Những chứng bệnh không phải là..bệnh !
27/12/2012
Hội thảo : Chăm sóc trẻ từ 0 – 5 tuổi
02/01/2013
Những chứng bệnh không phải là..bệnh !
27/12/2012
Hội thảo : Chăm sóc trẻ từ 0 – 5 tuổi
02/01/2013

Cô  Dina dạy lớp Hai tại một trường ở Ontario, Canada. Năm ấy cô được nhà trường giao cho một hoạt cảnh trong đêm văn nghệ mừng Chúa giáng sinh.  Sau khi đắn đo suy nghĩ rất lâu, cô bắt đầu phân vai cho các học sinh trong lớp.

  Rắc rối là cháu Ralph, chín tuổi. Lẽ ra cháu phải học lớp Bốn, nhưng cháu vụng về, chậm chạp, và chậm hiểu nên vẫn phải học lớp hai. Đám bạn lại rất thích cháu, vì cháu lớn xác hơn cả, dễ dàng đứng ra bảo vệ chúng nếu bị trẻ lớp khác bắt nạt.

Ralph nằng nặc đòi làm người chăn cừu, thổi sáo trong vở kịch. Cô giải thích Ralph có một vai khác quan trọng hơn, là làm chủ quán trọ. Thật ra, cô chủ ý dành cho cháu vai này vì cháu chỉ cần nói vài câu ngắn, dễ học thuộc, phù hợp với khả năng cháu. Hơn nữa với vóc dạng to hơn các bạn, Ralph dễ làm ra vẻ hùng hổ, hung hăng của ông chủ quá trọ khi xua đuổi ông bà Giu-se.


  Đêm văn nghệ của trường chật ních khán giả. Ai cũng háo hức muốn xem con cháu nhà mình trổ tài trên sân khấu cuối năm.Hoạt cảnh lớp cô diễn ra suôn sẻ từ đầu vì  bọn trẻ được tập luyện rất nhuần nhuyễn.

  Thế  rồi đến cảnh ông Giu-se chậm chạp, mệt mỏi dìu bà Ma-ri-a đến cánh cửa quán trọ đóng im ỉm. Ông gõ cửa. Ralph chỉ chờ có thế. Cháu mở tung cánh cửa ra, hùng hùng hổ hổ quát:

“Mấy người muốn gì?”

“Chúng tôi tìm chỗ trọ qua đêm.”
“Chật hết rồi. Đi chỗ khác đi!”
“Xin ông làm ơn. Chúng tôi đã hỏi hết các nơi khác nhưng đều bị từ chối. Chúng tôi đi đường xa, mệt mỏi.”
“Không còn phòng nào hết!”
“Xin ông mở lòng lành. Đây là vợ tôi, sắp đến ngày sanh nở. Vợ tôi rất cần được nghỉ ngơi đêm nay. Xin ông cho một xó xỉnh nhỏ hẹp nào cũng được.”

  Ralph nhìn bà Ma-ri-a, rồi đứng ì ra khá lâu. Cả hội trường im phăng phắc, bối rối trước thái độ của Ralph. Nấp sau cánh gà, cô giáo nhắc tuồng: “Không, xéo đi!”

Ralph vẫn đứng như phỗng đá.

Cô  nhắc đến lần thứ ba. Mỗi lúc một lớn  giọng hơn. Các cháu đóng vai thiên thần ở hậu trường cũng sốt ruột, lo ngại không kém mọi người.

Cuối cùng Ralph cũng mở miệng như cái máy: “Không, xéo đi!”

Ông Giu-se buồn bã, thất thểu dìu bà Ma-ri-a bước đi.


 


Tay chủ quán không quay vào đóng sập cánh cửa lại như đã tập dượt thuần thục hàng chục lần. Y đứng sững đó, dõi mắt nhìn theo ông bà Giu-se. Y chau mày, vẻ mặt khổ sở, bờ môi run run nén cơn cảm xúc, và kìa, hai tròng mắt y đã ướt sũng tự lúc nào!
Ralph gào lên: “Đừng đi, Giu-se! Đưa Ma-ri-a quay lại đây!”

Tay chủ quán dang rộng hai cánh tay, miệng cười rạng rỡ:  “Mời ông bà ngủ lại trong phòng của tôi.”

 

Cô  giáo bật khóc. Các cháu nhỏ thủ vai thiên thần ùa cả ra sân khấu trong lúc khúc nhạc mừng Giáng sinh trổi lên rộn rã…

  (Thầy Lê Anh Dũng chuyển dịch)

………………………………………………..

Ghi chú: (BS Đỗ Hồng Ngọc)

Đây là một câu chuyện có thực của một em học sinh “chậm phát triển” tên Wallace Purling (trong truyện là Ralph) xảy ra ở trường London, Ontario, Canada, được cô giáo Dina Donohue kể lại, có tên là “Trouble at the Inn”. Cô kể là một số người trách cô, nói vở kịch đã bị “bể dĩa”, trong khi một số khác bảo “chưa bao giờ thấy xúc động đến thế”- vì những điều xảy ra đầy bất ngờ ngoài “kịch bản” qua diễn xuất của Wallace!
Truyện do Lê Anh Dũng (Huệ Khải) chuyển dịch rất khéo, và tôi, lạ lùng, mỗi lần đọc đều cảm thấy rưng rưng, bởi đó là chuyện của một em bé “chậm phát triển” mà trong Nhi khoa tôi vẫn thường gặp… – như là một nhắc nhở cho chính mình..

Comments

comments

Lê Khanh
Lê Khanh
Chuyên gia tâm lý