Nghĩ về sự phát triển của trẻ
28/05/2011
Trẻ chậm nhớ
05/12/2011
Nghĩ về sự phát triển của trẻ
28/05/2011
Trẻ chậm nhớ
05/12/2011

SGTT.VN – Vì sao càng chống thì bạo lực học đường càng gia tăng (Sài Gòn Tiếp Thị ngày 25.4)? Gia đình, nhà trường và xã hội cần phải làm gì trước tình trạng nhan nhản bạo lực trong và ngoài trường học? Sự bức xúc đôi khi làm chúng ta quên rằng các em cũng chỉ là nạn nhân…

 

Chẳng ai dùng bạo lực khi có đủ yêu thương

Phụ huynh: đưa đón và ngăn cấm

Hỏi chuyện chị Huệ, phụ huynh một em học sinh lớp 9 trường Lê Lai (quận 8, TP.HCM) đang đứng đợi con ở cổng trường về chuyện đánh nhau của học sinh, chị nói ngay: “Trường này vài ba ngày là thấy đánh nhau một lần, tôi đâu dám cho con tự đi học bằng xe đạp, cháu lớp 9 rồi nhưng ngày nào tôi cũng bỏ công chuyện để đưa đón con!”. Chị Thanh, chủ một tiệm chụp hình ở quận 9, có con gái học lớp 10, lo lắng: “Bây giờ thời buổi hiện đại, không cho con xài điện thoại di động cũng tội nghiệp, nhưng để con xài thì càng lo hơn. Máy điện thoại bây giờ chức năng đầy đủ, muốn lên mạng xem tin tức, quay phim dễ hều, nên tôi cực chẳng đã mới không cho con xài điện thoại”.

Anh Phát, có con trai học lớp 10 trường PTTH Phước Long, quận 9 tâm sự: “Tôi có thời gian làm bảo vệ năm năm ở một trường cấp hai nên rành mấy vụ đánh nhau này. Nên con tôi đi học là phải về nhà ngay, không cho cháu lang thang ngoài đường với chúng bạn. Biết cháu buồn vì muốn đi chơi mà bố mẹ không cho, nhưng thà mình giữ con còn hơn để con đi mà lòng nơm nớp lo sợ”.

Chuyện bạo lực học đường gia tăng đáng sợ khiến các bậc phụ huynh tăng cường kiểm soát, đưa đón con đi học nhiều hơn. Nhưng đúng như lời chị Thanh, “ngay cả phòng hội đồng giáo viên mà các em còn dám cầm dao vào rượt đuổi, thì tới đây không biết bảo vệ con mình bằng cách nào?”

 

Nhà trường: giúp các em “giải phóng năng lượng”

Thầy Nguyễn Văn Toại, hiệu phó trường THCS Lê Lai chia sẻ: “Tôi cũng mất ăn mất ngủ mỗi khi có chuyện các em gây hấn lẫn nhau. Khuôn viên trường nhỏ, cả trường hơn 1.400 học sinh, giờ ra chơi rất huyên náo, nhiều khi chật chội quá các em đâm ra hậm hực, khó chịu, có khi chỉ vì mâu thuẫn không đâu lại xảy ra chuyện lớn. Qua tìm hiểu, tôi biết những học sinh đánh bạn có hoàn cảnh gia đình cũng phức tạp. Có em ở nhà bị bố mẹ đánh nhiều nên lên trường có thói quen dùng vũ lực xử lý mâu thuẫn, có em ban giám hiệu gọi lên nói chuyện bữa trước, bữa sau lại… đánh nhau tiếp! Nhà trường dùng đủ các biện pháp, ngọt có, nghiêm khắc có, hiện tình hình cũng cải thiện một chút. Tôi mong có sự hiểu biết, kết hợp từ phụ huynh của các em này, vì phần lớn nhân cách các em hình thành từ trong gia đình, nên chăng cha mẹ dành thời gian và công sức để tác động, thay đổi tính cách con mình, giảm bớt tính bạo lực cho các em. Về phía nhà trường, chúng tôi đã tổ chức các câu lạc bộ thể dục thể thao, mỹ thuật, các chương trình văn nghệ… tạo sân chơi để các em giải phóng năng lượng trong cơ thể, để các em vui vẻ hơn, thoải mái hơn khi đến trường”.

Các em thực sự chỉ là nạn nhân trong một “mê cung” chuẩn mực đạo đức mà đến người lớn cũng còn tranh cãi.

Để giúp các em trang bị kỹ năng ứng xử, ban giám hiệu trường Lê Lai “đặt hàng” hẳn một chuyên đề “ứng xử học đường” cho hội quán Các bà mẹ viết riêng cho học sinh của trường. Trong buổi sinh hoạt chuyên đề này, sự hăng hái phát biểu của các em cho thấy, có một “cơn khát” về văn hoá ứng xử và khám phá bản thân.

Cho các em cảm giác được yêu thương

Lý giải vì sao tình trạng bạo lực càng lúc càng gia tăng, anh Phát, phụ huynh của một học sinh trường THPT Phước Long, khẳng định: “Nếu ngay từ những trường hợp đầu tiên, nhà trường và pháp luật xử lý răn đe hiệu quả, thì chắc chắn không ai dám vi phạm nữa. Về phía gia đình hiện nay, chúng tôi chỉ có thể dặn dò, khuyên bảo con đừng tham gia đánh nhau, nếu vô cớ bị đánh thì tìm cách chạy về. Nhưng nếu không có biện pháp cứng rắn, e rằng giáo dục sẽ không còn là giáo dục nữa!”

Không đồng tình với quan điểm cứng rắn, thạc sĩ chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thuý cho rằng: “Có một học sinh trường Lê Lai nổi tiếng côn đồ và sẵn sàng chửi bới, hành hung bạn, thầy cô cũng “ngán”. Nhưng khi nhà trường gặp phụ huynh và nhắc nhở, đề nghị phối hợp giúp em tốt hơn, thì ngay lập tức hôm sau em đến trường với rất nhiều vết roi bầm tím khắp người! Chính bố em dùng bạo lực với em thường xuyên, nên việc em dùng bạo lực với các bạn cũng là chuyện dễ hiểu! Suy cho cùng, các em là nạn nhân thôi!”

Theo thạc sĩ xã hội học Trần Đình Dũng, chính những phản ứng của xã hội hiện nay gây tác dụng ngược trong việc ngăn chặn bạo lực học đường. “Chúng ta đang hè nhau phê phán, chỉ trích, không hề có yếu tố xoa dịu, giáo dục các em bằng tình thương, sự chân thành gần gũi. Các em thực sự chỉ là nạn nhân trong một “mê cung” chuẩn mực đạo đức mà đến người lớn cũng còn tranh cãi. Thay vì “sốt” với những clip, những vụ đánh nhau, người lớn nên dành thời gian yêu thương, chăm sóc các em nhiều hơn, tìm cách lan toả tình thương ra cộng đồng, học cách nói cho các em biết các em được yêu thương như thế nào, vì chẳng ai dùng bạo lực khi họ có đầy đủ tình yêu thương cả! Cha mẹ nên học cách nuôi dạy con cái, đừng nghĩ là mình đem tiền về nuôi con là quá giỏi rồi! Nhà trường nên đưa kỹ năng sống, định hướng tương lai vào bộ môn giáo dục công dân. Dạy các em làm người tử tế còn quan trọng hơn nhiều so với việc dạy các em thành doanh nhân giỏi!”.

 

Ngô Phương Thảo ( nguồn : SGTT.online)

Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý