng, như thế khi tiếp tục học lại, trẻ sẽ tiếp tục dễ dàng. Với các em, thì việc khuyến khích, động viên và cùng hoạt động chung sẽ đem lại những kết quả tốt đẹp. Sau đây là một vài kỹ thuật dạy trẻ thích vận động:

Dạy toán: Dạy cho trẻ phép chia khi bạn cắt một chiếc bánh và rồi yêu cầu các em gấp tờ giấy dựa trên số miếng bánh đã cắt. Trẻ sẽ nhận ra số được chia và học rất nhanh theo cách này. Khi dẫn trẻ đi mua sắm bạn có thể giải thích cho bé hoa quả và rau thường được bán theo ký lô và cho cháu đi chọn và tự cân. Hãy hỏi bé ước tính số quả bé chọn trọng lượng bao nhiêu và gợi ý cho trẻ tự thêm vào ( phép tính cộng) và bớt ra ( phép tính trừ ) cho đủ số ký lô trẻ muốn mua.

Dạy đọc: Bạn hãy dùng các tiêu đề sách báo hay các bộ chữ có đính nam châm ( hay miếng dán có từ tính) gắn lên bảng kim loại để dạy đánh vần. Trẻ học theo kênh vận động sẽ nhớ từ khi tự tay bé làm hay vừa đọc vừa chỉ vào dòng chữ đó. Khi đọc chuyện, bạn hãy phân vai cho các cháu đóng một vai tích cực khi đó bạn có thể ghi âm cho cháu nghe lại hay đóng lại vai với các thành viên khác trong gia đình.

Nghỉ giải lao: Bạn chỉ nên cho bé học những bài học ngắn và có giờ nghỉ giải lao (15 phút) giữa buổi học. Những bé ưa vận động này cần nghỉ và chạy nhảy. Bạn nên cho bé nghỉ giải lao vào đúng phần bé hào hứng nhất và khi bắt đầu quay trở lại cháu lại bắt nhịp được ngay.

Học bằng chơi: Bạn có thể dạy thông qua các trò chơi đánh vần, lên bảng làm cô giáo, hay dùng các thẻ nhớ. Bạn có thể dùng máy tính để dạy ngôn ngữ và toán vì những đứa trẻ được dùng tay bấm vào các dấu hiệu , điều này sẽ giúp trẻ có hứng thú học tập.

Dạy viết: Dùng các tiêu đề theo A,B,C để tạo ra từ, dùng các từ chính để tạo ra câu, sử dụng các câu để ghép lại thành đoạn văn. Thay vì cho các cháu đọc truyện tranh bạn hãy cắt những cụm từ ra khỏi tranh cho trẻ ghép vào cho đúng trật tự và điền chữ vào cho đúng văn cảnh. Hay cho trẻ bút lông và bột màu và cho trẻ viết những thông điệp trên đường đi.

Học thuộc lòng: Cho trẻ những thẻ có tranh, chữ hay thẻ trắng yêu cầu các em tự viết lên. Viết thông tin lên thẻ giúp học sinh nhớ dễ dàng hơn.

 

b/ Cách dạy trẻ có năng lực về nghe ( trí nhớ bằng âm thanh tốt )

Những đứa trẻ thích học bằng nghe thường thích nói, hay tự độc thoại. Cách học tốt nhất cho các em này là có người khác đọc để bé nhắc lại hoặc tự trả lời bằng miệng, như vậy bé sẽ dễ dàng nhớ thông tin.

Ở nhà, phụ huynh cần có hướng dẫn hay tóm tắt thông tin giúp con trẻ bằng cụm từ ngắn. Các em cần có một góc học tập yên tĩnh và có thể bật nhạc không lời nhỏ nếu trẻ thích

Các trẻ thích học bằng nghe đều có chung một số đặc điểm nhất định dưới đây:

Trong giao tiếp: Những học sinh này rất thích nói và giải thích cho người khác nghe hay thích độc thoại với chính mình.

Trí nhớ: Có khả năng nhớ được tên nhiều người, số điện thoại, giọng nói của những người khác. Trong học ngoại ngữ những em này thường nhớ âm của từ mới và bắt chước phát âm nhanh nhưng lại không nhớ mặt chữ hay đánh vần. Với các em này, đọc to thường dễ học thuộc lòng hơn.

Khó khăn: Học sinh này thường đọc chậm và gặp rắc rối khi đọc những hướng dẫn dài. Rất khó tập trung khi có tiếng ồn xung quanh nhưng những trẻ này cũng khó có thể ngồi lâu ở một nơi yên tĩnh.

Sở thích: Những học sinh này rất thích âm nhạc, thường hát hay ngân nga giai điệu. Khi phải đọc, các học sinh này thích đọc thầm.

Phụ huynh nên sử dụng nhiều băng đĩa để cho các bé nghe, đọc trong học tập. Bản thân các em sẽ tập trả lời miệng, báo cáo miệng và nhắc lại để nhớ.

Các em học theo kênh này nên tham gia vào học nhóm hay hoạt động nhóm. Ở nhà các phụ huynh cần có hướng dẫn hay tóm tắt thông tin giúp con trẻ bằng cụm từ ngắn. Các em cần có một góc học tập yên tĩnh và có thể bật nhạc không lời nhỏ nếu trẻ thích

Qua đây, chúng ta đã nhận ra một điều là không có trẻ ngu, không có trẻ lười biếng mà chỉ có trẻ không tiếp thu được bài học do không được dạy học bằng những biện pháp phù hợp với năng lực tiếp thu của mình. Vì vậy, việc chuẩn bị cho trẻ có đủ khả năng vào lớp Một nói riêng và khả năng học tập nói chung cần được hiểu là phải giúp cho trẻ học như thế nào để phù hợp với tính cách và năng lực chứ không phải học môn học gì, theo chương trình gì vì tất cả các môn học, các chương trình học đều có những ưu và khuyết điểm nhất định, vấn đề những điều đó có phù hợp với trẻ hay không.

 

 Cv.Tl LÊ KHANH

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý