Sau khi đã phát hiện con có vấn đề về ngôn ngữ, giao tiếp, hành vi thì bố mẹ thường phân vân việc Test ( đánh giá ) trẻ . Đánh giá được xem là bước đầu cho việc can thiệp , nó bao gồm hai bước :
Đánh giá sàng lọc : Ở bước này, thì hầu như đa phần phụ huynh hay giáo viên, hoặc một nhân viên nào có hiểu biết về các dấu hiệu của tình trạng rối loạn phát triển ( Bao gồm Tự kỷ, tăng động kém chú ý và chậm phát triển trí tuệ ) đều có thể dùng các dấu hiệu sàng lọc để phát hiện tình trạng tự kỷ bằng bảng sàng lọc M- Chat. Hoạt động này không quá khó , miễn là chúng ta biết rõ các dấu hiệu quan trọng để nhận biết, chứ không phải là mới chỉ có vài dấu hiệu như chậm nói, hay xoay tròn, đi nhón gót, không tương tác mắt … là đã dán luôn cho cái mác tự kỷ . Nhưng có một thực tế là không chỉ có phụ huynh là còn mơ hồ về tình trạng của con mình, mà ngay cả một số nhà chuyên môn, hay giáo viên đặc biệt can thiệp trẻ tại các cơ sở, vẫn còn nhiều người không thể hay không dám đưa ra kết luận, dù chỉ mới ở bước sàng lọc là trẻ có tự kỷ, có tăng động hay có chậm phát triển hay không ? Dù điều đó được xem là sự hiểu biết tối thiểu để có thể là 1 giáo viên can thiệp cho trẻ chứ không nói là 1 chuyên viên .
Đánh giá mức độ : Sau bước sàng lọc, thì đối với phần lớn các chuyên viên, họ đều có thể đưa ra những đánh giá về mức độ nặng , nhẹ hay trung bình của trẻ để từ đó , có những định hướng cho trẻ trong việc xây dựng kế hoạch can thiệp ! Tuy nhiên cũng không thiếu các chuyên viên, giáo viên hay nhân viên Y tế, Tâm lý, Giáo dục – đặc biệt là ở các bệnh viện và các trung tâm có chức năng can thiệp cho trẻ, là họ ít khi nào có những nhận định đúng với tình trạng của trẻ, mà thông thường là sẽ dùng những thuật ngữ mơ hồ hay hiểu sao cũng được – cái thuật ngữ mà các Y bác sĩ hay dùng là cụm từ : Theo dõi tự kỷ – nó hàm ý là có dấu hiệu tự kỷ đó nhưng chưa dám xác định – cứ đem trẻ về, mang đi can thiệp cho yên tâm, còn ở mức độ nào thì ..biết chết liền ! Cái cụm từ khác mà các chuyên viên hay dùng là có dấu hiệu, hay có nét tự kỷ , có yếu tố tăng động … điều này thì không sai nhưng lại không xác định là trẻ tự kỷ có yếu tố tăng động hay trẻ tăng động có yếu tố tự kỷ ! Mới nghe qua thì thấy cũng thế, nhưng đi vào can thiệp thì sẽ thấy khác nhau ! Nếu là trẻ tự kỷ có yếu tố tăng động thì vấn đề chính của trẻ là khó khăn về giao tiếp và đó là mục tiêu chính yếu. Còn nếu là trẻ tăng động có yếu tố tự kỷ thì vấn đề lại nằm ở hành vi, và giảm thiểu hành vi tăng động sẽ là mục tiêu chính. Mọi thứ phải rõ ràng ở bước này.
Vì vây, việc đánh giá mức độ thường dễ bị bỏ qua , và điều đó sẽ gây khó khăn cho những bước kế tiếp trong tiến trình can thiệp ! Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu. Bước tiếp theo là khi phụ huynh muốn tìm cho con mình một cơ sở can thiệp tốt, có chất lượng, giáo viên có tâm, có tài, cơ sở vật chất cũng phải “vip” một chút. Đây mới là một cuộc “ Long trang hổ đấu” quyết liệt giữa các đơn vị !
Trước hết, đó là sự đấu tranh ngay tại gia đình – bố và mẹ sẽ mâu thuẫn nhau về việc đưa con đi can thiệp hay chưa cần, vì có khi ngay cả khi đã có những minh chứng rõ ràng về tình trạng của con – Đa phần là người bố vẫn không chấp nhận, họ tự an ủi mình là con chỉ chậm nói, chỉ nghịch ngợm quá mức, chỉ không chịu nghe lời và chỉ có vài hành vi không giống ai thôi. Ngay cả với người mẹ, cũng không dễ để có được sự chấp nhận về tình trạng và mức độ của con mình. Đến khi đưa con đi can thiệp, ngoại trừ các yếu tố như ở địa phương mình không có trường, trung tâm hay cơ sở can thiệp… thì các phụ huynh đành phải tìm các giáo viên đến can thiệp tại nhà hay đưa trẻ đến nhà cô với một vài trẻ khác. Còn phần lớn sẽ hỏi ý kiến các chuyên gia, hay đơn giản hơn là đưa mong muốn can thiệp của con lên FB, và thế là một đống các thông tin về một đơn vị nào đó được gửi đến PH. Cũng có PH tự mình lên mạng, tìm cơ sở cho con và bắt đầu rơi vào một môi trường “thập diện mai phục” của đủ mọi hình thức quảng cáo , mà chỉ đến khi cọ xát thực tế, mất đứt vài tháng, thậm chí cả năm cho con đi can thiệp mới nhận ra là những lời có cánh không phải là thực chất của đơn vị đó. Vậy làm thế nào để tìm cho mình một đơn vị tốt ? Ngoài yếu tố gần nhà ( đôi khi không có sự chọn lựa ) thì các yếu tố còn lại là gì ?
Cuối cùng , thế nào là một chương trình can thiệp tốt nhất mà các cơ sở có thể đem lại cho trẻ đặc biệt ! Đó chính là một chương trình phụ huynh hoàn toàn có thể nắm bắt và có thể phối hợp một cách tốt nhất tại gia đình. Cơ sở nào có đủ khả năng thuyết phục, dụ dỗ, lôi kéo và bắt buộc..không phải dành cho trẻ mà là dành cho phụ huynh để có thể hợp tác với mình, đó mới là một cơ sở tốt nhất. Nếu một cơ sở không đưa được chính phụ huynh của trẻ vào chương trình can thiệp bằng việc tác động, hướng dẫn, trao đổi, chia sẻ… để cho các ông bố, bà mẹ biết cách về nhà dành thời gian cho con, ít nhất mỗi ngày 1 giờ ngồi chơi với con . Nếu cơ sở không chia sẻ các thông tin về cách dạy trẻ, để yêu cầu bố mẹ cùng tham gia tác động mà lại yêu cầu bố mẹ không cần phải quan tâm đến việc cơ sở đang dạy trẻ các gì, đang đặt ra mục tiêu gì và thậm chí tuyên bố ( điều phụ huynh rất thích nghe ) là can thiệp ở cơ sở là đủ rồi, bố mẹ chỉ cần đóng tiền hàng tháng mà không cần phải làm gì cho con thêm ở nhà – Thì đó chính là một cơ sở giáo dục tệ nhất mà PH nên tránh xa, hơn là bị chinh phục bởi các phòng học trải thảm, gắn máy lạnh và không yêu cầu gì về phía mình. Còn chuyện tuyên bố là 3 tháng hay 6 tháng thì con sẽ nói được là một điều tối kỵ ( nhưng nhiều PH cũng..thích nghe lắm ) Điều này khác hẳn với các chương trình giáo dục dành cho trẻ bình thường, bởi vì các em là VIP mà . Đã là VIP thì phải luôn luôn được tôn trọng, yêu thương, thấu hiểu , cảm thông và ..chấp nhận ! Đến đây thì các PH đã có thể chọn được cho mình và con một đơn vị rồi chứ ? Nếu chưa – xin giới thiệu 1 cơ sở tốt nhất của mọi địa phương, mọi thời đại : Cơ sở đó có tên là Gia Đình !
Lê Khanh